Ký Ức Về Một Cuộc Chiến: Máu Thịt Của Tổ Quốc Và Tình Đồng Đội Không Phai

Thứ tư - 30/04/2025 15:06   Đã xem: 8   Phản hồi: 0

46 năm đã trôi qua kể từ buổi sáng mùa xuân nhuộm máu năm ấy – ngày 17/2/1979, quân Trung Quốc bất ngờ nổ súng, mở cuộc tấn công xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta. Trước họng súng quân thù, quân và dân Việt Nam đã anh dũng đứng lên, quyết tử bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng với những người đã đi qua khói lửa, từng giây phút của cuộc chiến vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí – như thể chỉ mới hôm qua.

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu về lần cứu đồng đội tại buổi gặp mặt nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam.
Chúng tôi tìm về xóm La Giang, xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên) trong một ngày tháng Tư đầy cảm xúc – thời điểm cả nước đang hướng về kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tại nơi yên bình ấy, chúng tôi gặp cựu chiến binh Âu Văn Hải – người từng trực tiếp cầm súng bảo vệ biên giới trong cuộc chiến vệ quốc vĩ đại năm 1979.
Đón chúng tôi với nụ cười hiền hậu và phong thái chững chạc trong bộ quân phục Hội Cựu chiến binh Việt Nam, ông Hải niềm nở mời khách vào căn nhà giản dị mà ấm cúng. Giữa căn phòng là bức ảnh ông chụp cùng Đại tướng Phan Văn Giang – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng – trong một lần hội ngộ đặc biệt, như minh chứng cho sợi dây gắn bó thiêng liêng giữa những người lính từng vào sinh ra tử.
Nhắc đến lời kể của Đại tướng Giang trong buổi gặp mặt nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, khi ông xúc động nhắc lại việc từng cứu sống một người lính trong trận chiến tại Cao Bằng, ông Hải lặng đi trong giây lát rồi trầm giọng:
“Anh Giang là bạn học của anh trai tôi, từng hay vào nhà tôi chơi. Sau này mới biết, chúng tôi từng chung một đơn vị. Khi nghe anh kể chuyện cứu tôi, tim tôi thắt lại. Tôi không nhớ rõ giây phút ấy vì bị thương nặng, nhưng tôi biết: nếu không có anh ấy, có lẽ tôi đã không còn trên đời…”
Cựu chiến binh Âu Văn Hải cùng Đại tướng Phan Văn Giang trong một lần họp đồng ngũ.

Với ông, Đại tướng không chỉ là người giữ trọng trách cao trong quân đội, mà trước hết là một đồng đội, một người anh nghĩa tình.
“Dù bận trăm công nghìn việc, nhưng mỗi dịp có thể, anh lại về họp hội đồng ngũ. Gặp nhau, chúng tôi lại ôn chuyện xưa, nhớ đồng đội đã nằm lại nơi biên cương... và cả lần anh ấy cõng tôi băng qua lằn ranh sinh tử.”
Ông Hải ngước nhìn bức ảnh trên tường, ánh mắt xa xăm như đang sống lại quá khứ. Năm 1978, chàng trai 17 tuổi Âu Văn Hải tình nguyện nhập ngũ, biên chế vào đơn vị C3, K4, E677, Trung đoàn 677, Sư đoàn bộ binh 346. Sau ba tháng huấn luyện tại Ngân Sơn (Cao Bằng), ông cùng đồng đội bước vào chiến trường rực lửa.
Ngày 17/2/1979, chiến tranh chính thức nổ ra. Quân Trung Quốc huy động 60 vạn quân tấn công toàn tuyến từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh), trọng điểm là Lạng Sơn và Cao Bằng. Đơn vị ông Hải được điều về Trà Lĩnh, giữ các cao điểm then chốt như đồi Quyết Tử, đồi Thanh Niên, bình độ 700, 800, 815 và khu vực mỏ Mangan.
Ông nhớ như in trận đánh đầu tiên:
“Ác liệt chưa từng có. Địch đông gấp nhiều lần, đánh bất ngờ, chính diện rồi vu hồi. Pháo cày nát đất, bộ binh tràn lên. Lính ta thương vong nhiều, nhưng vẫn bám trụ. Tôi tận tay chôn cất đồng đội. Cảm giác ấy… đau lắm.”
Cuộc chiến giằng co suốt một ngày đêm, đơn vị ông được lệnh rút về chặn địch ở đèo Mã Phục. Tại cánh đồng Lũng Xiệc – ngay chân đèo – khẩu đội 12 người của ông chia làm hai tổ pháo. Sau vài ngày, quân địch tràn tới. Tiểu đoàn trưởng Thắng ra lệnh: “Cứ bắn chiếc xe đầu tiên để chặn đường, bất kể là gì – xe tăng, cơ giới hay treo cờ gì.”
Pháo địch nã dồn dập từ thị xã lên các cao điểm. Rồi xe tăng, ô tô nối đuôi nhau tiến lên. Giao tranh bùng nổ.
“Tôi vẫn nhớ rõ. Sau mấy ngày chiến đấu, mỏi quá tôi xuống hầm nghỉ. Anh Hiệp trên chốt gọi tôi cử ba người đi lấy đạn M19. Nhưng ba anh ấy vừa quay lại lấy thêm áo quần chống rét thì… một ánh sáng lóe lên. Một tiếng nổ kinh hoàng. Ba đồng đội hy sinh ngay trước mắt tôi.”
Ông Hải thoát chết nhờ đứng dưới cùng, nhưng bị thương nặng ở chân, máu chảy đầm đìa. Ông nằm kiệt sức giữa cánh đồng, nghĩ rằng mình sẽ bỏ mạng tại đó khi pháo địch vẫn gầm rú trên đầu.
Và rồi – một kỳ tích:
“Tôi nhìn thấy một người đi qua – là anh Giang. Tôi gọi: ‘Anh Giang ơi!’ – anh quay lại. Tôi không nhớ rõ sau đó. Lúc tỉnh dậy đã thấy mình nằm trong hang. Sau này anh kể: khi được lệnh di chuyển, anh nghe tiếng gọi, thấy tôi lết bên bờ ruộng, chân đầy máu. Anh băng bó cho tôi rồi cõng tôi băng qua ruộng bậc thang – dù pháo vẫn dội xuống. Lúc đó, anh xác định: nếu chết thì hai anh em cùng chết. Nhưng cuối cùng… anh đã cứu sống tôi.”
Ông ngừng lời. Giọng nghẹn lại. Mắt đỏ hoe. Bàn tay ông siết chặt như níu lấy ký ức:
“Khẩu đội tôi có sáu người – ba đã vĩnh viễn nằm lại nơi biên giới. Họ còn rất trẻ… Chiến tranh là mất mát, là máu và nước mắt – nhưng cũng là tình đồng chí thiêng liêng, không gì thay thế được.”
Nhắc về Đại tướng Phan Văn Giang, ông Hải không giấu niềm tự hào:
“Một con người giản dị, gần gũi, nhưng bản lĩnh, quyết đoán. Tôi tin anh sẽ tiếp nối truyền thống, xây dựng quân đội ngày càng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại – bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc.”
Cựu chiến binh Âu Văn Hải.
Chiến tranh đã lùi xa. Nhưng ký ức và bài học từ những ngày tháng bi tráng ấy vẫn còn nguyên giá trị. Rời xóm nhỏ trong ánh chiều nhạt nắng, chúng tôi vẫn nghe văng vẳng lời ông Hải như một lời nhắn gửi đến thế hệ hôm nay và mai sau:
“Tôi chỉ mong thế hệ trẻ hiểu được nỗi đau, sự hy sinh mà cha anh đã trải qua. Hãy sống xứng đáng với quá khứ. Và nếu được nhập ngũ – hãy coi đó là vinh dự, là trách nhiệm thiêng liêng với Tổ quốc.”


 

Tác giả bài viết: Lê Hưng -  Hoàng Giao

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập19
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm11
  • Hôm nay538
  • Tháng hiện tại538
  • Tổng lượt truy cập29,611,253

Hình ảnh nổi bật

327/KH- BTC

Kế hoạch tổ chức Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Giải Diên Hồng) lần thứ tư - năm 2026 Chủ đề " 80 năm Quốc hội Việt Nam"

Lượt xem:29 | lượt tải:10

09/KH-UBND

Kế hoạch Tổ chức Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng tỉnh Thái Nguyên lần thứ II - năm 2026

Lượt xem:141 | lượt tải:35

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:471 | lượt tải:92

Mau ĐXKNHV - HNB

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:714 | lượt tải:195

Mau ĐNCTHV

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:586 | lượt tải:202

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây