Thấm nhuần phương châm làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm huy động mọi trí lực của quần chúng, tại chiến khu Việt Bắc năm 1949, nhà báo Xuân Thủy lúc đó là Ủy viên Thường trực Ban Thường vụ Tổng bộ Việt Minh, Đoàn Báo chí kháng chiến nằm trong Mặt trận nên ông đã mở một trường đào tạo báo chí để bổ sung lực lượng cho những người viết báo cách mạng.
Có thể khẳng định rằng, nhà báo Xuân Thủy là người có công lớn trong việc đào tạo lớp nhà báo đầu tiên cho chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Với cương vị người phụ trách tờ báo của Tổng bộ Việt Minh, tờ báo quan trọng hàng đầu của những năm kháng chiến chống Pháp, nhà báo Xuân Thủy là người tổ chức chính của lớp đào tạo cán bộ viết báo mang tên nhà báo yêu nước Huỳnh Thúc Kháng và được đánh giá như trường dạy viết báo đầu tiên ở nước ta.
Lúc đó, nhà báo Xuân Thủy là Chủ nhiệm báo Cứu quốc - tờ báo duy nhất ra hằng ngày trong kháng chiến chống Pháp, nên toàn bộ hậu cần và thực hành của trường này đều do Báo Cứu quốc chịu trách nhiệm. Chính bởi thế khi lớp làm báo Huỳnh Thúc Kháng đầu tiên kết thúc khóa đào tạo, để ghi nhận sự cần thiết và tầm quan trọng của khóa đào tạo những người làm báo cách mạng cho nên trong số báo đặc biệt chỉ dành riêng viết về lớp dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, nhà báo Xuân Thủy đã có một bài viết đồng thời chia sẻ những công việc và yêu cầu cần thiết đối với các nhà báo.
“Một vài kinh nghiệm và kết quả trong ba tháng của lớp đào tạo cán bộ làm báo” được mở đầu từ bối cảnh lịch sử đưa đến yêu cầu cần mở một trường lớp dành riêng cho những cán bộ cách mạng có thể viết báo - như đã biết đó là trong giai đoạn kháng chiến ác liệt đang cần những đội ngũ cán bộ đầy bản lĩnh chính trị nhưng phải giỏi về mưu lược để tuyên truyền một cách hiệu quả các đường lối chủ trương chính sách của chính phủ. Bài báo đã tổng kết lại những kết quả đã đạt được qua 3 tháng dạy và 3 tháng học của toàn thể giảng viên và học viên của Trường.
Bài báo lược gọn những nội dung của chương trình học từ lý thuyết như: “Báo chí là gì? Lịch sử báo chí thế giới và nước ta? Người viết báo phải có lập trường như thế nào về kiến thức và lập trường chính trị? Những đề mục tình hình thế giới qua các giai đoạn cách mạng dân chủ mới, trường kỳ kháng chiến, phương pháp suy luận theo duy vật biện chứng pháp”…Và những nội dung cơ bản về chuyên môn như: các loại văn phóng sự, điều tra, phỏng vấn, xã luận, hài hước, châm biếm, biên dịch, cách soạn tin, cách cấu tạo, trình bày một tờ báo rồi cách tổ chức một tòa soạn…Đến các biện pháp thực hành: thi viết, thi đi làm các phóng sự điều tra, phỏng vấn, làm các chương trình phát thanh ngay tại trường làm báo cũng như trực tiếp trình bày và sửa chữa các sai lầm trước khi báo lên khuôn.
Bài báo cũng nêu ra những tồn tại trong cách giảng dạy và học tập của giảng viên và học viên. Cụ thể ở đây do khoảng thời gian gấp rút (3 tháng) trong khi khối lượng kiến thức và kỹ năng truyền đạt cần đến cả năm trời mới triển khai được hết, những giảng viên và học viên ngoài thời gian tham gia vào lớp đào tạo đều còn có các công tác chuyên môn khác, thêm nữa các học viện này cũng có những trình độ văn hóa khác nên vẫn còn nhiều bài học chưa được xuất sắc.
Tuy nhiên, “nhà trường đã tổ chức những cách học hiệu quả và hợp lý, cùng với sự khuyến khích và kiểm soát của Ban giám đốc, ban thi đua và tính hiếu học của anh chị em đã làm cho sự sống và sự học hòa cùng một nhịp mỗi ngày càng một tiến bộ”.- nhà báo Xuân Thủy viết.
Kết quả sau 3 tháng học các học viên đã có một căn bản, một lập trường chính trị vững trãi. Đáng mừng nhất là tất cả học viên đều đã biết làm và say mê với nghề làm báo.
Từ kinh nghiệm làm báo trường kỳ, sự cố gắng và đam mê làm báo được tôi rèn trong môi trường cách mạng nhà báo Xuân Thủy cũng không quên chia sẻ với các học viên.
Ông đồng thời nhắc lại lời dạy của Hồ Chủ tịch như một lần nữa khẳng định tôn chỉ mục đích của trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng và quyết tâm làm báo của các học viên: "... Những mầm văn mới đang lên, những nhà báo trẻ đã có mặt. Biết bao đồng nghiệp ngày mai của tôi! Thành công này là nhờ ở sự săn sóc chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở chủ trương sáng suốt của Tổng bộ Việt Minh, ở sự khuyến khích giúp đỡ của đồng bào, ở nguồn sống vô cùng phong phú của dân tộc và ở chúng ta, các giảng viên và các học viên đã giảng và học với mục đích cao quý: Tự do và Ðộc lập của Tổ quốc, với phương pháp tiến bộ: chế độ dân chủ trong nhà trường, với tinh thần thi đua mới: chuẩn bị Tổng phản công".
Có thể nói, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng nơi quy tụ những con người yêu nước và khát khao cống hiến cho Tổ quốc, khát khao trở thành những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa trong hoàn cảnh nước nhà vẫn phải chìm trong cuộc chiến tranh đầy mất mát và thương đau…
Trường dạy làm báo dưới sự tâm huyết của những tiền bối, những giảng viên cũng chính là những chí sĩ cách mạng lão luyện trong đó có nhà báo Xuân Thủy đã đào tạo một đội ngũ thành tài mở ra một kỷ nguyên mới cho lực lượng làm báo Việt Nam.
Nguyệt Hồ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Văn bản Số: 1903 /SNV-CCVC Về việc thực hiện Thông tư số 13/2022/TT-BTTTT ngày 26/8/2022 của Bộ trưởng Bộ TT và TT
Thông tư số 13/2022/TT-BTTTT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên và đạo diễn truyền hình thuộc chuyên ngành thông tin và truyền thông
KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI PHONG TRÀO THI ĐUA “XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG VĂN HOÁ TRONG CÁC CƠ QUAN BÁO CHÍ VÀ VĂN HÓA CỦA NGƯỜI LÀM BÁO VIỆT NAM”
TIÊU CHÍ CƠ QUAN BÁO CHÍ VĂN HÓA VÀ VĂN HÓA CỦA NGƯỜI LÀM BÁO VIỆT NAM
ĐƠN XIN GIA NHẬP HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM - SƠ YẾU LÝ LỊCH