THÁNG NĂM TRÊN QUÊ BÁC

Chủ nhật - 18/05/2025 21:27   Đã xem: 32   Phản hồi: 0

Tháng Năm - trong thơm ngát của hương sen đầu mùa, trong tiếng gió xao xác giữa trời đầu hạ, như một lời thì thầm từ quá khứ vọng về. Với những người làm báo của Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên, tháng Năm năm nay là một hành trình rất khác – hành trình trở về nơi khởi nguồn của lý tưởng cách mạng, về với làng Sen – quê hương Bác Hồ.


Chúng tôi đã đến Nghệ An – miền quê địa linh nhân kiệt ấy – không chỉ để dâng hương, tưởng niệm, mà còn để lắng lại, để được chạm vào những tầng sâu ký ức dân tộc, được học lại bài học lớn nhất từ một con người vĩ đại nhất: Bác Hồ – người đã dành cả đời cho đất nước và nhân dân. Với tôi – Một người làm báo, đã từng chứng kiến bao cuộc đổi thay, nhưng vẫn dâng trào cảm xúc khi đứng trước những dấu tích thiêng liêng của dân tộc…
Đoàn công tác của Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên dâng hương trước nơi an nghỉ của Bà Hoàng Thị Loan, mẫu thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đứng trước nơi an nghỉ của bà Hoàng Thị Loan, mẫu thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giữa núi rừng Động Tranh; chỉ có tiếng gió nhẹ xào xạc và hương trầm quấn quyện trong một không gian đầy thành kính. Người hướng dẫn viên của khu di tích, với giọng kể nhẹ như gió thoảng, đã đưa chúng tôi trở về hơn một thế kỷ trước – khi cụ bà Hoàng Thị Loan từ giã cõi đời trong nghèo khó và cô đơn, khi người con trai út của bà – mới chưa đầy tháng tuổi. Bà mất trên đất Huế xa xôi, vì lao lực, vì thương chồng, thương con, và để lại người con mồ côi mẹ từ thuở còn đỏ hỏn.
Tác giả dâng hương tại phần mộ chính bà Hoàng Thị Loan.

Có một điều gì đó nghèn nghẹn nơi cổ họng tôi khi nghe câu chuyện ấy. Tôi tự hỏi: phải chăng từ nỗi đau mất mẹ sớm, từ những mất mát rất người, rất đời ấy, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hun đúc nên một nhân cách vĩ đại đến thế? Một con người yêu nước đến trọn đời, nhưng cũng là người con luôn hướng về mẹ, về quê nhà, với tình cảm đầy hiếu nghĩa. Chúng tôi lặng lẽ bước qua 269 bậc đá – con số gắn với năm Bác mất (1969), 242 bậc lối xuống – tượng trưng cho năm hài cốt của cụ được cải táng về đây (1942), và 33 bậc phía trước – đúng với tuổi đời ngắn ngủi của cụ bà. Một thiết kế đầy biểu tượng, đầy xúc cảm. Những giọt nước mắt không hẹn mà rơi, không vì sự bi lụy, mà bởi một sự ngưỡng vọng, xót thương và biết ơn vô hạn.
Tại đây đoàn đã được nghe câu chuyện về cuộc đời cũng như lịch sử phần mộ của bà Hoàng Thị Loan.

Ở một nơi khác, cách làng Sen không xa, là Truông Bồn – nơi từng là một trong những “tọa độ lửa” ác liệt nhất trong kháng chiến chống Mỹ. Con đường nhỏ băng qua cánh rừng xanh mướt, nhưng mỗi tấc đất nơi đây đều nhuốm máu của những người con đất Việt. Tại đây, khi nghe câu chuyện về 13 nữ liệt sĩ Thanh niên xung phong anh dũng hy sinh vào rạng sáng 31/10/1968 – chỉ vài giờ trước thời điểm Mỹ chính thức ngừng ném bom miền Bắc – nhiều người trong đoàn chúng tôi đã lặng người, có người quay mặt đi lau vội nước mắt.
Đồng chí Nguyễn Bảo Lâm, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh dâng hoa tại Đền thờ tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ Truông Bồn (xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An).
Họ – những cô gái chưa tròn đôi mươi, đã chọn con đường gian khổ nhất, lấy tuổi thanh xuân để đổi lấy sự sống cho đoàn xe vượt tuyến chi viện miền Nam. Chỉ một vài thời khắc nữa thôi, nhưng 13 người trong số hơn 1.400 liệt sĩ đã nằm lại tại mảnh đất Truông Bồn trong suốt những năm tháng chiến tranh – mỗi ngọn cỏ, hòn đá nơi đây như còn vọng lại tiếng bước chân, tiếng ca và cả những tiếng cười hồn nhiên mà quả cảm của một thời hoa lửa. Có chị khi hi sinh vẫn còn nắm trong tay tờ giấy được trở về; và có người đang đợi giây phút trở về để làm đám cưới... Tôi không nghĩ mình sẽ khóc – nhưng đứng trước bức phù điêu lớn khắc tên các liệt sĩ; tôi như nhìn thấy những đôi mắt kiêu hãnh mà dịu hiền của các chị, nước mắt cứ thế lặng lẽ trào ra. Với những người làm báo như chúng tôi – từng viết biết bao bài về hậu chiến tranh, về hy sinh – bỗng thấy ngôn từ trở nên bé nhỏ trước sự thật lớn lao ấy. Truông Bồn không chỉ là di tích, mà là bài học. Là lời nhắc nhở mỗi chúng ta hôm nay: được sống trong hòa bình là một ân huệ lớn lao. Và người làm báo phải sống, viết và cống hiến xứng đáng với máu xương đã đổ xuống.
Đoàn nghe câu chuyện về 13 Thanh niên xung phong hy sinh tại Trung Bồn ngày 31/10/1968.
Tháng Năm. Được trở về Kim Liên – làng Sen quê Bác – không ai trong chúng tôi không xúc động khi được đứng trong ngôi nhà năm gian lợp mái lá, nơi người thanh niên Nguyễn Sinh Cung từng lớn lên. Từng chiếc phản gỗ, chiếc chõng tre, từng cái chạn bát… tất cả vẫn nguyên sơ như hơi thở quê nhà thuở ấy. Trong không gian tĩnh lặng, tôi như nghe tiếng chân nhỏ của cậu bé Cung dẫm lên nền đất, tiếng mẹ ru bên khung cửi, tiếng cha đọc sách trong ánh đèn dầu… Một bầu trời tuổi thơ giản dị mà lớn lao – là nền tảng tạo nên Hồ Chí Minh - một con người vĩ đại đã đi khắp năm châu, làm rạng danh non sông, dân tộc. Chuyến đi không dài, nhưng đọng lại thật nhiều cảm xúc. Không chỉ bởi chúng tôi là những người làm báo trong một hành trình về quê Bác; mà bởi chính chúng tôi cũng là những người con của một miền quê từng làm nên lịch sử – Thái Nguyên, thủ đô gió ngàn – nơi Bác Hồ từng sống, từng làm việc; và Bác cũng là người thầy từng đặt những viên gạch đầu tiên cho nền báo chí cách mạng Việt Nam Có lẽ vì thế mà chuyến “về nguồn” về quê Bác đối với Hội Nhà báo Thái Nguyên mang một ý nghĩa thiêng liêng hơn cả. Không phải là chuyến công tác thường lệ. Không phải là hoạt động ghi dấu. Mà là một cuộc trở về. Trở về với căn cội lý tưởng. Trở về với đạo lý làm người và làm báo.
Đoàn công tác của Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích Kim Liên, huyện Nam Đàn.
Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi không chỉ thắp nén tâm hương tưởng nhớ, mà còn tự thắp lên trong tim mình một ngọn lửa mới – ngọn lửa của trách nhiệm, của lòng yêu nước và niềm tin vào giá trị nghề nghiệp cao cả. Người làm báo hôm nay, giữa thời đại 4.0 và bão thông tin, càng cần học Bác hơn bao giờ hết – học ở sự giản dị, ở sự kiên định với chân lý, ở tình yêu sâu sắc dành cho nhân dân. Học ở cách sống liêm chính, ở tinh thần nói ít làm nhiều, ở khả năng truyền cảm hứng mà không phô trương. Trên mảnh đất quê Bác, chúng tôi đã được cảm nhận về quê hương đã góp phần hun đúc nên sự vĩ đại của Hồ Chí Minh– Danh nhân văn hoá, anh hùng giải phóng dân tộc. Chúng tôi như tự hứa với lòng mình: Hãy làm báo bằng trái tim. Hãy sống bằng chính nghĩa. Và hãy luôn nhớ rằng: mỗi dòng tin, mỗi bài báo đều là một lát cắt lịch sử, một tấm gương phản chiếu lòng dân và lương tâm của người cầm bút. Chúng tôi trở về từ Nghệ An với những lưu luyến – như thể còn muốn ở lại lâu hơn với đất quê Bác. Nhưng chúng tôi biết, mình cần trở lại với công việc thường nhật, với công việc của những người làm báo ở những cương vị khác nhau. Nhưng có một sự khẳng định, dù là bài viết, dòng tin, những sản phẩm báo chí hay trước công việc được giao ... rất cần được lấp đầy bằng sự tử tế, sự thật và trách nhiệm công dân của người làm báo. Viết cho ai xem; Viết để làm gì; Viết như thế nào... luôn là những lời dạy của Bác Hồ với các thế hệ người làm báo trong cả nước. Và có lẽ, sẽ còn mãi trong tâm trí tôi hình ảnh một buổi chiều tháng Năm – ánh nắng hanh hao đổ xuống mái nhà tranh làng Sen; một nén hương dâng lên mộ người mẹ của Bác Hồ; một giọt nước mắt rơi trước phù điêu Truông Bồn… Những khoảnh khắc ấy – không dễ gì có lại trong đời. Nhưng một khi đã đi qua, sẽ sống mãi trong lòng người làm báo.
Đoàn công tác chụp hình lưu niệm tại Nhà Ông Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc (Quê Nội Bác Hồ).
Nguyễn Bảo Lâm
Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam
Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên
Click để đánh giá bài viết

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập9
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm6
  • Hôm nay165
  • Tháng hiện tại229,212
  • Tổng lượt truy cập29,839,927

Hình ảnh nổi bật

23/QĐ - HNB

Quyết định Công khai quyết toán ngân sách năm 2024 của Hội Nhà báo tỉnh

Lượt xem:23 | lượt tải:11

327/KH- BTC

Kế hoạch tổ chức Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Giải Diên Hồng) lần thứ tư - năm 2026 Chủ đề " 80 năm Quốc hội Việt Nam"

Lượt xem:55 | lượt tải:14

09/KH-UBND

Kế hoạch Tổ chức Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng tỉnh Thái Nguyên lần thứ II - năm 2026

Lượt xem:163 | lượt tải:36

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:499 | lượt tải:101

Mau ĐXKNHV - HNB

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:745 | lượt tải:202

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây