TÊN GỌI TỈNH MỚI SAU SÁP NHẬP - VẤN ĐỀ ĐƯỢC QUAN TÂM (Bài 2)

Thứ hai - 17/03/2025 17:29   Đã xem: 131   Phản hồi: 0

Tên gọi tỉnh mới sau sáp nhập – Góc nhìn từ lịch sử

Cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn (ảnh ST)
Trong dòng chảy lịch sử, việc thay đổi địa giới hành chính, chia tách hay sáp nhập các đơn vị hành chính không đơn thuần chỉ là câu chuyện của một quyết định hành chính mà còn gắn liền với sự phát triển, nhận diện bản sắc văn hóa, lịch sử của một vùng đất. Gần đây, khi bàn luận về việc sáp nhập hai tỉnh vốn từng chung một mái nhà trong quá khứ, câu hỏi quan trọng được đặt ra là: Tỉnh mới sau sáp nhập sẽ mang tên gì?
Đây không chỉ là mối quan tâm của những người làm công tác quản lý, mà còn là câu chuyện của những con người đã và đang gắn bó với vùng đất này. Trong số rất nhiều ý kiến tranh luận, có ba hướng tiếp cận chính:
  1. Giữ nguyên tên của một tỉnh.
  2. Ghép hai từ trong hai tên tỉnh để tạo thành tên mới, như cách một số tỉnh trước đây đã thực hiện.
  3. Đặt một tên hoàn toàn mới, mang một ý nghĩa khác biệt nhưng vẫn đại diện cho vùng đất này.
Với góc nhìn của cá nhân đã có thời gian mấy chục năm làm báo và được đi qua thời kỳ chia tách tỉnh gần 30 năm trước; trong bài viết này tôi xin cung cấp một số thông tin và phân tích với những người quan tâm về một vài khía cạnh trong đặt tên tỉnh mới sau sáp nhập. Nội dung này đã được đông đảo bạn bè trong đó có cả những nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, nhà báo và nhiều bạn bè tôi là những người ở các lĩnh vực khác nhau quan tâm và bình luận. Nhiều ý kiến thiên về lấy tên một tỉnh thay vì gộp tên với mỗi tỉnh có một từ hoặc nghĩ ra một tên mới. Trong đó với Thái Nguyên, thì việc giữ nguyên danh xưng Thái Nguyên được rất nhiều người ủng hộ; không chỉ vì đây là địa danh rộng lớn, có lịch sử lâu đời, mà còn vì bản thân danh xưng này đã mang trong mình nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc về địa lý, văn hóa và lịch sử.
Thái Nguyên – Tên gọi được hình thành từ hơn 1000 năm trước
Nhà báo Phan Hữu Minh đã chia sẻ với tôi một số tư liệu quý giá từ PGS tiến sỹ Hán Nôm học Nguyễn Thùy Vinh về nguồn gốc tên gọi Thái Nguyên. Theo đó:
  • Thời Lý (1009-1225), Thừa tuyên Thái Nguyên bao gồm một vùng rộng lớn, trải dài từ Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng đến một phần Tuyên Quang ngày nay. Trong suốt chiều dài lịch sử, vùng đất này không chỉ là nơi sinh sống của các cộng đồng dân cư miền núi mà còn giữ vai trò phên dậu của kinh thành Thăng Long. Để bảo vệ trung tâm chính trị của Đại Việt, triều đình luôn coi trọng vùng đất này như một lớp lá chắn kiên cố phía Bắc.
  • Năm 1499, dưới triều vua Lê Hiến Tông, để quản lý chặt chẽ hơn và củng cố thế phòng thủ, một phần đất thuộc Thái Nguyên được tách ra để thành lập phủ Cao Bằng. Đây là một bước đi mang tính chiến lược về mặt quân sự và hành chính trong bối cảnh vùng biên viễn luôn tiềm ẩn nhiều biến động.
  • Ngày 11/4/1900, trong thời kỳ Pháp thuộc, toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã ký nghị định tách một phần đất Thái Nguyên để lập tỉnh Bắc Kạn. Khi ấy, Bắc Kạn chỉ gồm bốn châu: Bạch Thông, Chợ Rã, Thông Hóa (sau đổi thành Na Rì) và Cảm Hóa (sau đổi thành Ngân Sơn). Như vậy, Bắc Kạn là một tỉnh mới tách ra từ Thái Nguyên vào thời kỳ thuộc địa, chứ không phải một thực thể hành chính đã tồn tại từ xa xưa.
  • Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trải qua nhiều giai đoạn biến đổi, đến năm 1965, Thái Nguyên và Bắc Kạn lại được nhập chung thành tỉnh Bắc Thái. Tên gọi Bắc Thái tồn tại trong 31 năm, cho đến khi tách trở lại vào năm 1997, đưa Thái Nguyên và Bắc Kạn trở về địa giới hành chính như ngày nay.
Khi sáp nhập, đây sẽ là sự trở lại của một thể chế có từ hơn 1000 năm
Nhìn vào những cứ liệu lịch sử trên, có thể thấy rằng nếu việc sáp nhập diễn ra, thì đây không phải là một sự thay đổi mang tính đột ngột hay chưa từng có tiền lệ, mà thực chất chỉ là sự trở lại của một thể chế hành chính đã có từ hơn 1000 năm trước. Trên thực tế, trong phần lớn chiều dài lịch sử, Thái Nguyên luôn bao trùm cả vùng đất Bắc Kạn, ngoại trừ một số giai đoạn bị phân tách do những lý do quản lý hành chính.
Chính vì thế, như câu chuyện đang được mọi người quan tâm hiện nay, nếu các tỉnh mới sau sáp nhập được mang tên gọi của một tỉnh, trong đó có thể là Thái Nguyên; thì đó không phải là một sự áp đặt, mà là sự kế thừa hợp lý theo dòng chảy lịch sử. Thái Nguyên không chỉ là một địa danh, mà còn là một biểu tượng của vùng đất này – nơi giao thoa giữa miền núi và đồng bằng, giữa lịch sử và hiện đại, giữa truyền thống và sự phát triển.
Tên gọi - Danh xưng của một tỉnh mới sau sáp nhập không chỉ là một cái tên
Dĩ nhiên, việc quyết định tên gọi không chỉ đơn giản là một bài toán lịch sử, mà còn phải xét đến yếu tố chính trị, tâm lý và bản sắc địa phương.
  • Tên gọi ấy có được người dân Bắc Kạn có chấp nhận? Đây là một câu hỏi quan trọng. Mặc dù Bắc Kạn từng là một phần của Thái Nguyên trong phần lớn lịch sử, nhưng sau 125 năm kể từ khi trở thành một tỉnh độc lập, họ đã hình thành một bản sắc riêng. Việc đổi tên không chỉ mang tính hành chính mà còn chạm đến niềm tự hào của người dân.
  • Cách thức sáp nhập sẽ diễn ra như thế nào? Nếu việc sáp nhập nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển kinh tế - xã hội, thì tên gọi cũng cần phản ánh được tinh thần đoàn kết, tránh gây chia rẽ hoặc tạo cảm giác mất mát ở một trong hai địa phương.
  • Tâm lý của người dân trước thay đổi lớn: Lịch sử cho thấy, mỗi lần sáp nhập hay chia tách đều kéo theo những điều chỉnh về cơ cấu tổ chức, địa giới, quản lý hành chính. Người dân cần được giải thích rõ ràng về lý do của việc sáp nhập và ý nghĩa của tên gọi mới, để không chỉ đón nhận mà còn tự hào về quyết định này.
Với ý nghĩa "vùng đất rộng lớn, an lành và thiện lương", Thái Nguyên không chỉ là một cái tên đẹp mà còn là một danh xưng đã được khẳng định qua hơn 1000 năm lịch sử. Như giáo sư sử học Lê Văn Lan từng nói: TháiLớn; NguyênNguồn; Thái Nguyên còn có nghĩa là Nguồn lớn. Cho nên, nếu phải chọn một tên gọi thể hiện đầy đủ nhất bề dày lịch sử, vị trí địa lý và tiềm năng phát triển của vùng đất này, thì Thái Nguyên là một phương án hợp lý.
Tuy nhiên, mọi quyết định liên quan đến địa danh của một tỉnh mới cần phải có sự đồng thuận của người dân cả hai bên. Sự đoàn kết, thống nhất mới là điều quan trọng nhất, để khi một tỉnh mới hình thành, nó không chỉ mang một cái tên mà còn mang theo niềm tự hào và sự kỳ vọng của những con người đang sống trên mảnh đất ấy./.


 

Tác giả bài viết: ​​​​​​​ Bắc Việt

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập84
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm82
  • Hôm nay4,200
  • Tháng hiện tại17,480
  • Tổng lượt truy cập29,289,600

Hình ảnh nổi bật

09/KH-UBND

Kế hoạch Tổ chức Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng tỉnh Thái Nguyên lần thứ II - năm 2026

Lượt xem:102 | lượt tải:26

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:428 | lượt tải:83

Mau ĐXKNHV - HNB

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:668 | lượt tải:172

Mau ĐNCTHV

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:544 | lượt tải:180

144/QĐ-HNB

QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên

Lượt xem:171 | lượt tải:33

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây