Phong cách Hồ Chí Minh - Tinh hoa của thời đại

Thứ tư - 20/05/2020 06:38   Đã xem: 1032   Phản hồi: 0

Ngày 19/5/2020, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta long trọng kỷ niệm 130 năm Ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020). Trước thềm sự kiện lớn này, Báo Nhà báo và Công luận xin gửi tới độc giả bài viết của nhà báo Nguyễn Uyển về Người - vị anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất

Người là biểu tượng đặc sắc về phong cách khoa học, độc lập, tự chủ
Tôi thật sự tâm đắc với nhận xét của nhà thơ Liên Xô - Ôxip Manđenxtam sau lần phỏng vấn Nguyễn Ái Quốc vào năm 1923: “Đó là một thanh niên gày gò, linh hoạt, mặc áo len đan... Trong đôi mắt mở to, ứa lệ, anh nhìn về xa xăm... Tôi đã hình dung ra một cách rất cụ thể... một dân tộc hết sức lịch thiệp và độ lượng, rất ghét những gì thái quá... Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một thứ văn hóa tương lai”!(1)...
Bác Hồ đi Chiến dịch Đông Khê. (Ảnh: T.L)
Nhà thơ thật tinh tường, thẩm định đúng phong cách, nhân cách Hồ Chí Minh ngay từ thuở bôn ba tìm đường cứu nước, khiến tôi thấy học Bác bao nhiêu cũng là chưa đủ. Đọc tiểu sử về Người không thể không suy ngẫm, không thể không vận vào mình để tự vượt lên, để sống cho hay cho đẹp, để nêu gương ít nhất là với con cháu của mình.
Người sinh ra trong gia đình nhà nho nghèo, hiếu học, thương người; nơi miền quê giàu khí phách chống giặc ngoại xâm. Nguyễn Sinh Cung (tên đầu đời), khi đang ngồi trên ghế trường Tiểu học đã để tâm tới khẩu hiệu Đại cách mạng tư sản Pháp năm 1789: “Tự do – Bình đẳng – Bác ái”! Đau lòng trước cảnh đất nước bị nô lệ, Nguyễn Tất Thành (tên thời niên thiếu) đã quyết đi tìm đường cứu nước. Hành trang Người mang theo là lời cha (Cụ Nguyễn Sinh Sắc) dặn: “Con phải tự tìm ra cho mình một hướng đi, một con đường... Cứu nước là có hiếu với cha rồi đấy!”(2). Để sang nước Pháp, một người bạn hỏi: “Chúng ta lấy đâu ra tiền mà đi?”. Thành giơ đôi bàn tay lên, giọng dứt khoát: “Đây, tiền đây. Chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi!”.
Đó là phong cách độc lập, tự chủ chỉ nhằm một hướng cứu nước. Phong cách ấy là nguồn năng lượng giúp Người vượt lên. Ở tuổi 21, ngày 5/6/1911, Người lên tàu rời bến cảng Sài Gòn đi Mácxây (Pháp) làm phụ bếp với tên gọi Văn Ba. Công việc nhọc nhằn, bụi bặm vật vã suốt ngày đêm, nhưng hễ được nghỉ anh lại cặm cụi học tiếng Pháp bằng cách kết thân với khách... Theo tàu, Người đi vòng quanh châu Phi, qua Trung Mỹ, Nam Mỹ... rồi tới nước Anh vừa lao động vừa học nói, học viết. Người sớm rút ra:“Những người Pháp ở Pháp phần nhiều là tốt. Song những người Pháp thực dân rất hung ác, vô nhân đạo... Đối với bọn thực dân, tính mạng của người thuộc địa, da vàng hay da đen cũng không đáng một xu”(3)... Cho nên năm 1919, Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp- tổ chức duy nhất bênh vực các dân tộc thuộc địa. 
Mang tên Nguyễn Ái Quốc, thay mặt những người Việt Nam yêu nước ở Pháp, Người ký tên vào Bản yêu sách gửi Hội nghị các nước đế quốc họp ở Vécxây ngày 18/6/1919 đòi tự do báo chí, tự do hội họp và lập hội được báo Nhân đạo đăng nguyên văn. Vấn đề dân tộc của Việt Nam lần đầu tiên được đưa ra quốc tế... hệt trái bom nổ giữa thủ phủ phe đế quốc.
Người khẳng định: “Muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình!”(4). Phong cách độc lập, tự chủ, sáng tạo ở Người  phát lộ như bản sắc tinh hoa nhất của dân tộc và thời đại. Bởi thời điểm này hết sức nguy hiểm, như Tố Hữu tự bạch:“Dấn thân vô là phải chịu tù đầy/ Là gươm kề cổ, súng kề tai...”.
Người vượt gian nan học nghề làm ảnh để có tài chính; học viết báo để vận động cách mạng. Trên diễn đàn Đại hội Tua đảng Xã hội Pháp tháng 12/1920, Người kêu gọi: “Nhân danh toàn thể loài người, nhân danh tất cả các đảng viên xã hội, cả phái hữu lẫn phái tả, chúng tôi kêu gọi: Các đồng chí, hãy cứu chúng tôi!”(5).
Đường cách mạng sáng tỏ, ấy là khi Người tiếp nhận “Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin”. Yêu nước da diết khiến Người trở thành chiến sĩ cộng sản. Trong vai Ban Nghiên cứu thuộc địa, Người lợi dụng báo chí Pháp để vạch mặt chủ nghĩa thực dân; tham gia sáng lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa, xuất bản báo LeParia (Người cùng khổ) hối thúc giải phóng loài người khỏi ách thực dân...
Phong cách tự chủ suy nghĩ, gắn lý luận với thực tiễn giúp Người mở mang tầm nhìn. Luận điểm của Người thêm sắc sảo:“Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở thuộc địa. Nếu muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi!”(6). Người gắn luận điểm Mác – Lênin với chủ nghĩa dân tộc Phương Đông: “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn nhất của đất nước”(7) sát với thực tế cách mạng Việt Nam. Người soạn thảo và công bố tại sào huyệt thực dân: “Bản án chế độ thực dân Pháp”!
 
391 1445

Trong cương vị Ủy viên Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản những năm 1925 – 1930 tại Quảng Châu (Trung tâm cách mạng của Trung Quốc), Người xúc tiến thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tận dụng mọi hoàn cảnh để tuyên truyền, tổ chức, xây dựng lực lượng hướng tới đích giải phóng dân tộc. Người thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, mở nhiều lớp huấn luyện.
Ngày 21/6/1925, Người xuất bản báo Thanh Niên- Tờ báo cách mạng đầu tiên, dấu son rạng rỡ của báo chí Việt Nam. Người khẳng định, muốn làm cách mạng tới cùng phải có một đảng cách mạng chân chính. Bởi vậy khi thời cơ tới, Người kịp thời hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước thành Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930...
Trước thành lập Đảng, cũng như khi có Đảng lãnh đạo đấu tranh để giành độc lập dân tộc, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 2/9/1945, cũng như suốt những thập niên kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ cứu nước và xây dựng CNXH, Người rất coi trọng công tác giáo dục cán bộ xây dựng, củng cố tổ chức Đảng vững mạnh từ Trung ương tới cơ sở. Người luôn lấy con người làm trung tâm suy nghĩ và hành động.
Trong tập “Hồ Chí Minh - Vĩ đại một con người”, Giáo sư Trần Văn Giàu viết: “Cụ Hồ thuộc bậc hiền triết lấy con người thật đang phải sống trên quả đất này làm trung tâm của mọi suy tư và chủ đích của mọi hành động!”.  Người coi “Dân là gốc-  Cán bộ là công bộc của dân” nên suốt đời cống hiến không mỏi mệt vì độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Khi ở Quảng Châu, Người chủ động đào tạo một lớp cán bộ rất tiêu biểu như: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Phạm Văn Đồng... Người xếp “Tư cách một người cách mệnh; người cán bộ mẫu mực” lên đầu cuốn sách“Đường cách mệnh”, đủ thấy công tác cán bộ là vấn đề hàng đầu. Người nhắc cán bộ nên theo lời dạy của Khổng Tử “Học không biết chán, dạy không biết mỏi”. Người khuyên “Phải huấn và luyện. Huấn là dạy dỗ, luyện là rèn giũa cho sạch những vết xấu xa trong đầu óc...”(8).
Khoa học, độc lập, tự chủ... những phong cách tự thân ở Người có sức lan tỏa mạnh mẽ. Người luôn ý thức về phép dùng binh của Tôn Tử: “Muốn thành công thì phải biết trước mọi việc”, nên khi giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Người nói rõ: “Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền”(9).
Người theo sát, nắm chắc mọi diễn tiến thời cuộc, sự kiện; chọn đúng thời cơ để hành động cách mạng nên đã biến yếu thành mạnh, lấy ít thắng nhiều; huy động tổng lực sức mạnh toàn dân để giành chính quyền, như lời kêu gọi tổng khởi nghĩa: “Hỡi đồng bào yêu quý!... Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”!(10)
 
55 2 hcm 15 28 50 626 1445

Chính quyền về tay nhân dân, Nhà nước non trẻ vô vàn việc phải làm. Ngưới dóng diết nhắc nhở cán bộ: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”(11). Người chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc!”, “Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong”.
Người định rõ phương cách chữa bệnh quan liêu, chủ quan, máy móc của cán bộ: “Bất kỳ việc to việc nhỏ: Phải xem xét kỹ lưỡng/ Phải bàn bạc kỹ lưỡng/ Phải hỏi dân kỹ lưỡng/ Phải giải thích kỹ lưỡng cho dân/ Phải luôn gần gũi dân!”(12).
Năm 1947 ở lán Khau Tý, xã Điềm Mặc, Định Hóa thuộc khu ATK, vừa chỉ đạo kháng chiến, Người vừa biên soạn và hoàn thành sách “Sửa đổi lối làm việc” dạy làm cán bộ cho đảng viên, góp sức thiết thực đẩy mạnh kháng chiến, kiến quốc; cẩm nang xây dựng, củng cố tổ chức Đảng, để luôn xứng đáng là đầy tớ của dân. 
Học Bác, làm theo Bác nên Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn gắn kết, một lòng vì dân. Mỗi khi đất nước khó khăn thì phong cách vì dân càng biểu lộ rõ nét. Ngay trong trận chiến ngăn chặn, dập dịch Virus Covid - 19 này thì việc bảo vệ tính mạng cho dân, chăm lo đời sống thường nhật cho dân, đặc biệt là những người yếu thế khi phải “giãn cách xã hội” thì Nhà nước từ Trung ương tới địa phương hành động càng thiết thực với tinh thần “Lá lành đùm lá rách”; “Không để ai ở lại phía sau” thương yêu, nhân nghĩa như bản ngã đặc sắc Việt Nam!
Người là mẫu mực về phong cách dân chủ, trọng dân...
Từng trải suốt 30 năm tìm đường cứu nước, rồi tương tự ngần ấy năm trở về giữa lòng Tổ quốc, Người luôn chan hòa với những người bị bóc lột như nguồn lạch vô tận bồi đắp nên tình cảm quốc tế, tình nhân dân với Đảng sâu đậm, không chữ nghĩa nào lột tả cho hết.
Tình thân ái ấy chân tình trong cả lá thư gửi lại các bạn cùng hoạt động ở Pháp, trước khi Người bí mật sang Liên Xô vào năm 1923. Đầu thư Người viết: “Các bạn thân mến! Mặc dầu chúng ta là những người khác giống, khác nước, khác tôn giáo, chúng ta đã thân yêu nhau như anh em”... Kết thư: “Các bạn hãy tin chắc rằng lòng tôi luôn luôn yêu các bạn. Nhờ các bạn bắt tay những người bạn Pháp của chúng ta!...”(13).
Về nước tháng 1/1941, Người lưu lại ở Pắc Bó, Cao Bằng; vùng đất dân tộc Nùng sinh sống hết sức nghèo khó. Ngày mới đến, Bác cùng những người giúp việc tắm giặt kỳ cọ cho các cháu nhỏ của dân như con cháu trong gia đình. Thấy thế, một bà mế cứ tấm tắc: “Ông già này thương người quá, chả biết vợ con ông ở đâu? Trong nhà mà có một người già như thế này thì thật là có phúc!”(14).
Năm 1961, trong cương vị Chủ tịch nước, Bác trở lại thăm Pắc Bó. Đồng bào ùa ra vây lấy Bác, Bác thân thiện nói với mọi người: “Tôi về thăm nhà sao lại phải đón tôi!” khiến ai cũng rưng rưng nước mắt. Buổi ấy, Bác cùng ăn bữa cơm thân mật với gia đình ông Dương Đại Lâm. Bác bảo lấy chai rượu thuốc của Bác pha vào hũ rượu của ông Lâm để cùng uống. Bác bẻ cơm nắm mang theo chia cho mấy người cùng mâm, thân thương như ruột thịt...
Tại thủ đô Hà Nội, những đêm giao thừa Người thường đến thăm các gia đình nghèo. Cho dù những chuyện này nay đâu đâu cũng biết, nhưng kể lại vẫn cứ giàn giụa nước mắt.
Ấy là Tết Bính Tuất - 1946, Tết Độc lập đầu tiên Bác đến thăm dân ở các ngõ hẻm thuộc phố Sinh Từ, phố Hàng Lọng... Xúc động trước cảnh gia đình một người đạp xích lô không có Tết, chủ nhà đắp chiếu mê man vì sốt, Người lấy khăn lau nước mắt, nhắc Thư ký ghi lại địa chỉ để báo với Chủ tịch Hà Nội...
Tối 30 Tết năm 1960, Bác đến thăm gia đình chị Tín ở phố Hàng Chĩnh. Giao thừa sắp tới mà chị Tín vẫn phải gánh nước thuê đổi lấy gạo để sáng mùng một Tết có cơm ăn cho các con. Gặp Bác, chị Tín mừng rỡ để rơi cả đôi thùng gánh nước, run run cầm lấy đôi bàn tay Bác: “Cháu không ngờ lại được Bác tới thăm!”. Nói rồi, chị òa khóc. Bác an ủi: “Bác không đến thăm những gia đình như cô thì thăm ai!”... Bác vào nhà, thực ra chỉ là túp lều, trên chiếc bàn gỗ rượp chỉ có nải chuối xanh và một nén hương. Chồng chị Tín là công nhân khuân vác đã mất cách đó mấy năm. Bốn đứa con, lớn nhất cũng mới 10 tuổi...
Trở về Bác kể lại tình cảnh nhà chị Tín cho Bộ Chính trị nghe, rồi nói: “Ta có chính quyền trong tay, nhưng chính quyền đó chưa thực sự là do dân, vì dân. Một số lãnh đạo các địa phương còn quan liêu và nặng về hình thức. Họ không chịu đi sâu, đi sát quần chúng, nên phục vụ quần chúng chưa tốt!”(15)...
Bức thư Bác phúc đáp thư của cụ Phùng Lục ở huyện Ứng Hòa, Hà Đông không tổ chức lễ thượng thọ tuổi 90 mà đem 500 đồng kính dâng Chủ tịch nước để xung vào Quỹ kháng chiến kiến quốc. Người viết: 
“Thưa cụ!
Những vị Thượng thọ như cụ là của quý giá của dân tộc và nước nhà. Trong ngày chúc thọ, cụ lại miễn sự tế lễ linh đình, mà đem số tiền 500 đồng quyên vào Quỹ kháng chiến. Như thế là cụ đã nêu cái gương hăng hái kháng chiến và cái gương sửa đổi cổ tục thực hành đời sống mới cho toàn thể đồng bào noi theo.
Cháu xin thay mặt Chính phủ cảm ơn cụ và trân trọng chúc cụ sống lâu và luôn luôn mạnh khỏe để kêu gọi các con cháu ra sức tham gia công việc kháng chiến và cứu quốc.
Cháu lại kính gửi cụ lời chào thân ái và quyết thắng!(HỒ CHÍ MINH)(16).
Những dòng chữ và cách xưng hô trong bức thư phúc đáp ngắn gọn, đủ thấy Bác của chúng ta không chỉ trọng dân mà còn lễ phép với người hơn tuổi.
Đọc Bác, tôi nhớ mãi chuyện Thủ tướng Nêru và nhân dân thủ đô Niu Đê-li đón Bác trong chuyến thăm Ấn Độ năm 1958. Trên đài Chủ tịch, ở giữa hàng đầu có một cái ghế sơn son thiếp vàng, bọc nhung đỏ giống như một ngai vàng. Thị trưởng thành phố và Thủ tướng tha thiết mời Bác ngồi vào chiếc ghế trang trọng ấy, nhưng Bác nhất mực từ chối; phải thay chiếc ghế khác Bác mới ngồi khiến mọi người trong khán phòng đứng cả dậy vỗ tay hoan hô... Hôm sau, báo chí Ấn Độ loan tin: “Hồ Chủ tịch đã xóa bỏ một hình thức lễ tân bằng một cử chỉ rất dân chủ”!... Kế tiếp, sau buổi biểu diễn của các cháu thiếu nhi Ấn Độ hoan nghênh Bác và đoàn, Người ân cần dặn dò các cháu: “Mai sau các cháu sẽ thành đội quân hùng mạnh để xây dựng Tổ quốc, bảo vệ hòa bình... Đối với các cháu, Bác là Bác Hồ, chứ không phải Cụ Chủ tịch”! Các cháu vỗ tay, hô vang: “Bác Hồ! Bác Hồ!”. Một cháu nhỏ chạy lên biếu Bác hai chiếc kẹo!...
Dân chủ. Đó là một trong những phong cách đặc sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người coi dân chủ là bản chất của Nhà nước ta. Người nhấn mạnh: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân!”(17). Người chỉ rõ chuyên chính dân chủ nhân dân: “Dân chủ là của quý báu nhất của Nhân dân. Chuyên chính là cái khóa, cái cửa để đề phòng kẻ phá hoại... Thế thì dân chủ cũng cần phải có chuyên chính để giữ lấy dân chủ...!”(18).
Muốn vận động cách mạng thì phải dân vận khéo. Phải “tẩy sạch bệnh quan liêu mệnh lệnh”, phải thương yêu nhân dân, gần dân, sát dân, hiểu dân, nghe dân... để định đoạt công việc. Cán bộ, đảng viên phải nói đi đôi với làm như lẽ sống ở đời. Phong cách của Người là tấm gương sáng rõ nhất về những điều kể trên. “Đến tận nơi, xem tận chỗ” mới dễ dàng đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Cho nên chỉ trong 10 năm (từ 1955 – 1965) công việc bận rộn, vậy mà Người vẫn có tới hơn 700 lần tới các địa phương, cơ sở thăm hỏi nhân dân, chiến sĩ, xem xét tình hình, kiểm tra công việc...
Khi đất nước mới giành Độc lập, đồng bào Hà Nội bị thiếu đói, Bác kêu gọi mọi người cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa để cứu đói. Bác nói và Bác thực hiện nghiêm ngặt. Thương Bác, đồng bào khắp nơi gửi thư lên Chính phủ và Bác, xin Bác đừng nhịn ăn. Nhiều người xin nhịn thêm thay cho Bác. Bác trả lời: “Tôi là người đề ra, tôi phải làm gương mẫu!”(19)... “Bình sinh, Hồ Chủ tịch không thích hình thức, chống nói suông và rất coi trọng việc làm thiết thực. Từ năm 1927, viết về tư cách người cách mạng, ở trang đầu cuốn Đường kách mệnh, Bác đã dặn chúng ta: “Nói thì phải làm!”. Đó là hồi ức của Thủ tướng Phạm Văn Đồng(20)¬¬.
Tôi (Kẻ viết bài này) đã đôi lần tới hang Pắc Bó nơi Người về đây với tên gọi Già Thu trong bộ quần áo chàm; từng chụp hình lưu niệm bên suối Lênin, dưới chân núi Các Mác, nơi Người cảm tác bằng thơ: “Non xa xa, nước xa xa/ Nào phải thênh thang mới gọi là/...”; từng lên lán Khau Tý ở Điềm Mặc, Thái Nguyên, nơi những tháng đầu kháng chiến chống Pháp, Người về đây với đồng bào Tày, nơi thế đất “Trên có núi, dưới có sông/...Nhà thoáng, ráo, kín mát/ Gần dân không gần đường”, để chiêm nghiệm cảm tác trước cảnh đẹp núi non của Người:“Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa/ Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ/ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”. 
Và, cũng đã từng tới lán Nà Lừa ở Tuyên Quang cùng nhiều nơi Người tới thăm dân, đi chiến dịch với chiến sĩ... đến đâu đều lưu nỗi nhớ sâu xa về đức khiêm tốn, gần dân, trọng dân với những lời khuyên nhủ ngắn gọn, thiết thực, dễ thuộc, dễ làm theo. Đó là bản lĩnh của Người, từ ăn vận, sinh hoạt đến giao tiếp rất đỗi tự nhiên nên giàu sức nêu gương. Đúng như báo chí Ấn Độ miêu tả: “Sau vẻ dịu hiền của Người là ý chí sắt thép; dưới bề ngoài giản dị là một tinh thần quật cường, anh hùng, không có gì uy hiếp nổi”(21).
Khái quát biết bao trong câu chữ của Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc sinh thời: “Tất cả những gì tốt đẹp của dân tộc trong 4.000 năm lịch sử đều sống dậy tràn đầy sức mạnh hơn bao giờ hết trong thời đại Hồ Chí Minh!”(22).
Càng tự hào, hãnh diện trong lời hào hùng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại lễ kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã hun đúc nên sự nghiệp Hồ Chí Minh, thời đại Hồ Chí Minh – thời đại rực rỡ nhất, vinh quang nhất trong lịch sử dân tộc ta”!
Học tập và noi gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh tinh hoa của dân tộc, mãi mãi là lẽ sống làm người của chúng ta, của mọi thời đại!                                                            
 Tháng 4/2020
Nguyễn Uyển

Tác giả bài viết: HG (tổng hợp)

Nguồn tin: congluan.vn:

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập270
  • Hôm nay34,622
  • Tháng hiện tại377,952
  • Tổng lượt truy cập26,660,364

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:125 | lượt tải:52

STT 13

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:352 | lượt tải:129

STT 13

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:363 | lượt tải:139

09/2023/NQ-HĐND

Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông

Lượt xem:829 | lượt tải:190

274/TB-VPCP

Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:858 | lượt tải:261

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây