Quyết tâm và chiến lược của Đảng trong giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc

Thứ tư - 29/04/2020 13:36   Đã xem: 3772   Phản hồi: 0

Cách đây vừa tròn 45 năm, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, quân và dân ta đã làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng 30-4-1975 là một đỉnh cao của truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc, là thắng lợi của tinh thần, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam được kết tinh trong đường lối chiến tranh nhân dân sáng tạo, độc lập, tự chủ của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; là kết quả của hàng chục năm chiến đấu kiên cường của nhân dân hai miền Nam - Bắc. Kỷ niệm 45 năm chiến thắng 30-4 là dịp để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ôn lại quá khứ vẻ vang, hiểu rõ sự đúng đắn trong đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt là quyết tâm chiến lược của Đảng: Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cũng như đúc rút bài học lịch sử đối với công cuộc đổi mới hiện nay.

Người dân Sài Gòn ngợp cờ hoa, biểu ngữ vui mừng trước chiến thắng ngày 30/4/1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Như chúng ta đã biết, ngày 27-1-1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (Hiệp định Pari) được kí kết, ghi nhận thắng lợi cơ bản của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Đế quốc Mỹ buộc phải rút hết quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam vào ngày 29-3-1975, song Mỹ vẫn tiếp tục âm mưu dùng quân đội Sài Gòn (quân ngụy) làm công cụ để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam. Vì vậy, Trung ương Đảng đã chỉ rõ “ký Hiệp định Pari là nhằm đuổi Mỹ ra khỏi miền Nam, thắng địch một bước căn bản, tạo điều kiện để tiến lên hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước”(1).

Hội nghị Thường vụ Trung ương Cục mở rộng (từ 28 đến 30-7-1973) nhận định: Nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam là đấu tranh buộc địch phải thi hành Hiệp định Pari. “Lúc này, chúng ta đang có thời cơ. Hai mươi năm chiến đấu mới tạo được thời cơ này, chúng ta phải biết nắm lấy để đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn… đây là thời cơ thuận lợi nhất để nhân dân ta hoàn toàn giải phóng miền Nam, giành thắng lợi trọn vẹn cho cách mạng dân tộc dân chủ… Ngoài thời cơ này không có thời cơ nào khác. Nếu để chậm mươi, mười lăm năm nữa, bọn ngụy gượng dậy được, các thế lực xâm lược được phục hồi… thì tình hình sẽ phức tạp vô cùng”(2).

Chớp thời cơ thuận lợi đó, quân và dân ta bắt đầu tiến công từ ngày 1-1-1975 đến 10 giờ này 6-1-1975 giải phóng hoàn toàn thị xã Phước Long. Hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương từ 18-12-1974 đến 8-1-1975 đã nhận định: Chưa bao giờ ta có điều kiện đầy đủ về quân sự, chính trị như hiện nay, có thời cơ chiến lược to lớn thuận lợi như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc… Hội nghị cũng thảo luận kỹ về khả năng Mỹ có thể can thiệp bằng không quân, hải quân. Nhưng dù Mỹ có can thiệp thế nào ta cũng có đầy đủ quyết tâm và điều kiện để đánh thắng chúng và chúng không thể cứu vãn được nguy cơ sụp đổ của chính quyền Sài Gòn. Từ kết luận hết sức khoa học, chính xác đó, Bộ Chính trị nêu quyết tâm: “Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng, đưa chiến tranh cách mạng phát triển đến mức cao nhất, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ ngụy, đánh chiếm Sài Gòn, sào huyệt trung tâm của địch cũng như tất cả các thành thị khác, đánh đổ ngụy quyền ở Trung ương và các cấp, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, tiến tới thống nhất nước nhà”(3).

Quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị được thể hiện trong kế hoạch chiến lược hai năm 1975-1976: Năm 1975 tranh thủ bất ngờ, tiến công lớn và rộng khắp; năm 1976 tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Ngoài ra, Bộ Chính trị còn dự kiến một phương án quan trọng trong kế hoạch năm 1975 là: Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975.

Thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng, chiến trường Tây Nguyên được chọn làm hướng tiến công chủ yếu của cuộc Tổng tiến công chiến lược Xuân 1975, với trận then chốt mở màn là đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột. Chỉ sau không đầy hai ngày chiến đấu, đến 10 giờ 30 ngày 11-3-1975, quân ta giải phóng hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột. Chiến thắng Buôn Ma Thuột là đòn phủ đầu điểm trúng huyệt kẻ thù, làm cho Kon Tum, Plâyku bị cô lập, toàn bộ hệ thống phòng ngự chiến lược của địch ở Tây Nguyên bị rung chuyển mạnh. “Trước tình hình ta thắng lớn ở Tây Nguyên, trong cuộc họp ngày 18-3-1975, Bộ Chính trị kịp thời bổ sung quyết tâm chiến lược: Giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975”(4).

Thất bại trên chiến trường Tây Nguyên, địch dồn sức co cụm về Huế, Đà Nẵng, thề quyết “tử thủ” tại đây. Nắm vững thời cơ chiến lược, với cách đánh táo bạo, thần tốc, linh hoạt của các lực lượng vũ trang, kết hợp với việc phát động quần chúng nổi dậy, đến 10 giờ 30 phút ngày 26-3-1975, quân và dân ta đã giải phóng cố đô Huế. Huế thất thủ, quân địch ở Đà Nẵng bị cô lập.

Trước đà thắng lợi của ta ở Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ, ngày 25-3-1975, Bộ Chính trị họp và khẳng định: Thời cơ chiến lược mới đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam. Đồng thời Bộ Chính trị đề ra chủ trương: “Nắm vững thời cơ chiến lược tập trung lực lượng vào hướng chủ yếu, hành động táo bạo, bất ngờ, giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa”(5). Ngày 29-3-1975, Hội nghị Trung ương Cục miền Nam lần thứ 15 đã ra Nghị quyết đặc biệt, trong đó nhấn mạnh: Nhiệm vụ trực tiếp khẩn cấp lúc này là: “Động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tập trung cao nhất mọi sức mạnh tổng hợp ba mũi giáp công, ba thứ quân, ba vùng, vùng lên tổng công kích, tổng khởi nghĩa, nhanh chóng đánh sụp đổ toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền, giành lại toàn bộ chính quyền về tay nhân dân với khí thế tấn công quyết liệt, thần tốc, táo bạo và quyết giành toàn thắng, giải phóng xã mình, huyện mình, tỉnh mình và toàn miền Nam”(6).

Với sự hiệp đồng binh chủng kết hợp với cuộc nổi dậy quy mô lớn của nhân dân thành phố Đà Nẵng, chỉ trong vòng 32 giờ ta đã tiêu diệt hơn 10 vạn địch, thu toàn bộ vũ khí, giải phóng Đà Nẵng vào ngày 29-3-1975. Chiến dịch Huế - Đà Nẵng đại thắng đưa cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tiến lên một bước mới. Tại cuộc họp ngày 31-3-1975, Bộ Chính trị quyết định: Chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện Tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng tư năm nay, không để chậm. Phải hành động “thần tốc, táo bạo, bất ngờ”. Phải tiến công ngay lúc địch hoang mang suy sụp”(7). Ngày 1-4-1975, căn cứ vào sự phát triển, tiến công dồn dập như vũ bão của ta trên chiến trường, Bộ Chính trị lại tiếp tục bổ sung quyết tâm chiến lược “giải phóng miền Nam trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4 năm 1975 trước mùa mưa, không thể để chậm”(8). Từ đầu tháng 4-1975, cả dân tộc Việt Nam ra quân như trẩy hội trên mọi nẻo đường của đất nước, từ miền Bắc, hàng đoàn xe ngày đêm hối hả nối đuôi nhau vượt cung, vượt trạm đưa người và hàng ra tiền tuyến.

Trên cơ sở đánh giá tình hình ta và địch trên chiến trường miền Nam, Bộ Chính trị nhận định: Lực lượng quân sự, lực lượng chính trị và thế chiến lược của ta đã hoàn toàn áp đảo quân địch. Quân ngụy đang đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Mỹ hoàn toàn bất lực, dù có can thiệp cũng không cứu vãn nổi quân ngụy. Thời cơ đã chín muồi để quân và dân ta mở trận quyết chiến lịch sử đánh thẳng vào Sài Gòn đánh đổ toàn bộ ngụy quyền, giành thắng lợi hoàn toàn đã tới.  17 giờ ngày 14-4-1975, trong bức điện số 37 TK gửi mặt trận, “Bộ Chính trị đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”(9).

Đúng 17 giờ ngày 26-4, quân ta nổ súng mở màn chiến dịch, từ năm hướng, các quân đoàn lần lượt tấn công Sài Gòn. Từ 26-4 đến 28-4, ta chọc thủng tuyến phòng ngự vòng ngoài(10), xiết chặt vòng vây quanh Sài Gòn. Chiều 27-4, Mỹ buộc Trần Văn Hương từ chức, đưa Dương Văn Minh lên làm Tổng thống ngụy nhằm thương lượng với ta hòng cứu vãn chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương Chỉ thị: “Các anh ra lệnh cho quân ta tiếp tục tiến công Sài Gòn theo kế hoạch; tiến quân với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ thành phố, tước vũ khí quân đội địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan triệt để mọi sự chống cự của chúng”(11). Năm cánh quân của ta như vành đai thiết chặt cổ họng ngụy quyền Sài Gòn, thực hiện quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam. Hàng vạn nhân dân thành phố Sài Gòn đã đổ xuống đường tham gia bắt tề điệp, truy lung ác ôn, chỉ đường cho bộ đội tiêu diệt hang ổ cuối cùng của địch.

Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, lá cờ cách mạng đã tung bay trên nóc phủ Tổng thống ngụy, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, thành phố Sài Gòn hoàn toàn giải phóng. Sài Gòn - Gia Định được giải phóng tạo điều kiện cho quân và dân ta ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh tiến công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Với thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, đỉnh cao là chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đã kết thúc thắng lợi. Đất nước ta được thống nhất, non song thu về một mối, Bắc Nam liền một dải, đồng bào Nam Bắc được sum họp một nhà. Thắng lợi to lớn đó đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam: Kỷ nguyên cả nước hòa bình, độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đánh giá tầm vóc thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Đại hội IV của Đảng nhấn mạnh: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”(12).

Trong 90 năm từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trải qua nhiều thời kỳ đặc biệt trong lịch sử dân tộc, có những thời điểm cam go, có ý nghĩa sống còn nhưng Đảng đều lãnh đạo đất nước vượt qua. “Thực tiễn phong phú, sinh động của cách mạng Việt Nam trong 90 năm qua đã chứng tỏ, sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, lập nên nhiều kỳ tích trên đất nước Việt Nam... Thực tiễn đó khẳng định một chân lý: Ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác…”(13).

Sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo trải qua gần 35 năm và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực: Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; văn hóa, xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường, độc lập, chủ quyền được giữ vững; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao… “Với những thành tựu to lớn đã đạt được, chúng ta có cơ sở để khẳng định rằng đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”(14). Tuy nhiên, để bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng cầm quyền, trong bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước hiện nay, hơn lúc nào hết chúng ta phải coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là việc đấu tranh chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xa dân… coi đây là nhiệm vụ sống còn của Đảng nhằm xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Kế thừa và khẳng định tư tưởng đó của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu diễn văn tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2020): “Một đảng cách mạng chân chính có đường lối đúng, có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, gương mẫu, tận tụy, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân ủng hộ, thì đảng đó có sức mạnh vô địch, không thế lực nào ngăn cản nổi trên con đường dẫn dắt dân tộc đi lên”(15)./.

 -----------------

1,2,3- Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2004, t.36, tr.188, tr.178-179, tr.85.

4,8- Ban chỉ đạo tổng kết chiến tranh: Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - thắng lợi và bài học,

Nxb Chính trị quốc gia, H, 1996, tr.99.

5- Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam ( 1954-1975), sđd, tr.1076.

6,7- Sđd, tr.1076, tr.95-96.

9,11- Sđd, t.36, tr.109, tr.176.

10- Long Thành, Biên Hòa (phía Đông), Tân An, Bình Chánh (phía Nam), Đông Dù, Củ Chi (phía Bắc).

12-Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.471.

13, 14, 15-Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2020).

PGS,TS Nguyễn Thị Thanh
Theo http://ubkttw.vn/

Tác giả bài viết: HG (tổng hợp)

Nguồn tin: ubkttw.vn

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập472
  • Hôm nay15,049
  • Tháng hiện tại595,713
  • Tổng lượt truy cập28,245,458

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:281 | lượt tải:69

Mau ĐXKNHV - HNB

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:516 | lượt tải:159

Mau ĐNCTHV

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:468 | lượt tải:163

144/QĐ-HNB

QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên

Lượt xem:100 | lượt tải:25

136/QĐ-HNB

công khai dự toán ngân sách 2024

Lượt xem:104 | lượt tải:26

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây