Đất sản xuất càng “teo”, thu nhập càng “nở”

Thứ hai - 28/08/2023 10:29
Những năm gần đây, cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của nhiều địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đang dần bị thu hẹp. Song, bằng sự sáng tạo trong lao động cùng với những giải pháp hiệu quả của ngành nông nghiệp, nhiều hộ nông dân vẫn tiếp tục phát triển sản xuất, thu nhập ngày càng tăng cao.
Hoa Túc Duyên

Nông dân tổ 14, phường Túc Duyên, TP Thái Nguyên trồng hoa trái vụ cho thu nhập cao

Chuyển từ “chính” vụ sang “trái” vụ

Chỉ vài ba năm trước đây, phường Túc Duyên (TP Thái Nguyên) còn là vùng chuyên canh rau và hoa, với những cánh đồng rau bạt ngàn. Cũng bởi lợi thế phường trung tâm của thành phố, Túc Duyên cũng không ngoài cuộc “đô thị hóa” với hàng loạt các dự án khu dân cư như: Dự án khu dân cư số 4, số 5, số 6, số 7, số 8, số 14. Các dự án này gần như đã “xóa sổ” hoàn toàn những cánh đồng rau đã tồn tại nhiều đời nay.
Chị Nguyễn Thị Quế, (tổ 14, phường Túc Duyên) cho biết:
- Trước đây gia đình tôi có 5 sào đất lứa, 5 sào đất rau, nhưng dự án Khu dân cư số 14 thực hiện đã thu hồi và đền bù phần lớn diện tích. Hầu hết các nhà trong làng rau đều trong tình trạng bị thu hẹp đất sản xuất. Thêm nữa, trước đây chúng tôi được hợp tác xã nông nghiệp cung cấp nước theo mùa vụ để phục vụ sản xuất, mấy năm gần đây do diện tích đất còn ít nên việc cấp nước qua hệ thống mương thủy lợi đã bị dừng hẳn.
Tuy nhiên, “khó” đã “ló khôn”. Trước đây đất rộng, làm không xuể, gia đình chị Quế thường sản xuất theo phương châm “mùa nào thức ấy”, cứ đúng vụ là giao trồng. Đất đai tốt, lại bỏ công chăm bón, rau phát triển rất tốt, có những vụ bắp cải đạt trọng lượng đến 3kg/bắp; cải bao cũng khoảng 2kg/cây nhưng rất khó bán, luôn nơm nớp roi vào tình trạng được mùa mất giá, cả xe rau hơn tạ chưa thu nổi 300 nghìn đồng, cái bắp bán buôn chưa tới 2.500 đồng/kg trong khi giá bán lẻ vẫn hơn 10 nghìn đồng. Nếu hạch toán kinh tế thì ngày công lao động của việc trồng, bán rau quá thấp, chưa tới 30 nghìn đồng/người/ngày.
Vui vẻ chỉ vườn rau cải ngọt đang sắp cho thu hoạch, chị Quế chia sẻ:
- Mảnh này có 100m2 mà cho thu bằng cả mấy sào trước đây. Làm ít nên đầu tư được, ví dụ như trồng cải lá chỉ 20 ngày là được thu, mỗi lứa được 2,5 tạ bán rẻ cũng hơn 10 nghìn đồng/kg. Trước đây những dịp mưa nhiều hoặc thời tiết lạnh thì rau không phát triển được nên giá rau rất đắt mà vẫn không có để bán, nay chúng tôi có thể trồng rau trái vụ quanh năm nhờ đầu tư mua khung sắt và nilon để làm vòm che, thu nhập tăng gấp 3 - 4 lần.
Trên diện tích sản xuất còn lại, người trồng rau Túc Duyên tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư hệ thống lưới che, màng che, hệ thống tưới để tăng năng suất và chất lượng rau xanh. Có những hộ chuyển đổi từ rau sang rau thơm thu nhập hàng trăm triệu/năm như hộ anh Nguyễn Văn Toàn với hơn 5 sào chuyên trồng thì là và rau mùi.
Mô hình này càng đặc biệt phát huy hiệu quả với nghề trồng hoa. Trước đây nông dân Túc Duyên chủ yếu trồng hoa phục vụ thị trường tết, giá hoa cúc bình quân từ 2 nghìn - 2,5 nghìn đồng/cành, nếu hoa nở trước hoặc sau tết thì các hộ dân coi như “mất ăn tết”, chỉ còn cách nhổ bỏ để trồng vụ rau kế tiếp. Vài năm gần đây, nhờ đầu tư lưới che, một số hộ trồng hoa cúc bán quanh năm, phục vụ hoa hội nghị, các dịp lễ lạt, ngày Rằm, mồng Một… Trong những tháng mùa hè cũng là dịp có nhiều ngày lễ lớn, nhu cầu sử dụng hoa tăng rất cao, hoa vận chuyển từ nơi khác về dễ bị hư hỏng do thời tiết nắng nóng nên hoa tươi cắt vườn tại Túc Duyên càng đắt hàng với giá cao gấp 3 lần hoa tết. Nhờ vậy, dù diện tích đất sản xuất bị thu hẹp đáng kể nhưng nông dân Túc Duyên vẫn thu nhập cao nhờ trồng rau và hoa.
Bằng sự đổi mới sáng tạo phương thức sản xuất, năm 2022 giá trị sản phẩm đất nông nghiệp trồng trọt trên địa bàn thành phố Thái Nguyên ước đạt gần 155 triệu đồng/ha, tăng 6 triệu đồng/ha so với năm 2021 và tăng 2,8 triệu đồng/ha so với kế hoạch tỉnh giao.

Những cách làm lạ

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, tại nhiều địa phương của tỉnh đã có những mô hình sản xuất nông nghiệp mới lạ.
Tại xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ, nhiều người biết đến khu vườn thông minh của gia đình anh Nguyễn Văn Hiệp với mô hình trồng rau công nghệ thuỷ canh diện tích 500m2. Đây là phương thức trồng cây không dùng đất, cây rau lấy dinh dưỡng từ phân bón được hòa tan trong nước, cho năng suất cao gấp 2 lần so với sản xuất truyền thống. Chi phí công lao động giảm do không phải thực hiện một số khâu như làm đất, làm cỏ, vun xới, tưới và thuốc bảo vệ thực vật, rau không chỉ sạch mà còn rất đẹp về hình thức nên rất dễ tiêu thụ với giá cao, chỉ sau 2 năm đã thu hồi đủ vốn đầu tư ban đầu trên 400 triệu đồng. Hiệu quả dễ thấy nhất là rau phát triển trong mọi điều kiện thời tiết, những thời điểm thị trường khan hiếm rau do mất mùa bởi mưa bão hay rét đậm rét hại thì nhà anh vẫn đều đặn có rau phục vụ bà con. Trung bình, rau xà lách 25 ngày/lứa, giá bán từ 30 nghìn đến 40 nghìn đồng/kg, rau cải 30 - 32 ngày/ lứa.
Cũng trồng rau quả không cần đất, anh Lê Hữu Hiệu, phường Lương Sơn, TP Sông Công phát triển mô hình trồng dưa chuột bằng giá thể xơ dừa. Trong nhà lưới diện tích 500m2, mỗi năm anh thu hoạch 5 tấn dưa chuột với giá 30 nghìn đồng/kg, thu lãi trên 100 triệu đồng…
Dễ thấy, nông dân Thái Nguyên đã không mấy khó khăn để tìm ra “cơ hội” trong “nguy cơ” diện tích đất sản xuất ngày càng co lại. Họ đang dần quen với sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao.
Đây cũng chính là mục tiêu phát triển nông nghiệp của tỉnh đã được xác định tại Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 21/10/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030.

 

Tác giả bài viết: Ngọc Khuê


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Cơ quan chủ quản