Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950-21/4/2020): Phấn đấu vì một nền báo chí cách mạng, giàu tính chiến đấu, nhân văn

Thứ ba - 21/04/2020 15:59   Đã xem: 814   Phản hồi: 0

Cách đây 70 năm, ngày 21.4.1950, tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, trong khu ATK Định Hoá (Thái Nguyên), Hội Những người viết báo Việt Nam được thành lập. Cùng với quá trình lịch sử vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam đã đồng hành cùng dân tộc suốt bảy thập kỷ qua, đã có nhiều đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

hoi nha bao viet nam
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự lễ trao giải Báo chí quốc gia năm 2017. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập, người thầy của Báo chí Cách mạng Việt Nam, nhà báo vĩ đại, luôn quan tâm đặc biệt việc xây dựng đội ngũ người làm báo. Người chỉ rõ: “Nói đến báo chí, trước hết phải nói đến những người làm báo chí” (Bài phát biểu tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam, 16.4.1959). 

Ngay sau ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, trong muôn vàn khó khăn thuở ban đầu của nước Việt Nam độc lập, dưới sự lãnh đạo của Người, Đảng ta đã chỉ đạo thành lập Đoàn Báo chí Việt Nam, sau ngày toàn quốc kháng chiến đổi thành Đoàn Báo chí kháng chiến.

Ngày 21.4.1950, trên cơ sở Đoàn Báo chí kháng chiến, tại chiến khu Việt Bắc, Hội Những người viết báo Việt Nam đã ra đời, đánh dấu một mốc son lịch sử trong sự phát triển của đội ngũ những người làm báo cách mạng Việt Nam.

Như vậy, sau hơn 30 năm đấu tranh đòi tự do ngôn luận và tự do lập hội, kể từ Bản yêu sách của Nguyễn Ái Quốc lên tiếng mạnh mẽ với các nước Đồng minh tại hội nghị Véc-xây, Pháp (6-1919), từ đây, những người làm báo Việt Nam chính thức có tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của mình, tập hợp dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, góp sức cùng toàn dân kháng chiến, kiến quốc, vì ngày mai tươi sáng của dân tộc. Ngay trong năm 1950, Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) đã công nhận Hội Những người viết báo Việt Nam làm thành viên chính thức. 

 Trong mọi giai đoạn của cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để báo chí hoạt động và phát triển, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ người làm báo cách mạng.

Việc Đảng ta chỉ đạo thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam ngay tại chiến khu Việt Bắc, trong những ngày cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra ác liệt, thành lập Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam Việt Nam (năm 1961) trong vùng giải phóng miền Nam đấu tranh chống chế độ tàn bạo Mỹ - Diệm đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt, coi trọng vai trò của báo chí nói chung và tổ chức Hội Nhà báo nói riêng đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Tại Đại hội lần thứ II (16 và 17.4.1959), Hội Những người viết báo Việt Nam đổi tên thành Hội Nhà báo Việt Nam. Sau ngày giải phóng miền Nam, ngày 7.7.1976, Hội nghị thống nhất hội nhà báo hai miền và lấy tên là Hội Nhà báo Việt Nam.

Ra đời trong khói lửa chiến tranh, gắn bó với sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, được nhân dân tin yêu, đùm bọc, 70 năm qua, tổ chức Hội và đội ngũ hội viên – nhà báo cả nước đã không ngừng lớn mạnh.

Qua 10 nhiệm kỳ đại hội, Hội Nhà báo Việt Nam đã thể hiện mạnh mẽ tinh thần và ý chí cách mạng, luôn bám sát nhiệm vụ chính trị từng giai đoạn cách mạng. 70 năm đội ngũ những người làm báo tập hợp dưới mái nhà chung Hội Nhà báo Việt Nam, báo chí nước ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, gian khổ, đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vẻ vang mà Đảng và nhân dân giao phó.

Hơn 400 nhà báo đã anh dũng hi sinh trên các chiến trường. Xuyên suốt các giai đoạn lịch sử, trường kỳ kháng chiến giải phóng dân tộc cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, các thế hệ nhà báo cách mạng không ngừng nỗ lực phấn đấu, làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”, xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng.

Báo chí đã phản ánh sinh động thực tiễn công cuộc kháng chiến, kiến quốc, đổi mới và phát triển đất nước; phát hiện, cổ vũ, động viên nhân rộng các điển hình, nhân tố mới, tạo nên các phong trào hành động cách mạng sôi nổi trên mọi lĩnh vực, làm nên những thành tựu to lớn; kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch; đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực và tệ nạn xã hội; là cầu nối quan trọng trong thông tin đối ngoại, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị hợp tác với nhân dân các nước, góp phần nâng cao vai trò, vị thế Việt Nam trong cộng đồng thế giới.

Báo chí còn là diễn đàn tin cậy, thể hiện ý chí, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân, tham gia đóng góp ý kiến với Đảng, Nhà nước giải quyết những vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Trong tiến trình phát triển 70 năm qua, hoạt động của tổ chức Hội và của giới báo chí luôn được sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, sự tin cậy, giúp đỡ quý báu của các tầng lớp nhân dân. Thực hiện vai trò, chức năng là tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam, các cấp Hội đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về báo chí và hoạt động của Hội. Những năm gần đây, Hội đã tích cực phối hợp triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (Khoá X) “Về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trong thời kỳ mới”, Chỉ thị 37 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khoá IX) “Về tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới”;

Thông báo Kết luận số 221 của Ban Bí thư Trung ương (Khoá X) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 37 của Ban Bí thư; Quyết định số 155 của Ban Bí thư ban hành Quy định về sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan Đảng, Nhà nước trong công tác chỉ đạo, quản lí báo chí; Chỉ thị số 919 của Thủ tướng Chính phủ “Về tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam”. 

Điều đặc biệt vui mừng là đúng dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hội, ngày 8.4.2020 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành chỉ thị số 43-CT/TW “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng đối với tổ chức Hội và đội ngũ những người làm báo cách mạng. Chỉ thị khẳng định: “Làm báo là làm cách mạng, người làm báo là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng – văn hóa của Đảng”.

Trong 5 năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam phấn đấu đạt nhiều kết quả nổi bật: Động viên đội ngũ người làm báo tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành tựu to lớn của đất nước trong công cuộc đổi mới; phát hiện, cổ vũ, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các nhân tố mới; tham gia có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, mặt trận phòng chống thiên tai, dịch bệnh;

Kiên quyết đấu tranh chống các âm mưu, hành động, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ ta; củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước trong cộng đồng thế giới. 

Tổ chức tốt nhiều hoạt động nghiệp vụ như Giải Báo chí Quốc gia hàng năm và các giải báo chí chuyên ngành, thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Đề án Hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao; tổ chức tốt 4 hội báo toàn quốc – sự kiện có sức lan toả, thể hiện sự lớn mạnh của báo chí cách mạng Việt Nam; tổ chức gần 100 cuộc hội thảo, toạ đàm nghiệp vụ, diễn đàn, cuộc thi báo chí về nhiều chủ đề; tổ chức 510 lớp học cho 15.020 lượt học viên để nâng cao trình độ nghiệp vụ báo chí.  Phối hợp, tham gia có hiệu quả công tác chỉ đạo, quản lý báo chí.

Đặc biệt, trong 5 năm qua, Hội rất chú trọng việc vừa phát huy dân chủ, vừa tăng cường kỷ cương để khắc phục những khuyết điểm, thiếu sót trong hoạt động báo chí và sinh hoạt hội. Trên tinh thần đó, Hội đã ban hành và thực hiện có hiệu quả 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam; thành lập gần 300 hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp, áp dụng phần mềm theo dõi việc đăng và gỡ bài, sửa bài trên báo điện tử, ban hành quyết định và hướng dẫn sinh hoạt của phóng viên thường trú tại các địa phương. Gắn việc củng cố tổ chức Hội với công tác kiểm tra giám sát, vừa tích cực bảo vệ các quyền lợi chính đáng của hội viên vừa kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.

Đa số hội viên nhà báo đã không ngừng học tập nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, có tinh thần cống hiến. Những ngày này, khi cả nước đang tập trung chống đại dịch COVID-19, báo chí là một trong những lực lượng trên tuyến đầu, nhiều phóng viên tác nghiệp trực tiếp ở các vùng tâm dịch, ghi lại được những hình ảnh, câu chuyện, những tấm gương rất xúc động. Ở đâu có hoạt động chống dịch, ở đó có phóng viên báo chí, tích cực xông pha trong từng “điểm nóng”, từ bệnh viện, khu vực cách ly đến các miền biên giới...

 
thanh lap hoi nha ba
Phóng viên tác nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Ảnh Tạ Quang 

Thực hiện chủ trương tích cực hội nhập quốc tế, mở rộng quan hệ đối ngoại, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục củng cố, tăng cường quan hệ với các đối tác chiến lược như Trung Quốc, Hàn Quốc, Cu ba, tham gia chủ động và có hiệu quả chương trình hành động của Liên đoàn các nhà báo ASEAN (CAJ), hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch Liên đoàn nhiệm kỳ 2015 – 2017.

Hội thường xuyên triển khai các hoạt động trao đổi nghiệp vụ báo chí quốc tế, giúp đỡ Hội Nhà báo Lào nhiều hoạt động nghiệp vụ, tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện giúp một số Hội Nhà báo địa phương của Việt Nam và của các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan mở quan hệ hợp tác...

Ở mọi giai đoạn cách mạng, Hội Nhà báo Việt Nam tập hợp, cổ vũ, động viên đội ngũ người làm báo khắc phục khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị; xây dựng và phát triển tổ chức hội; góp phần tích cực vào công tác chỉ đạo, quản lý báo chí; tích cực tham gia việc xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, chính sách về báo chí... 

Ghi nhận những những đóng góp to lớn và thành tích xuất sắc của Hội Nhà báo Việt Nam và giới báo chí cả nước, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Hội Nhà báo Việt Nam Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Những đóng góp quan trọng, những thành tích nổi bật của Hội Nhà báo Việt Nam trong 70 năm qua đã làm ngời sáng những truyền thống vẻ vang của báo chí và đội ngũ người làm báo cách mạng. Đó là tinh thần đoàn kết, là sự gắn bó máu thịt với nhân dân, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và dân tộc.

Đó là tinh thần chiến đấu và phẩm chất tiên phong, luôn có mặt nơi đầu sóng ngọn gió và sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cách mạng, kiên quyết bảo vệ công lý và lẽ phải.

Đó là tinh thần đổi mới sáng tạo, phát hiện cái mới, khẳng định và bảo vệ cái mới. Với đội ngũ hơn 25 nghìn hội viên nhà báo hiện nay đang tác nghiệp trên tất cả các loại hình báo chí, sử dụng công nghệ làm báo tiên tiến, chúng ta tự hào có một nền báo chí hiện đại đang phát triển mạnh mẽ trong dòng chảy của thời đại mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích, ưu điểm là chủ yếu, hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam còn một số khuyết điểm, hạn chế cần được khắc phục: Một số tổ chức hội còn thiếu chủ động, năng động, sáng tạo, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, chưa chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ.

Vẫn còn một bộ phận người làm báo thiếu tu dưỡng, rèn luyện, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, dẫn đến tình trạng hoạt động báo chí xa rời tôn chỉ mục đích, thông tin vì mục đích vụ lợi, thiếu tính định hướng, không góp phần vào việc tăng cường sự đồng thuận xã hội để tập trung thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm của đất nước.

Kỷ niệm 70 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam là dịp để các cấp Hội Nhà báo phát huy thành tựu, khắc phục những khuyết điểm, hạn chế, xốc lại đội ngũ để sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ trong tình hình mới. 

Đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới với thế và lực mới, nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Báo chí đang vận động trong xu thế hội tụ công nghệ; internet và thiết bị công nghệ mới đang làm thay đổi phương thức tiếp nhận thông tin của công chúng. Báo chí đang đứng trước thách thức từ áp lực của truyền thông xã hội, mạng xã hội. Các thế lực thù địch đang tăng cường các âm mưu và hành động chống Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang trong thời gian tới, Hội Nhà báo Việt Nam và giới báo chí cả nước tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng chỉnh đốn Đảng trong các cấp hội và các cơ quan báo chí, gắn với tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách báo chí Hồ Chí Minh; tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam;

Triển khai quán triệt, học tập và xây dựng Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 43 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, coi đây là đợt sinh hoạt chính trị trọng tâm trong năm 2020; củng cố tổ chức hội, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động nhằm tập hợp, đoàn kết, động viên toàn thể hội viên, người làm báo; triển khai thực hiện tốt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025;

Thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ xây dựng đội ngũ người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, gương mẫu về đạo đức nghề nghiệp, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, nâng cao uy tín của Hội Nhà báo Việt Nam trên trường quốc tế...

Tự hào về truyền thống vẻ vang của Hội Nhà báo Việt Nam và nền Báo chí Cách mạng Việt Nam, tất cả các cấp hội nhà báo, các cơ quan báo chí và toàn thể đội ngũ những người làm báo càng khắc sâu lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu: “Nhiệm vụ của Hội là phải làm cho hội viên đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau để nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ. Có như thế thì Hội Nhà báo mới làm tròn nhiệm vụ của mình và những người làm báo mới phục vụ tốt nhân dân, phục vụ tốt cách mạng”, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại vì lợi ích của đất nước và nhân dân.
Thuận Hữu
(Uỷ Viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam)

 
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập125
  • Hôm nay4,516
  • Tháng hiện tại111,971
  • Tổng lượt truy cập25,628,794

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:30 | lượt tải:17

STT 13

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:264 | lượt tải:101

STT 13

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:274 | lượt tải:103

09/2023/NQ-HĐND

Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông

Lượt xem:740 | lượt tải:172

274/TB-VPCP

Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:753 | lượt tải:240

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây