Trong chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng ta đã phân tích, đánh giá chính xác tình hình, âm mưu của địch trong thực hiện Kế hoạch Navarre, từ đó đưa ra những quyết sách đúng đắn, kịp thời và sáng tạo.
Tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) họp từ ngày 25 đến 30 tháng 1 năm 1953, Đảng đã vạch ra phương hướng chiến lược, quyết tâm tác chiến và tư tưởng chỉ đạo tác chiến trong chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) xác định một số nguyên tắc mang tính mấu chốt: Phương hướng chiến lược của ta là tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu để phân tán lực lượng địch và tiêu diệt sinh lực địch; đánh địch ở những nơi chúng sơ hở, đồng thời đẩy mạnh hoạt động mạnh sau lưng địch; Không chủ quan khinh địch, không nóng vội, không mạo hiểm, đánh ăn chắc, tiến ăn chắc. Chắc thắng thì kiên quyết đánh cho kỳ thắng, không chắc thắng thì kiên quyết không đánh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với một đơn vị bộ đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh tư liệu: TTXVN
Tháng 9 năm 1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đề ra chủ trương: “Sử dụng một bộ phận chủ lực mở những cuộc tiến công vào những hướng địch sơ hở, đồng thời tranh thủ tiêu diệt địch ở những hướng chúng có thể đánh sâu vào vùng tự do của ta”. Ðây là định hướng chỉ đạo chiến tranh cực kỳ quan trọng của Ðảng để lãnh đạo quân và dân ta phá kế hoạch Navarre. Cũng tại cuộc họp này, Bộ Chính trị cũng đã phê chuẩn phương án tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954 do Tổng Quân ủy trình bày với hướng tiến công chiến lược: Tây Bắc Việt Nam, Tây Nguyên và vùng Trung - Hạ Lào; đẩy mạnh hoạt động ở vùng sau lưng địch, tạo điều kiện giải phóng đồng bằng Bắc Bộ.
Từ việc đầu tháng 12/1953, Navarre quyết định xây dựng Ðiện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh, hòng thu hút và tiêu diệt lực lượng chủ lực của ta, với tư duy khoa học, tầm nhìn chiến lược, Trung ương Ðảng đã sớm nhận định, Ðiện Biên Phủ sẽ là nơi quyết định đến cục diện chiến tranh.
Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp xem xét Phương án tác chiến mùa Xuân năm 1954, do Tổng Quân ủy báo cáo. Tại hội nghị, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ. Bộ chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ được thành lập do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng, kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận.
Ngày 20/12/1953, Bộ Chính trị họp nghe Tổng Quân ủy báo cáo tình hình chiến sự và tình hình Điện Biên Phủ, thông qua chủ trương, kế hoạch quân sự và chính thức hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Theo các nhà nghiên cứu, từ chỗ “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu” đến chỗ chọn Điện Biên Phủ - nơi mạnh nhất của địch lúc đó - để tiêu diệt là một quyết định đúng đắn, đầy bản lĩnh của Đảng ta, mở ra bước ngoặt quyết định của cuộc kháng chiến. Ðây cũng được nhìn nhận là quyết định sáng suốt, chủ trương kiên quyết, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, thể hiện sự nhạy bén, linh hoạt trong điều hành chiến tranh, tầm nhìn chiến lược sắc sảo của Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trí tuệ lãnh đạo tập thể của Trung ương Đảng cùng sự chỉ đạo cụ thể, trực tiếp, toàn diện, sát sao, liên tục của Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã là một trong những yếu tố hàng đầu giúp làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Cũng chính từ sự cụ thể, toàn diện, sát sao này mà Đảng ta đã có những chỉ đạo kịp thời, xác đáng cho chiến dịch, trong đó có việc thay đổi phương châm tác chiến.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (đứng bên phải) trình bày với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước kế hoạch mở Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh: TL
Trước đó, thực hiện quyết tâm tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ, khi địch còn chưa mạnh, cơ quan tham mưu đã đề nghị phương châm tác chiến là “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, dốc toàn lực đánh trong 3 đêm, 2 ngày để nhanh chóng tiêu diệt toàn bộ quân địch. Đặc biệt, sau việc sáng 26/1/1954, Chỉ huy trưởng mặt trận - Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ý kiến ra Đảng ủy bàn thay đổi cách đánh.
Ngày 30/1/1954, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã có thư: “Kính gửi: Hồ Chủ tịch, đồng chí Trường Chinh và Chính trị Bộ”, trong đó có đoạn: "Chúng tôi đã nghiên cứu chủ trương tác chiến mới của ta ở Điện Biên Phủ và chủ trương quân sự của ta trên các chiến trường toàn quốc với đồng chí Quốc, nay xin phân bốn điểm báo cáo như sau:… Việc chuẩn bị về mọi mặt đều phải tăng cường mới bảo đảm đánh lâu được.
Chúng tôi nhận thấy đối với một kẻ địch đã tăng cường như ở Điện Biên Phủ thì phải dùng cách đánh tiêu diệt từng bước, trong giai đoạn đầu tiêu diệt sinh lực chúng ở ngoại vi, đồng thời tìm cách tiêu hao chúng, khống chế sân bay để hạn chế hoặc triệt đường tiếp tế của chúng trong một thời gian khá dài. Vì vậy, chúng tôi quyết định: Tạm đình ngày nổ súng, điều chỉnh lại bộ đội cho hợp với kế hoạch mới… Đề nghị Hồ Chủ tịch và Chính trị Bộ cho chỉ thị về sự nhận định tình hình và chủ trương quân sự nói trên”.
Sau lá thư của Đại tướng, ngày 3/2/1954, Ban Bí thư đã có Điện chỉ đạo trong đó có đoạn: “Bộ Chính trị đã nghiên cứu bản kế hoạch hoạt động do các anh đề nghị. Bộ Chính trị chuẩn y toàn bộ kế hoạch ấy và đã bàn với anh Dũng (Văn Tiến Dũng), anh Trân (Nguyễn Văn Trân) về việc huy động nhân lực, vật lực…. Để thực hiện kế hoạch mới chuyển từ phương châm tác chiến “đánh nhanh, thắng nhanh” sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, ta phải bố trí lại thế trận và binh lực, kéo pháo và rút quân ra.
Trong thời gian này, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã liên tục chỉ đạo các địa phương trong cả nước, đặc biệt là ở miền Nam phải nỗ lực chiến đấu tiêu diệt sinh lực địch, giam chân địch và căng địch ra để chúng không thể chi viện được cho cứ điểm Điện Biên Phủ, đồng thời đẩy mạnh phong trào toàn dân đấu tranh chống bắt lính và tiếp tục huy động nhân lực, vật lực phục vụ Chiến dịch Điện Biên”.
Thay mặt Trung ương Ðảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp giao nhiệm vụ cho Ðại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu kế hoạch tác chiến và mở Chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
Thực tế diễn biến trong 56 ngày đêm chiến đấu ở Điện Biên Phủ (từ ngày 13/3 đến 7/5/1954) đã chứng minh: Chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” là quyết định cực kỳ quan trọng, khoa học, phù hợp với thực tế chiến trường lúc bấy giờ.
Chiến dịch Điện Biên Phủ là một điển hình xuất sắc, đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng về chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật. Đơn cử như đầu năm 1954, trước những diễn biến mới của chiến trường, Bộ chỉ huy chiến dịch đã kịp thời xác định cách đánh chiến dịch tiến công Điện Biên Phủ là “vây hãm tiến công, đột phá dứt điểm lần lượt”.
Theo đó, Bộ chỉ huy chiến dịch chỉ đạo tổ chức xây dựng trận địa tiến công và bao vây, ngày càng siết chặt từng cứ điểm, cụm cứ điểm và cả tập đoàn cứ điểm, chia cắt thế liên hoàn của chúng, tập trung ưu thế binh hỏa lực, đánh chắc thắng, tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch. Bộ chỉ huy chiến dịch vận dụng chiến thuật tiến công địch trong công sự vững chắc, sử dụng lực lượng đột phá, “vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt”...
Theo Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, “Vây lấn là hình thức chiến thuật tiến công địch trong công sự lâu bền bằng cách bao vây, tiêu hao, phá hoại và lấn chiếm từng bước làm cho địch suy yếu dần, tiến đến tiêu diệt”. Phương pháp chiến thuật này được xem là phù hợp với trình độ của bộ đội ta, với khả năng tác chiến hiệp đồng binh chủng của quân đội ta cũng như thực tế chiến trường Điện Biên Phủ với hệ thống tập đoàn cứ điểm vững chắc của quân Pháp lúc bấy giờ...
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các cộng sự bàn kế hoạch tác chiến tại Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu)
Thực ra, để thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc” hiệu quả nhất, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội ta lựa chọn và thực hiện cách đánh với chiến thuật “vây - lấn”. Theo Đại tá Trần Ngọc Long - nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự: “Với nghệ thuật “vây - lấn” bao quanh từng căn cứ một và bao quanh toàn bộ tập đoàn cứ điểm, trong lòng chảo Điện Biên Phủ có rất nhiều điểm cao, thì 49 cứ điểm đấy đều được án ngữ trên những điểm cao lợi hại nhất. Cho nên, bằng chiến thuật “vây - lấn” chúng ta tấn công những đỉnh cao, thắt chặt vòng vây. Bằng hệ thống giao thông hào mạng nhện, chúng ta không chỉ cô lập từng cứ điểm; cô lập từng cụm cứ điểm; mà còn làm đường để cho bộ đội tiếp cận mục tiêu”.
Dựa vào hệ thống giao thông hào được đào bao quanh cứ điểm địch, bộ đội ta cứ lấn và tiến dần, sử dụng hỏa lực tiêu diệt từng lô cốt, ụ súng; lần lượt phá từng bãi mìn, từng hàng rào kẽm gai,... tiếp cận tới từng chân cứ điểm, cụm cứ điểm, rồi bất ngờ đồng loạt xung phong tiến công vào trung tâm của địch. Cách đánh này vừa hạn chế được tổn thất cho bộ đội trước sức mạnh và lưới lửa dày đặc của hệ thống hỏa lực địch; đồng thời làm cho quân địch luôn ở trong trạng thái hoang mang, căng thẳng, lo sợ, không biết đối phương sẽ tiến công vào lúc nào và từ hướng nào.
Trận đánh cứ điểm 106 (đêm 1/4/1954) được xem là trận đánh đánh đấu sự ra đời của hình thức chiến thuật “vây, lấn, tấn, diệt” khi Trung đoàn 36 thuộc Đại đoàn 308 bí mật vận động theo chiến hào tiến sát hàng rào thứ nhất, diệt các ụ súng của địch, rồi bất ngờ tiến vào trong cứ điểm, tiêu diệt gọn quân địch trong vòng 30 phút. Tiếp đó là trận đánh các cứ điểm 105 và được hoàn thiện trong trận tiêu diệt quân địch ở cứ điểm 206, tạo thế và lực phát triển tiến công, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm địch.
Theo Trung tướng Phạm Hồng Cư - nguyên Phó Chính ủy Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, đào hào đánh lấn là quá trình sáng tạo của quần chúng. Trong đợt 2 của chiến dịch, trung đoàn 36, đại đoàn 308 đã sáng tạo ra chiến thuật bao vây đánh lấn, tiêu diệt 2 vị trí địch 106 và 206 bảo vệ phía tây sân bay. Sáng kiến của Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 được Đại tướng Võ Nguyên Giáp biểu dương và kịp thời phổ biến ra toàn mặt trận Điện Biên Phủ cùng học tập và vận dụng.
Bàn về chiến thuật độc đáo và giàu tính sáng tạo này, Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên - Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự đã đánh giá: “Nghệ thuật quân sự trong chiến dịch Điện Biên Phủ là đỉnh cao nghệ thuật quân sự Việt Nam. Với chiến thuật “vây, lấn tấn, triệt, diệt” ta đã tiến hành vây hãm dài ngày; triệt phá đường tiếp tế, xây dựng trận địa và đường cơ động cho pháo binh, đào hàng trăm km giao thông hào, bảo đảm cho bộ đội có thể tác chiến được trong mọi điều kiện. Vận dụng thành công chiến thuật “vây, lấn, tấn, triệt, diệt” cũng đã giúp tập trung được hỏa lực tiêu diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm, trung tâm đề kháng,... tiến tới tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Còn Trung tướng Phạm Hồng Cư, thì nhấn mạnh: “Vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt được vận dụng để thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, tức là bao vây, đánh dần từng bước, tiêu diệt từng bộ phận địch từ ngoại vi vào trung thâm. Đánh theo cách này, ta có điều kiện tập trung binh hỏa lực, ưu thế tuyệt đối trong từng trận, tạo nên sức mạnh áp đảo để thắng địch.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trải qua quá trình chiến đấu liên tục, dài ngày, ta đã lần lượt tiêu diệt từng cụm cứ điểm của địch, siết chặt vòng vây, vận dụng chiến thuật đánh lấn, cắt sân bay, triệt đường tiếp tế hàng không của địch, làm cho tập đoàn cứ điểm ngày càng cô lập, bị bóp nghẹt. Cuối cùng, sáng ngày 7/5/1954, quân ta mở đợt tiến công quyết định, đánh vào Sở chỉ huy đầu não địch, bắt sống tướng De Castries, buộc toàn bộ quân địch đầu hàng, giành toàn thắng cho chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ”.
Để tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của thực dân Pháp, lại phải chiến đấu kéo dài, liên tục trong những điều kiện gian khổ, thiếu thốn về nhiều mặt, cùng với thời tiết không thuận lợi - cần phải có một quyết tâm rất lớn và niềm tin vào chiến thắng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Vì thế, công tác tư tưởng chính trị có vai trò đặc biệt quan trọng.
Ngày 14/4/1954, ta tấn công 1 vị trí ở phía bắc sân bay Mường Thanh.
Đảng ta đã nhận diện rất sớm và rất rõ tầm quan trọng này. Từ nhận thức ấy, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, công tác cổ động, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, động viên các đơn vị, các lực lượng tham gia chiến dịch đã được Đảng ta hết sức chú trọng. Hình thức, phương pháp tuyên truyền, cổ động hết sức đa dạng, phong phú, trong đó, bao trùm là ý chí “Quyết chiến, quyết thắng”, “Tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ”, “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”… Tư tưởng “đánh chắc thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta được tuyên truyền mạnh mẽ, đem lại niềm tin, nguồn sức mạnh chính trị, tinh thần to lớn cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Đặc biệt, trong suốt chiến dịch, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn có những chỉ đạo, động viên, cổ vũ kịp thời tới toàn quân, toàn dân ta. Hai ngày sau trận đánh mở đầu ở Điện Biên Phủ, ngày 15/3/1954, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện cho toàn bộ cán bộ, chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ, trong đó nêu rõ: “Trung ương và Bác được báo cáo về hai trận thắng đầu tiên của Quân đội ta ở Điện Biên Phủ. Trung ương và Bác có lời khen các đồng chí. Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của Quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng”.
Trước đó, để kịp thời động viên, cổ vũ và tiếp thêm sức mạnh cho quân ta vượt qua khó khăn và đánh thắng quân địch ở Điện Biên Phủ, ngay từ trận mở đầu, ngày 11/3/1954, trước khi quân ta nổ súng tiến công vào cứ điểm Him Lam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho các chiến sĩ Mặt trận Điện Biên Phủ.
Trong thư Bác căn dặn: “Các chú sắp ra mặt trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang. Các chú vừa được chỉnh quân chính trị và chỉnh huấn quân sự và đã thu được nhiều thắng lợi về tư tưởng và chiến thuật, kỹ thuật. Nhiều đơn vị đã đánh thắng trên các mặt trận. Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới. Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng những đơn vị và cá nhân xuất sắc nhất. Chúc các chú thắng to. Bác hôn các chú”.
Trước ngày bước vào Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác đã tặng cờ “Quyết chiến Quyết thắng” làm giải thưởng luân lưu để khích lệ động viên, thể hiện niềm tin của Người đối với quân dân trên mặt trận Điện Biên Phủ. Bác đã gửi tặng mỗi cán bộ, chiến sĩ ở mặt trận một chiếc ca rất đẹp có in đậm hai hàng chữ đỏ tươi: “Kiên quyết làm tròn nhiệm vụ”.
Những món quà, bức thư, điện văn thật sự là món quà tinh thần vô cùng quý giá đối với những người chiến sĩ Điện Biên, tiếp thêm sức mạnh vượt qua mọi gian khổ, quyết chí một lòng, chiến đấu anh dũng, giành chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Nguồn tin: congluan.vn:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thông tư 12/2024/TT-BTTTT
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông
Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam