TRƯỜNG SA - TỔ QUỐC NƠI ĐẦU SÓNG

Thứ hai - 25/11/2013 09:03   Đã xem: 484   Phản hồi: 0

Kỳ II - NHỮNG NGÔI NHÀ NỔI TRÊN BIỂN

TRƯỜNG SA - TỔ QUỐC NƠI ĐẦU SÓNG
 


Theo như dự kiến thì đoàn công tác của chúng tôi sẽ vào đảo nổi Song Tử Tây trước, nhưng do sóng to gió lớn nên tàu HQ 996 đưa chúng tôi đến với đảo chìm Đá Nam trước bởi Song Tử Tây là 1 trong 2 đảo có độ dốc lớn và khó vào nhất ở quần đảo Trường Sa, cộng thêm bão lớn, sóng to thì càng khó khăn gấp bội. 16h ngày 04/1/2013 có tiếng reo hò bên mạn tàu “Đảo kia rồi”, chúng tôi chạy vội ra boong tàu và thấy xa xa có một ngôi nhà nhỏ nổi trên mặt biển bao la nằm giữa một vòng tròn màu trắng do những con sóng vỗ vào bờ đảo chìm tạo thành. Đó chính là đảo chìm Đá Nam. Như vậy là sau đúng 2 ngày 2 đêm vượt sóng bão, chúng tôi đã ra tới Trường Sa và dường như tất cả đều không dấu nổi niềm xúc động đang trào dâng trong lòng.
 


 Mặc dù đảo đã ở gần kề, nhưng phải đến đầu giờ chiều hôm sau đoàn công tác mới được vào đảo. Từ tàu lớn muốn vào đảo chúng tôi phải xuống xuồng nhỏ đáy phẳng, mỗi xuồng chở khoảng 25 đến 30 người. Mỗi người đều được trang bị áo phao và túi ni nông để bọc vật dụng và máy tính, máy quay phim, máy ảnh, điện thoại di động khỏi hư hại vì nước biển. Việc xuống xuồng tưởng chừng đơn giản nhưng không hề dễ dàng với những người lần đầu đi biển. Từ mạn tàu lớn cao hơn mạn xuồng khoảng 2,5 đến 3 m phải xuống bằng thang treo móc vào thành tàu, nhưng sóng đánh vào mạn tàu lớn và xuồng nhỏ tạo ra biên độ chênh nhau giữa sàn tàu và thuyền lúc sóng nhỏ cũng khoảng 1 m lúc sóng lớn có thể lên tới 2 đến 3 m nên không thể cứ xuống thang là vào xuồng vì rất nguy hiểm nếu không đúng biên độ. Bước chân từ thang xuống xuồng cần chờ con sóng dâng hết tầm có điểm dừng khoảng 1 giây phải bước sang xuồng ngay, đồng thời buông tay bám thang, nếu chậm chỉ vài giây sau mới bước chân thì sóng đã tụt xuống hàng mét và bước hụt có thể ngã xuống biển. Còn nếu chưa kịp buông tay người đang lơ lửng trong khoảng không mà con sóng sau dâng xuồng lên thì thành xuồng sẽ hất tung người lên. Nếu con sóng đang lên chưa đến điểm dừng đã bước chân xuống thì cạnh xuồng bằng sắt nghiến vào bậc thang như lưỡi kéo có thể cứa đứt cả bàn chân. Tuy vậy, nhờ các chiến sỹ hải quân hướng dẫn chu đáo và trợ giúp cẩn thận nên không xảy ra tai nạn, thương vong đáng tiếc nào trong suốt cả hải trình trên biển với rất nhiều lần lên xuống tàu và lên đảo. Đó là một thành công đáng ghi nhận về sự đảm bảo an toàn của Quân chủng Hải quân cho các đoàn công tác trong mỗi chuyến đi. Sau khi mọi người đã ổn định trên xuồng đầy đủ các ca nô nhỏ của đảo đã chờ sẵn để áp gần, quăng dây kéo xuồng theo luồng lạch vào đảo mà chỉ có các chiến sỹ hải quân trên đảo là thành thạo nhất, nếu không xuồng rất dễ đâm vào đá ngầm hoặc san hô... Không thể tả hết niềm xúc động trào dâng khi con xuồng tiến về đảo mỗi lúc một gần hơn. Các cán bộ, chiến sĩ của đảo đã chuẩn bị sẵn sàng để neo giữ xuồng và đón tiếp chúng tôi lên đảo an toàn. Đón chuyến hàng Tết đầu tiên về với đảo Đá Nam, thượng úy Phạm Xuân Hóa vác cành mai trên vai, tay cầm cuộn lá dong mà miệng cười không dứt: “Anh em ơi, Tết đến rồi! Tết đến thật rồi!”. Nhìn cảnh ấy, bất giác tôi thấy lòng mình cũng rộn ràng. Đối với những chiến sĩ trẻ mới ra đảo thì cành mai, lá dong và những phần quà từ đất liền đã xua đi nỗi nhớ nhà da diết. Tết đã đến sớm với những người lính đảo.
 



“Đảo chìm” hay còn gọi là “Đảo Đá ngầm” là những điểm đảo được xây dựng trên bãi đá san hô ngập nước. Quần đảo Trường Sa có nhiều bãi san hô, trong đó có nhiều đảo có quân và dân sinh sống, như các đảo: Đá Nam, Đá Lớn, Thuyền Chài, Cô Lin, Len Đao, Tiên Nữ, Núi Le, Tốc Tan, Đá Đông, Đá Tây, Đá Lát và Đá Thị. Gọi là điểm đảo nhưng thực ra mỗi Đảo chìm thường có một, hai ngôi nhà được xây dựng kiên cố. Tuy nhỏ nhưng ngôi nhà có đầy đủ phòng bếp, phòng ăn, phòng họp, phòng tập thể thao và phòng ngủ. Điểm đảo nào có 2 ngôi nhà thì nối với nhau bằng một cây cầu như đảo Đá Lớn A. Các chiến sỹ hay lấy tên những cây cầu ở quê hương để đặt tên cho cây câu nơi đảo xa mà họ đóng quân. Đi cùng với chúng tôi, thượng tá Ngô Duy Đỗ, Phó tham mưu trưởng Lữ Đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, cho biết: “nếu biển lặng vào đảo rất dễ, còn những ngày biển động, chỉ dám đứng trên tàu nhìn đảo lọt thỏm giữa những cơn sóng dữ. Những bãi đá san hô ở đảo chìm khi thủy triều lên thì nằm hoàn toàn dưới nước từ 1m đến 3m. Khi thủy triều xuống thấp, bãi đá san hô lại nổi lên mặt nước… Vì thế những chiến sỹ hải quân hay gọi những điểm đóng quân nằm trên bãi san hô ngập nước là Đảo chìm. Có những đảo có bãi san hô rất dài như Đảo Thuyền Chài có bãi san hô dài hơn 30km… Để quân và dân sinh sống, phát triển trên đảo, chúng tôi đã xây dựng nhiều ngôi nhà để quân và dân trên đảo có điều kiện khai thác, đánh bắt thủy hải sản và bảo vệ đảo. Đảo chìm gần như không màu xanh của cây cối mà chỉ một vài cây cảnh được cán bộ chiến sỹ và người dân mang ra trồng trong chậu, cùng khóm rau mini được cán bộ, chiến sĩ trồng tận dụng ở mọi chỗ có thể được ở trên đảo”. Sinh sống trên các đảo nổi có cây xanh như Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn… đã vất vả, khó khăn song ở đảo chìm, cuộc sống của quân và dân còn gian nan, thiếu thốn hơn gấp nhiều lần bởi diện tích đảo còn khá nhỏ. Trước đây đảo chìm rất thiếu nước, còn hiện nay đảo chìm cũng đã được xây thêm nhiều bể chứa nước, vì vậy đã có thêm điều kiện để chăn nuôi chó, gà, vịt và trồng rau. Cùng với đó, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước thì đảo chìm đã có điện năng lượng mặt trời, điện gió, đảm bảo 24/24. Ở các đảo đã có tivi, truyền hình kỹ thuật số, dàn karaoke… và sóng điện thoại đã được phủ khắp đảo. Cán bộ chiến sỹ trên những đảo chìm giờ đây rất vui mừng, phấn khởi vì đảo có thêm nhà ở để sinh hoạt thoáng mát, có không gian để hoạt động văn hóa, thể thao sau những giờ huấn luyện, công tác; có nơi để tiếp đón ngư dân khi bão gió, ốm đau. Một số điểm đảo như lòng hồ còn là khu vực để thuyền của ngư dân đến tránh, trú bão, từ đó đã tạo được niềm tin, sự gắn bó với nhân dân; tạo chỗ dựa vững chắc cho ngư dân bám biển. Vượt qua bao khó khăn gian khổ, qua bao sóng gió… Những ngôi nhà trên đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa vẫn đứng hiên ngang, sừng sững giữa biển trời Tổ quốc. Trên những nóc nhà vững chãi ấy, lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc vẫn tung bay, khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam.
 




 

                                                                                                Nam Hải

                                                               Đài Phát thanh – Truyền hình Thái Nguyên
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập64
  • Hôm nay6,765
  • Tháng hiện tại607,372
  • Tổng lượt truy cập17,537,330

Phóng sự

Xem thêm

Hình ảnh nổi bật

09/2023/NQ-HĐND

Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông

Lượt xem:62 | lượt tải:16

274/TB-VPCP

Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:80 | lượt tải:20

mẫu 1

mẫu đơn đề nghị tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam

Lượt xem:167 | lượt tải:44

73/KH-UBND

Kế hoạch Tổ chức Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng tỉnh Thái Nguyên lần thứ I - năm 2024

Lượt xem:175 | lượt tải:55

375/QĐ-TTg

Quyết định Về việc phê duyệt Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:199 | lượt tải:61

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây