Thái Nguyên bắt nhịp với Nông nghiệp Công nghệ cao

Thứ sáu - 06/10/2023 09:49
Trong thời gian vừa qua, ngành Nông nghiệp và PTNT Thái Nguyên đã tích cực triển khai ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, trong đó tập trung chuyển giao, ứng dụng các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng tốt, có giá trị kinh tế cao, xây dựng và triển khai các mô hình sản xuất an VietGAP, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao… góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nâng cao hiệu quả kinh tế nông hộ góp phần hoàn thành các mục tiêu của tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
mô hình hoa đồng tiền
Mô hình trồng hoa đồng tiền trong nhà kính tại phường Túc Duyên, TP Thái Nguyên cho lợi nhuận trên 1,3 tỷ đồng/ha/năm.

Theo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT), Nông nghiệp Công nghệ cao (NN CNC) là nền nông nghiệp được áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm: công nghiệp hóa nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất), tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học và các giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích và phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ”.
NNCNC xuất hiện ở tại Việt Nam vào đầu những năm 2000, khi các mô hình canh tác mới có sử dụng nhà lưới, nhà màng (lợp màng Polyethylen), sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt. Hiện nay nhiều người cho rằng, công nghệ cao trong nông nghiệp thường luôn gắn với nhà lưới, nhà màng, tưới nhỏ giọt tự động, kết hợp bón phân, canh tác thủy canh, trong các nhà lưới, nhà màng có hệ thống điều khiển nhiệt độ, cảm biến độ ẩm…
Gần đây, tại nhiều địa phương trong cả nước đã xuất hiện nhiều mô hình trang trại nông nghiệp thông minh, sử dụng các công nghệ như Internet vạn vật, cảm biến, hệ thống định vị, rô bốt và trí tuệ nhân tạo … để thu thập và truyền các dữ liệu của đất, về không khí, ánh sáng, … được hệ thống phân tích và đưa ra kết luận về trạng thái của đối tượng hoặc quá trình giám sát và xác định các vấn đề tiềm ẩn. Dựa trên các kết quả phân tích này, phần mềm quản lý, người quản lý trang trại sẽ quyết định các cách xử lý tiếp theo. Kết quả là quy trình canh tác thông minh tự động này đạt độ chính xác cao và được kiểm soát 24/7, từ đó dẫn đến tiết kiệm rất đáng kể tất cả các nguồn lực chính của sản xuất như: nước, năng lượng, phân bón và nhân công lao động. 
Chuyển đổi số nông nghiệp còn gọi là nông nghiệp điện tử, sử dụng công nghệ kỹ thuật số để tích hợp sản xuất nông nghiệp từ vùng canh tác, nuôi trồng đến người tiêu dùng. Những công nghệ này có thể cung cấp cho ngành nông nghiệp các công cụ và thông tin để đưa ra quyết định sáng suốt hơn, cải thiện năng suất và hỗ trợ quản lý hiệu quả. Cụ thể như lập bản đồ năng suất, … tác động đến toàn bộ chuỗi giá trị nông sản - trước, trong và sau khi sản xuất tại nông trại, phục vụ nền tảng thương mại điện tử, dịch vụ khuyến nông điện tử, hệ thống kho, hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm (blockchain), …
Lâm Đồng là địa phương đi đầu trong sản xuất NNCNC của cả nước, hiện có khoảng 56.000 ha sản xuất NNCNC, chiếm khoảng 20% tổng diện tích đất canh tác. Lâm Đồng cũng có nhiều chính sách ưu tiên hỗ trợ triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ mới như sử dụng Robot chăm sóc cây trồng; ứng dụng công nghệ thông minh trong phân loại sản phẩm; trong vận chuyển, bảo quản nông sản; tiếp tục thực hiện các đề án, chương trình phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ…  Hiệu quả từ các mô hình sản xuất rau cao cấp cho lợi nhuận đạt 500 triệu đồng/ha/năm; rau thủy canh đạt từ 8-9 tỷ đồng/ha/năm; hoa tươi đạt 1,2 tỷ đồng/ha/năm, cao gấp từ 20-30 lần so với trước... 
Hiện nay, Thái Nguyên đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, thâm canh đối với các cây trồng chính, cây chủ lực, thế mạnh của tỉnh như: Chè, lúa, rau, hoa, cây ăn quả… Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, khoa học kỹ thuật tiên tiến, mở rộng diện tích sử dụng nhà màng, nhà lưới, ứng dụng công nghệ tưới phun, tưới nhỏ giọt có hệ thống điều khiển bán tự động; kỹ thuật canh tác giá thể; công nghệ sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; sản xuất hữu cơ,… góp phần nâng giá trị sản phẩm thu được trên 01 ha đất trồng trọt (năm 2022, đạt 123,2 triệu đồng/ha), góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. 

Tác giả bài viết: Ngọc Khuê


 

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Cơ quan chủ quản