40 năm ngày Giải phóng miền Nam- Phần IV: Thông tấn xã Việt Nam trong Mùa Xuân đại thắng Nhớ lại một thời khắc huy hoàng

Thứ năm - 16/04/2015 15:00   Đã xem: 593   Phản hồi: 0

Mỗi khi nhớ về những giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 ở Dinh Độc Lập mà tôi may mắn có mặt, không hiểu sao bao giờ hình ảnh đầu tiên hiện lên trong ký ức tôi cũng là khung cảnh đêm 29/4, đêm cuối cùng của chiến tranh.

Khi tôi cột xong chiếc võng dù ở bãi trú quân dã chiến trên đường từ Tây Ninh về, ngay trước cửa ngõ Sài Gòn, thì đã gần 12 giờ đêm. Tôi và anh Văn Bảo, phóng viên nhiếp ảnh của Việt Nam Thông tấn xã, bị bỏ lại quá xa vì xe máy thủng lốp, không tìm đâu ra chỗ vá xăm. Cả nghìn cây số dọc đường chiến tranh, bom rơi đạn nổ, bao hiểm nguy rình rập, bao tình huống tưởng không thể khắc phục rồi cũng vượt qua. Chúng tôi đã từng chạy bộ đẩy xe cả chục cây số dưới trời trưa nắng như đổ lửa để giúp lái xe vượt qua những trảng cát ngút ngàn. 

Chúng tôi đã từng vào làng mượn thuyền của dân buộc ghép lại thành chiếc phà tự tạo có một không hai, cho ô tô bò lên rồi bơi đẩy cả thuyền và xe chòng chành vượt sông khi cầu bị địch phá hủy. Chúng tôi từng hút chết giữa đêm trên "đường số 7 kinh hoàng" ngổn ngang xác địch rút chạy từ Tây Nguyên về đồng bằng, khi quả bom sót lại bên đường phát nổ, khói bụi trùm phủ tất cả. 



Giấy công tác đặc biệt Ủy ban Quân quản TP Sài Gòn - Gia Định cấp cho phóng viên Trần Mai Hạnh sáng 1/5/1975.

Chúng tôi đã có những giờ phút cực kỳ hoành tráng khi các chiến sĩ pháo binh bất ngờ đón bằng xe bộ đàm đi trước, xe tiểu đội bảo vệ súng đạn đầy mình đi ngay phía trước và phía sau hai chiếc Uoát của chúng tôi. Các chiến sĩ đã đón nhầm anh Đào Tùng, Tổng Biên tập Việt Nam Thông tấn xã, vì cứ ngỡ anh là Trung tướng Doãn Tuế, Tư lệnh pháo binh của mình... Giờ đây, đêm cuối cùng của chíến tranh, tôi đã ở ngay cửa ngõ Sài Gòn. Mặt đất ầm vang tiếng rền của đủ loại vũ khí. Tiếng súng liên thanh rộ lên phía Trảng Bàng, Tây Ninh. Tiếng trọng pháo gầm, chớp lửa rực sáng bầu trời hướng đông nam trước mặt. Nơi đấy là Sài Gòn. Chúng tôi được lệnh sáng mai sẽ bám theo các binh đoàn chủ lực tiến thẳng vào Sài Gòn trong trận đánh cuối cùng. 

Ai trong số hàng trăm phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí may mắn có mặt đầu tiên để bấm máy và viết bài tường thuật về Sài Gòn trong những phút giây lịch sử? Tôi thao thức, xúc động và hy vọng… Lời ông Đỗ Phượng, Phó Tổng Biên tập Việt Nam Thông tấn xã, khi ông xiết chặt tay dặn dò trước lúc tôi lên đường vào chiến dịch, lại vang lên: "Mai Hạnh cố gắng dọc đường viết thật nhiều tin, bài gửi về. Nhưng cố gắng viết được bài tường thuật đầu tiên về giờ phút lịch sử trọng đại của dân tộc, mà tôi tin rằng sẽ không còn xa nữa ".

5 giờ sáng ngày 30/4, chúng tôi được lệnh lên đường, bằng mọi cách vượt lên bám sát các lữ đoàn xe tăng tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. Xe máy tăng ga, đồng hồ báo tới trên 50 km/giờ. Văn Bảo đèo tôi vượt lên dòng thác người và xe cộ nườm nượp trên đường...

Khoảng 11 giờ 45 phút trưa 30/4/1975, tôi tới được Dinh Độc Lập. Sự kiện lịch sử vừa diễn ra. Cờ chiến thắng vừa được cắm trên nóc Dinh Độc Lập. Tôi tìm hiểu ngay các dữ kiện không thể thiếu của bài tường thuật rồi lao lên ngay tầng 2. Toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn vừa tuyên bố đầu hàng còn ngồi ở đó. Tôi lập tức hỏi và ghi lại cuộc đối thoại lịch sử giữa Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh và cán bộ chỉ huy Quân giải phóng đánh chiếm Dinh Độc Lập (sau này tôi được biết đó là đồng chí Phạm Xuân Thệ, lúc đó là đại úy, Trung đoàn phó Trung đoàn 66 của Quân đoàn 2, cùng với Lữ đoàn xe tăng 203 của Quân đoàn được lệnh đột kích, thọc sâu đánh chiếm Dinh Độc Lập)... Sau khi viết xong bài tường thuật, tôi loay hoay không biết chuyển về Hà Nội bằng cách nào, cứ loanh quanh ở Việt tấn xã ngóng chờ xe chở điện đài và các điện báo viên của TTXGP. Mãi chiều tối các anh mới tới. Sau khi các đồng chí điện báo viên tìm chỗ đặt máy, căng ăng ten bắt được liên lạc, tôi liền đưa bài tường thuật để các đồng chí điện về, không phải điện về Hà Nội, mà là điện về trụ sở TTXGP trên rừng Tây Ninh.



Bản lưu của điện báo viên TTXGP nhận bức điện PV Trần Mai Hạnh đánh đi từ Sài Gòn chiều 1/5/1975.

Sau này tôi được biết tối đó anh Phạm Vỵ, cán bộ Phòng Thư ký Bộ Biên tập cùng đi trong đoàn, đã trực cạnh điện đài, xé từng đoạn bài tường thuật của tôi đang được điện về để anh Đào Tùng duyệt lại trước khi điện báo viên dùng điện đài công suất lớn điện tiếp về Hà Nội. Vì điện báo viên phải đánh mooc từng chữ, chữ "a", chữ "b", chữ "c" nên rất mất thì giờ. Bài tường thuật được đăng trên bản tin Đấu tranh thống nhất của VNTTX phát báo ngay trong đêm 30/4/1975 với đầu đề "Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng ", nhưng do quá khuya nên Báo Nhân dân ra sáng 1/5/1975 không đăng kịp. Báo Nhân dân ngày 2/5/1975 đã đăng toàn văn bài tường thuật này nhưng đặt lại đầu đề là "Tiến vào Phủ tổng thống ngụy". 

Như những tin, bài viết cho VNTTX, theo qui định, tôi chỉ ghi hai chữ: “Mai Hạnh” ở cuối bài. Nhưng khi trực tiếp duyệt lại, trước khi điện chuyển tiếp về Hà Nội, Tổng Biên tập Đào Tùng đã ghi rõ ngay dưới tít bài báo: Bài của Trần Mai Hạnh, phóng viên VNTTX tại Sài Gòn. Vì vậy, bài đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam buổi thời sự đặc biệt trưa 1/5 cũng như đăng trên Báo Nhân dân ngày 2/5 đều ghi tên tác giả đầy đủ như vậy.

... Sáng sớm 1/5/1975, việc đầu tiên tôi làm và kết quả thật nhanh chóng. Đó là "Giấy công tác đặc biệt" của Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định cấp, cho phép tôi với tư cách phóng viên được phép hoạt động nghiệp vụ trên toàn thành phố và yêu cầu các đơn vị và chính quyền các cấp giúp đỡ tôi hoàn thành nhiệm vụ. Đó có lẽ là chiếc thẻ nhà báo đầu tiên được chính quyền cách mạng (Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định) cấp tại Sài Gòn trong buổi bình minh của lịch sử thành phố.

Chiều 1/5, tôi đã gửi một bức điện về căn cứ TTXGP trên rừng Tây Ninh báo cáo công việc với anh Đào Tùng. Bức điện này, anh Phạm Vỵ, cán bộ Phòng Thư ký Bộ Biên tập VNTTX cùng đi trong đoàn được anh Đào Tùng giao đã lưu giữ suốt 31 năm, và trao lại cho tôi đúng sáng ngày 30/4/2006, tại cuộc gặp mặt cán bộ, phóng viên TTXVN từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử do ông Đỗ Phượng, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN chủ trì. Bức điện do điện báo viên Thông tấn xã Giải phóng nhận, viết tay trên giấy đã ố vàng, nội dung như sau:

"Điện anh Hai Đào Tùng

Báo cáo anh đã tìm được trụ sở ở 126 Phan Đình Phùng và xin được 3 xe ô tô. Đề nghị anh cho anh Phạm Vỵ (thư ký) và các anh Vĩnh, Sửu (lái xe) xuống ngay, sớm giờ nào hay giờ ấy. Cánh Lâm Hồng Long, Hứa Kiểm... về ở cả đây nên sinh hoạt, kinh phí có nhiều khó khăn. Đề nghị anh cho chỉ thị gấp. Nếu anh không xuống được trong 1, 2 ngày tới thì xin anh có thư trao đổi với anh Năm Xuân.

Sài Gòn 1 - 5 - 75

Mai Hạnh"
Theo http://baotintuc.vn/
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập67
  • Hôm nay35,766
  • Tháng hiện tại379,096
  • Tổng lượt truy cập26,661,508

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:125 | lượt tải:52

STT 13

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:352 | lượt tải:129

STT 13

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:363 | lượt tải:139

09/2023/NQ-HĐND

Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông

Lượt xem:829 | lượt tải:190

274/TB-VPCP

Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:858 | lượt tải:261

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây