Vai trò và vị trí của văn hóa sau 35 năm đổi mới đất nước

Thứ tư - 24/11/2021 20:29   Đã xem: 3942   Phản hồi: 0

Sau 35 năm đổi mới đất nước, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng. Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã biểu dương và cảm ơn những đóng góp to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn thể cán bộ, đảng viên và đặc biệt là của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của các lực lượng tham gia trên mặt trận văn hoá trong thời gian vừa qua.

Mua tac xinh


“Múa Tắc Xình” của dân tộc Sán Chay, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) đã được Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch công là di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia (năm 2014) 

Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hoá và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hoá trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Nhận thức của Đảng về văn hoá ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn. Đảng ta xác định: Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hoá đồng bộ, hài hoà với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.
Nói sâu sắc, ngắn gọn như Chủ tịch Hồ Chí Minh là "Văn hoá phải soi đường cho quốc dân đi!"; nền văn hoá mà chúng ta xây dựng là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội; kế thừa những truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc đồng thời tiếp thu có chọn lọc những thành tựu, tinh hoa văn hoá của thế giới, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao.
Đảng ta khẳng định: Con người là chủ thể, giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hoá, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới; phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu; bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí của phát triển bền vững; xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội; thực hiện bình đẳng giới là một tiêu chí của tiến bộ, văn minh.
Trọng tâm xây dựng và phát triển văn hoá là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh; chú trọng mối quan hệ giữa văn hoá và chính trị, văn hoá và kinh tế; xây dựng văn hoá trong Đảng và trong hệ thống chính trị; xây dựng văn hoá công chức, văn hoá công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đảng ta cũng đã xác định, chủ thể xây dựng và phát triển văn hoá là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng; nhấn mạnh đến phát huy tối đa các nguồn lực từ Nhà nước và xã hội, từ trong nước và nước ngoài để phát triển văn hoá.

Nhìn lại những thành tựu trên lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hoá Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là trong 35 năm đổi mới gần đây, chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của nền văn hoá vào sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc. Những thành tựu nổi bật cần khẳng định là nhận thức về văn hoá ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn trên các lĩnh vực, các loại hình; các sản phẩm văn hoá ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu mới, nhiều mặt của xã hội. Nhiều giá trị văn hoá truyền thống và di sản văn hoá của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển. Văn hoá trong chính trị và trong kinh tế bước đầu được coi trọng và phát huy hiệu quả, tích cực. Công nghiệp văn hoá và thị trường văn hoá có bước khởi sắc. Hoạt động giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế có bước phát triển mới. Xây dựng con người Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Việc đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái gây tác hại đến văn hoá, lối sống được chú trọng...
Mặc dù đạt được rất nhiều kết quả quan trọng, nhưng qua 35 năm đổi mới, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam còn không ít hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Quan điểm xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được triển khai mạnh mẽ, chưa thật sự thấm sâu trong các tầng lớp xã hội. Những năm qua (khi chưa có đại dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam), kinh tế liên tục tăng trưởng cao, đời sống vật chất nâng lên nhưng đời sống văn hóa tinh thần chưa phát triển tương xứng, một số mặt yếu kém, tiêu cực chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, thậm chí gia tăng.
Việc quán triệt và thực hiện đường lối, quan điểm, nghị quyết của Đảng về văn hóa có lúc, có nơi chưa đạt yêu cầu đề ra; Việc thể chế hóa đường lối, quan điểm, nghị quyết của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người chưa theo kịp yêu cầu.
Nhiều nội dung trong các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam chậm được thể chế hóa, thiếu tính đồng bộ. Đầu tư của Nhà nước cho lĩnh vực văn hóa, văn nghệ còn thấp, chưa tương xứng với đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội.
Môi trường văn hóa gia đình - nhà trường - xã hội có lúc, có nơi chưa lành mạnh, có mặt xuống cấp; Việc xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế tuy đã được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể triển khai, nhưng kết quả còn chưa tương xứng; Nhận thức, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa văn hóa với kinh tế chưa được cấp ủy, chính quyền nhiều nơi quan tâm đúng mức…
Nguyên nhân được chỉ ra: Nhiều cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội và một bộ phận nhân dân nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc vai trò, vị trí của văn hóa, con người đối với phát triển bền vững đất nước nên trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối, quan điểm, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về văn hóa chưa quyết liệt, chưa đề xuất được giải pháp đúng đắn, đồng bộ để xây dựng văn hóa, con người.
Phương thức và năng lực lãnh đạo của Đảng về văn hóa chưa đổi mới mạnh mẽ, kịp thời khi đất nước bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0). Việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch, đề án nhằm thể chế hóa các nghị quyết của Đảng về văn hóa còn nhiều hạn chế, bất cập. Công tác quy hoạch, đào tạo, đánh giá, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở lĩnh vực văn hóa, văn nghệ còn thiếu tính lâu dài, có chiều sâu.
Việc thực hiện trách nhiệm nêu gương về đạo đức, lối sống của một số cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao còn hình thức, chưa đi vào thực chất, chưa tạo được sự chuyển biến tích cực. Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam, gia đình Việt Nam thời kỳ mới còn chậm, thiếu tính hệ thống.
Hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về văn hóa chưa tương xứng với yêu cầu ngày càng cao. Việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương nêu trong Nghị quyết còn chậm, chưa theo kịp thực tiễn xây dựng văn hóa, phát triển con người. Thị trường sản phẩm văn hóa, công nghiệp văn hóa, quản lý Internet, mạng xã hội, văn hóa giới trẻ, văn hóa tâm linh, xã hội hóa văn hóa tuy có bước phát triển nhưng chưa chủ động nắm bắt tình hình, nhận rõ mặt trái để khắc phục. Chưa phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp, sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ của các chủ thể văn hóa; chưa coi trọng đúng mức văn hóa đỉnh cao, văn hóa quần chúng, các giá trị văn hóa dòng họ, văn hóa gia đình; chưa khích lệ, động viên đầy đủ tính tích cực xã hội của nhân dân, nhất là đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trong tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa.
Bộ máy quản lý văn hóa các cấp còn cồng kềnh, có khâu chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Năng lực tham mưu, tính chuyên nghiệp, thạo việc của cán bộ văn hóa còn nhiều hạn chế; nội dung, phương thức, trình độ quản lý hoạt động văn hóa chậm đổi mới.
Nguyên nhân khách quan chỉ ra là do sự biến đổi toàn diện, sâu sắc xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, hội nhập quốc tế tạo ra sự đan xen giữa các yếu tố tích cực và tiêu cực trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Bên cạnh những chuẩn mực đạo đức mới đang hình thành, là sự xuất hiện, tác động của hành vi, sản phẩm văn hóa lệch chuẩn, loạn chuẩn, thậm chí độc hại; ảnh hưởng từ các tiêu cực, tệ nạn xã hội; sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội…
Những điều đó đã và đang tác động nhiều mặt, nhiều chiều, tạo áp lực đến công tác lãnh đạo, quản lý xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Tuy kinh tế đất nước tăng trưởng khá nhanh nhưng mặt trái của nền kinh tế thị trường chưa được kiểm soát, xử lý hiệu quả; nội hàm “định hướng xã hội chủ nghĩa” trong kinh tế chưa được nhận thức đúng đắn, đầy đủ cũng tác động không thuận đến lĩnh vực văn hóa, con người.
Quá trình hội nhập quốc tế của nước ta ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng; sự phát triển nhanh chóng của khoa học, kỹ thuật, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, các phương tiện truyền thông mới, quá trình số hóa mọi mặt đời sống xã hội (xã hội số, kinh tế số, văn hóa số, truyền thông số…) đem lại những cơ hội to lớn, đồng thời cũng tạo ra thách thức không nhỏ khi nhận thức, trình độ, năng lực của cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa còn hạn chế, bất cập, một bộ phận yếu kém, tụt hậu.
Các thế lực thù địch, phản động thực hiện âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên mặt trận tư tưởng, văn hóa tác động nhiều chiều đến văn hóa, tư tưởng, văn nghệ của nước ta.
Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển", và "soi đường cho quốc dân đi"; phát huy giá trị văn hoá và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.

Ngọc Khuê

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập147
  • Hôm nay2,617
  • Tháng hiện tại570,721
  • Tổng lượt truy cập27,430,345

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:190 | lượt tải:59

Mau ĐXKNHV - HNB

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:414 | lượt tải:141

Mau ĐNCTHV

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:416 | lượt tải:150

144/QĐ-HNB

QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên

Lượt xem:48 | lượt tải:14

136/QĐ-HNB

công khai dự toán ngân sách 2024

Lượt xem:49 | lượt tải:16

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây