Rợp một trời cờ, hoa, biểu ngữ… không khí tưng bừng, phấn chấn chào mừng ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Tết Độc lập 2-9 như hối thúc, nhân lên khí thế thi đua sôi nổi trong mỗi người. Trên khắp công trường, nhà máy và đồng ruộng, lòng người phấn chấn, tự hào, góp sức cùng viết tiếp trang sử đất nước trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế.
Giữa hân hoan ngày hội non sông, ai cũng có chút lắng lòng hoài nhớ về một thời cha anh bằng gậy tầm vông, liềm, cuốc,... mà làm nên một huyền thoại khiến cả nhân loại cảm phục. Vâng! Thời gian như “Bóng câu qua cửa sổ”, mới đó đã 77 năm kể từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công. Những người góp sức làm nên trang sử xanh đó phần nhiều đã về với thế giới người hiền. Nhưng câu chuyện của ngày trọng đại đất nước còn khắc lại trong tâm khảm các thế hệ, lớp trước truyền lại cho lớp sau.
Ngày 16/8/1945, từ Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang), một đơn vị quân giải phóng do đồng chí Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh Giải phóng quân Việt Nam tiến về giải phóng tỉnh lỵ Thái Nguyên, mở đầu cho cuộc Tổng khởi nghĩa trong cả nước. Trên đường tiến quân, Quân giải phóng tập kết tại xóm Đình, xã Cù Vân (Đại Từ). Tại đây, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Ủy ban Giải phóng toàn quốc công bố thành lập Ủy ban Giải phóng, Hội Thanh niên cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc xã Cù Vân, thông báo lệnh Tổng khởi nghĩa giành độc lập.
“Trùng trùng quân đi như sóng”. Ngày 19/8/1945, chùa Đán (nay thuộc phường Thịnh Đán, TP. Thái Nguyên) trở thành nơi tập kết của Quân Giải phóng, để sớm ngày 20-8 tiến đánh phát xít Nhật, giải phóng tỉnh lỵ Thái Nguyên. Ngay chiều hôm ấy, sân vận động thị xã Thái Nguyên chứng kiến một sự kiện trọng đại: Ủy ban khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn do phát xít Nhật dựng lên, thành lập chính quyền cách mạng lâm thời tỉnh Thái Nguyên.
Tất cả đã về miền quá khứ, nhưng tên đất, tên người còn đó, như dấu son trên trang sử Thái Nguyên, mãi trường tồn cùng dòng chảy lịch sử đất nước.
Kể từ mùa Thu tháng Tám lịch sử năm 1945 đến nay, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên luôn cùng Nhân dân cả nước kề vai, sát cánh, anh dũng, kiên cường chiến đấu đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc bờ cõi biên cương Tổ quốc. Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, làm nhiệm vụ quốc tế và cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc, Thái Nguyên có trên 10.000 liệt sĩ; hơn 12.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; 2.600 bệnh binh; 580 bà Mẹ Việt Nam Anh hùng; hơn 13.500 người hoạt động kháng chiến.
Phát huy truyền thống cách mạng trong kiến tạo, xây dựng quê hương, đất nước, các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thái Nguyên không ngừng sáng tạo, đổi mới xây dựng quê hương ngày càng phồn thịnh. Nhất là những năm gần đây, Thái Nguyên luôn "đi tắt, đón đầu", nắm bắt cơ hội, chủ động “bứt tốc” trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng khu vực nông - lâm - thủy sản.
Diện tích đất sản xuất nông nghiệp giảm, song năng suất, chất lượng đều tăng, bình quân đạt gần 461.000 tấn lương thực có hạt/năm. Tổng diện tích chè toàn tỉnh hiện có gần 23.000ha, trong đó hơn 20.000ha chè kinh doanh, với tổng sản lượng chè búp tươi đạt 252.000 tấn/năm. Sản xuất nông nghiệp hướng tới chất lượng, giá trị cao nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuận tiên tiến, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn trong nước và quốc tế.
Một Thái Nguyên năng động. Lớp sau theo lớp trước kiên nhẫn, bền bỉ, đồng lòng cùng kiến tạo từ hoang sơ đổ nát, tạo nên một vùng đất phồn thịnh, giàu tiềm năng. Hiện Thái Nguyên được nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước đặt niềm tin, coi là địa chỉ "đầu tư vàng". Minh chứng là chỉ trong 7 tháng đầu năm 2022, Thái Nguyên có 5 dự án FDI được cấp phép đầu tư mới, với tổng vốn 320 triệu USD. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 172 dự án còn hiệu lực, với tổng mức đầu tư đăng ký đạt gần 10,3 tỷ USD. Bên cạnh đó, 21 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có chủ đầu tư hạ tầng, với tổng vốn hơn 5.600 tỷ. Các cụm công nghiệp đã thu hút 65 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 9.400 tỷ đồng.
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 8.655 doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả. Tổng thu ngân sách Nhà nước của tỉnh đã đạt ngưỡng 18 nghìn tỷ đồng vào năm 2021, trong đó thu nội địa trên 15,5 nghìn tỷ đồng; thu hoạt động xuất, nhập khẩu từ đầu năm 2022 đến nay đạt gần 2.000 tỷ đồng, tăng 62,5%. Giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 19,3 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Đây chính là cơ sở để Thái Nguyên tăng tốc thực hiện mục tiêu tăng trưởng và phát triển trong thời gian tới.
Nét đặc trưng độc đáo riêng biệt của người Thái Nguyên là sự pha trộn hài hòa nét đẹp truyền thống giữa miền núi với miền xuôi. Hoặc bởi sự giao thoa của ngành công nghiệp nặng (Gang thép Thái Nguyên) với sản phẩm chè truyền thống, nên người Thái Nguyên vừa mạnh mẽ như chàng trai miền sơn cước, lại mềm dẻo như thôn nữ hái dâu trong thơ Hàn Mặc Tử.
Ở miền quê nửa đồng, nửa núi vẫn giữ cho riêng mình bản sắc trong thời kỳ hội nhập quốc tế, tràn đầy sức sống năng động và sáng tạo. Bên ngôi nhà sàn truyền thống là công trình cao tầng mang dáng dấp kiến trúc hiện đại: Thái Nguyên Tower cao 129m, với 35 tầng; Tecco Elite City cao 120m, với 32 tầng; FCC Tower cao 100m, với 26 tầng… Những vùng quê nghèo ở Phổ Yên, Phú Bình bừng sáng hóa phố. Các rẻo đất vùng cao, miền núi đã xuất hiện xã nông thôn mới kiểu mẫu. Cả Thái Nguyên đang vươn vai thức dậy, cùng đất nước hội nhập, phát triển.
Bên sân Quảng trường Võ Nguyên Giáp, tôi chứng kiến một khung cảnh vui tươi, nhộn nhịp với rực rỡ màu cờ Tổ quốc, chợt nhận ra: Thu đã về!
Nguồn tin: baothainguyen.vn:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thông tư 12/2024/TT-BTTTT
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên
công khai dự toán ngân sách 2024