Nếu trước đây, phỏng vấn là một cuộc đối thoại trực tiếp giữa nhà báo và người được phỏng vấn, thì ngày nay, ranh giới giữa con người và máy móc đang trở nên mờ nhạt hơn bao giờ hết khi trí tuệ nhân tạo (AI) có thể đặt câu hỏi phỏng vấn và tạo ra các câu trả lời tự động.
AI có thể được sử dụng để tạo ra các câu trả lời tự động, các thuật toán phức tạp, có thể phân tích dữ liệu khổng lồ bao gồm cả việc tạo ra các cuộc đối thoại trôi chảy, tự nhiên, thậm chí là mang tính cá nhân hoá.
Hiện nay, AI cũng có thể điều chỉnh giọng điệu, phong cách của câu trả lời để phù hợp với từng ngữ cảnh, đối tượng. Các nhân vật ảo được tạo ra bằng AI có thể tham gia vào cuộc phỏng vấn, trả lời câu hỏi một cách chân thực. Thay vì mất thời gian “vắt óc” suy nghĩ cho ngân hàng câu hỏi và những kịch bản phỏng vấn cho một tác phẩm báo chí, AI hỗ trợ các nhà báo đặt câu hỏi. Đáng kinh ngạc là thời gian AI xử lý tính bằng giây và không sai lỗi chính tả.
Nhà báo Đào Thị Hồng Lĩnh, Biên tập viên Kênh VOV Giao thông, Đài Tiếng nói Việt Nam tham gia giảng dạy, chia sẻ về nghiệp vụ báo chí. Ảnh: NVCC
Nhà báo Đào Thị Hồng Lĩnh, Biên tập viên Kênh VOV Giao thông, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cho biết: "Qua nghiên cứu tôi nhận thấy AI có thể tạo ra các câu hỏi đa dạng, logic và có tính tổng thể dựa trên dữ liệu đầu vào của chính các bài báo, bài phỏng vấn trước đó hay mạng xã hội để đưa ra các câu hỏi sáng tạo, thậm chí nhiều câu hỏi AI đặt ra khiến cho nhà báo chưa nghĩ tới hoặc chưa đủ dữ liệu để bao quát vấn đề".
Bên cạnh đó, AI không bị chi phối bởi cảm xúc cá nhân, nên các câu hỏi của AI đảm bảo tính khách quan trong quá trình phỏng vấn. AI cũng có thể tự động hoá một số công việc như sắp xếp lịch phỏng vấn, ghi âm, chép lại các nội dung phỏng vấn, giúp nhà báo tiết kiệm thời gian, công sức. Hơn thế nữa, AI còn hỗ trợ nhà báo tiếp cận và phân tích một lượng dữ liệu lớn từ nhiều nguồn khác nhau phục vụ cho cuộc phỏng vấn.
Tuy nhiên, mỗi cuộc phỏng vấn đều có mục tiêu khác nhau, đòi hỏi những thiết kế câu hỏi riêng biệt. Trong khi đó AI không “rành” lắm khi xác định mục tiêu của cuộc phỏng vấn cũng như cảm xúc của con người hay phân tích ngôn ngữ cơ thể nên sẽ không đưa ra những câu hỏi “chạm” đến tâm lý, cảm xúc của người được phỏng vấn.
Bởi thế, trong những tình huống phỏng vấn phức tạp, cần những câu hỏi đấu trí, thách thức hoặc hỏi để nhân vật “bực mà nói ra” hay dẫn dắt để cuộc phỏng vấn thú vị, đòi hỏi sự tinh tế, bản lĩnh của nhà báo thì AI gần như chưa làm được.
“Thay vì để AI tự động tạo ra toàn bộ các câu hỏi, chúng ta có thể kết hợp giữa AI và con người. AI sẽ đóng vai trò là một công cụ hỗ trợ, giúp nhà báo tạo ra những câu hỏi chất lượng hơn bằng cách cung cấp cho AI lượng dữ liệu đa dạng. Bao gồm cả dữ liệu về các cuộc phỏng vấn chất lượng cao, để giúp AI học hỏi và cải thiện khả năng tạo câu hỏi” nhà báo Đào Thị Hồng Lĩnh nhấn mạnh.
Tại hội thảo “Tác động của Trí tuệ nhân tạo đối với báo chí: Thách thức và cơ hội” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức mới đây, nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: Phóng viên sử dụng AI tham gia phỏng vấn mà ký tên bên dưới “câu hỏi của AI” theo nghiên cứu các chuyên gia truyền thông trên thế giới thì không làm tăng thêm sự tin tưởng mà còn giảm đi lòng tin của người đọc, người nghe. Lời khuyên của các chuyên gia trên thế giới là hạn chế sử dụng AI để xây dựng câu hỏi phỏng vấn hay sáng tạo nội dung.
AI có thể tạo ra các câu hỏi đa dạng, logic và có tính tổng thể dựa trên dữ liệu đầu vào. Ảnh minh họa
Theo nhà báo Lê Quốc Minh: Chúng ta cần xác định rõ là sử dụng AI ở khâu nào đó mà không liên quan đến sáng tạo nội dung, điều này sẽ được chấp nhận, nếu dùng ở góc độ đơn giản hơn như: tổng hợp dữ liệu, soát lỗi chính tả, bóc băng… AI có thể hỗ trợ được, việc này không cần thiết phải ký tên là do AI làm.
Tuy nhiên nhà báo Lê Quốc Minh dự đoán, chỉ một thời gian ngắn nữa, các tòa soạn của các cơ quan báo trên thế giới sẽ ban hành nội quy về sử dụng AI, ở mỗi quốc gia, mỗi tòa soạn sẽ có những nội quy riêng. Và sẽ không có quan điểm nào là duy nhất, giống nhau. Nếu sai phạm hoặc lỗi do AI tạo ra thì xét cho cùng tòa soạn mới là nơi kiểm soát đầu ra, phóng viên dùng AI viết sai nhưng trách nhiệm thuộc về tòa soạn. Vì sau khi phóng viên viết còn qua hệ thống biên tập, xuất bản, cuối cùng tòa soạn phải chịu trách nhiệm. Nếu tòa soạn chấp nhận sử dụng AI thì chấp nhận cả những rủi ro nó mang lại.
Về phía người trả lời phỏng vấn sử dụng AI để trả lời câu hỏi của phóng viên, nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng: Người làm báo cần phải phân biệt được câu trả lời đó có do AI tạo ra hay không, tránh tình trạng cho thông tin không đúng vào trong nội dung bài viết.
“Phóng viên sau khi đã có câu trả lời mà không xác thực lại thông tin thì rất nguy hiểm. Chúng ta không tránh khỏi các đối tượng, các tổ chức cá nhân dùng AI để trả lời báo chí. Điều quan trọng là người làm báo cần phải tỉnh táo và phân biệt được, liệu ở đó nội dung có kiến thức chuyên ngành, thông tin chuyên sâu liên quan trực tiếp đến lĩnh vực người trả lời đang làm, đang quản lý hay không” nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Nguồn tin: congluan.vn:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thông tư 12/2024/TT-BTTTT
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông
Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam