Hà Nam là vùng đất có bề dày lịch sử văn hiến, quê hương của nhiều nhà cách mạng, nhà văn hóa có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước, trong đó có nhà báo Hoàng Tùng- người từng giữ nhiều cương vị lãnh đạo chủ chốt, là cán bộ cấp cao của Đảng: nguyên Bí thư TW Đảng, nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn TW, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam,…
Ông tên thật là Trần Khánh Thọ, sinh ngày 14/1/1920, tại xã Nhân Hòa, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Năm 17 tuổi, ông đã tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1940 bị thực dân Pháp bắt, giam cầm tại nhà tù Sơn La. Tại đây, ông được kết nạp vào Đảng tại Chi bộ nhà tù. Cũng như bao tử tù cộng sản, ông đã biến nhà tù thành trường học: học làm báo cách mạng. Sau khi ra tù, ông tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng, trở thành Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng, rồi Bí thư Thành ủy Hà Nội năm 1945, khi mới 25 tuổi. Từ đó, ông được giao nhiều trọng trách quan trọng: Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Phó Bí thư Khu ủy khu III ( Khu Tả ngạn sông Hồng), Phó Trưởng ban Tổ chức TW Đảng, Chánh văn phòng TW Đảng, Phó Trưởng ban rồi Trưởng ban Tuyên huấn TW, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành TW Đảng khóa III, Ủy viên TW khóa IV và Bí thư TW Đảng khóa V, 5 khóa đại biểu Quốc hội ( từ khóa III đến khóa VII), Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Giám đốc Nhà xuất bản Sự Thật, v.v…
Chân dung nhà báo Hoàng Tùng (Nguồn ảnh: Internet)
Quãng thời gian dài nhất, ghi nhiều dấu ấn nhất trong cuộc đời của nhà báo Hoàng Tùng là gần 30 năm làm Tổng Biên tập Báo Nhân Dân và 25 năm làm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Đây là thời kỳ sự nghiệp báo chí của ông thăng hoa, để lại nhiều dấu ấn sâu sắc của một người lãnh đạo, đồng thời là người cầm bút trực tiếp làm báo.
Ông viết hàng nghìn bài báo, các bài báo của ông chủ yếu viết về xã luận, bình luận, mang hơi thở nóng bỏng của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bài viết của ông mang đầy chất lửa, đanh thép, sắc sảo, lay động lòng người, bởi lập luận chặt chẽ, giàu hình ảnh, ngôn ngữ đặc sắc, có dấu ấn riêng. Ông được mọi người trong làng báo nhận định là một nhà báo bậc thầy, cây đại thụ của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Nhà báo Hà Đăng, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, nguyên Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương nhận xét: “Phần lớn cuộc đời hoạt động của anh gắn bó mật thiết với mặt trận tư tưởng, văn hóa và báo chí của Đảng, trong đó, anh vừa là chiến sĩ, vừa là người chỉ huy. Anh để lại dấu ấn sâu sắc của một người lãnh đạo đồng thời là người cầm bút trực tiếp. Học Bác Hồ, học đồng chí Trường Chinh về tư tưởng báo chí và cách làm báo là điều anh luôn ghi nhớ. Rất đúng khi nói Hoàng Tùng là nhà chính luận bậc thầy. Những bài chính luận của anh trực tiếp đề cập những vấn đề chính trị, xã hội rộng lớn nhất, nóng bỏng nhất… Phong cách của anh rất riêng, đến nỗi không chỉ những người làm Báo Nhân Dân mà cả giới báo chí, qua những bài viết ký tên hay không ký tên đều nhận ra rằng đó là bài của Hoàng Tùng”.
Vào những thời điểm có tính bước ngoặt, nhà báo Hoàng Tùng đã xông thẳng vào những vấn đề đang còn nhiều tranh cãi, chưa ngã ngũ. Điển hình là vào năm 1979, khi nhân dân tìm cách bung ra sản xuất, trong Đảng đang le lói những ánh nắng đổi mới đầu tiên, cũng là lúc diễn ra tranh cãi gay gắt về phương thức đổi mới trong thời kỳ quá độ. Nhà báo Hoàng Tùng đã viết liền hai bài xã luận đăng trên báo Nhân Dân "Nhiệt tình cách mạng và quy luật khách quan" và "Động lực tinh thần và lợi ích vật chất" gây chấn động dư luận.
GS. TS Tạ Ngọc Tấn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: “Trong cuộc sống đời thường, Hoàng Tùng là một người thông tuệ, rất hóm hỉnh, đôi khi pha chút hài hước. Khi viết báo, ông là một cây bút sắc sảo với lối tư duy rất riêng, không chấp nhận lối mòn, luôn hướng tới sự mới mẻ, độc đáo. Đó cũng chính là những đặc điểm làm nên phong cách chính luận Hoàng Tùng, không thể lẫn với những cây bút nổi tiếng đương thời”.
Nhà báo Phan Quang, nguyên Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá: Nhà báo Hoàng Tùng là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí và truyền thông. Ông là nhà báo, là người chỉ đạo báo chí sắc sảo, năng động, hiểu biết rộng, nhạy bén với cái mới, chan hòa với thực tiễn, am tường nghiệp vụ truyền thông. Yêu cầu khắt khe với chính mình, đòi hỏi cao mà thông thoáng với cộng sự, khó mà dễ, tưởng dễ thực ra khó, đấy chính là nét tiêu biểu tạo nên phong cách nhà báo và nhà lãnh đạo Hoàng Tùng.
Nhà báo Hoàng Tùng không chỉ là cây bút chính luận tài ba, sắc sảo, bản lĩnh hàng đầu trong làng báo, mà còn là nhà quản lý báo chí, lãnh đạo báo chí tài ba. Nói về thể loại chính luận, chia sẻ với đồng nghiệp, nhà báo Hoàng Tùng đã từng nói: “ Thể loại chính luận là thể loại quan trọng nhất đối với mỗi tờ báo vì ngoài tính thông tin, hướng dẫn dư luận còn thể hiện rõ quan điểm của mỗi nhà báo. Trước hết, nhà báo phải nắm được sự kiện, trình bày sự kiện đó một cách trung thực và điều quan trọng là phải đánh giá được sự kiện đó”.
Phát hiện các nhân tố mới, nhân rộng điển hình tiên tiến là cách làm truyền thống, mang lại nhiều thành quả cho báo chí cách mạng Việt Nam. Nhà báo Hoàng Tùng với tư cách là Tổng Biên tập Báo Nhân Dân đã chỉ đạo cán bộ, phóng viên Báo Nhân Dân đi vào cuộc sống, viết về các nhân tố mới, điển hình mới, cổ vũ nhiều phong trào hành động cách mạng như Thanh niên "Ba sẵn sàng", Phụ nữ "Ba đảm đang", "Đại phong" trong nông nghiệp, "Duyên hải" trong công nghiệp, "Ba nhất" trong quân đội, “Bắc Lý” trong giáo dục ...
Trong nhiều năm tham gia lãnh đạo hoặc trực tiếp làm Trưởng ban Tuyên huấn TW, có lúc kiêm Chủ tịch Hội Nhà báo, nhà báo Hoàng Tùng đều truyền ngọn lửa chiến đấu ấy cho đội ngũ những người làm công tác tư tưởng, văn hóa và báo chí của ta. Ông đã đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa 3 và khóa 4 trong suốt 25 năm, từ năm 1962 đến năm 1987. Dưới sự dẫn dắt, chỉ đạo của nhà báo Hoàng Tùng, Hội Nhà báo Việt Nam thời kỳ này đã gặt hái được nhiều thành công rực rỡ, đội ngũ người làm báo yêu nước đã không ngừng được bổ sung, bồi dưỡng, lớn mạnh có bản lĩnh chính trị vững vàng, góp phần không nhỏ về công tác tư tưởng trong cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, đồng thời mang đậm tính nhân văn, yêu chuộng hòa bình.
Nhà báo Hoàng Tùng trở về nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam (Nguồn ảnh: Báo Sài Gòn Giải Phóng)
Tâm sự về nghề, ông thường dành những lời tâm huyết với đồng nghiệp: nghề báo là một nghề đặc biệt; mỗi nhà báo hãy biết tôn trọng sự thật và luôn có trách nhiệm với từng bài viết, từng con chữ viết ra; mỗi nhà báo hãy luôn nhớ và thấm nhuần lời dạy của nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh: "Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt ra câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết như thế nào cho phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc". Đã nhiều lần ông chia sẻ cùng các đồng nghiệp rằng: Ngôn ngữ báo chí của "Nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh" là sự kết tinh hài hoà, tài tình, linh hoạt giữa ngôn ngữ văn hoá, ngôn ngữ báo chí và ngôn ngữ đại chúng. Chính vì thế, những bài viết của Người luôn có ấn tượng, gần gũi, lắng sâu đối với cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân. Phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là đường hướng và mục tiêu phấn đấu trong suốt cuộc đời hoạt động chính trị và làm báo của Hoàng Tùng.
Dãy phố mang tên nhà báo Hoàng Tùng (Nguồn ảnh: Báo Hà Nam)
Nhà báo Hoàng Tùng ra đi vào ngày 29/ 6/2010, đối với lịch sử 92 năm báo chí cách mạng Việt Nam, trong số các nhà báo lão thành, các nhà báo bậc thầy, nhà báo Hoàng Tùng là cây bút đại thụ như cách gọi của nhà báo tên tuổi. Đối với đất nước và quê hương, nhà báo Hoàng Tùng là sự kết hợp giữa nhà cách mạng lão thành trọn đời vì Đảng, vì dân, nhà tuyên huấn nổi tiếng và nhà báo ở tầm cao, người con ưu tú có nhiều đóng góp và ảnh hưởng sâu sắc tới sự phát triển của quê hương Hà Nam. Với sự đóng góp không nhỏ cho nền báo chí Cách mạng Việt Nam, tên của nhà báo Hoàng Tùng đã được trân trọng đặt cho một tuyến phố ở Khu đô thị Bắc Châu Giang, thành phố Phủ Lý- Hà Nam.
Tác giả bài viết: HG (tổng hợp)
Nguồn tin: hoinhabaovietnam.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông
Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam
mẫu đơn đề nghị tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam
Kế hoạch Tổ chức Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng tỉnh Thái Nguyên lần thứ I - năm 2024
Quyết định Về việc phê duyệt Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam