Tối ngày 24/10/2021, Lễ trao giải báo chí Quốc gia lần thứ XV - năm 2020 diễn ra trọng thể tại Cung văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội. Đây là sự kiện lớn, thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo giới cả nước, là giải thưởng cao quý nhất dành tặng cho các tác phẩm báo chí xuất sắc có đóng góp tích cực cho sự nghiệp báo chí nước nhà.
Đến dự buổi Lễ có: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân Lê Quốc Minh - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu - Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Giải Báo chí quốc gia.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến dự buổi Lễ. Đề tài của các tác phẩm dự Giải phong phú, phản ánh trung thực, kịp thời, toàn diện các sự kiện thời sự, vấn đề thời sự của đất nước, của địa phương năm 2020, ở tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại; các vấn đề sự kiện nóng bỏng như đại dịch Covid-19, lũ lụt thiên tai ở các tỉnh miền Trung, được đề cập sâu sắc, kịp thời, toàn diện, tác động xã hội lớn.
Nhiều tác phẩm đã tham gia tích cực vào việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là sai phạm trong công tác quản lí đất đai; sai phạm trong công tác cán bộ, bất cập trong giáo dục; nạn xã hội đen, tội phạm hoành hành, các loại tội phạm mới, nạn xâm hại trẻ em, vấn đề phòng chống thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội, vệ sinh an toàn thực phẩm; Khuyến khích thúc đẩy kinh tế số, kinh tế tư nhân, kinh tế xanh, sản xuất nông nghiệp sạch; xây dựng đô thị thông minh, cách mạng công nghiệp 4.0 và sự tác động tới cuộc sống. Nhiều tác phẩm tiếp tục khai thác những đề tài truyền thống như lịch sử cách mạng, các nét đẹp văn hóa, gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến trong cuộc sống...
Phát biểu khai mạc buổi Lễ, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu - Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia cho biết, năm nay, do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Lễ trao Giải báo chí quốc gia đã không thể tổ chức được đúng ngày 21/6 – Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, như thường lệ.
“Hôm nay, chúng ta tổ chức Lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XV - năm 2020, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến kết nối tới các địa phương trong cả nước, cũng là dịp nhìn lại 15 năm giải Báo chí quốc gia được tổ chức. Dù với hình thức nào, Lễ trao Giải Báo chí quốc gia cũng luôn luôn là ngày hội nghề nghiệp trang trọng nhất của giới báo chí, ngày tôn vinh những giá trị cao quý và thiêng liêng của nghề báo, ngày ghi nhận và biểu dương những đóng góp to lớn, hiệu quả của các nhà báo trong một năm lao động vất vả, dấn thân nhưng đầy vinh quang và tự hào”, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia nhấn mạnh.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu - Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia phát biểu tại buổi Lễ.
Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, 15 năm qua, Giải đã thu hút hơn 21 nghìn tác phẩm báo chí tiêu biểu cả nước của gần 30 nghìn lượt tác giả gửi về tham dự (trung bình mỗi năm có gần 1500 tác phẩm được lựa chọn từ cơ sở để dự giải), trong có có hơn 1500 tác phẩm xuất sắc đã được trao Giải các loại, đại diện cho các cơ quan báo chí cả nước.
Cùng với đó, tất cả 63 tỉnh thành phố, tất cả 19 Liên chi hội và nhiều Chi hội trực thuộc Trung ương Hội đều đã tham dự và có tác phẩm đoạt giải. Từ chỗ chỉ có 8 loại giải ban đầu, đến nay đã có 11 loại giải, bao quát hầu hết các thể loại báo chí truyền thống và hiện đại của các loại hình báo chí: báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử và ảnh báo chí.
Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu, trong hoàn cảnh đất nước phải căng mình chống dịch Covid-19 trong năm 2020, Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV-năm 2020, vẫn tiếp tục nhận được sự hưởng ứng tích cực và chủ động từ các cấp Hội cả nước.
Sau 15 năm, uy tín của Giải báo chí Quốc gia ngày càng được khẳng định vững chắc, giá trị của giải được lan tỏa rộng khắp các cấp Hội và các hội viên. Chất lượng tác phẩm của nhiều địa phương được nâng cao. Tác phẩm gửi về dự giải ở mức cao nhất trong nhiều năm từ trước đến nay với 1931 tác phẩm, có chất lượng tốt. Đáng chú ý, có 114 đơn vị cấp Hội tham dự, với 63/63 tỉnh thành phố, 17/19 LCH 34 Chi hội, hơn 190 tác giả là cộng tác viên.
“Nhờ công tác chuẩn bị chuyên nghiệp, nghiêm túc và khẩn trương, vòng chấm Sơ khảo năm nay được bắt đầu sớm hơn tất cả các năm trước trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19. Các nhóm thể loại PT-TH, điện tử được chấm online, góp phần tiết kiệm thời gian và tạo thuận tiện cho việc chấm của các giám khảo”, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu.
Đến dự và phát biểu tại buổi Lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những đóng góp to lớn, thiết thực và nhiệt liệt chúc mừng những thành tích của đội ngũ những người làm báo cả nước.
Đến dự và phát biểu tại buổi Lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Hơn 96 năm qua, nền báo chí nước nhà đã có sự phát triển vượt bậc cả về đội ngũ, kỹ thuật, công nghệ và trình độ tác nghiệp. Đến nay, đã có hơn 27 nghìn hội viên nhà báo đang làm việc trong hơn 800 cơ quan báo chí, cơ quan quản lý, đào tạo nghiên cứu báo chí.
"Dưới tác động của cuộc cách mạng thông tin và mạng internet, các nhà báo ngày nay, hơn bao giờ hết, có điều kiện thực hiện sứ mệnh cao quý của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh – người thầy của Báo chí cách mạng Việt Nam đã từng nói “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”, “Ngòi bút của các bạn cũng là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”, Chủ tịch nước phát biểu.
Theo Chủ tịch nước, trong năm 2020 và 2021, báo chí đặc biệt tiên phong cung cấp kịp thời thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19, thông tin các quan điểm chỉ đạo, lãnh đạo của Trung ương Đảng, của Tổng Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa ổn định phát triển sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân, phổ biến về những tấm gương tận tụy, hy sinh của lực lượng chống dịch tuyến đầu, về tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái và tình thương yêu trong cộng đồng, xã hội cũng như cả những khó khăn, thiếu thốn của đồng bào nơi tâm dịch... Báo chí trên nhiều phương diện, đã là “tấm gương tinh thần trong đó nhân dân nhìn thấy bản thân mình”, như lời Các Mác đã nói.
"Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi biểu dương những đóng góp to lớn, thiết thực và nhiệt liệt chúc mừng những thành tích của đội ngũ những người làm báo cả nước, nhiệt liệt chúc mừng các nhà báo vinh dự được trao Giải Báo chí quốc gia hôm nay", Chủ tịch nước phát biểu.
Thời gian tới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra những nhiệm vụ cho đội ngũ báo chí, như sau:
Thứ nhất, báo chí cần quán triệt sâu sắc, tuyên truyền mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương (mới đây nhất là Hội nghị TƯ lần thứ tư), các chính sách, pháp luật của Nhà nước,phổ biến rộng rãi, kịp thời quan điểm, chủ trương và giải pháp về phòng chống dịch trong tinh hình mới; phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong phòng chống dịch, trong lao động sản xuất, trong bảo vệ trật tự xã hội, an ninh Tổ quốc.
Thứ hai, tham gia giám sát, phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp; đẩy mạnh phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và những biểu hiện tiêu cực khác trong đời sống xã hội, nhất là trong cán bộ đảng viên.
Thứ ba, lực lượng báo chí tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, nhanh nhạy, kịp thời cung cấp thông tin chính thống, chính xác cho các tầng lớp nhân dân; chủ động đấu tranh chống lại những thông tin xuyên tạc, thông tin sai lệch, chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của nhân dân ta; không bị dao động, sa ngã trước những tác động xấu của những tư tưởng sai trái, tiêu cực trên mạng xã hội cũng như trong đời sống và mặt trái của kinh tế thị trường. Đảng, Nhà nước luôn mong muốn và yêu cầu đội ngũ những người làm báo vững vàng về bản lĩnh chính trị, tinh thông nghề nghiệp và có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, nhân văn.
Cùng với đó, cần phát huy và tổ chức tốt hơn nữa Giải Báo chí quốc gia; tuyên truyền sâu rộng để thu hút ngày càng nhiều những tác phẩm báo chí xuất sắc; tôn vinh và động viên khen thưởng kịp thời, xứng đáng với những tác giả và tác phẩm có giá trị xuất sắc cả về nội dung tư tưởng và hình thức thể hiện, có tác động xã hội sâu sắc...; tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt Quy hoạch báo chí giai đoạn 2020 – 2025, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng nước ta ngày càng phát triển, vững mạnh.
Trong phần trao giải cho các tác phẩm đoạt giải, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân Lê Quốc Minh - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu - Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia đã trao giải cho tác phẩm đoạt giải C.
Theo đó, Báo Nhà báo và Công luận đã vinh dự đoạt Giải C với tác phẩm: "Loạt 5 bài: Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu" của nhóm tác giả Trần Lan Anh (Khánh An), Nguyễn Thị Vân (Hà Vân, Vân Hà, Sông Mây) – Báo Nhà báo & Công luận, Liên chi hội nhà báo Cơ quan Trung ương Hội nhà báo Việt Nam.
Thông điệp mà tác phẩm "Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu" gửi gắm, không chỉ nêu lên một thực trạng, một thời điểm khó khăn “chưa từng có” của báo chí Việt Nam, mà còn qua đó để thấy rằng, trong khó khăn bộn bề âu lo bởi gánh nặng “cơm áo gạo tiền”, bởi những chao đảo chưa từng có của kinh tế báo chí, bởi những hiểm nguy khó lường khi tác nghiệp trong một đại dịch mà lây lan nhanh là đặc tính số 1, các cơ quan báo chí vẫn tiên phong vào cuộc với tâm thế quyết liệt nhất của người “chiến sĩ trên mặt trận tuyên truyền, vẫn không ngừng “đổi mới chính mình” để phát triển vì một nền báo chí đổi mới, sáng tạo, hiện đại và nhân văn.
Các tác giả đoạt giải C - Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV năm 2020
Cùng với đó còn có các tác phẩm tiêu biểu đoạt Giải C như: Tác phẩm: "Loạt 3 kỳ: Từ không chiến đến hòa giải" của nhóm tác giả Đỗ Bích Nhung (Bích Nhung), Đặng Hồng Dũng (Hồng Dũng), Vũ Trung Hiếu (Trung Hiếu), Lê Thị Lan (Lê Lan), Phan Thị Xanh – Kênh Truyền hình Quốc hội, Liên chi hội nhà báo Văn phòng Quốc hội.
Tác phẩm: "Phong cách Hồ Chí Minh - Tinh hoa của thời đại" của tác giả Nguyễn Uyển – Liên chi hội nhà báo Cơ quan Trung ương Hội nhà báo Việt Nam.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cùng Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã trao giải B cho các tác phẩm đoạt giải.
Các tác phẩm tiêu biểu như: "Táo tợn ổ nhóm lừa đảo bệnh nhân ung thư trước cổng Bệnh viện K" của nhóm tác giả Nguyễn Anh Tuấn, Chu Sỹ Thanh – Liên chi hội nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam.
Tác phẩm: "Bác Hồ của chúng ta" của nhóm tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa, Nguyễn Thị Minh Hạnh, Bùi Nguyễn Quang Dũng – Liên chi hội nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam.
Tác phẩm: "Loạt 4 bài: Cuộc tranh luận công hàm tại Liên Hợp Quốc: Chiến lược Tứ Sa và những tính toán nguy hiểm của Trung Quốc" của nhóm tác giả Vũ Hồ Điệp, Đỗ Việt Nga, Phan Thanh Tùng, Trần Thúy Ngọc – Liên chi hội nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam.
Các tác giải được trao giải B - Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV năm 2020.
Tác phẩm: "Loạt 4 bài: Thuốc lậu rao bán trên facebook, tràn ra đồng ruộng" của tác giả Dương Đình Tường – Chi hội nhà báo Báo Nông nghiệp Việt Nam.
Tác phẩm: "Cả hệ thống chính trị vào cuộc, toàn dân đồng lòng chống dịch COVID -19" của nhóm tác giả Lê Trí Dũng (Trí Dũng), Hoàng Thống Nhất (Thống Nhất), Dương Văn Giang (Dương Giang), Bùi Doãn Tấn (Doãn Tấn), Bùi Cương Quyết (Minh Quyết) – Liên chi hội nhà báo Thông tấn xã Việt Nam.
Tác phẩm: "Loạt 5 kỳ: Vĩnh Phúc – Ngang nhiên bạt đồi, lấp hồ Đại Lải làm khu biệt thự nghỉ dưỡng" của tác giả Phạm Việt Hòa (Việt Hòa) – Chi hội nhà báo Báo Giao thông.
Tác phẩm: "Loạn quy hoạch làm biến dạng đô thị: Virus cần phải loại bỏ triệt để" của tác giả Võ Mạnh Hùng – Báo điện tử VietnamPlus, Liên chi hội nhà báo Thông tấn xã Việt Nam.
Tác phẩm: "Loạt 5 bài: Lời man trá trong các rừng nghiến khổng lồ" của nhóm tác giả Đỗ Doãn Hoàng (Lãng Quân), Hoàng Chiên (Văn Hoàng) – Chi hội nhà báo Báo Nông thôn ngày nay. Tác phẩm: "Loạn quy hoạch làm biến dạng đô thị: Virus cần phải loại bỏ triệt để" của tác giả Võ Mạnh Hùng – Báo điện tử VietnamPlus đoạt giải B.
Các tác phẩm xuất sắc đạt giải A đã vinh dự được Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao giải.
Những tác phẩm đoạt giải A là những tác phẩm xuất sắc đã được Hội đồng Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia đánh giá cao như: Tác phẩm: "Loạt 5 bài Đại dịch Covid - 19 – thách thức và cơ hội" của tác giả: Nguyễn Hữu Phùng Nguyên – Liên chi hội nhà báo Báo Nhân Dân.
Tác phẩm: "Loạt 3 bài: Pháp luật về quốc phòng - hợp hiến, hợp lý và hợp lòng dân" của nhóm tác giả: Đỗ Phú Thọ, Hồ Quang Phương, Nguyễn Chiến Thắng – Liên chi hội nhà báo Báo Quân đội nhân dân.
Tác phẩm: "Phá rừng quy mô lớn ở Kon Tum" của nhóm tác giả Nguyễn Thị Liên, Hoàng Minh Đức – Liên chi hội nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam.
Tác phẩm: "Vinh quang trên tuyến đầu" của nhóm tác giả Phạm Văn Tú (Văn Tú), Nguyễn Hồng Anh (Hồng Anh), Trần Thị Khánh (Vân Khánh), Nguyễn Đức Minh (Đức Minh), Vũ Anh Tuấn (Tuấn Vũ) – Liên chi hội nhà báo Trung tâm Phát thanh – Truyền hình Quân đội.
Các tác phẩm xuất sắc đạt giải A đã vinh dự được Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao giải.
Tác phẩm: "Loạt 5 bài: Báo chí chung tay làm sạch chính mình" của nhóm tác giả Đỗ Hữu Khôi (Bắc Ninh), Hoàng Tư Giang, Phạm Lương Bằng, Hồ Văn Lợi, Nguyễn Văn Hải (Thiện Văn) – Báo Điện tử VietnamNet, Liên chi hội nhà báo Bộ Thông tin và Truyền thông.
Tác phẩm: "Loạt 5 bài: Trốn thuế qua cổng thanh toán quốc tế" của nhóm tác giả Nguyễn Thị Lan Hương (Lan Hương), Dương Đình Trường (Đình Trường) – Chi hội nhà báo Báo Lao động.
Tại buổi Lễ hôm nay, một tác phẩm đã được Hội đồng Giải Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia trao Giải Đặc biệt. Đó là tác phẩm phim tài liệu truyền hình: "Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình" của nhóm tác giả Nguyễn Lê Anh, Lê Thi, Nguyễn Thành Trung, Ngô Đình Khoát, Nguyễn Thanh Tùng – Liên chi hội nhà báo Báo Nhân Dân.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã lên trao giải Đặc biệt cho nhóm tác giả.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã lên trao giải Đặc biệt cho nhóm tác giả đoạt giải.
Phim tài liệu “Việt Nam Thời đại Hồ Chí Minh- Biên niên sử truyền hình” phát sóng rộng rãi, được đông đảo người xem, công chúng quan tâm, đón nhận và có sự lan tỏa, hiệu ứng dư luận xã hội tốt.
Chia sẻ cảm xúc với phóng viên báo Nhà báo và Công luận tại buổi Lễ, Nhà báo Nguyễn Lê Anh, Tổng kịch bản - Giám đốc Sản xuất phim tài liệu nhiều tập “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh- Biên niên sử truyền hình” chia sẻ: Với người làm báo chuyên nghiệp luôn đánh giá rất cao Giải báo chí Quốc gia hàng năm, giải luôn thu hút được đông đảo các cơ quan báo chí, các nhà báo, cộng tác viên tham gia với đầy đủ các loại hình, thể loại báo chí.
Nhà báo Nguyễn Lê Anh cho biết, nhóm tác giả đã nhận được không ít phản hồi, chia sẻ, bình luận, đóng góp ý kiến về nội dung, cách thể hiện phim. Đây là điều rất đáng mừng khi lớp trẻ quan tâm, đón nhận một bộ phim tài liệu chính luận về lịch sử cách mạng. Chính điều này cũng là một trong những lý do để Hãng phim Tài liệu và Điện ảnh Nhân Dân thực hiện bộ sách điện tử Tổng hợp trên nền nội dung 90 tập phim tài liệu “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh – biên niên sử truyền hình”.
“Hôm nay được thay mặt những đồng nghiệp làm phim “Việt Nam Thời đại Hồ Chí Minh- Biên niên sử truyền hình” nhận giải, tôi thấy rất vinh dự, nhưng cũng thấy hơi tiếc vì đại dịch Covid-19, chúng ta phải giãn cách, hạn chế số người tham dự nên một số đồng nghiệp làm phim không có mặt để nhận giải, cùng chia sẻ niềm vui với nhau ngay lúc này, tại “sân chơi” chuyên nghiệp của những người làm báo”, Nhà báo Nguyễn Lê Anh nói. Theo Ban tổ chức cho biết, Hội đồng Chung khảo đã chấm 150 tác phẩm thuộc 11 loại giải báo chí, được lựa chọn từ 1823 tác phẩm của 114 cấp hội và hơn 190 tác giả là cộng tác viên, tham dự 11 loại giải. Trong số 150 tác phẩm vào vòng chung khảo, Hội đồng Chung khảo đã chọn được: 01 Giải đặc biệt, 09 giải A, 25 giải B, 45 giải C, 32 giải khuyến khích.
Theo https://congluan.vn/
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thông tư 12/2024/TT-BTTTT
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên
công khai dự toán ngân sách 2024