Tin giả trong thời kỳ trí tuệ nhân tạo: Dùng các công cụ AI để trị các sản phẩm lỗi từ AI

Thứ ba - 27/08/2024 08:48   Đã xem: 203   Phản hồi: 0

Sự trỗi dậy của công nghệ khiến cho tin giả không chỉ đơn thuần là thông tin sai lệch, mà còn là những sản phẩm tinh vi được tạo ra bởi các công nghệ AI tiên tiến, khiến chúng trở nên khó phân biệt hơn bao giờ hết.


Tin giả ngày càng tinh vi với sự thao túng của AI

Mới đây, tại cuộc Hội đàm giữa Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo Thái Lan diễn ra tại Hà Nội, lãnh đạo của hai Hội đã dành phần lớn thời gian để nhắc đến vấn nạn "tin giả" và nhận định đây không còn là vấn đề của quốc gia mà là một vấn đề lớn, gây tác động khôn lường của khu vực và thế giới.

Theo nghiên cứu của Google DeepMind, việc tạo ra hình ảnh, video và âm thanh giả mạo con người phổ biến gần gấp đôi so với hành vi tạo thông tin sai lệch bằng các công cụ như chatbot AI. 

Deepfake của Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng như các nhà lãnh đạo toàn cầu khác đã xuất hiện trên TikTok, X và Instagram trong những tháng gần đây. Người ta lo ngại rằng, bất chấp nỗ lực của các mạng xã hội trong việc gắn nhãn hoặc xóa nội dung đó, khán giả có thể không nhận ra đây là nội dung giả mạo và việc phổ biến nội dung đó có thể tác động đến cử tri.

tin gia trong thoi ky tri tue nhan tao dung cac cong cu ai de tri cac san pham loi tu ai hinh 1

Tác phẩm giả mạo Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã xuất hiện trên TikTok và Instagram trước cuộc tổng tuyển cử. (Ảnh: AFP)

Đánh giá về tác động của tin giả trong thời kỳ công nghệ, Ths. Lương Đông Sơn - Giảng viên Viện Báo chí – Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định, sản phẩm của sự kết hợp giữa AI và thông tin sai lệch còn gọi là tin giả siêu thực có thể bóp méo nhận thức của công chúng về các sự kiện và vấn đề xã hội, từ đó tác động đến cách họ đánh giá tình hình và đưa ra quyết định. Điều này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, từ các quyết định cá nhân nhỏ nhặt đến những quyết định quan trọng ảnh hưởng đến cộng đồng và quốc gia.

Tin giả siêu thực có thể được sử dụng như một công cụ để thao túng dư luận, kích thích bạo lực, gieo rắc sự chia rẽ và phá hoại sự ổn định xã hội. Trong lĩnh vực chính trị, tin giả siêu thực có thể làm xói mòn niềm tin vào các thể chế dân chủ, gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử và thậm chí là kích động xung đột.

Về thách thức đối với nhà báo và các tổ chức báo chí, Ths. Lương Đông Sơn cho biết, sự tinh vi của tin giả siêu thực, đặc biệt là deepfake, khiến việc phân biệt giữa thật và giả trở nên ngày càng khó khăn, ngay cả đối với những nhà báo giàu kinh nghiệm.

"Trong thời đại thông tin bùng nổ, công chúng ngày càng đòi hỏi các nhà báo và tổ chức báo chí phải cung cấp thông tin nhanh chóng và chính xác. Tuy nhiên, áp lực này có thể dẫn đến việc các nhà báo vội vàng công bố thông tin mà chưa kiểm chứng kỹ lưỡng, tạo cơ hội cho tin giả siêu thực lan truyền. Bên cạnh đó, các nhà báo và tổ chức báo chí phải đối mặt với những rủi ro pháp lý và đạo đức nếu không thận trọng trong việc kiểm chứng và công bố thông tin", ông Sơn nói.

Lấy AI thẩm định thông tin

Theo Ths. Lương Đông Sơn, để đối phó với loại tin giả này, việc áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại là vô cùng cần thiết.

"Các giải pháp này không chỉ tập trung vào việc phát hiện và loại bỏ tin giả mà còn ngăn chặn chúng ngay từ giai đoạn đầu sản xuất", ThS Đông Sơn cho biết.

Đầu tiên, một trong những công nghệ quan trọng nhất hiện nay, theo ông Sơn là sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo để phát hiện tin giả siêu thực. Các hệ thống AI hiện đại có khả năng phân tích ngữ cảnh, đối chiếu thông tin từ nhiều nguồn và phát hiện những điểm bất thường trong nội dung thông tin. Một ví dụ tiêu biểu là việc sử dụng AI để phân tích video và hình ảnh nhằm phát hiện các dấu hiệu chỉnh sửa hoặc sản xuất bằng công nghệ deepfake.

Tiếp theo, các nền tảng truyền thông xã hội và công cụ tìm kiếm cũng đang tích cực triển khai các thuật toán học máy (machine learning) để tự động phân loại và lọc bỏ các nội dung tin giả trước khi chúng lan truyền rộng rãi. Các thuật toán này được thiết kế để nhận diện các dấu hiệu bất thường trong mẫu chia sẻ, tốc độ lan truyền, hoặc thậm chí cả ngữ điệu của các bài viết, từ đó đánh giá khả năng thông tin đó là giả mạo.

Thêm vào đó, việc sử dụng công nghệ blockchain để quản lý nguồn gốc thông tin cũng là một giải pháp tiềm năng. Blockchain có khả năng tạo ra một hệ thống xác thực minh bạch và không thể thay đổi, từ đó giúp theo dõi nguồn gốc và lịch sử của mọi thông tin, đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy.

tin gia trong thoi ky tri tue nhan tao dung cac cong cu ai de tri cac san pham loi tu ai hinh 2


AI có thể tạo ra nội dung giả mạo hoặc thông tin, hình ảnh sai lệch khó phân biệt gây tổn hại lớn đến uy tín của cá nhân, tổ chức, thậm chí, tổn hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Cùng quan điểm với Ths. Lương Đông Sơn, ông Phan Văn Tú - Chủ nhiệm bộ môn Báo chí - Khoa báo chí và truyền thông, Trường ĐH KHXH&NV TP. HCM nhấn mạnh, bên cạnh việc cung cấp kỹ năng khai thác thế mạnh AI để tác nghiệp báo chí, chúng ta còn cần dùng chính các công cụ AI để thẩm định thông tin.

Xác thực nguồn tin mà cơ bản là việc đánh giá độ tin cậy của nguồn tin là một kỹ năng quan trọng, bao gồm việc xác thực nguồn gốc của thông tin, so sánh với các nguồn khác, và sử dụng công cụ fact-checking để kiểm tra độ tin cậy.

Điểm thú vị là hiện nay có khá nhiều công cụ tích hợp AI hỗ trợ cho nhà báo trong quá trình thẩm định bên cạnh các công cụ truyền thống vốn đang hỗ trợ cho các fact-checkers như Google Image, Tineye reverse image search, Whopostedwhat.com, Waybackmachine, Webarchive.org, InVID, WeVerify, ExifTool, Metapicz... 

Ông Phan Văn Tú cho rằng, bồi dưỡng kỹ năng tác nghiệp cho nhà báo trong giai đoạn hiện nay cần xem trọng việc cung cấp năng lực thẩm định thông tin trước sức tấn công của tin giả bị thao túng bởi AI. "Dùng các công cụ AI để trị các sản phẩm lỗi từ AI là thủ pháp nhanh nhất giúp nhà báo, cơ quan báo chí không chỉ thực hiện tốt vai trò của mình mà còn đóng góp vào việc nâng cao chất lượng thông tin và bảo vệ công chúng trước các thông tin sai lệch và tác động tiêu cực của truyền thông", ông Tú nói. 

Tuy nhiên, ông Tú cũng chỉ ra rằng, năng lực thẩm định thông tin của nhà báo không thể chỉ cậy vào các công cụ. Cần phải nói ngay rằng AI có thể hỗ trợ phân tích nội dung tin tức chứ không thể phát hiện tất cả các kiểu fake-news và thông tin bị thao túng. Phần mềm AI vẫn có thể bị đánh lừa bởi chính các kỹ thuật AI mà chúng dùng để phát hiện.

"Không có công cụ nào là chiếc đũa thần, song, những công cụ AI phát hiện ảnh/video giả vẫn là nguồn tài nguyên có giá trị như một phần của quy trình xác minh hoặc phương pháp thẩm tra", ông Phan Văn Tú nhận định.

Nguồn tin: congluan.vn:

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập79
  • Hôm nay5,477
  • Tháng hiện tại180,606
  • Tổng lượt truy cập27,830,351

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:238 | lượt tải:66

Mau ĐXKNHV - HNB

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:464 | lượt tải:151

Mau ĐNCTHV

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:442 | lượt tải:157

144/QĐ-HNB

QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên

Lượt xem:75 | lượt tải:18

136/QĐ-HNB

công khai dự toán ngân sách 2024

Lượt xem:77 | lượt tải:21

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây