VỮNG LÒNG ĐIỂM TỰA GIỮA TRÙNG KHƠI

Thứ ba - 25/02/2014 14:07   Đã xem: 502   Phản hồi: 0

Đại tá Bùi Hải Phước, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, cho biết: Trong những năm gần đây, công tác nổi bật tại quần đảo Trường Sa là khám chữa bệnh và cứu hộ.

a1 (1)
a1 (1)

Bệnh xá quân y trên các đảo không chỉ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ của đảo, mà còn cứu chữa cho ngư dân các tỉnh đi đánh bắt hải sản xa bờ không may bị đau ốm hoặc gặp nạn. Đồng thời, với mục đích cứu hộ, cứu nạn ngư dân, trên các đảo đã triển khai các nhà tiếp dân, sẵn sàng cung cấp nước ngọt, lương thực, nhiên liệu, sửa chữa tàu thuyền… Đây thực sự là điểm tựa vững chắc giữa biển khơi để ngư dân yên tâm bám biển, bám ngư trường, thể hiện chủ quyền.

KỲ I- BỆNH VIỆN GIỮA BIỂN

Những chiến sỹ áo trắng trên đảo Sơn Ca

Tại đảo Sơn Ca, tôi gặp đồng hương Thái Nguyên, Bệnh xá trưởng - Đại uý Nguyễn Anh Tuấn, nhà ở phường Phú Xá, thành phố Thái Nguyên. Trước khi ra đảo, Đại uý Nguyễn Anh Tuấn công tác tại Viện 91, Quân khu I.


 Khám bệnh cho chiến sỹ tại Bệnh xá đảo Sơn Ca

Chia sẻ về công việc, Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Được công tác biển đảo là niềm vinh dự vô cùng lớn lao đối với mỗi thầy thuốc quân y.  Đội ngũ này phải qua lựa chọn kỹ càng, có tay nghề vững, được huấn luyện sâu, nâng cao các kỹ thuật mổ, công tác hồi sức cấp cứu, gây mê… bản thân mỗi người đều tích cực chủ động trang bị thêm nhiều kiến thức qua các tài liệu chuyên ngành nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tại đảo xa.
Ở đảo, mặc dù không phải phục vụ nhiều ca cấp cứu như trong đất liền, nhưng trong mỗi ca, toàn bộ kíp thực hiện hoàn toàn phải chủ động xử lý mọi tình huống và tập trung cao độ để có kết quả tốt nhất cho người bệnh và nạn nhân. 
Đối với bộ đội, những tai nạn nghiêm trọng ít xảy ra, bởi việc sinh hoạt, lao động và luyện tập mang tính kỷ luật cao. Những ca phức tạp thường xảy ra đối với ngư dân đi biển do điều kiện lao động vất vả, nguy cơ rủi ro cao, bên cạnh đó kiến thức về y học thường thức rất ít, vì vậy khả năng sơ cứu của họ rất hạn chế, có khi làm bệnh nặng hơn trong quá trình vận chuyển bệnh nhân đến bệnh xá đảo. 

Điều kiện khám chữa bệnh khó khăn do thiếu phương tiện xét nghiệm, chủ yếu xác định bệnh theo kinh nghiệm và dựa vào khám lâm sàng. Nhờ phát huy tinh thần trách nhiệm và sáng tạo, kíp quân y đã thực hiện thành công các ca mổ cấp cứu. Yếu tố quyết định sự thành công là bản lĩnh, trình độ và tâm đức của người thầy thuốc, do thiếu máy thở oxy, máy theo dõi chỉ số sinh tồn, bệnh xá đảo Sơn Ca đã khắc phục bằng bóp bóng, cử người theo dõi đo huyết áp cứ 5 phút đo 1 lần nhằm đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Các thầy thuốc ở đảo còn áp dụng nhiều cách chữa bệnh khác như các phương pháp vật lý trị liệu, giác hút, điện châm và sử dụng cây, con thuốc gây trồng trên đảo như cây chó đẻ răng cưa, lá hẹ, lá hương nhu, bạc hà...
Ngoài ra, tập thể các y, bác sĩ cũng yên tâm với hệ thống thông tin liên lạc, nếu có ca bệnh phức tạp, có thể liên lạc với các giáo sư giỏi ở các bệnh viện trong đất liền để có thể chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.
Năm 2013, bệnh xá đảo Sơn Ca đã khám, điều trị, cấp cứu tổng số 339 ca, trong đó quân nhân 262 ca, dân 77 ca, mổ cấp cứu 2 trường hợp viêm ruột thừa cấp. Bên cạnh nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho chiến sĩ, nhân dân trên đảo, ngư dân, làm công tác vệ sinh phòng dịch, các y, bác sĩ cũng tập luyện, huấn luyện như các chiến sĩ khác ở đảo. 


Bệnh xá đảo Song Tử Tây 
 


Bác sĩ Bệnh xá đảo Song Tử Tây tận tụy chăm sóc sức khỏe người dân.

Đơn vị quân y trên quần đảo Trường Sa tổ chức cấp cứu cho ngư dân nhiều nhất là bệnh xá đảo Song Tử Tây. Đây cũng là nơi phải xử lý những ca bệnh hiểm nghèo nhất như: nhồi máu cơ tim cấp, viêm phúc mạc toàn thể do thủng dạ dày, viêm ruột thừa cấp, vết thương nặng, hội chứng giảm áp do lặn sâu… 

Ngư dân Đỗ Văn Lập, thuyền trưởng tàu cá BĐ 96453-TS, quê huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, khi cho tàu vào tránh trú siêu bão Haiyan tại âu tàu Song Tử Tây chiều ngày 7/11/2013, bị đau đầu, buồn nôn, nói khó, yếu nửa người nên đã vào Bệnh xá khám và xin cấp thuốc. Kíp quân y bác sĩ Nguyễn Văn Phúc - Bệnh xá trưởng đã nhanh chóng khám, chẩn đoán, kết luận bệnh nhân bị tai biến mạch máu não. Ngay lập tức bệnh nhân được cấp cứu, chăm sóc trong điều kiện đặc biệt, đã bình phục. 
Trước đó ngư dân Nguyễn Thanh Dũng, 54 tuổi, quê ở Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, làm việc trên tàu cá QNg 90188-TS, được đưa vào bệnh xá đảo cấp khi bị nhồi máu cơ tim cấp. Sau 16 ngày điều trị, ông Dũng đã dần hồi phục và được bàn giao cho tàu cá để đưa vào đất liền trong tình trạng sức khỏe ổn định.
Ngư dân Trần Văn Thông, 35 tuổi, quê ở thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, làm việc trên tàu cá PY 92122, do sơ ý đã đưa cả bàn tay phải vào máy nghiền đá lạnh để ướp cá, bàn tay bị giập nát gần toàn bộ cả xương và phần mềm. Do đang ở khu vực khơi xa nên thuyền cá phải chạy hơn 1 ngày mới đến được đảo Song Tử Tây. Vì vết thương nặng,  không thể bảo tồn bàn tay của bệnh nhân, bệnh xá đã xin chỉ đạo chuyên môn của Bệnh viện Quân đội 108 qua điện thoại, tiến hành cắt bỏ bàn tay phải để cứu tính mạng bệnh nhân.
Trường hợp tai nạn đặc biệt và nặng nhất là ngư dân Lê Bá Quốc, 25 tuổi, quê ở Hoài Hương, Hoài Nhơn, Bình Định, làm việc trên tàu cá BĐ 96614-TS. Ngày 13/3/2013, trong khi thả lưới cá, anh Quốc đã  bị dây lưới quấn vào chân, lôi cả người xuống biển, khi được cứu lên thì đã bị cụt chân. Nạn nhân được các thuyền viên sơ cứu tạm thời rồi đưa vào bệnh xá sau khi bị nạn 5 giờ trong tình trạng rất nguy kịch vì mất máu nhiều do sơ cứu không đúng cách, vết thương đã được garô nhưng không đủ chặt nên vẫn chảy máu nhiều giờ. Dưới sự chỉ đạo, tư vấn của các chuyên gia từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, kíp mổ của bệnh xá đã tiến hành phẫu thuật tháo khớp gối trái cấp cứu nhằm cứu sống bệnh nhân. Do bệnh nhân bị mất máu quá nhiều, cần phải được truyền máu kịp thời, một chiến sỹ công tác tại đảo đã hiến tặng bệnh nhân 350 ml máu. Sau khi điều trị ổn định, bệnh nhân được tàu hải quân đưa vào đất liền an toàn.
Đại tá Bùi Hải Phước khẳng định: Ngư dân khi ốm đau, gặp nạn trên biển đều được lên đảo khám chữa miễn phí, gần như 100% ca cấp cứu đều thành công. Với sự quan tâm của Quân chủng Hải quân, hệ thống chỉ huy của các đảo luôn luôn sát sao, thường xuyên sẵn sàng phối hợp với bệnh xá trên các đảo. Đối với các trường hợp cán bộ, chiến sỹ và ngư dân không may mắc bệnh nặng, hoặc gặp phải các tai nạn nghiêm trọng nguy hiểm đến tính mạng, Chỉ huy đảo sẽ báo cáo Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân có các phương án xử lý, như chuyển bệnh nhân bằng tàu hoặc máy bay trực thăng vào đất liền cấp cứu.
Lưu Thị Bạch Liễu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập72
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm67
  • Hôm nay20,070
  • Tháng hiện tại644,445
  • Tổng lượt truy cập17,574,403

Phóng sự

Xem thêm

Hình ảnh nổi bật

09/2023/NQ-HĐND

Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông

Lượt xem:64 | lượt tải:17

274/TB-VPCP

Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:80 | lượt tải:21

mẫu 1

mẫu đơn đề nghị tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam

Lượt xem:169 | lượt tải:45

73/KH-UBND

Kế hoạch Tổ chức Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng tỉnh Thái Nguyên lần thứ I - năm 2024

Lượt xem:176 | lượt tải:56

375/QĐ-TTg

Quyết định Về việc phê duyệt Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:202 | lượt tải:62

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây