Các luật này bao gồm: Luật Nhà giáo; Luật Việc làm; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật Hóa chất; Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; và Luật Ngân sách nhà nước.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo.
Hoàn thiện hành lang pháp lý cho đội ngũ nhà giáo và thị trường lao động
Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 42 điều, quy định 5 chính sách lớn về nhà giáo: định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh; quản lý nhà nước về nhà giáo. Luật là hành lang pháp lý quan trọng đối với hơn một triệu nhà giáo, tạo điều kiện yên tâm công tác và phát triển nghề nghiệp. Đồng thời, khẳng định vai trò chủ động của ngành Giáo dục trong phát triển đội ngũ, nâng cao chất lượng quản lý và đào tạo.
Luật Việc làm gồm 8 chương, 55 điều, thể chế hóa chủ trương hoàn thiện thể chế, tháo gỡ "điểm nghẽn của điểm nghẽn", đảm bảo đồng bộ hệ thống pháp luật và phù hợp các cam kết quốc tế. Luật quy định các chính sách hỗ trợ tạo việc làm, phát triển kỹ năng nghề, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý nhà nước về việc làm, áp dụng với người lao động từ đủ 15 tuổi trở lên. Luật kế thừa các quy định hiệu quả từ Luật năm 2013, đồng thời bổ sung nội dung nhằm thể chế hóa 4 Nghị quyết đột phá – “bộ tứ trụ cột” cho phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Cả hai luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.
Bổ sung nhiều mặt hàng vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt gồm 4 chương, 11 điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2026. Luật bổ sung một số đối tượng chịu thuế như: nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml; điều hòa nhiệt độ công suất từ trên 24.000 đến 90.000 BTU; đồng thời sửa đổi, bổ sung thuế suất đối với thuốc lá, rượu, bia, ô tô, tàu bay… cho phù hợp với pháp luật chuyên ngành.
Luật cũng sửa đổi, bổ sung đối tượng không chịu thuế, bao gồm: hàng hóa gia công để xuất khẩu; các loại phương tiện sử dụng cho mục đích an ninh, quốc phòng, cứu nạn, chữa cháy, huấn luyện, sản xuất nông nghiệp, vận chuyển khách du lịch...; bổ sung nhóm xe chuyên dùng chỉ hoạt động trong phạm vi khu vui chơi, thể thao, bệnh viện, trường học, di tích lịch sử…
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp gồm 4 chương, 20 điều, có hiệu lực từ kỳ tính thuế năm 2025. Luật được ban hành nhằm thể chế hóa các chủ trương cải cách chính sách thuế, khắc phục vướng mắc thực tiễn, bảo đảm đồng bộ với các luật liên quan về đầu tư, doanh nghiệp, khoa học – công nghệ, chuyển đổi số. Luật điều chỉnh quy định về thu nhập chịu thuế, miễn thuế, phương pháp tính thuế, thuế suất, các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập…
Cập nhật quy định về quảng cáo và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo gồm 3 điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2026. Luật bổ sung các quy định mới như: quyền và nghĩa vụ người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; quy định về tiếng Việt trong quảng cáo; nội dung, điều kiện quảng cáo; quảng cáo trên báo chí, mạng, ngoài trời... Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết, hạn chế phát sinh thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gồm 8 chương, 59 điều, có hiệu lực từ ngày 1/8/2025. Luật điều chỉnh toàn diện việc đầu tư, sử dụng và giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nội dung không còn sử dụng cụm từ “sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh” và “giám sát việc sử dụng vốn”, do đã được bao hàm trong khái niệm quản lý vốn nhà nước.
Luật mở rộng phạm vi áp dụng tới các doanh nghiệp nhà nước và tổ chức tín dụng nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (trừ ngân hàng chính sách). Luật cũng quy định rõ tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên có thể áp dụng luật này để đầu tư, quản lý vốn của tổ chức tại doanh nghiệp.
Đơn giản thủ tục hành chính trong ngành hóa chất và lĩnh vực năng lượng
Luật Hóa chất gồm 7 chương, 48 điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2026. Luật bổ sung các quy định mới về chính sách phát triển ngành công nghiệp hóa chất thành ngành nền tảng, hiện đại; quản lý vòng đời hóa chất; hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm; tăng cường phân cấp, ứng dụng công nghệ thông tin; cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường và phục vụ quốc phòng, an ninh.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gồm 2 điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2026. Luật tập trung vào 4 chính sách lớn: nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước; phát triển dịch vụ tư vấn, kiểm toán, đào tạo nhân lực; ưu đãi và hỗ trợ tài chính cho sử dụng năng lượng hiệu quả; chuyển đổi thị trường và quản lý hiệu suất thiết bị năng lượng.
Tăng tính chủ động, minh bạch trong quản lý ngân sách nhà nước
Luật Ngân sách nhà nước gồm 7 chương, 79 điều, có hiệu lực từ năm ngân sách 2026. Luật thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng về đổi mới cơ chế phân cấp nguồn thu – nhiệm vụ chi, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và tăng tính chủ động cho ngân sách địa phương. Luật phân định rõ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương theo phương châm “cấp nào thực hiện hiệu quả, kịp thời thì giao cho cấp đó”.
Luật tăng cường hiệu quả giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp; đơn giản quy trình ngân sách, thúc đẩy cơ cấu lại ngân sách, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, công khai và minh bạch. Ba nhóm nội dung được thực hiện từ ngày 1/7/2025 gồm: phân cấp nhiệm vụ chi giữa cấp tỉnh và xã trong lĩnh vực khoa học – công nghệ, chuyển đổi số; tổng hợp, lập dự toán ngân sách lĩnh vực này; tạm cấp ngân sách.
Nguồn tin: congluan.vn:
Những tin cũ hơn
Quyết định Công khai quyết toán ngân sách năm 2024 của Hội Nhà báo tỉnh
Kế hoạch tổ chức Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Giải Diên Hồng) lần thứ tư - năm 2026 Chủ đề " 80 năm Quốc hội Việt Nam"
Kế hoạch Tổ chức Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng tỉnh Thái Nguyên lần thứ II - năm 2026
Thông tư 12/2024/TT-BTTTT
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam