Phát biểu của đồng chí Hà Minh Huệ tại Hội nghị cán bộ báo chí toàn quốc

Thứ sáu - 17/01/2014 09:42   Đã xem: 468   Phản hồi: 0

Tại Hội nghị báo chí toàn quốc 2014, đồng chí Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN đã phát biểu Tham luận "Đạo đức và tính chuyên nghiệp của người làm báo - Trách nhiệm của người lãnh đạo cơ quan báo chí".


Ở một chừng mực nào đó, năm 2013 cũng là năm “nóng” với vấn đề báo chí. Báo chí được lãnh đạo Đảng và Nhà nước biểu dương về nhiều thành tích, được công chúng tin cậy, đồng thời bị “phê” là thông tin quá nhiều về các vụ việc tiêu cực; “lá cải hóa” nội dung thông tin; tập trung quá nhiều vào một vụ việc không đáng tập trung như thế; thông tin có lúc không chính xác, thiếu trách nhiệm, vi phạm quy định về đạo đức nghề nghiệp, v.v...

Tại diễn đàn Quốc hội và các diễn đàn khác thì sai phạm của báo chí đôi lúc trở thành câu chuyện bức xúc. Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII vừa qua, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã được chất vấn về một số vấn đề của báo chí.

Tại diễn đàn này, HNBVN tham luận về những vấn đề liên quan tới nhiệm vụ của Hội với tư cách một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, và bàn thêm về vấn đề đạo đức, tính chuyên nghiệp và trách nhiệm của người làm báo nói chung, lãnh đạo cơ quan báo chí nói riêng.

Đề tài thì rộng, nhưng trong khuôn khổ thời gian có hạn, chúng tôi xin trình bày ngắn gọn ba vấn đề chính, và có một số kiến nghị.
 
I- ĐẠO ĐỨC VÀ TÍNH CHUYÊN NGHIỆP CỦA NGƯỜI LÀM BÁO

Xét cả từ lý luận lẫn thực tiễn thì vấn đề đạo đức nghề nghiệp và tính chuyên nghiệp trong nghề báo có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Anh vi phạm đạo đức nghề nghiệp tức là anh không chuyên nghiệp, mà không chuyên nghiệp sẽ dẫn đến việc anh vi phạm quy định về đạo đức nghề nghiệp.

Thực tế cho thấy những vi phạm đạo đức nghề nghiệp đều xuất phát từ nguyên nhân cơ bản, quan trọng nhất là sự yếu kém về tính chuyên nghiệp, tức là yếu kém về trình độ nhận thức chính trị, kém trình độ chuyên môn.

Hai “nhân vật” bị quy kết là kẻ vi phạm là: Đó là Nhà báo- người làm ra sản phẩm thông tin, và hai là người quản lý cơ quan báo chí, cho phép đăng tải những sản phẩm chứa đựng những thông tin vi phạm đó.

Những biểu hiện phổ biến của tình trạng thiếu tính chuyên nghiệp của nhà báo, dẫn đến vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà báo chí thường vấp phải, là:

1- Đưa tin không tôn trọng sự thật, bóp méo sự thật bằng cố ý cách bỏ qua hoặc nhấn mạnh những tình tiết phục vụ ý đồ của nhà báo. Có một vài trường hợp nhà báo phịa như thật những tình tiết không hề xảy ra, cốt làm cho ly kỳ vụ việc mình đưa tin. (Chuyện này không phải hiếm trong làng báo hiện nay, nhất là báo mạng. Vụ cô N. ở Hải Dương là thí dụ mới nhất, dù ai cũng biết rằng khả năng của con người không đạt được như thế, nhưng báo chí vẫn cứ thông tin).

2- Thông tin chạy theo thị hiếu tầm thường, theo mục tiêu kinh tế nhất thời- thu hút quảng cáo- bất chấp hậu quả đối với xã hội (mà nhiều người gọi là lá cải hóa báo chí): Đưa liên tục, đuổi theo các vụ việc giật gân, câu khách, có nội dung tầm thường, nhất là đối với chuyện tiền, tình, tù, tội, chém, giết, hiếp, đi ngược lại thuần phong mỹ tục của Việt Nam- không phục vụ mục tiêu chính trị của báo chí cách mạng. (Những vụ cha giết con, con giết cha, các vị thành niên bị hãm hại, vụ thẩm mỹ viện Cát Tường, gần như ngày nào báo mạng cũng khai thác. Lãnh đạo ngành y khá bất bình với cách thông tin vơ đũa cả giớ bác sĩ).

3- Trong thời buổi cạnh tranh kinh tế, người viết bị chi phối bởi lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, sáng tạo ra những sản phẩm báo chí bôi xấu uy tín của một cá nhân hoặc một tập thể, doanh nghiệp, gây thiệt hại nặng nề. Có người gọi đây là tình trạng đâm thuê chém mướn. Nhà báo có thể đã nhận quà, hoặc muốn tống tiền, đã cố ý làm ra những tác phẩm báo chí phi đạo đức. Báo chí chính thống nhiều khi bị oan gia bởi những kẻ mạo danh báo chí. Thí dụ mới nhất là vụ 1 phóng viên của một đài Truyền hình địa phương được thuê đến địa phương khác, mạo danh VTV để tống tiền doanh nghiệp và bị bắt quả tang.

4- Một dạng vi phạm về đạo đức nghề nghiệp phổ biến khác nữa là phóng viên, các báo vô tư lấy không xin phép, rồi “xào nấu” tin, bài của báo khác, đăng tải lại dưới những cái tên tác giả khác, tạo ra sự cộng hưởng đôi khi rất bất lợi, nhất là đối với những vụ tiêu cực. Một khi thông tin ban đầu sai, chưa được kiểm chứng, thì cái sai đó được/bị nhân lên gấp hội. Đó là chưa kể người làm báo đã chiếm dụng kết quả lao động của người khác, cũng là sự vi phạm luật pháp.
 
Nhà báo mắc phải 4 loại sai phạm kể trên, xét cho cùng là không trung thực, không tuân thủ kỷ luật thông tin; Không am tường pháp luật và quy định nghề nghiệp để thực hiện cho đúng khi hành nghề; Không coi trọng và không nêu cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân. Tất cả những điều này, yêu cẩu này đều được quy định cụ thể trong 9 điều Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam do Hội Nhà báo soạn thảo và thông qua tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ VII tháng 8 năm 2005.
 
II- TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI LÃNH ĐẠO CƠ QUAN BÁO CHÍ

Nguyên nhân của những vi phạm có nhiều, nhưng chủ yếu và trước hết thuộc về bản thân mỗi nhà báo và người lãnh đạo cơ quan báo chí. Thời gian qua, cũng có những ý kiến nói cơ chế kinh tế thị trường đã và đẩy các nhà báo vào những vi phạm đó, bởi nhu cầu bán báo, nhu cầu thu hút quảng cáo, vì báo chí phải tự cân đối thu chi. Tuy nhiên, người làm báo không thể vì thế mà làm liều, đi tới sai phạm không thể biện minh.

Theo chúng tôi, để xảy ra những sai phạm trong hoạt động báo chí của một cơ quan báo chí cụ thể, trách nhiệm trước hết thuộc về người lãnh đạo cơ quan báo chí (Tổng Biên tập báo, Giám đốc Đài), là người gác cổng cuối cùng, ngăn cản các sai phạm xuất hiện trên báo chí, truyền thông.

Trách nhiệm người lãnh đạo cơ quan báo chí trong việc giữ gìn đạo đức nghề nghiệp nhà báo của cơ quan báo chí thể hiện ở chỗ phải quản lý đội ngũ cán bộ, phóng viên trong việc thực hiện sự chỉ đạo nội dung, quy định của cơ quan báo chí và tuân thủ pháp luật. Người lãnh đạo cơ quan báo chí có trách nhiệm nêu gương thực hiện pháp luật và gương mẫu về đạo đức, nhất là trong bố cảnh chúng ta đang thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết TW4 về công tác xây dựng đảng trong tình hình hiện nay, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Người lãnh đạo cơ quan báo chí cũng cần được đào tạo về kỹ năng quản lý, quản lý con người, nhân sự, quản lý nội dung báo chí và kinh doanh báo chí; quản lý khoa học công nghệ. Hiện nay, dường như các cơ sở đào tạo báo chí chưa quan tâm nhiều về mặt này. Những người lãnh đạo cơ quan báo chí thường làm theo kinh nghiệm, mà thông thường những người làm chuyên môn giỏi được đề bạt lên làm nhà quản lý. Chính vì vậy, hiện nay ở một số cơ quan báo chí, công tác quản lý khá lỏng lẻo, để xảy ra sai phạm về nội dung, bản thân nhà báo vi phạm kỷ luật thông tin như đã nói ở trên.

Thực tế cho thấy, một số lãnh đạo cơ quan báo chí, TBT, Giám đốc được bổ nhiệm không bám các tiêu chuẩn theo quy định hiện hành, nhất là tiêu chuẩn về trình độ lý luận chính trị, thời gian làm báo tối thiểu 3 năm. HNB không được hỏi ý kiến khi hiệp y chức danh này, lẽ ra phải có, vì HNB cũng được quy định tham gia cơ chế quản lý, chỉ đạo báo chí.

III- HỘI NHÀ BÁO THỰC HIỆN VAI TRÒ GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP VÀ TÍNH CHUYÊN NGHIỆP

Tập hợp, rèn luyện phẩm chất chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên, cũng như việc kiểm tra việc thực hiện là chức năng cơ bản và cũng là nhiệm vụ thường xuyên của HNBVN.

Những năm qua HNBVN, tuy làm được chưa nhiều, nhưng rất quan tâm tới vấn đề đạo đức và tính chuyên nghiệp của hội viên- nhà báo, đã tổ chức nhiều Hội thảo, tọa đàm, các khóa học nhằm nâng cao nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, cung cấp kiến thức báo chí hiện đại cũng như kinh nghiệm quản lý các loại hình báo chí và những quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Trong năm 2013, HNB đã tổ chức được 74 khóa học ngắn hạn cho hơn 2.000 hội viên, 10 cuộc hội thảo quốc gia và quốc tế về nghiệp vụ, tính chuyên nghiêp và đạo đức của người làm báo, mang lại hiệu quả thiết thực.

Một số hội thảo, tọa đàm tiêu biểu được HNB phối hợp với các đơn vị, cơ quan báo chí trong và ngoài nước tổ chức là:   Hội thảo quốc gia “Tính chuyên nghiệp của báo chí hiện đại – Những vấn đề lý luận và thực tiễn”; “Văn hóa truyền thông trong thời kì hội nhập”; “Báo chí trong thời kỳ toàn cầu hóa”.
Hội thảo quốc gia “Đạo đức nghề báo trong khai thác và xử lý nguồn tin”, tại Hà Nội và hơn 40 tổ chức cơ sở Hội, mang lại hiệu quả thiết thức. Sau Hội thảo ở Trung ương, HNBVN đã có công văn yêu cầu các cấp hội nhân rộng kết quả Hội thảo, triển khai thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng.

Các Hội thảo khác, phối hợp với Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, UBND TP Hà Nội được tổ chức cũng đề cập những vấn đề liên quan đến đạo đức nghề nghiệp nhà báo như: 
Hội thảo“Nâng cao vai trò báo chí, truyền thông trong phòng, chống tội phạm, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước”, “Báo chí với hoạt động cải cách tư pháp trong ngành Kiểm sát nhân dân”, “Báo chí đồng hành với Thủ đô phát triển” ,v.v...

MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

Để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục đạo đức nghề nghiệp và nâng cao tính chuyên nghiệp cho hội viên, Hội Nhà báo VN có một số kiến nghị:

Đối với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí: 

- Đề nghị Nhà nước có cơ chế ưu đãi hơn nữa đối với hoạt động báo chí để báo chí sống được bằng nghề, ngăn chặn kẽ hở cho việc vi phạm đạo đức. Bởi lẽ hoạt động báo chí trong điều kiện, tình hình kinh tế hiện nay rất khó khăn, một số vụ vi phạm đạo đức nghề nghiệp có nguyên nhân kinh tế.

- Cần mở các lớp bồi dưỡng cho lãnh đạo cơ quan báo chí; mở các cuộc toạ đàm, hội thảo về tính chuyên nghiệp trong lãnh đạo quản lý báo chí. Nhà nước cần tạo điều kiện về vật chất để các cấp Hội có thể mở được nhiều lớp, nhiều hình thức bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho nhà báo.
- Quy hoạch lại và quản lý chặt chẽ hơn các cơ quan báo chí, đảm bảo xuất bản phẩm, chương trình phát thanh, truyền hình, nội dung báo mạng đúng tôn chỉ, mục đích đã được cấp phép. Xử lý nghiêm những vi phạm, kể cả đóng cửa nếu cần. 
- Cần xem xét lại việc cấp giấy phép hoạt động báo chí, không nên để tình trạng có quá nhiều báo trùng lặp về nội dung, nhất là các số phụ, chuyên đề, mà thực tế cho thấy, phần lớn vi phạm kỷ luật tuyên truyền, vi phạm đạo đức nghề nghiệp là ở các số phụ, số chuyên đề, báo mạng.
- Hội Nhà báo là một trong ba bên tham gia quản lý, chỉ đạo báo chí, nên chăng khi bổ nhiệm lãnh đạo một cơ quan báo chí thì Hội Nhà báo cũng được quyền tham gia hiệp y, thêm một tiếng nói giám sát về đạo đức nghề nghiệp.

Đối với lãnh đạo địa phương, các cơ quan chủ quản báo chí

- Quan tâm hơn đến tổ chức Hội Nhà báo của ngành, đơn vị, tỉnh, thành phố. Hiện nay nhiều bộ, ngành hầu như thả nổi tổ chức hội nhà báo của mình. 
- Quan tâm thực hiện đầy đủ Chỉ thị 919/CT- TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/6/2010 về việc tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước đối với hoạt động của HNBVN, có cơ chế, chính sách về tổ chức, biên chế, tài chính và các điều kiện cần thiết khác, đảm bảo cho các cấp HNB hoạt động có hiệu quả thiết thực, thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của Hội theo quy định của pháp luật. Cần quy định cụ thể về tổ chức, nhân sự, biên chế, kinh phí, điều kiện hoạt động của các cấp Hội địa phương, các Liên Chi hội, bảo đảm đủ số lượng cán bộ chuyên trách, đảm bảo điều kiện làm việc có hiệu quả. 
Gần đây nhất, ngày 23/7/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc làm việc với lãnh đạo HNBVN và kết luận về một số vấn đề liên quan tới công tác Hội. Đề nghị các địa phương, các ngành, các tổ chức, trong khi triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, cần quan tâm hơn nữa việc tạo điều kiện cho HNB hoạt động.

Đối với các cơ quan chức năng:

Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện chức năng, nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên- nhà báo trong hoạt động báo chí, nhưng nhiều khi công văn, ý kiến của Hội gửi tới chưa được cơ quan chức năng của bộ, ngành trung ương trả lời theo đúng qui định. Rất mong các cơ quan chức năng, kể cả chính quyền địa phương quan tâm đến đề nghị này./.
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập166
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm161
  • Hôm nay22,492
  • Tháng hiện tại669,649
  • Tổng lượt truy cập17,599,607

Phóng sự

Xem thêm

Hình ảnh nổi bật

09/2023/NQ-HĐND

Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông

Lượt xem:64 | lượt tải:18

274/TB-VPCP

Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:80 | lượt tải:21

mẫu 1

mẫu đơn đề nghị tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam

Lượt xem:169 | lượt tải:45

73/KH-UBND

Kế hoạch Tổ chức Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng tỉnh Thái Nguyên lần thứ I - năm 2024

Lượt xem:176 | lượt tải:56

375/QĐ-TTg

Quyết định Về việc phê duyệt Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:203 | lượt tải:62

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây