Quá chiều “thượng đế”, nông dân Thái Nguyên đang tự hại mình

Thứ tư - 31/08/2016 10:44   Đã xem: 605   Phản hồi: 0

Những ngày vừa qua, người dân trong và ngoài tỉnh xôn xao với thông tin hộ làm chè Thái Nguyên sử dụng mì chính trộn vào chè búp khô để tăng độ ngọt được VTC16 và một số trang mạng đăng tải.


Ngày 10/8/2016, UBND tỉnh đã có Công văn số 2826 gửi UBND huyện Phú Lương, các sở, ngành liên quan, Sở Thông tin và truyền thông, Hội nhà báo tỉnh, Trung tâm Thông tin tỉnh về việc xác minh, xử lý thông tin trên. 
Tuy vậy, theo điều tra của phóng viên, việc nông dân Thái Nguyên đang quá chiều khách, đáp ứng mọi yêu cầu thậm chí cả những đòi hỏi khá vô lý của tư thương để cốt tiêu thụ được nông sản là có thật. Cũng chính từ việc này, người dân đang cay đắng gánh chịu thiệt thòi.
Nghe khách … trộn mì chính vào chè!



Sản xuất chè an toàn, chất lượng cao tại cơ sở An Dương (xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương, TP Thái Nguyên)
 

Vô cùng bức xúc với sự việc xảy ra trên địa bàn huyện, đồng chí Hoàng Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương khẳng định: Ngày 10/8/2016, kênh truyền hình VTC16 có phóng sự “Rùng mình công nghệ trộn mì chính tạo độ ngọt cho chè búp Thái Nguyên”. Ngày 12/8, Đội kiểm tra liên ngành của UBND huyện phối hợp với UBND xã Phấn Mễ có mặt tại cơ sở chế biến chè của bà Phạm Thị Đặng (xóm Làng Trò, xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương - nhân vật chính trong đoạn clip trộn mì chính vào chè búp khô) để làm rõ một số vấn đề mà VTC16 đã phản ánh. Qua xác minh làm rõ sự việc, có thể thấy đoạn clip do VTC16 thực hiện có dấu hiệu của sự dàn dựng, cắt ghép hình ảnh. Toàn bộ nội dung clip thực hiện theo yêu cầu của phóng viên. Trên cơ sở đó, UBND huyện Phú Lương đã có văn bản kiến nghị Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, Kênh VTC16 xác minh, làm rõ việc phóng viên phản ánh không đúng, có tính chất dàn dựng, quy chụp gây hiểu lầm đối với khán giả, làm ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh của các hộ kinh doanh chè tại địa bàn, gây ảnh hưởng đến thương hiệu chè Phú Lương nói riêng và Thái Nguyên nói chung.
Bà Phạm Thị Đặng kể: Gia đình tôi là hộ thuần nông làm nghề trồng và thu hái chè rồi chế biến thành chè búp khô cung cấp ra thị trường tự do. Gia đình có 01 tôn sao chè và 01 máy vò chè, mỗi lứa thu hái được khoảng 200-300kg chè búp khô các loại, đây là nguồn thu chính của gia đình. Sản phẩm cơ bản là chè sao thô và bán cho các cơ sở chế biến trong và ngoài tỉnh, đôi khi gia đình có chế biến theo yêu cầu đặt hàng của khách. Vào giữa tháng 7/2016, hàng xóm là chị  Đỗ Thị Tuyển dẫn 2 người khách đến hỏi mua chè búp. Khách yêu cầu pha thử chè, khi uống xong họ chê chè có vị chát và yêu cầu cho thêm mì chính để mua 03kg chè búp. Tôi nghĩ đơn giản rằng hàng ngày gia đình vẫn dùng mì chính cho vào thức ăn mà không ảnh hưởng gì thì cho một tý vào chè cũng không sao nên đã đồng ý làm theo yêu cầu của khách.
Không chỉ gia đình bà Đặng “chiều khách” theo cách này, một số hộ dân làm chè tại Tân Ấp, Phúc Thuận, Phổ Yên cũng xác nhận đôi khi họ cho mì chính vào chè với tỷ lệ khoảng 1kg mì chính cho 1 tạ chè búp khô theo “đặt hàng” của lái buôn. Tuy nhiên, đây là loại chè chất lượng kém, giá rẻ, không nhãn mác, bán buôn cho những người thu gom.
Các hộ sản xuất chè khẳng định hiện nay ý thức về vệ sinh an toàn thực phẩm của người tiêu dùng rất cao. Việc sản xuất chè an toàn đã trở nên phổ biến ở hầu hết các làng nghề chè và các hộ dân trong tỉnh. Muốn có thị trường và phát triển sản xuất kinh doanh bền vững thì bắt buộc sản phẩm phải an toàn, chất lượng, có thương hiệu đáng tin cậy. Chính vì vậy mà đa số các cơ sở sản xuất, chế biến có chút “thương hiệu” tại các vùng chè đã dám từ chối thẳng thừng những mối đặt hàng chất lượng không đảm bảo.
Bà Đặng ngậm ngùi: Tôi đã bị Đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính với 02 lỗi: chưa có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm và không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho đối tượng phải khám theo quy định. Vụ việc này cũng là bài học đắt giá cho bản thân tôi cũng như các hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh chè. Chúng tôi cần nâng cao nhận thức hơn nữa, không làm theo yêu cầu của khách hàng cho bất cứ loại phụ gia nào vào chè,  không nên vì cái lợi trước mắt mà làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu, chất lượng sản phẩm chè của Thái Nguyên.

Đến hái na xanh


Na La Hiên được bày bán dọc theo quốc lộ 1B.


Với tổng diện tích 230 ha với hơn 500 hộ gia đình của 8 xóm trồng na, mỗi vụ xã La Hiên cung cấp cho thị trường trên 300 tấn na. Đây được coi là cây làm giàu của nhiều hộ dân mới mức thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng/năm. Hiện, na đang vào mùa chín rộ, song thay vì vui mừng như những năm trước, nhiều hộ dân xã La Hiên đang “méo mặt” vì bán na. 
Anh Đỗ Mạnh Cường (xóm Hiên Minh) ra sức mời chào khách mua na và không giấu được vẻ ngán ngẩm: Chính người dân chúng tôi làm hư tư thương và đang hại chính mình. Những năm trước, không vườn nào phải mang na ra đường “lạy ông đi qua lạy bà đi lại” thế này. Tư thương đặt tiền, mua đứt từng vườn, xe vào tận làng “ăn na”. Xuất phát từ lòng tham của một vài người thấy đem na ra bán ngoài đường quốc lộ được giá hơn, thế là cả làng đua theo. Nay thì tư thương làm cao, không vào mua tại vườn đã đành lại còn ép giá. Như na loại 1 này, 3 quả 1kg nếu bán tại vườn khoảng 35 nghìn/kg nhưng cắt ra đây rồi có khi 20 nghìn cũng phải bán. 
Ông Giang Văn Kiểm, trưởng xóm Hiên Minh cho biết na La Hiên được đánh giá là ngon hơn các vùng khác vì người dân chăn sóc tốt, thu hái khi na đã ương, chỉ trong vòng 1 ngày sau khi hái xuống là na đã chín đều, chính vì thế mà na rất ngọt và thơm. Các mùa trước, tư thương đến thu mua na theo ngày vì không để được lâu. 
Đang từ loại “hàng tuyển”, tư thương phải vào “lụy” chủ vườn để tiêu thụ na với giá cao, người trồng na La Hiên đã tự biến sản phẩm của mình thành “hàng chợ”, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Để tiết kiệm công và chi phí, tư thương đã yêu cầu thu hái na xanh hơn để có thể để được dài ngày, mặc cho chất lượng quả sẽ giảm sút. 
Các hộ dân đang lo ngại vì nếu để na già chín mới thu hái thì lái buôn không chịu thu mua với lý do không để được và hư hỏng dọc đường nhưng hái non quá, có thể na không chín hoặc chín ép thì vị na rất nhạt, chất lượng kém, sẽ dẫn đến việc không tiêu thụ được trên thị trường. 
Từ những cách “chiều” khách hàng vô lý, nông dân Thái Nguyên đang không chỉ đối diện với sự tốn công mất của mà còn làm ảnh hưởng xấu đến danh tiếng các sản phẩm nông nghiệp mà tỉnh ta đang dốc công sức gây dựng.
Ngọc Khuê
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập144
  • Hôm nay36,503
  • Tháng hiện tại379,833
  • Tổng lượt truy cập26,662,245

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:125 | lượt tải:52

STT 13

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:352 | lượt tải:129

STT 13

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:363 | lượt tải:139

09/2023/NQ-HĐND

Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông

Lượt xem:829 | lượt tải:190

274/TB-VPCP

Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:858 | lượt tải:261

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây