Biên tập viên Hoàng Trang: Tôi còn nợ Quảng Trị…

Thứ hai - 17/09/2018 08:14   Đã xem: 644   Phản hồi: 0

Nhà báo Vũ Quang: tạp chí Nhà báo & Quê hương số tháng 9 năm 2018 vừa đăng bài phỏng vấn biên tập viên ( BTV) và MC hoàng Trang- một trong những người gắn bó và trưởng thành cùng mảnh đất Quảng trị linh thiêng. Xin trân trọng giới thiệu câu chuyện của Hoàng Trang với bạn đọc daotao.vtv.vn.

Biên tập viên Hoàng Trang: Tôi còn nợ Quảng Trị…



Tại sao Hoàng Trang lại chọn nghề truyền hình?

BTV Hoàng Trang: Từ bé tôi đã có ước mơ được lên tivi, ước mơ bắt nguồn từ chương trình Bông hoa nhỏ,và tôi là con gái của NSUT Hà Vy nên mẹ thường tạo điều kiện cho tôi sinh hoạt các câu lạc bộ văn hoá, học hát. Tôi có may mắn được lên truyền hình từ nhỏ, tất nhiên là với vai trò ca sĩ nhí, nhận cát sê 10,20,40 nghìn cho một chương trình quay hình của Đài truyền hình từ những năm 90 của thế kỷ trước . Có lẽ ước mơ trở thành một người làm truyền hình được khơi nguồn từ những điều bé tí như thế. Về sau, khi lớn hơn, ước mơ cũng dần định hình rõ nét khi tôi rất hâm mộ những người dẫn chương trình như nhà báo Lại Văn Sâm hay nhà báo Diễm Quỳnh. Tôi bắt đầu quyết tâm rằng Đại học chỉ học duy nhất một ngành, đó là báo chí, để theo đuổi mơ ước trở thành  người dẫn chương trình, để có cơ hội được làm việc cùng với anh Sâm, chị Quỳnh, và nhiều MC khác…

Có thể đối với nhiều người thì ước mơ được lên tivi hoàn toàn là một ước mơ của trẻ con. Nhưng với tôi, khi 15 tuổi, tôi đã xác định rất rõ con đường mình sẽ đi,và phải làm thế nào để đạt được điều mình hằng mơ ước. Những gì diễn ra sau này hoàn toàn là do tôi đã kiên trì thực hiện ước mơ của mình, trở thành một biên tập viên truyền hình làm việc tại Đài truyền hình Việt Nam.

Ai là người thầy truyền hình đầu tiên của Hoàng Trang?

BTV Hoàng Trang: Tôi có may mắn được học đúng chuyên ngành truyền hình, khoa Báo chí, Học viện báo chí & Tuyên truyền, ở khoa có rất nhiều thầy cô giỏi. Nhưng thật khó để trả lời rằng ai là người thầy truyền hình đầu tiên của mình vì tôi có rất nhiều thầy, cả thầy cô trên giảng đường, và cả những người thầy trong nghề. Tôi biết ơn thầy Đinh Ngọc Sơn, thầy giáo chủ nhiệm lớp báo truyền hình K20 của tôi ở trường báo (giờ thầy là Phó chủ nhiệm khoa Phát thanh TH- HV Báo chí). Thầy là người nói với tôi rằng, truyền hình không có chỗ cho sự lười biếng, và vì là một công việc teamwork, nên không có việc to việc bé, việc nào cũng có ý nghĩa trong cả ê kip. Chỉ cần một bộ phận nào đó làm không tốt, là sẽ ảnh hưởng đến cả công sức của tập thể. Tôi mãi mãi ghi nhớ lời thầy dạy, cho nên, dù sau này trở thành MC và đứng ở vị trí trung tâm của một sân khấu, tôi cũng vẫn sẵn sàng đổi vai kiêm luôn trợ lý khán giả, hoặc thậm chí đã từng có lần lấy sào để khều một chiếc đèn trường quay khi nó nằm không  đúng vị trí. … Tôi không nề hà bất cứ việc gì từ làm hiện trường, hậu kỳ, đến liên hệ khách mời, chủ nhiệm, chính là bởi vì tôi từng kinh qua hầu hết mọi vị trí trợ lý trước khi trở thành biên tập viên dẫn. “Không có 1 MC giỏi nếu không phải là một biên tập viên giỏi”, đó là châm ngôn làm nghề của tôi.

Còn để nói về người thầy đầu tiên trong nghề, đó là biên tập viên Thu Hương của VTV3. Khi tôi trúng tuyển để trở thành cộng tác viên dẫn chương trình Me xanh của VTV3, chị Hương là người cùng tôi thực hiện những cảnh quay đầu tiên đánh dấu sự xuất hiện của tôi trên sóng VTV với tư cách là một MC . Chị ấy đã chia sẻ với tôi nhiều kinh nghiệm quý, chỉnh sửa cho tôi từng lời dẫn đầu tiên tôi viết.
Chương trình đầu tiên của chị trên truyền hình quốc gia vào khi nào?


BTV Hoàng Trang: Tôi vẫn còn nhớ, nhưng đúp quay đầu tiên của tôi là vào mùa hè năm 2002, trong chương trình Me Xanh – một chương trình dạng tạp chí dành cho lứa tuổi 15-19 của VTV3. Chúng tôi ghi hình các đúp dẫn ngay ở đường Nguyễn Chí Thanh – dẫn ở hiện trường. Tôi nói về hai đề tài: nạn đua xe của thanh thiếu niên mới lớn, và hệ quả của tệ nạn nghiện hút. Hồi đó làm nghề còn rất đơn giản, nhưng tôi không bao giờ quên. Các phần thực tế cho hai chủ đề đó ê kíp đã quay trước, chỉ còn trống mỗi phần dẫn móc nối của MC. Tôi được xem những cảnh đua xe lạng lách, xem và nghe phỏng vấn của các bạn trẻ đang ngồi tù vì tội buôn bán heroin. Và rồi tôi viết lời dẫn bằng những cảm nhận trong sáng nhất của một cô gái mới 20 tuổi, vẫn đang là sinh viên đi học, lần đầu tiên làm truyền hình.Tôi còn nhớ một kỷ niệm rất buồn cười là: chiều hôm trước tôi đi tuyển MC, tối hôm đó tôi nhận được điện thoại thông báo rằng mình trúng tuyển,và sáng hôm sau quay hình. Đêm đó tôi vật vã viết 6-7 đoạn lời dẫn, rồi gửi cho biên tập viên chỉnh sửa lại. Tất cả mọi thứ diễn ra rất nhanh,tôi dã trở thành MC của VTV chỉ sau một đêm!( Cười). Cũng kể từ khi ấy, tôi chưa bao giờ dẫn bằng lời của người khác, tôi chỉ dẫn những gì mình từ viết, tự biên tập ra. Tôi thấy đó là điều tất yếu đối với mỗi người dẫn chương trình.
 
 
Biên tập viên Hoàng Trang bên dòng sông Thạch Hãn

Chương trình lần đầu thực hiện trên mảnh đất Quảng Trị diễn ra như thế nào?

BTV Hoàng Trang: Đó là cầu truyền hình Huyền thoại Trường Sơn – 2004, một chương trình mà đời làm nghề, tôi cảm thấy mình quá may mắn vì đã được tham gia sản xuất. Khi đó tôi vừa mới tốt nghiệp Đại học, làm việc ở Phòng Ca nhạc-Tạp kỹ VTV3 trong vai trò thử việc. Vậy mà tôi được giao trợ lý cho hai MC Diễm Quỳnh và Long Vũ, một phần việc rất quan trọng trong chương trình. ( Thời điểm đó, phòng tôi được giao nhiều nhất những chương trình quan trọng trên sóng VTV3, đặc biệt là các chương trình cầu truyền hình trực tiếp). Tuy địa hình làm việc chỉ gói gọn trong nghĩa trang Trường Sơn, nhưng đó là những ngày tháng 7, mưa bão nhiều.Chúng tôi lại có nhiều set cảnh ở các góc khác nhau của nghĩa trang để phục vụ cho những câu chuyện khác nhau trong suốt chương trình, do đó, hai MC phải di chuyển rất vất vả. Tôi trợ lý chính cho chị Diễm Quỳnh (cầm bộ đàm để báo cáo và liên lạc cũng như nghe lệnh đạo diễn để truyền đạt lại cho MC), ngoài việc phải chuẩn bị sẵn sàng kịch bản dẫn cho hai MC,còn phải nắm chắc đường dây và dự báo những tình huống có thể xảy ra trên đường di chuyển của MC. Anh hãy tưởng tượng xem, khi ấy, tôi, một sinh viên vừa tốt nghiệp Đại học, lại được giao một nhiệm vụ quan trọng như vậy, tôi đã căng thẳng biết bao, nhưng tôi cũng biết là mình may mắn thế nào mới được là một trong số 70 con người thuộc ê kíp làm cầu truyền hình huyền thoại ấy. Khi chạy sân khấu dưới trời mưa gió, tôi đã thử nghĩ ra những cản trở có thể xảy đến, nhưng tôi vẫn bị chủ quan một chuyện là khi chương trình thực sự diễn ra, lượng khán giả, người dân cả nước, người dân Quảng Trị đổ về nghĩa trang Trường Sơn quá đông, gây khó khăn trong di chuyển dù có những set chỉ cách nhau tầm vài chục mét. Đã có lúc, tôi vã mồ hôi, cứ liên tục nắm tay chị Quỳnh để len lỏi đưa chị ấy tới điểm dẫn. Phải nói rằng, có ở gần một MC kỳ cựu như thế và tác nghiệp cùng, mới thấy được bản lĩnh của chị. Diễm Quỳnh ngược lại còn động viên tôi: sẽ kịp, em yên tâm. Và kết quả là dù có những set cảnh chúng tôi chỉ đến điểm dẫn trước khi lên sóng đoạn đó vài chục giây, thì mọi thứ vẫn diễn ra ổn thoả. Cách đây 14-15 năm thì có thể nói, cầu truyền hình Huyền thoại Trường Sơn là một “bom tấn” truyền hình thực sự, chưa bao giờ có một chương trình quy mô như thế thực hiện ở nghĩa trang quốc gia Trường Sơn. Rất nhiều sự việc xảy ra trong quá trình chúng tôi thực hiện cầu truyền hình đó mãi tận sau này cũng chỉ có thể lý giải bằng hai chữ: linh thiêng. Nếu không linh thiêng, thì làm sao, ngay trên sóng trực tiếp, những thông tin, danh tính của các liệt sĩ chưa biết tên đã được chính khán giả gọi điện về cung cấp, và xác nhận! Không linh thiêng thì làm sao đúng ngày lên cầu, mưa đang như trút, chỉ sau khi nhà báo Lại Văn Sâm thắp hương xin anh linh các liệt sĩ phù hộ, lúc lên cầu, trời tạnh ráo! Chúng tôi hân hoan gỡ bỏ áo mưa và các thiết bị che chắn camera, để thực hiện một chương trình truyền hình đầy xúc cảm. Sau khi trả sóng, hoàn thành chương trình, tôi nhớ mãi, nhà báo Lại Văn Sâm, tổng đạo diễn chương trình nhảy xuống từ xe màu, lần lượt ôm chầm lấy chúng tôi. Anh ấy nói với tôi: Trang làm rất tốt! Lời động viên đó tôi không bao giờ quên. Cũng kể từ cầu truyền hình đó, duyên nợ của tôi với mảnh đất Quảng Trị mở ra với một loạt chương trình lớn khác sau này.

Kỷ niệm của chị khi tác nghiệp cùng các đồng nghiệp của đài Quảng Trị?

BTV Hoàng Trang: Kỷ niệm thì có nhiều, vì mỗi chương trình chúng tôi thực hiện ở Quảng Trị đều nhận được sự hỗ trợ rất nhiều của các đồng nghiệp tại Đài phát thanh- truyền hình Quảng Trị, Hội nhà báo tỉnh cũng như các đơn vị khác ở Quảng Trị. Sự quan tâm và nhiệt tình của người Quảng Trị khiến chúng tôi rất xúc động.Còn nhớ trong một chương trình khác là cầu truyền hình “Một thời hoa lửa”, hôm lên sóng trúng vào dịp cơn bão lớn đang hoành hành ở miền Trung, mấy nghìn khán giả đội mưa theo dõi chương trình ở đầu cầu Thành cổ. Tôi lúc ấy là người dẫn, kịch bản bị mưa ướt nát bét thành 1 đống trên tay không còn nhìn ra hình thù gì. Nếu không nhờ trước đó mấy ngày, anh em Quảng Trị đã kết nối để tôi đi gặp gỡ khách mời, còn cung cấp nhiều thông tin quý giá, chắc là tôi không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình trong chương trình quá lớn đó.

Hoàng Trang nghĩ sao về câu chuyện khi khánh thành nghĩa trang liệt sĩ trường Sơn thì một cơn lốc bất ngờ cuốn phăng cả bó  hương lên trời…?

BTV Hoàng Trang: Như tôi đã nói, Quảng Trị là một mảnh đất có nhiều câu chuyện linh thiêng đến kỳ lạ. Chúng tôi đã không còn quá thắc mắc hoặc quá ngạc nhiên trước những chuyện như anh vừa nói ở trên, là bởi vì, hình như có sức mạnh siêu nhiên nào đó luôn nhìn vào chúng ta, quan sát, theo dõi những việc chúng ta làm, cách chúng ta ứng xử với quá khứ và những người đi trước. Khi những người hậu thế như chúng ta làm được những điều tốt đẹp, tôi tin, sẽ luôn có anh linh các liệt sĩ che chở, ghi nhận. Thay vì trả lời câu hỏi của anh, tôi muốn kể một câu chuyện khác. Đó là gần đây nhất, tôi quay trở lại Quảng Trị để thực hiện 2 chương trình:một là cầu truyền hình “Dáng đứng Việt Nam” kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7. Và chương trình Giai điệu tự hào tháng 9/2017 chủ đề “Mồ hôi đá”. Chúng tôi lại gặp bão. Hôm tổng duyệt cầu truyền hình, trong bốn đầu cầu, chỉ duy có đầu cầu Quảng Trị là cầu gãy, chúng tôi đã không thê tổng duyệt và nối cầu cùng 3 đầu còn lại vì mưa quá to. Cây cối đổ rạp, không có đơn vị thi công nào chịu lắp bạt che mưa.Chúng tôi nằm ở khách sạn thành cổ,bất lực nhìn ra màn mưa và đã nghĩ đến tính huống xấu nhất, rồi báo về Hà Nội là  nếu mai cầu Quảng Trị gãy, thì sẽ làm gì để lấp sóng, dự trù phương án phát phát sóng thay thế… Ngày hôm sau, chúng tôi dành cả buổi sáng để đến những điểm tâm linh, đội mưa để làm như lời nhà báo Trần Đăng Mậu, một người Quảng Trị gắn bó với VTV chia sẻ:” các bạn cứ yên tâm, chỉ cần các bạn làm lễ, nói với anh linh các liệt sĩ rằng: Chúng em về làm việc tốt nhớ các anh. Các anh cảm động cũng đừng khóc nhiều, để chúng em hoàn thành nhiệm vụ. Nhất định sẽ được phù hộ. Và rồi kết quả thế nào anh biết không. Tối hôm ấy,8h quảng Trị lên cầu, 8h10 mưa tạnh hẳn. Và rất nhiều người Quảng Trị đã nói với chúng tôi là chưa bao giờ thấy Quảng Trị đẹp lung linh đến thế.
Chương trình mà chị ấp ủ sẽ làm tại Quảng Trị?

BTV Hoàng Trang: Tôi vẫn ấp ủ sẽ làm được một chương trình nghệ thuật đặc sắc về đất và người Quảng Trị.Nhưng  chắc sẽ phải một thời gian nữa, để nó phải khác biệt với những gì chúng tôi đã làm trước đây. Tôi yêu Quảng Trị vì mảnh đất này còn quá nhiều điều để chúng ta khám phá, và bởi vì Quảng Trị, đối với tôi, còn là nơi ghi dấu những mốc trưởng thành trong nghề.Tôi vẫn cảm thấy mình nợ Quảng Trị một lời cảm ơn!

Câu hỏi mà chị muốn được hỏi mà tôi quên chưa hỏi?

BTV Hoàng Trang: Cảm ơn nhà báo đã cho tôi một cơ hội để chia sẻ với độc giả. Đó là tất cả  những gì tôi muốn nói.
 Vũ Quang
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập45
  • Hôm nay12,485
  • Tháng hiện tại536,712
  • Tổng lượt truy cập17,466,670

Phóng sự

Xem thêm

Hình ảnh nổi bật

09/2023/NQ-HĐND

Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông

Lượt xem:60 | lượt tải:16

274/TB-VPCP

Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:77 | lượt tải:20

mẫu 1

mẫu đơn đề nghị tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam

Lượt xem:164 | lượt tải:43

73/KH-UBND

Kế hoạch Tổ chức Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng tỉnh Thái Nguyên lần thứ I - năm 2024

Lượt xem:174 | lượt tải:54

375/QĐ-TTg

Quyết định Về việc phê duyệt Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:195 | lượt tải:60

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây