Xuân về trên bản vùng cao

Thứ hai - 26/12/2022 21:03
Trong những năm qua, nhiều chương trình, dự án nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế tại các xóm bản vùng cao, vùng dân tộc thiểu số được triển khai thực hiện. Hiệu quả các chính sách hỗ trợ của nhà nước cùng sự nỗ lực của nhân dân đã thay đổi tích cực bộ mặt đời sống các xóm bản vùng cao tỉnh Thái Nguyên.
 
tèn đường lên xóm

Đường lên xóm Bản Tèn

1.
Nằm cách trung tâm huyện Đồng Hỷ gần 30km, xóm Mỏ Ba, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ là một xóm vùng cao đặc biệt khó khăn với hầu hết là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. 
Ông Phạm Tuấn Tú, Bí thư Chi bộ xóm Mỏ Ba cho biết xóm có khoảng 170 hộ dân, người Mông gần 100 hộ, người Kinh 12 hộ, còn lại là các dân tộc Cao Lan, Dao, Mường, Thái. Do 100% diện tích là đồi núi, ít đất đai canh tác, đường xá đi lại rất khó khăn nên hiều năm trước đây, người dân gặp khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, chìm trong cảnh đói nghèo, lạc hậu. Đề án “Phát triển kinh tế, xã hội ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều dân tộc Mông sinh sống tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020”, đặc biệt là tuyến đường dài 10km từ trung tâm xã lên bản được khánh thành cuối năm 2018 không chỉ giúp nối gần vùng cao mà còn mở ra cuộc sống mới, tư duy mới, cách làm ăn mới cho đồng bào.
Mấy năm gần đây, bà con đã thay đổi tư duy làm ăn, sản xuất đã có kế hoạch, đã đầu tư máy móc để sản xuất, chọn lựa những giống chất lượng tốt đưa vào canh tác. Đặc biệt, xóm có điều kiện rất thuận lợi để phát triển cây chè, nhiều gia đình đã đầu tư trồng chè diện tích lên tới vài ha, thu nhập hàng trăm triệu/năm từ chè, như hộ Dương Văn Quý, Dương Văn Tư... Một số hộ có nhiều đất rừng đã mạnh dạn đầu tư trồng rừng và trồng các loại cây ăn quả hàng hóa như ổi, cam, bưởi, nhãn, bước đầu có hiệu quả, như hộ nhà Đặng Văn Vinh, Dương Văn Báo, trồng tới hơn 400 cây, tiêu thụ khá tốt. Hiện, đã có hộ đầu tư hàng trăm triệu đồng để trồng các loại cây dược liệu. Người dân cũng chuyển thói quen chăn thả trâu bò dê sang nuôi nhốt, trồng cỏ để vỗ béo. Nhiều gia đình cho con em đi làm công ty, thu nhập khá ổn định, có điều kiện hỗ trợ gia đình đầu tư vào chăn nuôi thêm. 
mỏ ba chăm sóc trâu bò

Người dân Mỏ Ba phát triển mô hình chăn trâu bò nuôi nhốt cho hiệu quả kinh tế cao

Để hỗ trợ bà con sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xóm đã thành lập HTX Nông nghiệp Mỏ Ba, đầu tư 4 máy vò và 3 tôn quay để sao sấy chè. Ngoài chế biến, tiêu thụ chè của các hộ thành viên, HTX còn thu mua và chế biến chè của các hộ trong xóm, nhờ vậy, cuộc sống của người dân đã được cải thiện rất nhiều, một số hộ đã mua được ô tô phục vụ đi lại và chở hàng hoá. 
Đi trên con đường xóm sạch sẽ, khang trang, những ngôi nhà gọn gàng ngăn nắp, những chuồng trại sạch sẽ, vệ sinh, nhìn cuộc sống đang diễn ra ở Mỏ Ba hôm nay, rất khó hình dung về một xóm bản đói nghèo, lạc hậu của vài năm trước. Cảm nhận rất rõ hơi thở của mùa xuân mới, của nông thôn mới ở xóm vùng cao này.

2.
So với Mỏ Ba, không khí xuân ở Bản Tèn rõ nét hơn bởi những sắc hoa đua nhau nở rực rỡ. Nằm ở độ cao 1.200m so với mực nước biển,  xóm Bản Tèn thuộc xã Văn Lăng, là xóm cao xa nhất của huyện Đồng Hỷ. Xóm có hơm 140 hộ đồng bào dân tộc Mông sinh sống, 100% là nghèo và cận nghèo.
tèn chăm sóc rau

Người dân xóm Bản Tèn chăm sóc rau vụ xuân 
 
Dù vậy, từ nhiều năm nay, Bản Tèn là một địa danh du lịch rất hấp dẫn bởi cảnh sắc thiên nhiên, con người và nhịp sống vùng cao. Đặc biệt mấy năm gần đây, hệ thống đường giao thông lên xóm, những con đường nội xóm đã được bê tông hóa rất thuận lợi, thêm vào đó là Lễ hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Mông được tổ chức hàng năm, điểm nhấn là vùng hoa tam giác mạch, đã thu hút nhiều du khách thập phương đến thăm quan. Người dân Bản Tèn đã bắt đầu làm quen với các hoạt động kinh doanh dịch vụ như cho thuê chụp ảnh, giới thiệu những món ăn đặc sản và trang phục dân tộc,  từ đó có thêm thu nhập.
Nhiều giải pháp về giảm nghèo đã được Nhà nước triển khai tại xóm đã có hiệu quả rõ rệt, như: xây dựng 7 tuyến đường trục xóm, ngõ xóm với chiều dài gần 4km; đầu tư cải tạo, nâng cấp đường điện hạ thế, thay toàn bộ hệ thống đường dây dẫn từ sau công tơ tổng về các hộ dân; hỗ trợ về dạy nghề, giải quyết việc làm, tạo cơ hội cho lao động trong độ tuổi tại Bản Tèn tìm được công việc phù hợp với khả năng của bản thân; thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ về giáo dục - đào tạo đối với học sinh dân tộc Mông; chính sách về y tế và cấp thẻ bảo hiểm y tế; nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh ban đầu tại Trạm Y tế xã Vân Lăng; triển khai các chính sách hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trơ xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt, hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý...
Các hộ dân được hỗ trợ phát triển kinh tế thông qua  mô hình chăn nuôi trâu, bò, dê, gà đặc sản và trồng các loại cây phù hợp với điều kiện địa phương như bí đỏ, bò khai, khoai tây, trám ghép. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã khảo sát về địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu ở Bản Tèn, tham mưu cho UBND huyện triển khai 11 mô hình chăn nuôi, trồng trọt, đồng thời tập huấn cho người dân các kiến thức ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
Anh Lý Văn Sỹ, Trưởng xóm Bản Tèn cho biết: Trước đây đời sống của người dân vô cùng khó khăn, nhờ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bà con đã thay đổi nhận thức trong nếp sống sinh hoạt và lao động sản xuất. Được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, đời sống của bà con người Mông ở Bản Tèn ngày một phát triển hơn, bà con luôn nỗ lực xây dựng cuộc sống mới, chung sức đồng lòng xây dựng nông thôn mới tươi đẹp như mùa xuân đang về.

 

Tác giả bài viết: Ngọc Khuê


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Cơ quan chủ quản