Tháng tư – Về Điềm Mặc

Thứ tư - 22/04/2020 09:20   Đã xem: 1145   Phản hồi: 0

Lần này, chúng tôi lên Điềm Mặc trước Kỷ niệm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam khá sớm sủa, với mong hiểu thêm căn cốt sự đổi thay của vùng đất ATK mấy chục năm qua để tri ân, để nuôi thêm chí bền. Bởi, ATK là chứng tích sáng đẹp nhất về ý chí, về tài nghệ chiến tranh nhân dân tinh lọc của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Bác kính yêu, không gì đo đếm nổi, cho dù sự kiện đã lùi xa. Khá xa. 74 năm có lẻ!...

20200218 1354201

Hồ Đồng lá và từ đập hồ Đồng Lá nhín xuống ruộng đồng   
 
 Đứng trên bờ đập hồ Đồng Lá, nơi đón nguồn nước từ vòng cung Ngân Sơn bên sườn Tam Đảo đổ về, anh Ma Duy Vụ Chủ tịch UBMTTQ xã nói với chúng tôi: Kinh phí tạo nên hồ tới 41 tỷ đồng; dân góp một, Nhà nước “góp” trăm. (Vụ cười, nụ cười chia sẻ). Hồ không rộng nhưng sâu tới vài chục mét nên dung lượng cũng tới mấy chục ngàn khối nước, đủ tưới năm 2 vụ cho 70 ha ruộng gieo cấy mỗi năm. Hồ là “Thần lực” giúp cho nhân dân các dân tộc toàn xã tăng thêm sản lượng lương thực, vợi đi cái nghèo dai dẳng! Đồ mắt về xuôi, đồng ruộng đang mùa gieo cấy, đa sắc đa mầu, đẹp hơn tranh vẽ. Bất giác tôi nhớ đến những con số ghi dấu ấn về bước phát triển ngoạn mục của Điềm Mặc do lãnh đạo xã cung cấp: Nào là diện tích lúa nước tăng, năng suất cao lên, sản lượng thóc, ngô vượt trội từng năm, từng năm; nào là giống mới từ cây trồng đến vật nuôi được du nhập, phương thức canh tác khoa học tân tiến được vận dụng nên cuộc sống thay da đổi thịt. Nhà mới, cột, kèo bê tông giả gỗ, sàn rải tấm đan đua nhau xây cất. Rừng, đồi đâu đâu cũng ngằn ngặt màu xanh! Buột miệng, tôi reo lên: Còn thần lực nữa, đó là tâm điểm cội nguồn di tích ATK!...Đôi mắt Ma Duy Vụ bừng sáng, thần thái roi rói, giọng trầm vang:
     - Đúng như vậy. Đó là lịch sử cách mạng ban phát, là lợi thế lớn nhất của dân xã chúng tôi! Vừa nói Vụ vừa khoát vòng tay hướng xuôi xa bao quát cả một vùng rộng lớn như ôm lấy ruộng đồng, đồi núi, xóm thôn, bản làng nhấp nhô quây tụ. Xã Điềm Mặc của chúng tôi thuộc phía Nam huyện Định Hóa. Diện tích tự nhiên tới gần 1.700ha, nhưng ruộng lúa nước chỉ hơn 400ha; với gần 1.350 hộ, hơn 4.900 khẩu thuộc 10 dân tộc, trong đó dân tộc Tày gốc gác bản địa chiếm hơn 70%!...Miệng nói, tay chỉ, Ma Duy Vụ như muốn để chúng tôi phải tạc vào tâm khảm, phải nhớ chính xác, rằng: Xa xa là đồi Kháu Tý, nơi có lán di tích Bác Hồ ở; phía xuôi cách đường chim bay non cây số là xóm Ròong Khoa, nơi thành lập Hội Nhà báo VN và Ủy ban Bảo vệ Hòa bình thế giới của VN; mạn trên là nơi làm việc của Tổng Bí thư Trường Chinh và Văn phòng Trung ương Đảng. Gần với di tích Hội Nhà báo là đồi Pụ Miếu, nơi thành lập Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng...tất cả đều là di tích Quốc gia. Nhờ vậy nên dân được hưởng lợi từ đường đi lối lại ngày một nối dài, mở mang, kiên cố. Được Đảng và Nhà nước đầu tư, các tổ chức đoàn thể, xã hội hỗ trợ, giúp đỡ mở mang kinh tế, xây dựng nếp sống văn hóa mới. Được hun đúc, truyền lửa trực tiếp về tư tưởng, đạo đức, tác phong và ý chí cách mạng của các bậc tiền bối ngay trên đất quê nhà, nên mỗi người dân biết vượt lên  đổi mới mình!...Tự dưng tôi nôn nao nhớ tới lần gặp cụ Lường Văn Lược người dân tộc Tày thâm niên cố đế ở thôn Phụng Hiển, cách nay tới hơn mười năm, khi  cụ ở tuổi 90. Ngồi trước cửa sổ tầng sàn, cụ hướng tôi nhìn lên đồi Pụ Miếu, giọng hồ hởi: “Nhà bia – Kỷ niệm nơi thành lập Ban Kiểm tra Trung ương đầu tiên của Đảng ta trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, vừa xây xong đấy. Ngày cách mạng lập căn cứ, chúng tôi hăng hái góp gỗ, ván, lá, tre, nứa dựng lán, trại cho cán bộ. Kháng chiến thành công mới vỡ ra là Bác Hồ, Bác Tôn và các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp từng ở và làm việc tại đây. Ngày ấy đâu hay đồi Pụ Miếu, phía sau có cây gội già, 4 nhánh vươn tận trời xanh kia lại là nơi ở và làm việc của ông Trần Đăng Ninh. Ngày ấy  rừng núi thâm u, cán bộ kháng chiến về được gọi là an toàn khu (ATK), mọi sự đều bí mật. Bây giờ quê tôi được gọi bằng cái tên đến là hay: “Thủ đô gió ngàn”! Dấu tích lịch sử thiêng liêng này muôn đời còn mãi. Vui lắm. Tự hào lắm”!...
Lán Bác Hồ trên đồi Khau Tý
 
         Dẫn chúng tôi lên thăm di tích lán Bác Hồ trên đồi Khau Tý sớm nay là Chủ tịch xã Phùng Văn Đăng. Tiện đường, Đăng đưa chúng tôi ghé thăm cụ Ma Đình Bài tuổi 86 ở xóm Bắc Dọoc, từng là lính Cụ Hồ miên man trận mạc đánh Pháp rồi chống Mỹ từ Bắc chí Nam. Gốc gác dân Tày bản địa, bản lĩnh đảng thấm đẫm vào máu thịt. Hỏi chuyện dân với cách mạng, cụ vanh vách đủ chuyện thâm niên cố đế làm nên nền tảng truyền thống đẹp của làng, xã. Cụ bảo: Căn cốt có được là nhờ Chi bộ Đảng sớm được thành lập (25/12/1946) lãnh đạo... Cụ thao thao tên tuổi các vị tiền bối của Tổ Việt minh xã từ những năm 1943, như: Ma Khắc Lượng, Ma Khắc Lưu, Hạc Thông Nam...Bỗng dưng giọng cụ vang ngân, say đắm lạ thường: Trung tuần tháng 4/1947 dân bản được lệnh bí mật làm các công việc chuẩn bị đón cơ quan Trung ương và lãnh đạo cao cấp về đây. Đồng chí Trần Văn Cảnh, Thư ký Ủy ban hành chính kháng chiến xã phụ trách 7 đảng viên, quần chúng trung kiên năng nổ vận động nhân dân góp tranh, tre, ván, vách làm lán để đón thượng cấp...Ngày 20/5/1947 các cán bộ bảo vệ đưa Bác lên lán ở tại đồi Khau Tý, nay di tích vẫn còn nguyên đó. Nơi này khuất nẻo, trên có núi, dưới có khe suối; gần dân nhưng không gần đường. Tám cán bộ xã làm lán, được giao bảo vệ vòng ngoài. Bác đặt cho mỗi người một tên mới để tiện liên lạc, đó là: “Bảo – Vệ - Tề - Túc – Hoàn – Toàn – Thành – Công”. Nhà bà Mai Thị Lương là địa điểm bí mật để liên lạc của cơ quan Trung ương với Bác!..Khép  chuyện, lời chắc đinh: - Niềm tự hào muôn năm của Điềm Mặc đó! Cụ Bài cười âm oang như pháo nổ...
Nhà Lưu niệm nơi thành lập HNBVN ở Điềm Mặc
      Theo bậc đá, lối mòn (nay được rải bê tông), đi dưới những vòm cọ xanh, nắng xuân vàng loang lổ, tôi cùng nhà báo Nguyễn Bảo Lâm-Chủ tịch Hội Nhà báo Thái Nguyên nhẩn nha bước, nhẩn nha ngâm ngợi những câu thơ trong trẻo trong bài“Cảnh rừng Việt Bắc” Bác viết khi ở đây: “Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay/ Chim kêu vượn hót suốt cả ngày/...Kháng chiến thành công ta trở lại/ Trăng xưa, hạc cũ với xuân này”. Cháu Nguyễn Ngọc Đức, quản lý viên khu di tích chỉ tay xuống chân đồi, nơi có con suối róc rách, giọng nhỏ nhẹ: Bài thơ “Cảnh khuya” Bác viết có nhẽ bắt nguồn từ đây! Không ai bảo ai, tất cả chúng tôi đều rộ lên: ““Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa/ Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ/ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”. Lán Bác Hồ ở, hiện lên trước mắt chúng tôi. Thoảng nhìn hao hao như nhà Bác ở quê ngoại Kim Liên, Nam Đàn; lại hệt dáng dấp lán Nà Lừa ở Tuyên Quang. Mái lá, vách nan; ngăn nắp, gọn gàng, phóng khoáng; cửa sổ vẫn nống lên cứ như Bác vẫn ở trong lán, vẫn cặm cụi lo việc nước. Nơi đây núi rừng và lòng dân nhất mực che chở, bảo vệ Bác. Bởi thế Điềm Mặc, Định Hóa, Thái Nguyên khi ấy thực sự là trung tâm chỉ đạo, điều hành cuộc kháng chiến toàn dân toàn diện của Đảng và Bác kính yêu. Nhiều quyết định quan trọng liên quan đến vận mệnh đất nước được ban ra từ đây. Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” bút danh X.Y.Z của Bác, mãi là cẩm nang để cán bộ, đảng viên học tập, tu dưỡng tư tưởng, đạo đức, tác phong được hoàn thành cũng tại đây. Thời gian Bác lưu tại Điềm Mặc chỉ non nửa năm trời, nhưng những việc Bác làm, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác nhân dân mãi nhớ, lịch sử mãi mãi rạng ngời!...
       Ghi hình lưu niệm bên lán Bác Hồ, tôi thầm ơn Bác với báo giới Việt Nam. Nhờ Bác mà chúng cháu có Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam – 21/6 – (Ngày Bác ra số báo Thanh Niên ở Quảng Châu). Nhờ Bác nên chúng cháu mới có Hội Nhà báo Việt Nam – điểm tựa tin yêu của những người làm báo được Đảng tin, dân mến, bạn bè thế giới nể trọng suốt 70 năm nay (kể từ ngày thành lập 21/4/1950) tại xóm Ròong Khoa, xã Điềm Mặc. Bác khẳng định vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội:“Đó là một tổ chức chính trị và nghề nghiêp. Nhiệm vụ của Hội Nhà báo là phải làm cho hội viên đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ nhau để nâng cao trình độ chính trị và nghề nghiệp” (Đại Hội II-HNBVN-17/4/1959). Bác chỉ rõ bổn phận của nhà báo: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng, cây bút trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”! (Đại Hội III-HNBVN-tháng 9/1962). Thực hiện những điều huấn thị của Bác; học tập và noi theo tư tưởng, đạo đức, tác phong của Bác, lớp lớp các nhà báo Việt Nam nhất mực đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.
Nhà báo hỏi chuyện cụ Bài
       21/ 4/ 2020 đã đến. Chúng cháu, những nhà báo chiến sĩ cách mạng lại nao nao nhớ về cội nguồn, lại tìm về di tích lịch sử, lại về với Nhà lưu niệm bình dị nhưng thanh cao, thoáng đãng ở Điềm Mặc để tri ân Bác, Đảng kính yêu, để xốc lại hành trang nghề nghiệp, để đồng hành cùng sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo!
                                                                                      Bút kí của Nguyễn Uyển

Tác giả bài viết: Nguyễn Uyển

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập145
  • Hôm nay36,492
  • Tháng hiện tại379,822
  • Tổng lượt truy cập26,662,234

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:125 | lượt tải:52

STT 13

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:352 | lượt tải:129

STT 13

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:363 | lượt tải:139

09/2023/NQ-HĐND

Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông

Lượt xem:829 | lượt tải:190

274/TB-VPCP

Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:858 | lượt tải:261

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây