HHai điểm yếu của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông

Thứ hai - 30/06/2014 22:18   Đã xem: 727   Phản hồi: 0

Trung Quốc, với lực lượng mạnh hơn, đang tăng sức ép ở Hoàng Sa nhằm thử quyết tâm của Việt Nam, nhưng Bắc Kinh cũng có hai điểm yếu mà Hà Nội nên tận dụng, một chuyên gia an ninh châu Á Thái Bình Dương nhận xét.

Tiến sĩ Alexander Vuving, Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ, người có nhiều nghiên cứu về Đông Nam Á và các nước Đông Dương, trao đổi với VnExpress về chiến thuật của các bên trong tranh chấp Biển Đông gần đây.
 
Ông Alexander Vuving là chuyên gia nghiên cứu về Đông Á, Đông Nam Á.

- Trung Quốc mới đây dùng đến 4 tàu để bao vây một tàu của Việt Nam, đâm mạnh khiến tàu kiểm ngư bị hư hỏng nặng. Tại sao Trung Quốc gia tăng hành động kiểu này?


- Lối hành xử hung hãn của các tàu Trung Quốc ở vùng đặt giàn khoan 981 là một phần trong chiến dịch nhắm vào hai mục đích, chứng tỏ quyết tâm của Trung Quốc trong bảo vệ các yêu sách của họ và phá hỏng quyết tâm không hề suy giảm cũng như sự kiềm chế của Việt Nam.

Trung Quốc chỉ dừng hoặc giảm hành động kiểu này nếu Việt Nam nhượng bộ, bởi Trung Quốc làm vậy là để hăm dọa Việt Nam. Nhưng việc dừng cũng chỉ là tạm thời, bởi nếu Việt Nam thoái lui, Trung Quốc càng tin chắc hiệu quả của hành động hung hăng của họ.

Trung Quốc cũng có thể ngừng hành động khiêu khích nếu họ nhận ra làm như vậy sẽ khiến các nước trong khu vực xa lánh. Tuy nhiên cho đến nay hầu hết các nước vẫn cố dàn xếp với Trung Quốc, vì thế những tổn hại mà Trung Quốc cảm nhận được vẫn quá ít để nước này phải nghĩ lại về chiến lược của mình.

- Tại sao Trung Quốc tuyên bố đưa 4 giàn khoan dầu ở Biển Đông lúc này, bất chấp chỉ trích từ cộng đồng quốc tế với giàn khoan 981?

- Trung Quốc sẽ đặt thêm một số giàn khoan ở những vùng mà chỉ có Trung Quốc tuyên bố sở hữu, một số khác ở vùng các nước láng giềng tuyên bố chủ quyền. Làm vậy Trung Quốc muốn tạo ấn tượng là các giàn khoan của họ được triển khai không phải để khiêu khích láng giềng mà là thực hiện những hoạt động bình thường ở vùng mà họ nói có chủ quyền của Trung Quốc.

Một lý do khác là Trung Quốc muốn căng mỏng lực lượng tuần duyên và lực lượng kiểm ngư của Việt Nam. Chiến thuật là lấn át đội tàu nhỏ thực thi pháp luật của Việt Nam, kéo tàu của Việt Nam tới nhiều địa điểm khác nhau, cho tới khi lực lượng của Việt Nam trở nên quá mỏng để có thể bảo vệ quyền lợi của mình được nữa.

- Khi thời hạn của kế hoạch triển khai giàn khoan 981 gần Hoàng Sa kết thúc vào 15/8, ông cho rằng Trung Quốc sẽ làm gì?

- Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ rút giàn khoan đúng hạn. Thực hiện theo đúng kế hoạch giúp Trung Quốc có cơ sở để tranh luận rằng việc đặt giàn khoan là một hoạt động bình thường chứ không nhằm khiêu khích. Việc rút giàn khoan về cũng không có nghĩa là rút lui do áp lực từ phía Việt Nam. Đưa ra một hạn chót cho hoạt động của giàn khoan là một cách mà Trung Quốc tránh cả mùa bão và nguy cơ mất mặt nếu mức độ phản kháng từ Việt Nam không suy giảm.

Sau đó, giàn khoan 981 sẽ được đưa tới một nơi khác ở Biển Đông. Trung Quốc có thể đưa vào gần bờ hơn, để không cần huy động hơn một trăm tàu bảo vệ, nhưng cũng có thể đưa đến vùng mà nước khác tuyên bố chủ quyền, hoặc của Việt Nam hoặc của Philippines.

Việc tiếp tục đưa giàn khoan 981 vào biển của Việt Nam hoặc của Philippines ít có khả năng xảy ra lúc này, nhưng có thể xảy ra trong tương lai. Bởi Trung Quốc có thể thử năng lực của các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam hoặc Philippines trong mùa mưa bão.

- Trước các hoạt động khai hoang của Trung Quốc ở Trường Sa, các bên liên quan nên làm gì?

- Mục đích chính của các hành động này là chuyển các đá mà Trung Quốc đang chiếm giữ ở Biển Đông thành các đảo có thể duy trì đời sống kinh tế. Như vậy, Trung Quốc mưu toan về sau biến các yêu sách trở thành nằm trong vùng đặc quyền kinh tế phạm vi 200 hải lý bao quanh các đảo này.

Bắc Kinh cũng muốn xây dựng mạng lưới căn cứ quân sự trên các đảo, điều này sẽ khiến thế cân bằng quân sự và pháp lý ở biển nghiêng về hướng có lợi cho Trung Quốc, khiến Biển Đông là một cái ao thực sự của nước này.

Nếu nắm được quyền kiểm soát ở Biển Đông, Trung Quốc có thể khước từ tất cả, kể cả Mỹ và Nhật Bản, tiếp cận tuyến đường giao thương quan trọng đi qua khu vực. Với khả năng kiểm soát tuyến huyết mạch đó, Trung Quốc sẽ có lợi thế lớn với hầu hết các nước trong khu vực và sẽ trở thành bá chủ khu vực ở Đông Á.

Điều này sẽ chấm dứt địa vị thống trị của hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, là một trụ cột chính trong tầm lãnh đạo của Mỹ và trật tự thế giới do Mỹ chi phối ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Điều Việt Nam nên làm là mở ra con đường đem lại nhiều lựa chọn cho mình. Chẳng hạn, nếu Việt Nam, Nhật và Mỹ cùng tuần tra chung ở Biển Đông, sẽ làm giảm đáng kể cơn khát khiêu khích và hung hăng của Trung Quốc.

- Ông từng phát biểu rằng Việt Nam nên tận dụng điểm yếu của Trung Quốc để giải quyết tình hình ở Biển Đông. Đó là những điểm gì?

- Trung Quốc có hai điểm yếu lớn. Thứ nhất là đường chín đoạn, cơ sở của nhiều yêu sách lãnh thổ và hàng hải ở Biển Đông, là lố bịch và không phù hợp với luật biển.

Tuy nhiên, đừng lẫn lộn đường 9 đoạn với các yêu sách của Trung Quốc ở các quần đảo ở Biển Đông và vùng đặc quyền kinh tế bao quanh. Như tôi đã nói, việc đưa ra phán quyết phủ nhận đường lưỡi bò không quá khó với tòa án quốc tế, nhưng câu hỏi về vấn đề sở hữu đối với Hoàng Sa và Trường Sa, các đảo này có tạo nên vùng đặc quyền kinh tế không, thì lại khó trả lời hơn, và tòa án có thể từ chối đưa ra quyết định liên quan.

Để tòa án quốc tế phán quyết về tính hợp pháp của đường chín đoạn là điều Việt Nam nên làm, bởi vì tòa án quốc tế nhiều khả năng sẽ phủ nhận nó, và điều này sẽ gây bất lợi cho quan điểm pháp lý của Trung Quốc.

Tuy nhiên, sau này Trung Quốc có thể chuyển cơ sở yêu sách của họ ở Biển Đông từ đường 9 đoạn sang vùng đặc quyền kinh tế của những đảo mà họ đang khai hoang ở Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc xây dựng trường học và căn cứ quân sự, thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội khác hải ở hai quần đảo là nhằm dựng nên cuộc sống của thường dân và nền kinh tế ở những nơi này, tiến đến hiện thực hóa tham vọng đòi vùng đặc quyền kinh tế bao quanh đó.

Điểm yếu lớn hơn của Trung Quốc là có tranh chấp lãnh thổ và hàng hải với những nước chủ chốt trong khu vực, gồm cả Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Philippines và Malaysia.

Điều này có nghĩa khi có xung đột về lợi ích cốt lõi giữa Việt Nam và Trung Quốc, thì cũng có sự hội tụ lợi ích cốt lõi giữa Việt Nam và các nước lớn khác trong khu vực. Nói cách khác, trong khi Trung Quốc cô độc trong tham vọng bá chủ ở Biển Đông, Việt Nam lại có nhiều đồng minh tiềm năng trong cuộc chiến chống lại Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc sẽ gặp khó khăn hơn nếu những nước này hợp sức cùng nhau.
Theo VnExpress
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập84
  • Hôm nay30,920
  • Tháng hiện tại374,250
  • Tổng lượt truy cập26,656,662

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:125 | lượt tải:52

STT 13

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:352 | lượt tải:129

STT 13

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:363 | lượt tải:139

09/2023/NQ-HĐND

Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông

Lượt xem:829 | lượt tải:190

274/TB-VPCP

Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:858 | lượt tải:261

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây