Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có thống kê sơ bộ đơn thư phản ánh về thông tin trên báo chí, tố cáo vi phạm trong hoạt động báo chí giai đoạn năm 2018 đến năm 2020, lấy số liệu từ Cục Báo chí, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông và 5 địa phương có hoạt động báo chí sôi động (gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hoá).
Theo đó, 10 báo, tạp chí được liệt kê theo thứ tự có nhiều đơn thư nhất gồm: Báo Pháp luật Việt Nam có 122 đơn về 104 vụ việc; Báo Tiền phong có 56 đơn về 48 vụ việc; Báo Thanh Niên có 53 đơn về 47 vụ việc; Báo Công lý có 48 đơn về 44 vụ việc; Báo Người cao tuổi (tháng 4/2020, thực hiện quy hoạch đã trở thành Tạp chí Người cao tuổi) có 47 đơn về 44 vụ việc; Báo Đời sống và pháp luật (tháng 4/2020, thực hiện quy hoạch đã trở thành Tạp chí Đời sống và Pháp luật) có 41 đơn về 36 vụ việc; Báo Lao động có 40 đơn về 35 vụ việc; Báo Điện tử Tầm nhìn (năm 2021, thực hiện quy hoạch đã trở thành Chuyên trang của Báo Tri thức và Cuộc sống) có 38 đơn về 35 vụ việc; Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam có 37 đơn về 33 vụ việc; Báo điện tử Dân trí có 31 đơn về 28 vụ việc.
Số liệu cho thấy: Báo Pháp luật Việt Nam, Báo Thanh Niên, Báo Điện tử Tầm nhìn có số đơn thư tăng dần qua 3 năm. Các báo, tạp chí còn lại đơn thư năm 2020 có giảm so với 2019.
Khái quát nhận thấy, năm 2019, tổng số đơn thư về 10 cơ quan báo chí này nhiều hơn so với năm 2018 là 85 đơn thư (tăng 81%). Năm 2020, tổng số đơn thư nhiều hơn so với năm 2019 là 28 đơn thư (tăng 14,7%).
Trong giai đoạn 2018 - 2020, số đơn thư gửi đến Cục Báo chí là 294 đơn (57,3%), đến Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông là 186 đơn (36,2%), đến các Sở Thông tin và Truyền thông trên là 33 đơn (6,5%).
Để hạn chế tình trạng có nhiều đơn thư, Cục Báo chí sẽ tiếp tục triển khai các nội dung của quy hoạch báo chí. Khi cấp lại giấy phép bảo đảm tôn chỉ, mục đích của các tạp chí chặt chẽ, rõ ràng, đúng chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản báo chí; phân định rõ báo và tạp chí.
Ngoài ra, chuyển từ hậu kiểm, kiểm tra, giám sát sang giám sát, kiểm tra. Việc giám sát thực hiện liên tục, bằng công nghệ, bằng trí tuệ nhân tạo. Xây dựng hệ thống đo kiểm; đánh giá, phân tích chiều hướng thông tin tích cực hoặc tiêu cực. Khi cơ quan báo chí có chiều hướng thông tin tiêu cực quá nhiều, thông tin tiêu cực lấn át tích cực thì nhắc nhở, chấn chỉnh. Nếu vẫn không biến chuyển, cần thiết thì làm việc với cơ quan chủ quản báo chí.
Khi phát hiện các hành vi vi phạm về nội dung thông tin báo chí thì xử phạt nghiêm. Sau khi xử phạt, thông tin rộng rãi để các cơ quan báo chí khác biết, tự chấn chỉnh. Đối với cơ quan báo chí có nhiều vi phạm bị xử lý liên tục thì đề nghị cơ quan chủ quản báo chí xem xét trách nhiệm người đứng đầu. Thời gian tới, mức phạt tiền trong hoạt động báo chí được tăng lên, cao nhất là 500 triệu đồng (hiện nay chỉ là 200 triệu đồng).
Hiện nay, Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản đã giao thẩm quyền xử lý vi phạm cho các Sở Thông tin và Truyền thông. Vì vậy, việc các Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường thực thi pháp luật, thực hiện theo đúng thẩm quyền đã được pháp luật quy định (cụ thể là trực tiếp xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí có liên quan đến địa phương mình) cũng góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý báo chí.
Gần đây, xuất hiện không ít vụ việc doanh nghiệp, cá nhân khởi kiện cơ quan báo chí ra Toà án. Đây là một xu thế đáng chú ý, là hoạt động bình thường trong xã hội văn minh.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông
Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam
mẫu đơn đề nghị tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam