Phan Quang - Cuộc đời tràn đầy năng lượng với nghề

Thứ hai - 25/06/2018 08:29   Đã xem: 1092   Phản hồi: 0

Tôi đọc Phan Quang từ khi chưa được tiếp xúc với ông. Mê mẩn với “Nghìn lẻ một đêm” do ông dịch thuật, xuất bản từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Thán phục thiên bút kí “Đồng bằng sông Cửu Long” xuất bản ngay sau khi non sông Nam-Bắc liền một dải...Mến mộ, nể trọng, tin và yêu hơn khi biết ông là nhà văn-nhà báo làm việc ở Báo Nhân Dân từ 1954 và có chân trong Bộ biên tập của báo...

Phan Quang - Cuộc đời tràn đầy năng lượng với nghề

 
                                          Nhà báo Phan Quang   
                
             Nhập nghề báo ở tỉnh lẻ (Vĩnh Phúc - Vĩnh Phú), tôi may mắn sớm gắn bó với ông. Khi nhà báo Nguyên Thao phóng viên thường trú Báo Nhân Dân (bạn thân của tôi) xây dựng gia đình, Phan Quang đại diện Bộ Biên tập lên dự, ghé thăm nhà tôi nơi hẽm đồi mấp mô sỏi đá pha đất gan gà ở xóm Gia Cẩm, Việt Trì. Nhà tôi ở tường trình, cửa liếp, ghế đôn mọt rượp, Phan Quang hòa nhập rất đỗi tự nhiên...Khi tôi nhập vai Tổng Biên tập Báo Vĩnh Phú, tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập báo, Phan Quang lên dự trong cương vị Vụ trưởng Vụ Báo chí Ban Tuyên huấn Trung ương (1982) dáng nhanh nhẹn, trẻ trung, thư sinh, lịch lãm, thân gần như người trong nhà trong cửa phát biểu chào mừng...Công việc, nghề nghiệp tạo cơ may cho tôi gắn bó với ông suốt mấy chục năm liền (từ 1990 cho tới tận hôm nay - 2017). Gắn với ông, giúp ông trong công việc tổ chức Hội - Hội Nhà báo VN. Đi cùng ông, tới cùng ông, chăm lo “Nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam” ở hầu khắp các tỉnh, thành của đất nước...Ông luôn nhắc nhở các nhà báo chúng tôi: Cuộc sống đòi hỏi chúng ta phải đổi mới, phải sáng tạo; báo chí phải đổi mới thông tin mới mong đáp ứng quyền thông tin của công chúng, bạn đọc! Tôi kính trọng, quý mến thấy ông như một tấm gương trong:  
Phan Quang là nhà văn-nhà báo tài năng, làm giỏi và sáng tạo thực hiện công việc trong cương vị và trọng trách của mình. Từ 1954 đến năm 1958 ông cho in tới 5 tập truyện ngắn ở các nhà XB danh giá. Hơn 70 năm cầm bút, tạm gói lại ông cho in và phát hành tới 40 đầu sách thuộc nhiều thể loại. Một số đầu sách tái bản nhiều lần, như bút kí “Đồng bằng sông Cửu Long” in lần thứ 5, “Một mình giữa đại dương” in lần thứ 5... Dịch và giới thiệu 12 đầu sách, trong đó tập truyện Ả Rập“Nghìn lẻ một đêm” tính tới nay in tới 37 lần; tập tùy bút của nhà thơ Nga Olga Bergholtz “Những ngôi sao ban ngày” in lần thứ 5; tập truyện Ba Tư “ Nghìn lẻ một ngày” in lần thứ 12...Tài năng và đức hạnh của Phan Quang luôn được Đảng, Nhà nước, xã hội và đồng nghiệp trọng dụng, giao gánh nhiều việc lớn: Ủy viên Bộ Biên tập Báo Nhân Dân; Vụ trưởng Vụ Báo chí Ban Tuyên huấn Trung ương; Thứ trưởng Bộ Thông tin; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc Hội (3 khóa liên tiếp); Bí thư Đảng – Đoàn, Tổng thư ký-Chủ tịch Hội Nhà báo VN (khóa V & VI); Phó Chủ tịch Liên đoàn Tổ chức các nhà báo Quốc tế (0IJ); tham gia Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN, Liên hiệp các Hội Hữu nghị Việt Nam; Tổng Giám đốc kiêm Tổng biên tập Đài tiếng nói VN (1988 – 1999)....Nay ở tuổi 90, chính thức nghỉ hưu đã 15 năm nhưng xã hội và đồng nghiệp vẫn thấy Phan Quang luôn đúng nghĩa với danh xưng nhà văn - nhà báo. Vẫn viết báo, viết văn; vẫn đều đều tham gia nhiều sự kiện chính trị-văn hóa, báo chí của đất nước...
                                               
  
  Chuyện nghề với nhà báo Phan Quang .
 
    Tài năng Phan Quang với Hội Nhà báo VN thì lớp lớp hội viên Hội Nhà báo Việt Nam nối tiếp nhau ghi nhận. Họ nói về ông, kể về ông, tri ân công lao của ông với niềm hãnh diện, chân tình. Bởi ông chứ không ai khác đã cùng với Thường trực Ban Thư ký HNBVN (Khóa V) định ra và triển khai cấp Huy Chương vì sự nghiệp Báo chí VN (nay là Kỷ niệm Chương) cho các nhà báo có đóng góp lớn vào sự nghiệp báo chí cách mạng. Chính ông chứ không ai khác, đã cùng lãnh đạo Hội triển khai mở Hội Báo Xuân ngày một hoành tráng theo ý kiến của Tổng Bí thư Đỗ Mười khi ông tới thăm phòng trưng bày Báo Tết tại Trụ sở Hội năm 1991. Phan Quang là người đề xướng Giải Báo chí Toàn quốc của Hội NBVN, mở màn từ 21/6/1991 liên tục cho tới nay là Giải Báo chí Quốc gia, góp sức đáng kể vào việc phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng tài năng, khích lệ đam mê nghề nghiệp báo giới. Trong cương vị Chủ tịch Hội Nhà Báo VN, Phan Quang đề xướng và cổ vũ Thường trực Hội cùng các Ban chuyên môn soạn thảo “Quy ước đạo đức Báo chí Việt Nam) một cách bài bản, kỹ lưỡng trước khi trình Ban Chấp hành để Đại Hội thông qua, (nay là “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo VN”)...
        Ngày xa ấy Hội Nhà Báo Việt Nam duy nhất chỉ một nơi làm việc ở 59 Lý Thái Tổ, liền ngách bên 12 Lý Đạo Thành là Trung tâm Văn hóa của Hội ở Hà Nội, điều kiện về cán bộ, tài chính đều hết sức eo hẹp . Nghèo đấy nhưng chúng tôi thương yêu nhau, chung sức, đồng lòng vì công việc... cũng là do Phan Quang khích lệ. Tài năng của Chủ tịch Hội, phong thái đĩnh đạc dồn hết tâm sức cho công việc (dù kiêm nhiệm) nhưng sát sao, cụ thể, biết chia sẻ, biết cách tạo cảm hứng cho thuộc cấp, nói đi đôi với làm nên ông như ngọn đèn thần đẫn dắt chúng tôi chỉ một hướng vươn lên và đi tới. Với ông, tôi không cố ý vơ vào, nhưng công bằng để nói thì nhiệm kỳ Quốc Hội bàn thảo và thông qua Luật Báo chí năm 1998, thì ông là người góp công, góp sức sát thực nhất. Bởi khi ấy ông là Đại biểu Quốc Hội. Bởi tài năng, và cũng bởi khi ấy ông có cương vị trong Tổ chức Đảng, Nhà nước và Hội Nhà báo VN, chủ trì việc sơ thảo dự luật Báo chí trước khi trình Quốc hội, có tiếng nói trách nhiệm tại chính trường...Tài năng Phan Quang là ở công việc. Công việc ghi nhớ, gợi nhớ, lưu dấu mãi trong cán bộ công nhân viên nơi ông lãnh đạo và chỉ đạo. Tài năng Phan Quang ở thời điểm ông làm Chủ tịch Hội Nhà báo VN (1989 – 1999) đã góp sức thực sự cùng cơ quan Chỉ đạo báo chí, cơ quan Quản lý báo chí và Hội nhà báo Việt Nam tăng sức, tăng lực để báo giới cả nước phấn đấu “Vì sự nghiệp đổi mới và Hiện đại hóa đất nước” như mục tiêu Đại hội V & VI của Hội định ra. Bên cạnh sự trưởng thành, lớn mạnh và hoàn thiện tổ chức Hội Nhà báo các cấp, cơ quan Trung ương Hội cũng được củng cố từ nhiệm vụ, chức năng đến đội ngũ tham mưu giúp việc và cơ sở vật chất kỹ thuật. Dù còn vô vàn khó khăn, thiếu thốn nhưng đã là thời Hoàng Kim nếu nhìn về phía sau, và tạo đà quan trọng cho chặng đường tương sáng, rạng rỡ phía trước... 
      Tài năng Phan Quang là ở công việc. Tư duy mới mẻ, công việc sát thực, hiệu quả. Đồng nghiệp Đài tiếng nói VN viết về ông trong tuyển tập “Kí ức người và nghề” rằng: “Với Phan Quang – Viết là tồn tại”, nhưng lại dành tới nhiều ngàn từ để nói về tài năng đích thực của ông trong công việc quản lý và phát huy sức mạnh tiếng nói Quốc gia. Rằng, mùa hè năm 1988, nghĩa là sau 40 năm gắn bó với báo viết, giờ theo quyết định của Trung ương Phan Quang giữ chức Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Đài tiếng nói Việt Nam thay nhà báo Trần Lâm nghỉ hưu. Công việc thực sự mới mẻ với ông, nhưng bản tính khiêm tốn và ý chí vươn tới, ông xin Ban Bí thự cho thôi chức Thứ trưởng để tập trung vào việc mới. Noi gương Trần Lâm, theo cách nói của Phan Quang “Một đời tận tụy với làn sóng điện” và viết về người tiền nhiệm của mình: “Người chỉ có hai từ cho một đời cống hiến:“Phát thanh”. Qua gần nửa thế kỉ đồng hành cùng dân tộc, hai từ ấy đã biến anh cùng Đài tiếng nói Việt Nam thành tượng đài trong ngành truyền thông Nhà nước”. Ấy cũng là đức hạnh Phan Quang. Luôn biết trước, biết sau. Luôn nhìn tới ngọn nguồn, lạch sông để nối bước, để bắt nhịp, để sẻ chia, để đi lên khi chặng đường đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, đòi hỏi báo chí phải nhanh chóng bắt nhịp. Bản lĩnh chịu nghe, biết nghe; biết chia sẻ; biết truyền cảm hứng cho thuộc cấp; sâu sát, nói đi đôi với làm, nhờ đó Phan Quang đã tạo nên “bước đột phá” của Đài Tiếng nói Việt Nam....Phan Quang quan niệm: Báo chí theo loại hình nào cũng chỉ một chức năng: phục vụ con người! Quan niệm ấy thôi thúc ông thực hiện “hai nghe”. Nghe thính giả và nghe cán bộ công nhân viên nhà Đài. Kết cục Tổng Giám đốc Phan Quang rút ra: Bạn nghe Đài đã chỉ lối cho chúng ta! “Hai nghe” giúp Phan Quang nhận ra: Đài Quốc gia chỉ có hai hệ Đối nội và Đối ngoại. Thính giả ít được lựa chọn...Lập tức các Ban chức năng được thành lập hướng tới đích đổi mới, sáng tạo, vì người nghe. Và, việc tách hệ được thực hiện, kéo theo việc đổi mới toàn hệ thống, đổi mới nội dung, phát triên đa hệ chương trình. Là người đam mê nghe Đài. Đã vào phòng ngủ và làm việc là mở Đài nên tôi dễ nhận ra những gì Phan Quang đã đổi mới Đài ở thời ấy. Đại thể vào quý III, năm 1994 (trước đó, cuối năm 1990 sản phẩm “đột phá” khai trương Đài FM âm nhạc & tin tức của Phan Quang với sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, là tiền đề nâng cao chất lượng làn sóng sau này) “Đài Tiếng nói VN phát 2 hệ chương trình Đối nội song song hàng ngày từ 4h55 đến 23h. Hệ 1 – Thời sự Chính trị Kinh tế. Hệ 2 – Văn hóa Xã hội Khoa giáo cùng Ban Bạn nghe Đài, bên cạnh Ban Văn học Nghệ thuật (có trước). Ban Biên tập Đối ngoại riêng hệ...tạo bước chuyển lớn về chất để phát triển hiện đại. Hàm lượng thông tin tăng nhanh, diễn đàn, giao lưu, tư vấn mở rộng. Người nghe lựa chọn tùy thích...Thời ấy đánh dấu mốc đổi mới toàn diện của Đài Tiếng nói VN. Thời của Tổng Giám đốc Phan Quang đa tài! Ấy là lời đồng nghiệp nhà Đài thường bộc bạch với tôi!
Đời ngả chiều. Phan Quang tự bạch: - “Ta viết, tức là ta tồn tại”! Vậy là Phan Quang vẫn tràn đầy năng lượng, bởi bút lực của ông vẫn rất dồi dào, sung mãn. Không tuần nào, tháng nào vắng bài viết của ông trên các báo và tạp chí. Thấy báo đăng bài của Phan Quang là tôi đọc. Thấy Phan Quang nói trên Đài hay trên Truyền hình là tôi chăm chú nghe và xem. Nét thân quen, đĩnh đạc, lịch lãm; tư duy sắc sảo, kiến thức sâu rộng...chung quy là sự uyên bác của ông...Nhớ lần tôi cùng với ông lên Tây Bắc thăm chiến trường Điện Biên, tới nhà Bảo tảng Lịch sử Điện Biên Phủ, tình cờ gặp mấy cựu binh da trắng có da mầu có thuộc quân đội viễn chinh Pháp thuở xưa; nhà báo Phan Quang và mấy viên cựu binh xấp xỉ tuổi nhau xoắn xuýt chuyện cũ, chuyện mới bằng ngôn ngữ Pháp; khi chia tay, đôi mắt viên cựu binh đỏ hoe!...Tôi không mấy lạ. Tôi nhớ một lần, họp nội bộ cơ quan Hội Nhà báo, bàn công việc thường ngày, nhưng anh em có người thẳng tính phát biểu có khi gay gắt, dù không cố tình xúc phạm ai. Chủ trì hội nghị, Phan Quang khuyên mọi người nên cân nhắc lời lẽ khi phát biểu, dù chỉ là cuộc trong nội bộ với nhau, nên nhớ lời ông cha chúng ta dạy: Dao đâm có lúc lành thương tích/ Lời nói đâm nhau hận suốt đời. Ấy là tài giao tiếp của Phan Quang; biết lắng nghe, biết sẻ chia; trí tuệ uyên bác và phong cách bình dị thu phục lòng người!...Những ngày cùng ông, đi dọc miền Trung tới Hội Nhà báo các tỉnh; ghé thăm quê nhà bên bờ sông Thạch Hãn, tôi mới hiểu ông sinh ra trên vùng đất khó, đất anh hùng, đất của những chiến công. Nơi đây, bố mẹ sinh ra ông, Đảng kết nạp ông vào đội ngũ cách mạng cũng từ đây. Phan Quang rủ tôi tới thăm trưởng Tiểu học của xã, trường xây mới trên nền đất xưa ông từng học. Thầy cô giáo đều rất trẻ, vui vẻ đón ông thân thiết như ông nội ông ngoại. Quà ông tặng trường là 5 – 7 hộp sách đủ các thể loại, nhưng đều là sách quý phần nhiều do ông viết và dịch mà trẻ rất ưa chuộng như: Nghìn lẻ một ngày và Mười hai sử thi huyền thoại...Tâm đức ấy, tình cảm thế ấy của ông với quê cứ ở mãi trong tôi...Cũng dịp ấy tôi thêm nhận ra, Phan Quang là người có trí nhớ đặc biệt. Trên đường ghé thăm di tích Kinh thành Huế, ông kể vanh vách với tôi về 13 đời vua Triều Nguyễn nối tiếp nhau tồn tại suốt 143 năm (1802 – 1945)...Về các vua bị phế đế, các vua bị Pháp đẩy ra khỏi nước; các vua yêu nước thương dân như Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân. Ông lộ vẻ hãnh diện khi vua Hàm Nghi xuất bôn (5/7/1885), lập căn cứ chống Pháp ở vùng thượng lưu sông Gianh trong suốt 3 năm (10/1885-10/1888) đã lưu nghỉ ở quê ông bên bờ Thạch Hãn.  Ông sôi nổi nói về sự đóng góp máu xương của biết bao sĩ phu, quan lại và nhân dân Quảng Bình. Nhiều thủ lĩnh nghĩa quân ở Quảng Bình đã xả thân giúp vua, cứu nước, bảo vệ Sơn Triều dẫn tới sự phát triển rầm của phong trào Cần Vương ủng hộ vua Hàm Nghi và Sơn Triều kháng Pháp, biến Quảng Bình thành “Kinh đô kháng chiến”...Phan Quang kể lai lịch dòng tục Hàm Nghi rồi gợi cả đề cương, thôi thúc tôi viết tiểu thuyết lịch sử. Điều ấy thật quá hoang tưởng đối với tôi vì trí còm, lực thấp nhưng lại là điểu khiến tôi phải nhớ. Nếu đời được tái sinh, chắc hẳn tôi sẽ phải học ông lắm lắm...
       Với nghề báo, người viết phải tự tạo ra cảm hứng, cần kịp thời, đúng lúc; luôn khát khao vì một xã hội tốt đẹp. Hẳn vì thế nên“50 năm hoạt động báo chí qua nhiều giai đoạn, Phan Quang có mặt và là thành viên tích cực trong những bước chuyển biến quan trọng của phong trào. Điều này thật không dễ dàng với những người viết lâu năm. Và quan trọng hơn ông đã kết hợp được giữa công tác quản lý và sức viết đều đặn, chín chắn và mới mẻ. Bởi thế con số thành của một đời hoạt động qua tác phẩm và cho phong trào là phong phú, đáng trân trọng”(GS Hà Minh Đức – Nhà báo, nhà văn Phan Quang).  Hẳn vậy nên “Trong thời gian làm việc ở báo Nhân Dân, Phan Quang là một trong mấy đồng chí đi nhiều nhất, viết nhiều nhất. Đi bằng xe đạp dưới sự gầm rú của máy bay và tiếng nổ của bom Mỹ...Anh viết nhiều thể loại: xã luận, bình luận, phóng sự, điều tra, bút kí. Phong cách làm việc và viết của anh rất nghiêm chỉnh, khoa học” (Hoàng Tùng nguyên Bí thư Trung ương Đảng – Một phong cách làm việc).
      Với nghề văn – nghề nhọc nhằn (theo cách nghĩ của tôi), thì Phan Quang vượt lên tất cả. Sức sáng tạo trong ông thật đáng nể trọng. Tôi luôn cảm nhận trong văn của ông có báo vì sát thực với đời sống. Trong báo của ông luôn có văn bởi nghệ thuật chuyển tải rất nhân văn, rất uyên bác của ông. Điều này rất đậm đà trong văn dịch của ông, vì “Dịch văn học là một công việc sáng tạo ngôn ngữ, là sáng tác. Dịch chẳng qua là lấy hiện thực từ một tác phẩm đã có, diễn đạt lại bằng ngôn ngữ mẹ đẻ” (Thúy Toàn, Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch – Sáng tạo thì không thể trùng lặp).
       Phan Quang uyên bác thể hiện trong trí nhớ, trong công việc, trong giao tiếp, ứng xử, trong văn, trong báo. Điều này thì không chỉ chúng tôi nghĩ mà rất nhiều nhiều những bậc danh tiếng đã viết (như viện dẫn kể trên). Và, “Phan Quang là một nhà báo có uy tín lớn, một trong ba, bốn cây bút đại thụ của giới tân văn... Bằng kinh nghiệm riêng của đời mình, bằng quan sát nhận xét từ cuộc đời đồng nghiệp trong và ngoài nước, Phan Quang đã có được cái nhìn thấu tầm thấu đáo về nghề báo” (Vũ Quần Phương – Viết giữa dòng đời). Bởi thế, tôi có cảm nhận Phan Quang rất dồi dào năng lượng – “Có khả năng thay đổi trạng thái hoặc thực hiện công năng lên một hệ vật chất tạo nên nhiệt động lực học” thôi thúc những nhà báo chúng ta luôn vì một xã hội tốt đẹp
 
     Nguyễn Uyển
Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập46
  • Hôm nay16,267
  • Tháng hiện tại663,424
  • Tổng lượt truy cập17,593,382

Phóng sự

Xem thêm

Hình ảnh nổi bật

09/2023/NQ-HĐND

Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông

Lượt xem:64 | lượt tải:18

274/TB-VPCP

Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:80 | lượt tải:21

mẫu 1

mẫu đơn đề nghị tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam

Lượt xem:169 | lượt tải:45

73/KH-UBND

Kế hoạch Tổ chức Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng tỉnh Thái Nguyên lần thứ I - năm 2024

Lượt xem:176 | lượt tải:56

375/QĐ-TTg

Quyết định Về việc phê duyệt Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:202 | lượt tải:62

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây