Nông dân đang đau đầu với “đầu ra” của nông sản

Thứ sáu - 01/10/2021 09:56   Đã xem: 1090   Phản hồi: 0

Đầu ra không ổn định, tình trạng “được mùa mất giá” vẫn luôn là nguyên nhân chính khiến người dân không dám đầu tư mở rộng sản xuất.

bán na
Người trồng na tại La Hiên, huyện Võ Nhai chật vật tiêu thụ sản phẩm

Chật vật tìm đầu ra cho chim bồ câu

Được coi là loài vật dễ nuôi, năng suất cao, mô hình nuôi chim bồ câu Pháp theo hướng công nghiệp đang đem lại nhiều hy vọng cho đồng bào các địa phương miền núi của tỉnh Thái Nguyên. Mặc dù giá thành khá hợp lý so với các loại thực phẩm khác, song hầu hết chim bồ câu thương phẩm chỉ được làm món trong các bữa tiệc, tiêu thụ qua kênh các nhà hàng. Vì vậy, đầu ra của chim bồ câu thương phẩm chưa ổn định, khó khăn đối với các hộ nuôi, đặc biệt là các mô hình có quy mô lớn. 
Thành lập từ tháng 3/2020, HTX Chăn nuôi và Dịch vụ tổng hợp Phú Lương (Xóm Ao Sen, xã Động Đạt, huyện Phú Lương, Thái Nguyên) có 7 thành viên. Sản phẩm chính của HTX là chim bồ câu Pháp thương phẩm với tổng đàn  khoảng 8.000 đôi chim bố mẹ, trung bình xuất ra thị trường khoảng 6.000 con chim thương phẩm/tháng. 
 Được huyện quan tâm hỗ trợ số kinh phí trên 370 triệu đồng và có sự đồng hành của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện nên ngay từ khi bắt đầu thành lập HTX, các hộ thành viên đã có hướng đi khá bài bản từ khâu chọn giống, chăm sóc thú y, xây dựng website quảng bá sản phẩm và tem, mã vạch truy xuất nguồn gốc. Nhờ vậy, sản phẩm chim bồ câu mang nhãn hiệu  “HTX Chăn nuôi và Dịch vụ tổng hợp Phú Lương” được chứng nhận sản xuất an toàn đã nhanh chóng tạo được uy tín với người tiêu dùng trong và ngoài huyện. 
Anh Hoàng Anh Tuấn, 36 tuổi, dân tộc Tày, Giám đốc HTX cho biết: 
- Từ năm 2018, nhận thấy thị trường có nhu cầu về chim bồ câu thịt, gia đình tôi và một số hộ đã đầu tư tăng đàn. Để đảm bảo đầu ra, kiểm soát được an toàn thực phẩm, HTX đã xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi nhằm khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm. Sản phẩm của chúng tôi đã được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, có đầy đủ thủ tục đăng ký, tem nhãn và đeo vòng truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nên được các đối tác tin tưởng, lựa chọn. Nhờ vậy, năm 2020 HTX đã ký hợp đồng với một số nhà hàng, cửa hàng thực phẩm trên địa bàn tỉnh và một số địa phương lân cận như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh…

Đầu tư trên 1,3 tỷ đồng cho mô hình nuôi chim bồ câu an toàn, gia đình anh Tuấn luôn duy trì tổng đàn 2.000 đôi bố mẹ, mỗi tháng xuất bán trên 1.200 đôi chim thịt. Năm đầu tiên nuôi mỗi tháng lãi ròng từ 40-50 triệu đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 04 lao động hàng ngày với mức thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng. Tính chung, sản lượng chim thương phẩm của cả 7 hộ thành viên xuất bán ra thị trường khoảng 40.000 con/năm và tạo việc làm cho hàng chục lao động với mức thu nhập từ 5- 6 triệu đồng/người/tháng. 
Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến thị trường tiêu thụ bị chậm lại, giá bán sản phẩm giảm trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng gây khó khăn cho hoạt động của HTX. Năm ngoái giá chim thịt từ 130.000 đồng/đôi, trọng lượng khoảng 0,6 kg đã làm sạch, thì năm nay giảm xuống chỉ còn 110.000 đồng, trong khi trọng lượng lên tới trên 0,8kg. Tiêu thụ khó kéo theo thời gian chăn nuôi dài, chi phí thức ăn và nhân công đều tăng. Trong thời gian này, do các nhà hàng không hoạt động, HTX chủ yếu tiêu thụ qua bán lẻ, tích cực lan toả thông tin về sản phẩm trên các trang mạng xã hội, đưa đến tận địa chỉ khách hàng dù chỉ đặt số lượng 01 đôi.
Anh Tuấn chia sẻ: Do trước đây chim bồ câu quý hiếm, chỉ được dùng trong những dịp đặc biệt hoặc để bồi dưỡng cho người già, trẻ em nên người dân chưa hình thành thói quen dùng thịt chim bồ câu trong bữa ăn hàng ngày. Bằng việc đưa sản phẩm đến tận mỗi gia đình, chúng tôi nghĩ với những ưu điểm như giá thành hợp lý, chất lượng tốt, dễ chế biến thành các món ăn ngon, thị chim bồ câu sẽ sớm trở thành món ăn được yêu thích, có mặt thường xuyên trên mâm cơm của mọi nhà. 
Hiện tại, HTX đang tổ chức lại quy mô sản xuất, nỗ lực duy trì chăn nuôi, tạo ra sản phẩm chất lượng để khẳng định chỗ đứng trên thị trường.

Nông dân không dám mở rộng sản xuất

Chúng tôi đến xóm Đồng Dong, xã Phương Giao, huyện Võ Nhai. Đây xã vùng cao có 8 dân tộc sinh sống chỉ yếu bằng nghề trồng rừng và trồng chè. Xóm có 250 hộ, 5 dân tộc, trong đó gần 120 hộ nghèo và cận nghèo. Ông Hoàng Công Truyện, Trưởng xóm cho biết mặc dù đất đai rộng rãi, bình quân mỗi nhà vài ha nhưng hầu như cuộc sống vẫn hoàn toàn tự cung tự cấp, mỗi nhà tự cấy lúa đủ lương thực để ăn và chăn nuôi, rau tự trồng. Cả xóm không có mô hình nào nổi bật, không có mô hình nào để học hỏi. Điều đáng chú ý là hộ nào cũng có nuôi ít nhất 01 con trâu hoặc 01 con bò. Nuôi trâu bò hiệu quả thấy rõ, như nhà ông Truyện, đầu năm mua 02 con nghé giá 20-25 triệu đồng mỗi con. Một năm sau lớn thành trâu to, bán trên 40 triệu. Nhờ nuôi trâu, ông Truyện có tiền đầu tư trồng trên 5ha rừng keo và cũng là một trong số ít hộ có con học đại học.
nuôi trâu vùng cao
Các hộ gia đình nuôi nhốt vỗ béo trâu mang lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ 

Mặc dù người dân xóm Đồng Dong thấy rõ hiệu quả kinh tế cho thu nhập cao của mô hình nuôi bò, đồng thời tiếp cận nguồn vốn ngân hàng chính sách rất dễ dàng. Thậm chí các tổ hội còn đến tận nhà để vận động bà con vay vốn nhưng người dân không mấy mặn mà. Lý do người dân chưa mạnh dạn đầu tư là vì đầu ra rất bấp bênh, hoàn toàn phụ thuộc vào tư thương. Với cây trồng thì cảnh được mùa bị ép giá rất dễ thấy. Không nói đâu xa, ngay tại huyện, đã có nhiều vụ người dân trồng dong riềng, bí đỏ, gừng, vải, nhãn rất khó khăn trong khâu tiêu thụ, thậm chí phải đổ bỏ rồi chặt phá chuyển sang trồng cây khác. Còn về vật nuôi, dân ít vốn, chỉ cần gặp dịch bệnh là rơi vào cảnh trắng tay gánh nợ…
Ông Truyện nói rằng hiện nay việc tiêu thụ nông sản của xóm khá thuận lợi, người dân tự đem xuống chợ hoặc người buôn thu mua tại nhà. Tất cả các loại hàng hóa bà con sản xuất ra đều được thu mua hết, từ chè búp khô, ngô hạt, đến trâu bò, dê, đặc biệt là lợn, gà, trứng thì càng được ưa chuộng bởi bà con nuôi thả, không dùng thức ăn chăn nuôi công nghiệp nên chất lượng thịt, trứng rất thơm ngon. Tuy vậy, chăn nuôi theo cách này không có hiệu quả kinh tế, như lợn chẳng hạn, nuôi cả năm mới đạt trọng lượng 50-60kg/con. Còn nếu đầu tư chăn nuôi công nghiệp đòi hỏi vốn lớn và trình độ kỹ thuật, bà con không đủ sức… và vấn đề thị trường vẫn là mối lo ngại lớn nhất.
Loại cây trồng khá hiệu quả tại một số xóm vùng cao của các huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ trong thời gian gần đây là cây thanh long. Xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai có trên 10ha trồng thanh long ruột đỏ với sản lượng năm 2021 ước đạt trên 70 tấn, năng suất trung bình đạt trên 6 tấn quả/ha, giá bán bình quân trên 20 nghìn đồng/kg. Sản phẩm sau thu hoạch đều được thương lái thu mua tại vườn, cây thanh long đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người trồng và là mô hình dễ nhân rộng. Song mới đây, huyện Đồng Hỷ đã khuyến cáo người dân địa phương không tự ý mở rộng diện tích, quy mô sản xuất tránh tình trạng “được mùa, mất giá”. 
Chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, “đầu ra” của nông sản khá bấp bênh, phụ thuộc lớn vào tư thương là nguyên nhân chính khiến cả người nông dân ở các địa phương chưa dám mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất hàng hóa. 
Ngọc Khuê
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập52
  • Hôm nay3,661
  • Tháng hiện tại571,765
  • Tổng lượt truy cập27,431,389

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:190 | lượt tải:59

Mau ĐXKNHV - HNB

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:414 | lượt tải:141

Mau ĐNCTHV

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:416 | lượt tải:150

144/QĐ-HNB

QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên

Lượt xem:48 | lượt tải:14

136/QĐ-HNB

công khai dự toán ngân sách 2024

Lượt xem:49 | lượt tải:16

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây