Hợp nhất Bắc Kạn và Thái Nguyên - Dư địa mới cho một tỉnh Thái Nguyên mới phát triển toàn diện

Thứ sáu - 18/04/2025 10:01   Đã xem: 151   Phản hồi: 0

Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025. Một trong những nội dung quan trọng được Trung ương ra trong Nghị quyết là chủ trương hợp nhất nhiều tỉnh, thành phố; trong đó tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên - hai địa phương có nhiều điểm tương đồng về địa lý, lịch sử và văn hóa được hợp nhất với tên gọi Thái Nguyên.việc hợp nhất hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên giờ đây đã chính thức bước vào giai đoạn chuẩn bị để triển khai, mở ra cơ hội lịch sử để kiến tạo một thực thể hành chính mới - Tỉnh Thái Nguyên mới, mạnh mẽ hơn về tiềm lực, sâu sắc hơn về văn hóa, và vững vàng hơn trong tầm nhìn phát triển vùng.

Tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn hiện nay.

Một miền gốc - Nhiều lần chia tách, hội tụ
Việc thống nhất lấy tên Thái Nguyên cho tỉnh mới là quyết định có tính kế thừa lịch sử sâu sắc.Thái Nguyên là địa danh đã hiện diện trong lịch sử hành chính từ triều Nguyễn, là vùng đất trung tâm của căn cứ địa cách mạng Việt Bắc, từng là nơi đặt trụ sở của Chính phủ, Trung ương Đảng trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1965, tỉnh Bắc Kạn từng hợp nhất với Thái Nguyên để hình thành tỉnh Bắc Thái - cũng là nơi đi đầu trong công cuộc khôi phục và phát triển công nghiệp miền Bắc sau chiến tranh. Đến năm 1997, hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên tái lập, nhưng hai tỉnh vẫn duy trì mối liên kết tự nhiên, khăng khít về địa lý, văn hóa và chính trị.
Sau hợp nhất, đơn vị hành chính mới sẽ mang tên tỉnh Thái Nguyên - tên gọi giàu ý nghĩa lịch sử.Tên gọi này không chỉ thể hiện tính kế thừa truyền thống mà còn là sự tiếp nối của một trung tâm phát triển năng động, có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực.Việc giữ tên Thái Nguyên cho tỉnh mới là hợp lý cả về truyền thống, hiện thực chính trị lẫn vị thế phát triển. Cùng với đó, việc đặt trung tâm hành chính tại TP. Thái Nguyên - thành phố loại I, cửa ngõ vùng Việt Bắc, cũng tạo thuận lợi lớn về hạ tầng, kết nối giao thông, chất lượng nguồn nhân lực và khả năng dẫn dắt vùng trung du, miền núi phía Bắc. TP. Thái Nguyên hiện đã có hệ thống hạ tầng kỹ thuật - xã hội đồng bộ, có trụ sở cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn, thuận lợi để tiếp quản, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính sau hợp nhất.
Việc sáp nhập Bắc Kạn vào Thái Nguyên đã được Trung ương thống nhất chủ trương rõ ràng. Đây là bước đi chiến lược nhằm tinh gọn bộ máy, phát huy nguồn lực liên kết vùng, mở ra tiềm năng và dư địa phát triển mới cho một tỉnh Thái Nguyên mở rộng - lớn hơn về quy mô, mạnh hơn về nội lực.

Diện tích, dân số và không gian phát triển được mở rộng
 
Lịch sử hành chính của hai tỉnh gắn bó chặt chẽ.Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, không gian địa lý và chính trị của hai tỉnh luôn gắn kết, cùng tạo nên vùng ATK giàu truyền thống cách mạng.
Không gian văn hóa - lịch sử liền mạch, các dân tộc anh em cùng chung sống chan hòa, các địa danh gắn liền với chiến công của dân tộc - như Định Hóa, Tân Trào, Phủ Thông, Ba Bể, Chợ Đồn - đã tạo nên một bản sắc vùng đặc trưng. Đây là nền tảng để việc hợp nhất hôm nay vừa hợp lý vừa thuận tình.
Sau sáp nhập, tỉnh Thái Nguyên mới sẽ có quy mô dân số gần1,8 triệu người, diện tích tự nhiên hơn 8.300 km²- đủ sức để xây dựng chiến lược phát triển ở cấp độ vùng. Không gian phát triển được mở rộng, tạo điều kiện quy hoạch dài hạn một cách bài bản và đồng bộ hơn giữa miền núi - trung du - đô thị - nông thôn.
Việc hợp nhất giúp khắc phục tình trạng manh mún trong quản lý hành chính, tối ưu hóa việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản trị công và giảm chi phí vận hành bộ máy. Đồng thời, những địa phương khó khăn như Bắc Kạn sẽ được hưởng lợi từ các nguồn lực, kinh nghiệm, và hệ thống hạ tầng của Thái Nguyên, thúc đẩy nhanh hơn tiến trình phát triển.

Kết nối tiềm lực kinh tế – công nghiệp – nông lâm – dịch vụ

Tỉnh Thái Nguyên hiện là một trong những cực tăng trưởng của miền Bắc.Là trung tâm kinh tế, văn hóa, thể dục thể thao, khoa học kỹ thuật, giáo dục và đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe, du lịch, dịch vụ của vùng Trung du và miền núi phía Bắc; là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các vùng, có vai trò kết nối giữa vùng Thủ đô Hà Nội với vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; có vị trí địa lý quan trọng, chiến lược về an ninh, quốc phòng;với những con số ấn tượng đạt được trong nhiều năm trở lại đây và năm 2024 như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 6,22%.Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân đầu người đạt 119,2 triệu đồng/người.Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) đạt 1.030 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ.Tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu năm 2024 trên địa bàn tỉnh đạt 27,6 tỷ USD, tăng 7,2%.Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 20.403 tỷ đồng, bằng 126,6% dự toán.
Trong khi đó, Bắc Kạn có tiềm năng lớn về nông - lâm nghiệp hữu cơ, khoáng sản và du lịch sinh thái nhưng vẫn thiếu cơ chế kết nối với thị trường. Việc hợp nhất mở ra khả năng liên kết chuỗi sản xuất giữa công nghiệp chế biến (Thái Nguyên) và vùng nguyên liệu (Bắc Kạn), hình thành các cụm sản xuất, vùng kinh tế đặc thù, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn.Năm 2024, tổng sản phẩm GRDP (theo giá so sánh năm 2010) đạt 9.531 tỷ đồng, tăng trưởng 7,4%; tổng sản phẩm theo giá hiện hành đạt 18.744 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 57 triệu đồng/người, đạt 102% kế hoạch. Cơ cấu kinh tế: nông, lâm nghiệp và thủy sản 26,6%; công nghiệp - xây dựng 17,57% (công nghiệp 9,47%; xây dựng 8,1%); dịch vụ 53%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp 2,8%.
Hệ thống giao thông cũng sẽ được tổ chức lại hợp lý hơn: tuyến đường nối Bắc Kạn với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên sẽ không còn là tuyến “ngoài biên giới tỉnh”, mà là trục kết nối nội tỉnh, khuyến khích đầu tư và phát triển dịch vụ logistics, du lịch và vận tải.

Bản sắc văn hóa, truyền thống cách mạng và tiềm năng du lịch đặc sắc

Cả Bắc Kạn và Thái Nguyên đều là vùng đất giàu bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số, với các lễ hội, làn điệu Then, hát lượn, tục lệ truyền thống của người Tày, Nùng, Dao, Mông... Việc hợp nhất không làm mờ nhạt bản sắc, mà trái lại, giúp tăng cường sự giao lưu, quảng bá và phát huy nền văn hóa đa dạng, gắn kết trong một không gian rộng hơn.
Về du lịch, tỉnh mới có đủ điều kiện để hình thành vùng du lịch sinh thái - văn hóa - lịch sử liên hoàn: từ ATK Định Hóa, ATK Chợ Đồn, hồ Ba Bể, Hồ Núi Cốc… cho đến các tuyến du lịch tâm linh, nông nghiệp trải nghiệm tại Đồng Hỷ, Võ Nhai, Phú Lương... Kết nối lại các điểm đến này trong một quy hoạch thống nhất sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh riêng có cho Thái Nguyên mới.

Bốn trụ cột phát triển của Thái Nguyên mới
Khu công nghiệp Yên Bình (TP. Phổ Yên) ngày càng hoàn thiện về cơ sở hạ tầng.

1. Công nghiệp công nghệ cao – Dẫn dắt chuyển đổi kinh tế vùng
Tận dụng hệ sinh thái FDI hiện có, mở rộng sản xuất công nghiệp sạch, điện tử, trí tuệ nhân tạo, cơ khí chính xác.
Tiềm lực kinh tế mạnh, đóng vai trò động lực phát triển: Thái Nguyên có quy mô kinh tế GRDP năm 2024 đạt trên 165 nghìn tỷ đồng (≈6,534 tỷ USD), đứng thứ 02/14 tỉnh trung du và miền núi phía bắc; thu ngân sách đạt trên 20.400 tỷ đồng, nằm trong top 20 của cả nước. Đặc biệt, Thái Nguyên là trung tâm công nghiệp lớn, với các khu công nghiệp lớn như: Khu công nghiệp Yên Bình, Điềm Thụy, Sông Công I, Sông Công II,… thu hút trên 220 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt gần 12 tỷ USD tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động và nguồn thu ngân sách ổn định sẽ đóng vai trò là đầu tàu, động lực tăng trưởng, phát triển của tỉnh mới.
Thái Nguyên có hạ tầng giao thông phát triển với tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, tuyến cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và cao tốc nối tiếp Chợ Mới - thành phố Bắc Kạn sẽ hoàn thành giai đoạn 2025 - 2030. Theo đó, việc kết nối giữa thành phố Thái Nguyên, thành phố Bắc Kạn và các địa bàn trong tỉnh sẽ thuận lợi hơn, giúp toàn tỉnh mới có sự kết nối thông suốt.
Sự hợp nhất giúp mở rộng không gian phát triển về phía Bắc, dọc theo QL3, QL3C, và các tuyến đường nối vùng Bắc Kạn - Thái Nguyên - Cao Bằng. Tỉnh có thể quy hoạch thêm các khu công nghiệp ở Chợ Mới, Ngân Sơn, kết nối với các khu công nghiệp hiện hữu để hình thành trục công nghiệp đa cực, giảm áp lực cho khu vực phía Nam.

2. Khai phá giá trị Việt Bắc về du lịch văn hóa - sinh thái - lịch sử - bản sắc dân tộc
Hồ Ba Bể - điểm đến tận hưởng thiên nhiên | Báo Bắc Kạn điện tử
 Hồ Ba bể, Bắc Kạn.

Thái Nguyên và Bắc Kạn có tiềm năng du lịch lớn: hồ Ba Bể - di sản thiên nhiên cấp quốc gia; ATK Định Hóa – thủ đô gió ngàn kháng chiến; Hồ Núi Cốc – huyền thoại tình yêu; các bản làng người Dao, Tày, Nùng… Dù vậy, du lịch còn manh mún, thiếu quy hoạch vùng. Khi sáp nhập, có thể hình thành chuỗi sản phẩm du lịch chất lượng, có chiều sâu trải nghiệm, xây dựng thương hiệu tỉnh “đất học, đất thiêng, đất bản sắc”; một "tam giác vàng du lịch cách mạng và sinh thái" giữa hồ Núi Cốc - Định Hóa - Ba Bể - Tân Trào, kết nối với Tuyên Quang, Cao Bằng, tạo ra chuỗi trải nghiệm du lịch đa dạng, đặc trưng vùng Việt Bắc. Đây cũng là cơ hội để thu hút các nhà đầu tư lớn vào các khu du lịch trọng điểm, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch khám phá sinh thái kết hợp văn hóa lịch sử.
Việc sáp nhập, hợp nhất tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên mang lại nhiều tác động tích cực đến đời sống Nhân dân và môi trường.Sự tương đồng về các yếu tố lịch sử truyền thống, dân tộc, tôn giáo, ngôn ngữ, phong tục, tập quán và các mối quan hệ kinh tế, chính trị truyền thống giữa 02 tỉnh trước khi sáp nhập, hợp nhất tạo điều kiện cho việc mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hoá giữa các cộng đồng dân cư trong tỉnh cũng như từng vùng.

3. Nông – lâm nghiệp ứng dụng công nghệ, kinh tế rừng bền vững
Hiện Thái Nguyên có 22.000 ha chè, là thủ phủ chè cả nước. Bắc Kạn có gần 70% diện tích là rừng tự nhiên, trong đó hàng ngàn ha dược liệu quý như đẳng sâm, ba kích, hà thủ ô. Tỉnh mới có thể xây dựng các vùng chuyên canh, chuỗi sản xuất gắn với chế biến sâu, thu hút doanh nghiệp đầu tư nhà máy tinh chế, tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp và xuất khẩu. Phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao gắn với chuỗi giá trị và thương hiệu địa phương như chè Thái Nguyên, miến dong Na Rì, quế, tinh dầu.Đồng thời phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp gắn với du lịch, và kinh tế tuần hoàn nông thôn.
4. Giáo dục – đào tạo – đổi mới sáng tạo: Trung tâm tri thức của vùng

Phát huy vai trò của Đại học Thái Nguyên,bao gồm nhiều trường đại học thành viên và đơn vị trực thuộc, mỗi đơn vị chuyên sâu trong các lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khác nhau; các viện nghiên cứu. Là tỉnh có truyền thống hiếu học, trung tâm đào tạo của vùng.Thái Nguyên là trung tâm giáo dục đào tạo lớn thứ ba cả nước (sau Hà Nội, TP.HCM). Sự hợp nhất sẽ giúp tỉnh mở rộng quy mô và phạm vi ảnh hưởng, thu hút thêm đầu tư vào lĩnh vực đào tạo nghề, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp công nghệ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả vùng trung du miền núi phía Bắc. Tỉnh có thể đầu tư các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo vùng miền núi, gắn kết với các trường đại học để tạo ra hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bền vững.
Như vậy,Tỉnh Thái Nguyên mới có thể phân vùng phát triển theo ba trục:
  • Phía Nam – vùng đô thị - công nghiệp hiện đại: gồm TP. Thái Nguyên, Phổ Yên, Sông Công - trung tâm công nghiệp, FDI lớn, nơi có Tập đoàn Samsung và các doanh nghiệp công nghệ cao đang hoạt động. Khu vực này đóng góp đến 80% GRDP của Thái Nguyên hiện nay.
  • Vùng trung tâm - phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến và du lịch sinh thái: các huyện Đại Từ, Định Hóa, Chợ Mới, Phú Lương, có nhiều tiềm năng về chè, cây ăn quả, sản phẩm OCOP và rừng đặc dụng.
  • Phía Bắc – phát triển kinh tế rừng, dược liệu và du lịch xanh: với các huyện Ba Bể, Pác Nặm, Chợ Đồn, Ngân Sơn - nơi có rừng nguyên sinh, hồ Ba Bể, nhiều tài nguyên dược liệu quý và văn hóa dân tộc phong phú.
Thái Nguyên - Vị thế mới, tầm nhìn mới, bản lĩnh, kết nối và hội nhập

Việc hợp nhất Thái Nguyên và Bắc Kạn không chỉ là bài toán về quản lý hành chính và thay đổi địa giới hành chính; mà là bước chuyển mạnh về tư duy phát triển và năng lực hội nhập.Đây là quyết sách lớn mang tầm chiến lược, nhằm kiến tạo một đơn vị hành chính mạnh hơn, hiệu quả hơn, có khả năng dẫn dắt liên kết vùng. Tỉnh Thái Nguyên mới sẽ có thêm nguồn lực, không gian và động lực phát triển; bảo tồn tốt hơn bản sắc văn hóa các dân tộc; phát huy hiệu quả hạ tầng sẵn có; đồng thời giải quyết được những tồn tại về quy mô nhỏ, dân cư ít, năng lực đầu tư hạn chế như ở Bắc Kạn hiện nay.Trong tương lai gần, Thái Nguyên mới hoàn toàn có thể trở thành trung tâm động lực của vùng trung du miền núi phía Bắc, nơi hội tụ của công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, văn hóa bản sắc và du lịch bền vững.
Trung tâm hành chính đặt tại TP. Thái Nguyên – thành phố có đầy đủ điều kiện để làm đầu tàu: hạ tầng đô thị đồng bộ, hệ thống trường đại học, bệnh viện tuyến Trung ương, kết nối vùng thuận tiện bằng đường bộ, sắp tới là cao tốc Thái Nguyên - Bắc Kạn cùng hệ thống giao thông kết nối liên vùng được phát triển.
Một Thái Nguyên lớn hơn - không chỉ về diện tích và dân số, mà còn lớn hơn ở tầm nhìn, sâu sắc hơn về văn hóa, vững vàng hơn trong phát triển. Đây là cơ hội lịch sử để Thái Nguyên khẳng định vị trí trung tâm vùng trung du miền núi phía Bắc – trung tâm kinh tế, khoa học, giáo dục, đổi mới sáng tạo và văn hóa Việt Bắc trong kỷ nguyên mới. Đồng thời là minh chứng cho tư duy đổi mới, hành động mạnh mẽ vì mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, toàn diện.
Hợp nhất là một thách thức - nhưng cũng là một cơ hội lịch sử. Với quyết tâm chính trị từ Trung ương, với tiềm lực và bản sắc vốn có, và đặc biệt là sự đồng lòng của chính quyền, nhân dân hai tỉnh, Thái Nguyên mới sẽ không chỉ là một địa danh mới trên bản đồ hành chính, mà sẽ là một biểu tượng cho tầm nhìn phát triển vùng trong kỷ nguyên chuyển đổi và hội nhập./.


 

Tác giả bài viết: Bắc Việt

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập87
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm82
  • Hôm nay7,316
  • Tháng hiện tại195,492
  • Tổng lượt truy cập29,467,612

Hình ảnh nổi bật

327/KH- BTC

Kế hoạch tổ chức Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Giải Diên Hồng) lần thứ tư - năm 2026 Chủ đề " 80 năm Quốc hội Việt Nam"

Lượt xem:7 | lượt tải:2

09/KH-UBND

Kế hoạch Tổ chức Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng tỉnh Thái Nguyên lần thứ II - năm 2026

Lượt xem:124 | lượt tải:30

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:450 | lượt tải:86

Mau ĐXKNHV - HNB

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:690 | lượt tải:183

Mau ĐNCTHV

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:567 | lượt tải:191

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây