Tâm huyết phát triển văn hoá dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên

Thứ hai - 07/10/2019 07:54   Đã xem: 887   Phản hồi: 0

Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên (VHNT DTTS) thành lập theo Quyết định của UBND tỉnh ngày 29-1-2008, tiến hành Đại hội lần thứ nhất, khoá I, nhiệm kỳ 2008-2013 tháng 4 năm 2008. Hiện có 57 hội viên thuộc các chuyên ngành: Văn học (29 người), nhiếp ảnh (7 người), văn hoá dân gian (5 người), mỹ thuật (5 người), biên đạo múa (3 người), sân khấu điện ảnh (1), lý luận phê bình (1), âm nhạc (1)..., hội viên là người DTTS chiếm gần 40%.

Tiến sỹ Đặng Phúc Lường, Chủ tịch Hội VHNT DTTS tỉnh cho biết: 
- Thái Nguyên là một trong số rất ít tỉnh trong toàn quốc có Hội VHNT DTTS. Khi mới thành lập, Hội hoạt động theo nguyên tắc “Hội tổ chức chính trị  - xã hội - nghề nghiệp”, song từ tháng 4-2010 đến nay, Hội là tổ chức tự nguyện theo quy định mới của Chính phủ. Mặc dù tỉnh đã tạo điều kiện về trụ sở làm việc (hiện Hội được bố trí 1 phòng tại Hội VHNT tỉnh) nhưng vì là hội tự nguyện nên không được bao cấp kinh phí hoạt động. 
Những năm qua, tuy không có kinh phí mở trại sáng tác và đi điền dã vùng dân tộc miền núi nhưng nhiều hội viên đã chủ động đi thực tế sáng tác hoặc dự trại sáng tác của Hội chuyên ngành Trung ương và địa phương. Một số hội viên đã chủ động tìm vốn để xây dựng và triển khai các dự án bảo tồn phát triển văn hoá dân tộc miền núi có giá trị. Hàng năm khoảng 30% số hội viên có tác phẩm được hỗ trợ kinh phí sáng tác và các ấn phẩm, tác phẩm được giải thưởng.


Trẻ em dân tộc Mông ở bản Tèn (xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ) trong ngày Khai trường - ảnh Hoàng Thi

Hội viên Ma Đình Thu (dân tộc Tày, huyện Định Hoá) dù tuổi cao nhưng vẫn tâm huyết đam mê sưu tầm văn hoá dân gian dân tộc Tày, nhiều tác phẩm quý về bảo tồn văn hoá cổ do ông sưu tầm đã được các nhà xuất bản đặt hàng như: Lượn lùng tùng, Pụt Kỳ yên, Truyện cổ dân tộc Tày. Ông Thu chia sẻ:
- Làm công việc sưu tầm văn hoá dân gian rất cực nhọc, nếu không say mê thì không thể làm được. Thuận lợi của tôi là sưu tầm văn hoá cổ của  chính dân tộc mình, ở vùng mình sinh sống nhưng vẫn phải mất rất nhiều thời gian gặp gỡ, trao đổi với những nghệ nhân dân gian cao tuổi. Trong khi đó, công việc sưu tầm nghiên cứu không được hỗ trợ kinh phí. Mấy năm trước, Hội VHNT DTTS tỉnh hỗ trợ số ít hội viên cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn nghiên cứu sưu tầm văn hoá dân gian ở miền núi vùng cao với số kinh phí rất ít ỏi qua thanh toán công lệnh. Sách may mắn được đặt hàng cũng được trả nhuận bút “gọi là”, khoản thu nhập có giá trị nhất là 8 triệu đồng tiền giải thưởng cuốn Pụt Kỳ yên do Hội VHNT DTTS Việt Nam trao năm 2012.
Điều kiện hoạt động và sáng tác khó khăn nhưng trong vòng 5 năm qua, ngoài gần trăm đầu sách đã xuất bản của hội viên, Hội VHNT DTTS Thái Nguyên đã xuất bản được 2 tuyển tập gồm: “Âm vang Thủ đô gió ngàn” và “Văn thơ dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên”. Nhân dịp Ngày hội văn hoá, Hội đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh; Sở VH-TT-DL và Đài PT-TH tỉnh tặng sách cho học sinh và đồng bào dân tộc Mông ở Lân Quang, đồng bào dân tộc Dao ở Cây Thị (huyện Đồng Hỷ), được bà con rất hoan nghênh.

Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên tặng quà trẻ em bản Tèn nhân dịp năm học mới 2013- 2014
Ảnh Hoàng Thi



Khẳng định mảng văn hoá dân gian DTTS tỉnh Thái Nguyên như mỏ quặng quý còn ít người khai thác, Chủ tịch Hội Đặng Phúc Lường nuối tiếc:
-  Chỉ còn biết trông chờ vào thế hệ văn nghệ sỹ trẻ chứ “chúng tớ” già mất rồi. “Các cậu” cứ bám vào đề tài dân tộc miền núi, tâm huyết với nó là đảm bảo thành công. Tuy rằng mỗi dân tộc thiểu số ở Thái Nguyên đều đã có người nghiên cứu như:  Sán Dìu có Diệp Trung Bình; Tày có Ma Đình Thu, Nông Phúc Tước; Dao có Đặng Phúc Lường … nhưng mới chỉ là “chạm qua” thôi, vẫn còn nguyên vỉa vàng ròng cần đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng.

Trao đổi về tình hình chuẩn bị Đại hội nhiệm kỳ hai, dự kiến tổ chức ngày 15-10, Chủ tịch Đặng Phúc Lường tâm sự: 
- Vấn đề khó nhất là khâu nhân sự, vì… chả ai muốn làm lãnh đạo Hội. Các cậu thử tính xem, bình quân mỗi năm Hội được UBND tỉnh hỗ trợ 59,4 triệu đồng (bao gồm cả việc in sách, hội thảo,…), đã ít lại còn rất chậm nên muốn triển khai công tác hội thì Chủ tịch Hội thường phải ứng tiền trước, nếu sau này không được nhà nước hỗ trợ hoặc không vận động được nguồn giúp đỡ thì coi như đóng góp luôn! Vừa phải gánh trách nhiệm vừa không được lợi lộc gì nên khó thuyết phục anh em hội viên, mời đến ai cũng chối đây đẩy. Điều an ủi lớn nhất là Hội đã tạo được không khí đầm ấm, đoàn kết ít nơi có được, nên anh em văn nghệ sỹ trong tỉnh đều rất muốn xin vào hội. Hiện còn hàng chục hồ sơ của các hội viên chuyên ngành Trung ương, tài năng đã được kiểm nghiệm bằng tác phẩm nhưng Hội VHNTDTTS tỉnh chưa kết nạp vì xét đến yếu tố cân bằng tỉ lệ hội viên là người DTTS. Việc xét kết nạp khá chặt chẽ, chú trọng đến các nhân tố là con em DTTS có năng triển vọng nhằm động viên, phát triển và người dân tộc Kinh thực sự có nhiều đóng góp cho văn học nghệ thuật DTTS.

Hội viên Hội VHNT DTTS tỉnh đi thực tế sáng tác - Ảnh Hoàng Khuê
Các hội viên Hội VHNT DTTS tỉnh đều có nguyện vọng sớm được công nhận Hội đặc thù để có điều kiện hoạt động tốt hơn, có thêm nhiều đóng góp cho sự nghiệp VHNT DTTS của tỉnh. Trước mắt, Hội sẽ tham gia tích cực vào đề án chung của tỉnh Thái Nguyên “Phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020”, có ít nhất từ 2 dự án trở lên đóng góp vào đề tài này.
Hoàng Khuê
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập170
  • Hôm nay14,334
  • Tháng hiện tại594,998
  • Tổng lượt truy cập28,244,743

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:281 | lượt tải:69

Mau ĐXKNHV - HNB

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:516 | lượt tải:159

Mau ĐNCTHV

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:468 | lượt tải:163

144/QĐ-HNB

QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên

Lượt xem:100 | lượt tải:25

136/QĐ-HNB

công khai dự toán ngân sách 2024

Lượt xem:104 | lượt tải:26

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây