Còn với Harry Ashmore - cựu chủ bút của tờ Arkansas Gazette, người cùng William C. Baggs - biên tập viên của tờ Miami News, từng có dịp tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội vào đầu năm 1967 thì: “Ông Hồ là một người lịch thiệp, nho nhã và khoan thai”.
Harry Ashmore cũng chẳng thể quên được những câu nói đanh thép mà vị lãnh tụ của cách mạng Việt Nam đã nói với ông trong buổi gặp gỡ ngày đó: “Chúng tôi đã chiến đấu cho nền độc lập của mình hơn 25 năm. Và tất nhiên chúng tôi yêu quý hòa bình, nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ nền độc lập để đổi lấy hòa bình với Mỹ hay bất cứ nước khác. Ngay cả vũ khí nguyên tử của các ngài cũng không thể bắt chúng tôi đầu hàng sau cuộc đấu tranh lâu dài và mãnh liệt vì nền độc lập của đất nước”. Nhà báo người Mỹ Harrison S. Salisbury, người cũng có may mắn được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1967, thì có cảm nhận: “Cụ sống giản dị và khắc khổ tại căn buồng phụ nhỏ và đơn sơ sau dinh toàn quyền cũ ở Hà Nội, rất lịch thiệp khi uống trà với khách, tặng một bông hồng đối với khách nữ, nói một câu đùa hài hước đối với khách nam”.
Với nhà báo Australia nổi tiếng Wilfred Graham Burchett (1911-1983), người có cơ hội được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Chiến khu Việt Bắc, tháng 3/1954, đó là ấn tượng: “Ở ông, gương mặt hiền từ không lẫn với ai được, đôi mắt đen sâu thẳm lấp lánh, bộ râu mỏng rối bời, gương mặt chúng tôi đã biết từ những bức ảnh và chân dung trong nhiều năm qua. Ông bất ngờ xuất hiện từ trong bóng tối của rừng rậm, một chiếc áo gió vắt ngang vai như khăn choàng, rảo bước với một chiếc gậy tre dài, mũ cối hất cao trên trán”.
Nữ nhà báo Cuba Marta Rojas là một trong những nhà báo quốc tế cuối cùng được phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi Người ra đi (1969). Với bà, những phút giây được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh là những giây phút không thể quên trong cuộc đời: “Đó là buổi sáng một ngày khoảng giữa tháng 7 năm 1969, tôi, nhà báo Hoàng Tùng và người phiên dịch bước vào Phủ Chủ tịch thì gặp một cụ già mặc bộ quần áo màu trắng tươi cười đi tới và chào tôi bằng tiếng Tây Ban Nha “Chào buổi sáng, đồng chí Marta”. Tôi đã nghe nói nhiều về Bác Hồ nhưng không nghĩ Người lại giản dị, thân tình đến thế”.
Tại Khu Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn Đoàn Vô tuyến – Truyền hình Pháp về những vấn đề chính của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và về sự tiến triển của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (5/1964).
2. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là một trong số không nhiều lãnh tụ luôn nhận được sự ngưỡng mộ, thán phục của báo chí quốc tế. Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có trên 200 tác phẩm và các công trình nghiên cứu, hàng trăm tạp chí, hàng ngàn bài báo của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, triết học, tâm lý học, nhân chủng học, văn hóa học, các nhà thơ, các phóng viên của các tờ báo lớn trên thế giới… viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tạp chí Time số ra ngày 9/9/1946 trong bài “Hồ Chí Minh là ai?” (Ho Chi Minh, Who are You?) cho rằng, Bác là một nhân vật “rất kỳ lạ”.
Báo Le Figaro của Pháp đã viết về Bác: “Cụ Hồ Chí Minh là người đã buộc Pháp phải bỏ thuộc địa quan trọng nhất là Đông Dương… Cụ là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất và làm cho chúng ta kinh ngạc nhất của thế kỷ chúng ta”.
Nhật báo New York Times (Mỹ), số ra ngày 9/5/1954, đánh giá: “Ngày nay, không một tên tuổi nào ở châu Á lại nổi tiếng như nhà cộng sản và dân tộc chủ nghĩa lão thành Hồ Chí Minh”.
Báo Neues Deutschland (nước Đức mới), đã viết: “Hồ Chí Minh giành được sự kính trọng không chỉ từ phía những người cộng sản mà còn từ nhiều nhân vật nổi tiếng của các nước tư sản phương Tây".
Bertrand Earl of Russell, nhà toán học và lôgic học người Anh, đồng thời cũng là một triết gia và nhà phê bình nổi tiếng, người cực lực phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam do Mỹ gây ra, đã từng nói: “Những nỗ lực chiến đấu không ngừng nghỉ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vì độc lập và thống nhất của Việt Nam trong suốt hơn nửa thế kỷ đã làm cho Người không chỉ trở thành nhà sáng lập của một nước Việt Nam mới, mà còn là một trong những nhân vật kiệt xuất góp phần tạo dựng nên diện mạo của bản đồ chính trị thế giới thời kỳ hậu chủ nghĩa thực dân”. (...) “Ngay cả những người ở bên kia chiến tuyến cũng không thể phủ nhận sự kính trọng mà họ dành cho Hồ Chí Minh”.
Tờ Washington Post, tháng 9/1969, đã viết: “Không một nhà hoạt động lớn nào trong thập kỷ cách mạng dân tộc đầy sôi động này lại sống lâu, có ảnh hưởng lớn trên thế giới, thực hiện nhiều sách lược đường lối với nhiều thách thức to lớn như vị lãnh tụ cộng sản Việt Nam - ông Hồ Chí Minh”.
Tờ The Egyptian Gazette (Công báo Ai Cập) số ra ngày 16/5/2020 với bài viết của nhà báo Hany Abdel Fattah đã viết: Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật lịch sử huyền thoại của thế kỷ XX. Đất nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành được những thắng lợi vĩ đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là tấm gương sáng ngời của người chiến sĩ cộng sản trọn đời vì nước vì dân, nhà cách mạng dày dặn kinh nghiệm suốt đời đấu tranh cho độc lập tự do của dân tộc mình.
Nguồn tin: congluan.vn:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông
Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam
mẫu đơn đề nghị tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam