Toạ đàm "Nhà báo Đào Tùng với báo chí cách mạng Việt Nam": Một đời “truyền lửa” cho mai sau

Thứ hai - 07/10/2013 08:48   Đã xem: 603   Phản hồi: 0

Sáng 16/10/2013, cuộc tọa đàm: "Nhà báo Đào Tùng với báo chí Cách mạng Việt Nam" diễn ra ấm cúng trong tiết trời se lạnh của những ngày thu Hà Nội. Cuộc tọa đàm khép lại nhưng vẫn còn đó trong lòng những người tham dự nhiều cảm xúc trước hình ảnh một người làm báo đã kinh qua cả hai thời kì chiến tranh và hòa bình, một nhà báo- chiến sỹ, một lãnh đạo quyết liệt trong mọi công việc, một người đã gắn bó và cống hiến cho sự nghiệp thông tấn báo chí đến hơi thở cuối cùng.

Toạ đàm "Nhà báo Đào Tùng với báo chí cách mạng Việt Nam": Một đời “truyền lửa” cho mai sau

Có một nhà báo - chiến sỹ như thế

Buổi tọa đàm, với sự có mặt của nguyên Bí thư Trung ương Đảng- Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Khánh, các nhà báo lão thành: Phan Quang, Hữu Thọ, Đỗ Phượng… Nhà báo Hà Minh Huệ- Phó Chủ tịch thường trực HNBVN chủ trì buổi tọa đàm- đã ghi nhận, đánh giá, chia sẻ chân thành về chân dung một nhà báo, một lãnh đạo báo chí cả một đời nhiệt huyết, tận tâm với nghề. Gần hết cuộc đời, đi qua mấy cuộc chiến tranh, chứng kiến những giờ phút lịch sử của dân tộc và đến tận lúc yên nghỉ ông chưa bao giờ rời cây bút. Hình ảnh một nhà báo luôn đeo máy ảnh bên mình và tay xách theo một chiếc radio để nghe tin tức; một nhà báo – chiến sỹ, một vị chỉ huy xông pha vào chiến trường, trực tiếp chỉ đạo thông tin trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; một Tổng giám đốc thông tấn quốc gia trong ¼ thế kỷ “dám nghĩ, dám làm”… là những kí ức vẫn còn đọng lại đối với những đồng chí, đồng nghiệp của ông hôm nay.

Trong buổi tọa đàm, các đại biểu tham dự đã có những chia sẻ đầy xúc động về nhà báo Đào Tùng- người đồng nghiệp, người lãnh đạo, người bạn ân tình… Nhà báo Đỗ Phượng- Nguyên Tổng Giám đốc TTXVN - kể về người đồng nghiệp mà ông coi trọng suốt cuộc đời: “Nói Đào Tùng là một nhà báo lớn e còn tranh cãi. Nhưng có thể nào không thừa nhận anh: Đào Tùng – nhà báo chiến sỹ!”. Trong hồi ức được viết ra dài 10 trang giấy đọc trong buổi tọa đàm, nhà báo Trần Mai Hạnh– nguyên phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí HNBVN, đã kể về một thời tác nghiệp trong chiến tranh dưới sự chỉ đạo của thủ trưởng Đào Tùng, bằng những câu chuyện vừa gần gũi, vừa giản dị, vừa sâu sắc. Từ chuyện cùng phóng viên xông pha lửa đạn viết bài, chụp ảnh tức thì, không câu nệ chức tước, địa vị đến những quyết định táo bạo để tiếp cận nguồn tin, có những tin bài nhanh nhất, chân thực nhất về cuộc chiến tranh, cả đến cái cách ông phóng khoáng, tạo điều kiện tốt nhất cho phóng viên của mình tác nghiệp… Tất cả đủ giúp người nghe hình dung được chân dung một người làm báo tâm huyết, đam mê đến nhường nào. Đến tận hôm nay, nhà báo Trần Mai Hạnh vẫn còn rưng rưng khi nghĩ đến câu nói của nhà báo Đào Tùng: "Các cậu thấy không, đời phóng viên thật không hạnh phúc nào bằng. Hơn 20 năm trước, cũng buổi sáng như thế này tôi theo bộ đội vào giải phóng Điện Biên rồi về tiếp quản Thủ Đô Hà Nội để viết tin bài, chụp ảnh. Hôm nay lại được tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Tại sao cánh ta lại không cho phép mình hình dung ra cảnh tượng tiến vào giải phóng Sài Gòn nhỉ?". Trực tiếp tham gia cùng với các phóng viên chiến trường, người đứng đầu thông tấn xã được tả lại sinh động, đầy tâm huyết với nghề: "Ông cứ băng lên phía trước, bất chấp trở ngại, năng động quyết liệt, cháy bỏng, khát khao khám phá với niềm lạc quan sôi sục và mãnh liệt không ngừng nghỉ…"

Quyết liệt đổi mới, dám nghĩ, dám làm…

Ấn tượng đối với tất cả những người tham gia tọa đàm, những người cùng thế hệ với nhà báo Đào Tùng, những người trẻ chỉ có cơ hội nghe kể chuyện về ông chính là sự quyết liệt đổi mới, sự năng nổ, sáng tạo hướng về cái mới, tìm tòi cái mới và làm những điều mới. Sinh thời, ông rất quan tâm đến khoa học công nghệ, sáng kiến táo bạo của ông lúc đó như một sự đột phá về kỹ thuật, với đích nhắm tới là nâng cao chất lượng công việc, chất lượng thông tin, chất lượng ảnh cho ngành thông tấn, báo chí. Nhắc đến ông là nhắc đến những đóng góp to lớn của ông vào sự nghiệp xây dựng và đào tạo cán bộ; tăng cường đầu tư, phát triển hệ thống kỹ thuật, theo hướng từng bước hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của ngành trong giai đoạn còn nhiều khó khăn lúc đó. Nhà báo lão thành Đỗ Phượng kể lại đầy sinh động về sự tiên phong của nhà báo Đào Tùng trong lĩnh vực vi tính, điện tử hóa công nghệ truyền phát, khởi xướng phát triển 3 tờ báo uy tín của Thông tấn xã Việt Nam. Để có được một Thông tấn xã Việt Nam như hôm nay, nguyên Tổng giám đốc Đào Tùng đã rất táo bạo, quyết liệt trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ nhất lúc bấy giờ. Những cống hiến thiết thực, đầy hiệu quả đã tạo uy tín đối với lãnh đạo cấp cao của Nhà nước cũng như bạn bè giới báo chí nước ngoài, nâng tầm Thông tấn lên vị trí quan trọng trong hệ thống tổ chức thông tin báo chí trong nước, quốc tế và khu vực như hiện nay.

Các ý kiến tại buổi tọa đàm cũng nhấn mạnh, trong nhiều năm liền là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo Đào Tùng đã đóng góp nhiều cho hoạt động phát triển của Hội từ những năm 70 của thế kỷ trước. Đánh giá về vai trò của ông, Nhà báo lão thành Phan Quang khẳng định: Đó là người hoạt động hết mình vì Hội Nhà báo Việt Nam. Trong suốt những năm tháng công tác, ông luôn tích cực tham gia các hoạt động đối ngoại để nâng tầm, vị thế của Hội nhà báo Việt Nam trong con mắt của các tổ chức báo chí quốc tế và khu vực. Ông là một trong số các lãnh đạo Hội nhà báo Việt Nam được vinh dự tặng giải thưởng báo chí OIJ, Huy chương OIJ về sự đóng góp cho hoạt động của Tổ chức báo chí quốc tế này, và cũng là một trong những người tích cực nhất đưa các hoạt động của OIJ vào Việt Nam. Hơn ¼ thế kỷ, Ủy viên BCH, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam- nhà báo Đào Tùng là một trong những chứng nhân của những sự kiện lịch sử quan trọng nhất của Hội, nhất là về lĩnh vực quan hệ Quốc tế.

Sức mạnh của một tâm hồn lớn

3 năm học ở Liên Xô với nhà báo Đào Tùng, ông Nguyễn Khánh – Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên phó Thủ tướng Chính phủ cũng đã kể lại nhiều kỉ niệm với nhà báo Đào Tùng trước đây. Ông đầy cảm xúc chia sẻ: Tình cảm dành cho nhà báo Đào Tùng trước là sự yêu mến, kính trọng về tài năng, trí tuệ sau là một sự gắn bó như một người bạn thân thiết nhất trong cuộc đời. Còn nhà báo Nguyễn Đức Lợi – Tổng Giám đốc TTXVN thì khẳng định: Có thể nói cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng giám đốc Đào Tùng là một tấm gương lớn về nhân cách của một nhà báo, nhà lãnh đạo trí tuệ, tài năng, luôn luôn đổi mới và sáng tạo, có tầm nhìn rộng mở và hết lòng vì sự nghiệp xây dựng và phát triển của TTXVN nói riêng và nền báo chí cách mạng Việt Nam nói chung Câu chuyện của nhà báo Hồ Tiến Nghị - nguyên Tổng giám đốc TTXVN- cũng cho thấy rõ, sự quan tâm của nhà báo Đào Tùng đến thế hệ trẻ. Ông quan tâm đặc biệt tới thanh niên và hướng những người trẻ đến với khoa học kĩ thuật, với công nghệ mới. Khi trở thành người lãnh đạo, ông nghĩ ngay đến việc rèn luyện một lớp thanh niên trẻ, đội ngũ phóng viên giỏi kĩ thuật, tiếp cận với xu hướng mới để lựa chọn làm nguồn kế cận. Nhiệt huyết với nền báo chí nước nhà như thế, có lẽ là bài học sâu sắc cho những người làm báo hôm nay, những lãnh đạo cơ quan báo chí hôm nay. Trong Hội thảo còn có rất nhiều chia sẻ, đánh giá về Nhà báo Đào Tùng, tất cả đều thể hiện tình cảm, sự ngưỡng mộ đối với ông.

Đúng như lời nhà báo Hà Minh Huệ- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam- 45 năm hoạt động cách mạng liên tục, với những trọng trách được giao, nhà báo Đào Tùng là một cán bộ lãnh đạo cao cấp luôn phấn đấu kiên trì học tập, luôn sáng tạo, giữ vững phẩm chất chính trị, có lối sống giản dị, liêm khiết, mẫu mực, tác phong làm việc nhạy bén, sáng tạo, có tinh thần trách nhiệm cao, trong bất cứ khó khăn thử thách nào vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đối với các thế hệ nhà báo của TTXVN nói riêng, cũng như hội viên nhà báo nói chung, nhà báo Đào Tùng là một tấm gương cần tuyên truyền, học tập, có ý nghĩa góp phần vào việc thực hiện chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và giáo dục cho thế hệ trẻ truyền thống báo chí cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và các thế hệ nhà báo Việt Nam dày công xây dựng và phát triển.

Buổi tọa đàm như một cách “vẽ chân dung” người làm báo có tâm, đủ tầm. Đây cũng là chiến lược, chủ trương mà lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện. Đây là buổi toạ đàm thứ 2 về một nhà báo có nhiều cống hiến cho sự nghiệp Báo chí Cách mạng Việt Nam, cho sự nghiệp thông tấn nước nhà, cho hoạt động HNBVN do HNBVN tổ chức. Những nhà báo lão thành, với cuộc đời và sự nghiệp của mình đã có sức mạnh to lớn, truyền lửa cho thế hệ hôm nay. 

 
Toàn cảnh buổi tọa đàm.
 
Theo Nhà báo & Công luận
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập151
  • Hôm nay24,431
  • Tháng hiện tại917,939
  • Tổng lượt truy cập11,939,419

Phóng sự

Xem thêm

Hình ảnh nổi bật

Thông tin văn bản

Xem thêm

Văn bản số:1903/SNV-CCVC

Văn bản Số: 1903 /SNV-CCVC Về việc thực hiện Thông tư số 13/2022/TT-BTTTT ngày 26/8/2022 của Bộ trưởng Bộ TT và TT

Lượt xem:626 | lượt tải:108

Thông tư số :13/2022/TT-BTTTT

Thông tư số 13/2022/TT-BTTTT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên và đạo diễn truyền hình thuộc chuyên ngành thông tin và truyền thông

Lượt xem:306 | lượt tải:69

Kế hoạch số: 23/KH-HNB

KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI PHONG TRÀO THI ĐUA “XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG VĂN HOÁ TRONG CÁC CƠ QUAN BÁO CHÍ VÀ VĂN HÓA CỦA NGƯỜI LÀM BÁO VIỆT NAM”

Lượt xem:389 | lượt tải:70

Ban hành theo Quyết định số: 70a/QĐ-HN

TIÊU CHÍ CƠ QUAN BÁO CHÍ VĂN HÓA VÀ VĂN HÓA CỦA NGƯỜI LÀM BÁO VIỆT NAM

Lượt xem:509 | lượt tải:94

mẫu 1-ĐƠN XIN GIA NHẬP HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM

ĐƠN XIN GIA NHẬP HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM - SƠ YẾU LÝ LỊCH

Lượt xem:387 | lượt tải:112

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây