Mùa thu mới trên ATK Định Hóa

Thứ sáu - 08/09/2023 07:44
Được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm An toàn khu trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, trên địa bàn huyện Định Hóa hiện có 183 điểm di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có 01 di tích Quốc gia đặc biệt (gồm 13 di tích thành phần); 18 di tích Quốc gia; 27 di tích cấp tỉnh.
IMG 0145
 
Đ/c Nguyễn Đức Lực, Bí thư Huyện ủy Định Hóa giới thiệu quy hoạch Cụm các công trình Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện

 Bí thư Huyện ủy Nguyễn Đức Lực cho biết:
Là huyện miền núi có tới 93% diện tích tự nhiên là đất lâm, nông nghiệp, lĩnh vực kinh tế chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản. Thời gian vừa qua huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Với thế mạnh vùng chuyên canh lúa, Định Hóa tập trung duy trì và phát triển các giống lúa đặc sản (Lúa Bao Thai, Lúa J02, nếp Vải, nếp Cái hoa vàng…); các sản phẩm được chế biến từ gạo như: Mỳ gạo bao thai, bún, phở và các loại bánh truyền thống của đồng bào dân tộc… được người tiêu dùng ưa chuộng. Đến năm 2023, tổng diện tích trồng lúa đạt 8.738 ha; sản lượng lương thực có hạt đạt 51.500 tấn.
Đồng thời với đó là chủ trương phát triển cây chè với sự chỉ đạo trồng các giống chè mới có năng suất chất lượng cao. Diện tích trồng chè mới và thay thế hằng năm đạt trên 100 ha; quan tâm mở rộng diện tích sản xuất chè an toàn, toàn huyện có trên 364 ha chè được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap; sản lượng chè búp tươi đến năm 2023 ước đạt 29.200 tấn, bình quân tăng 1,74%/năm.
Trong chăn nuôi, các trang trại, gia trại trên địa bàn từng bước phục hồi sau đợt bệnh dịch tả lợn Châu Phi bùng phát. Năm 2023, sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 12.000 tấn, tăng bình quân hằng năm trên 11,17%/năm; diện tích nuôi trồng thuỷ sản bình quân đạt trên 805 ha/năm, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản ước đạt 1.470 tấn, tăng bình quân đạt 7,0%/năm.
Công tác bảo vệ và phát triển rừng được chú trọng, bình quân trồng trên 1.000 ha/năm, duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt 59%; chỉ đạo, xây dựng Phương án hỗ trợ kinh phí để phát triển cây quế có giá trị kinh tế cao trên địa bàn huyện gắn với thực hiện mô hình liên kết “4 nhà” theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Diện tích trồng quế bình quân đạt trên 500 ha/năm, ước đến hết năm 2023 toàn huyện trồng được trên 4.150 ha quế (trong đó có hơn 700 ha quế đã đến tuổi được khai thác tỉa thưa).
Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), huyện đã quan tâm kết nối cung, cầu; xúc tiến thương mại, tạo mọi điều kiện thuận lợi để giúp các Hợp tác xã tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đến năm 2022, toàn huyện có 08 sản phẩm được chứng nhận OCOP, 08 sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP, dự kiến đến hết năm 2023 có 13 đến 16 sản phẩm được chứng nhận OCOP, tiêu biểu như: Mỳ gạo Bao thai Định Hóa của HTX chăn nuôi, sản xuất nông sản sạch Kim Phượng; Long Vân trà của HTX dịch vụ nông nghiệp Phú Hội; Tâm Như trà nõn và Trà ATK Sơn Phú của HTX nông sản Phú Đạt; Tâm Tâm trà của HTX Bình Minh, xã Phú Đình; Gạo Bao thai Định Hóa, gạo Nếp vải Định Biên của HTX Định Biên; Đũa cọ Hoàng Linh của hộ sản xuất Hoàng Linh.
Trong nửa nhiệm kỳ, Định Hóa đã thực hiện dự ước đạt và vượt mục tiêu của 15 nhóm chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có nhiều chỉ tiêu vượt mục tiêu Nghị quyết. Cụ thể là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2023 bình quân tăng 13,67 %/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2023 đạt 63,5 triệu đồng;  Giá trị sản phẩm trên 01 ha đất nông nghiệp trồng trọt dự ước năm 2023 đạt 108 triệu đồng; Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4,2%/năm; Giảm tỷ lệ hộ cận nghèo bình quân 3,85%/năm; Tỷ lệ lao động qua đào tạo dự ước năm 2023 đạt trên 71%; Tỷ lệ kết nạp đảng viên mới năm 2021, 2022 đạt trên 2,5%, năm 2023 dự ước đạt 3% so với tổng số đảng viên của Đảng bộ huyện đầu nhiệm kỳ...

 
Mỳ ĐH

Sản xuất mỳ gạo tại HTX Nông nghiệp và dịch vụ Thương mại Saemaul, xóm Tổ, xã Phượng Tiến, Định Hóa
 
Nói thêm về tiến độ, kết quả thực hiện Đề án xây dựng huyện Định Hóa đạt chuẩn NTM, đồng chí Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch UBND huyện chia sẻ:
- Đầu nhiệm kỳ toàn huyện có 10/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đến hết năm 2023 toàn huyện có 22/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thị trấn Chợ Chu đạt tiêu chí đô thị văn minh; huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Trong quá trình triển khai thực hiện, huyện tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Văn phòng Quốc hội, đặc biệt là sự quan tâm, vào cuộc của lãnh đạo tỉnh và cá nhân đồng chí Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải. Với quyết tâm chính trị cao nhất, sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, sự vào cuộc của cán bộ, đảng viên và nhân dân, sự quan tâm của các ban, bộ, ngành Trung ương, của tỉnh, công tác xây dựng NTM trên địa bàn huyện đạt kết quả quan trọng, trong đó có sự hỗ trợ đáng kể của các cơ quan Quân đội đã từng đóng quân trên địa bàn và các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp. Hiện nay, Định Hóa tiếp tục được đồng hành bởi nhiều cơ quan, doanh nghiệp, như: Tập đoàn Sungroup tài trợ công trình nhà khám chữa bệnh và trang thiết bị cho Bệnh viện Đa khoa huyện trị giá 50,3 tỷ đồng theo chương trình chìa khóa trao tay; Tập đoàn Điện lực hỗ trợ xây dựng Trường Mầm non Tân Thịnh giai đoạn 1, kinh phí 7 tỷ đồng và lưới điện 110 KV trên địa bàn. Một số ngân hàng tài trợ vốn xây dựng trường, lớp học: Agribank, Vietinbank, BIDV, Techcombank…; Đặc biệt công tác xóa nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đạt kết quả quan trọng, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn huyện đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa được 1.091 nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí trên 74,6 tỷ đồng từ nguồn tài của Tập đoàn Vingroup, các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm và nguồn hỗ trợ trực tiếp bằng xi măng.
Trong giai đoạn 2021 - 2023, kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống trường học, trạm y tế, bệnh viện, trụ sở các cơ quan cấp huyện và các xã, thị trấn, cụm công nghiệp... được quan tâm đầu tư, nâng cấp với tổng số vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 1.200 tỷ đồng; tập trung thực hiện các giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút, mời gọi các nhà đầu tư vào huyện góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Trên cơ sở các quy hoạch hiện có, huyện đã chỉ đạo lập quy hoạch chi tiết khu đô thị thị trấn Chợ Chu, khu dân cư Đồng Màn xã Bảo Cường; điều chỉnh quy hoạch các xã; điều chỉnh quy hoạch xây dựng thị trấn Chợ Chu đến năm 2040; điều chỉnh quy hoạch các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện; thực hiện quy hoạch xây dựng vùng huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2045. Đến nay, nhiều công trình hạ tầng quan trọng đã đầu tư xây dựng xong, đưa vào khai thác, sử dụng, mang lại hiệu quả cao.
Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số được quan tâm chỉ đạo quyết liệt và đạt được kết quả quan trọng. Chỉ số cải cách hành chính huyện Định Hóa năm 2022 xếp thứ 03/09 huyện, thành phố (tăng 06 bậc so với đầu nhiệm kỳ); Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính đứng thứ nhất trong 09 huyện, thành phố (từ bậc 05 lên bậc 01).
 Đây sẽ là cơ sở quan trọng để Đề án Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống các dân tộc huyện Định Hóa thực hiện hiệu quả, đưa mảnh đất ATK kháng chiến năm xưa trở thành một miền quê ngày càng giàu đẹp.

 

Tác giả bài viết: Bảo Ngọc


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Cơ quan chủ quản