Những vườn chè nơi vùng cao núi đá

Thứ tư - 21/05/2025 08:44   Đã xem: 5   Phản hồi: 0

Với tổng diện tích gần 1.400 ha, chè được xác định là cây trồng chủ lực, giữ vai trò quan trọng trong đề án phát triển du lịch huyện Võ Nhai giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Cây chè cũng đang trực tiếp giúp xoá nghèo, đổi đời cho hàng nghìn hộ dân tại những xóm bản đặc biệt khó khăn của huyện Võ Nhai, nhất là tại các xã vùng cao núi đá phía bắc.

chè thần Sa

Vườn chè xóm Hạ Sơn (xã Thần Xa huyện Võ Nhai) không chỉ giúp nâng cao thu nhập mà còn tạo nên bức tranh phong cảnh đẹp 


Sản xuất sạch, bán giá thấp

Pha trà mời khách, ông Ma Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai khoe chè này do bà con trong xã làm đấy, không phải mua từ nơi khác về đâu. Vẻ tự hào của ông khiến chúng tôi vô cùng ngạc nhiên, bởi lẽ chè là loại cây kinh tế trọng điểm, rất phổ biến trên địa bàn toàn tỉnh và cả ở huyện Võ Nhai.
Hoá ra chè vẫn là “của hiếm” ở Thượng Nung, cả xã vừa đủ đến trên một bàn tay số hộ làm chè. Có chè để bán có mấy hộ, gồm hộ ông Lương Văn Nguyên 5 sào, hộ ông Nguyễn Đình Tâm 5 sào, hộ ông Dương Văn Hiệu 3 sào, mỗi năm làm được 5 lứa, hơn bù kém bình quân 1 tạ chè khô mỗi năm. Như vậy sản lượng chè khô toàn xã tầm trên dưới 3 tạ.
Chúng tôi đến tham quan vườn chè của gia đình ông Nguyễn Đình Tâm, qua thông tin của lãnh đạo xã, gia đình ông Tâm đã đầu tư 13 triệu đồng mua ống làm hệ thống nước tự chảy dài hơn 1 km băng rừng vượt suối về vườn, nhờ vậy ông làm được cả chè vụ đông, có chè bán quanh năm.
Ông Nguyễn Đình Tâm, hiện là Bí Thư Chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận tổ quốc xóm An Thành, cười xác nhận:
-    Đúng là chè làm ra bao nhiêu hết bao nhiêu, bán cho người quen trong xã còn không đủ, không có chè bán ra ngoài.
Tuy nhiên, nói về làm chè thì ông bảo:
-    Trước đây có hàng mấy chục hộ làm chè ở cả các xóm khác, tầm 15 năm đổ lại, lò chè nhà tôi sao chè thuê cho cả xã, nay mấy xóm kia thôi hết. Có năm dân lấy hàng nghìn gốc chè giống về nhưng rồi bỏ hết.
Ngay cả vườn chè hơn 5 sào của gia đình ông hầu như cũng đang bị “bỏ rơi” không chăm bón thu hái, hệ thống nước dẫn từ trên núi về đang được sử dụng tưới cho cây ăn quả như na, bưởi da xanh trồng xen để dần thay thế chè.
Vườn chè diện tích khoảng 3 sào của gia đình ông Dương Văn Hiệu nằm trên một đỉnh đồi cao hơn mái nhà sàn, xung quanh là lô nhô ngọn của những dãy núi đá trông không khác gì những con khủng long khổng lồ. Ông Hiệu cho biết ngoài phân chuồng, gia đình không dùng bất cứ loại phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật có thành phần hoá chất, ông cũng không biết chính xác tên giống chè, chỉ quen gọi là chè cành, chè lai. Bởi toàn bộ chè đều bán cho người quen không bán giá cao được, 150 nghìn đồng/kg suốt 5 năm nay. Có những lứa chè do bận nhiều việc quá không hái kịp, nó ra dài phải phạt đi lúc nào rỗi mới hái. Với giá bán như vậy chỉ hoà vốn, nhưng do sản lượng quá ít nên cũng chưa có thương lái đến thu mua. Tuy nhiên, các hộ cũng nhận thấy hiệu quả kinh tế của cây chè, bà con coi vườn chè như “ống tiền”, khi nào cần tiền nhanh là có ngay một khoản từ việc bán chè, cây chè lại dễ trồng, dễ chăm sóc. Song do thói quen sản xuất “tự cung tự cấp” của người miền núi từ nhiều đời nay, bà con vẫn chú trọng cây lúa để đảm bảo lương thực, sợ chè có lúc không bán được.
Nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế, góp phần hoàn thành mục tiêu về đích Nông thôn mới giai đoạn 2025 - 2030, xã Thượng Nung đã có định hướng phát triển cây chè, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến chè.

Làng nghề chè duy nhất trong Khu Bảo tồn thiên nhiên  

Cùng nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng, diện tích xã Thần Xa cũng chủ yếu là núi đá vôi. Làng nghề chè Hạ Sơn nằm ngay dưới chân dãy núi Mèo nơi có di chỉ khảo cổ hang Phiêng Tung và Mái đá Ngườm  rất nổi tiếng với dấu tích loài người sinh sống thời cổ đại.
Ông Trần Văn Đằng, Trưởng Ban Quản lý Làng nghề chè Hạ Sơn cho biết xóm đón quyết định của UBND tỉnh công nhận Làng nghề năm 2021. Từ đó đã mở ra cơ hội mới cho cây chè Thần Sa. Toàn xóm Hạ Sơn có gần 90 hộ trồng chè với tổng diện tích trên 55ha, mỗi năm thu hoạch từ 8 đến 9 lứa, giá trung binh đạt khoảng 100.000đ/kg. Cây chè cũng đang là nguồn thu nhập chính và ổn định cho khoảng 70% số hộ dân. Xã Thần Xa cũng có kế hoạch xây dựng chè Hạ Sơn trở thành sản phẩm OCOP của địa phương, tăng cường khuyến nông để bà con quan tâm đến sản xuất chè an toàn, đã có trên 30ha chè được chuyển sang canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. 
Tại vùng đất nơi tổ tiên loài người từng sinh sống này, cây chè đã bén rễ hơn nửa thế kỷ. Những hộ đầu tiên vượt núi sang vùng chè Trại Cài (xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ, một trong những vùng chè lâu đời và nổi tiếng của tỉnh) để học làm chè và xin hạt giống chè trung du về trồng. Sản phẩm làm ra được bán tại các chợ phiên khu vực phố Hích, Trại Cài (Đồng Hỷ), lại nguồn thu nhập đáng kể giúp cải thiện đời sống của người dân. Từ năm 1990, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con đã mở rộng diện tích,  trồng mới và trồng thay thế cây chè trung du bằng các giống chè cành như: Kim Tuyên, TBR777, LDP1… cho năng suất, chất lượng và giá trị cao hơn. Những năm gần đây, bà con ở Làng nghề chè được các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương hỗ trợ về kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến chè thông qua các buổi tập huấn, tuyên truyền tại cơ sở. Vài năm trước đây, các hộ thường bán sản phẩm là chè búp đã sao khô, do tay nghề chưa cao nên chất lượng không đạt yêu cầu, giá bán chỉ từ 100 nghìn-150 nghìn đồng/kg. Gần đây, người mua buôn đến tận bãi để kiểm tra, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật hái và  thời điểm hái. Hầu hết chè búp tươi của bà con đều được thu mua hết với giá khá tốt nên còn rất ít hộ chế biến thành phẩm. Nhờ cây chè, gần 100 hộ dân tộc Dao và dân tộc Tày ở Hạ Sơn đã thoát nghèo. Cây chè đã trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, ổn định đời sống. Nhiều hộ có thu nhập cả trăm triệu đồng/năm từ bán chè. 
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thần Xa khẳng định: Chè là cây thế mạnh của Làng nghề chè Hạ Sơn và cũng là của địa phương,  xã đang tăng cường vận động người dân mở rộng diện tích trồng chè với mục tiêu đạt 70ha và thay thế hoàn toàn giống chè cũ bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao, đồng thời đề xuất với các cơ quan chuyên môn hỗ trợ thực hiện các mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Để trên cơ sở đó xã định hướng phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch sinh thái trong thời gian tới.

 

Tác giả bài viết: Ngọc Khuê

Click để đánh giá bài viết

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập82
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm75
  • Hôm nay8,104
  • Tháng hiện tại257,188
  • Tổng lượt truy cập29,867,903

Hình ảnh nổi bật

23/QĐ - HNB

Quyết định Công khai quyết toán ngân sách năm 2024 của Hội Nhà báo tỉnh

Lượt xem:24 | lượt tải:11

327/KH- BTC

Kế hoạch tổ chức Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Giải Diên Hồng) lần thứ tư - năm 2026 Chủ đề " 80 năm Quốc hội Việt Nam"

Lượt xem:56 | lượt tải:14

09/KH-UBND

Kế hoạch Tổ chức Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng tỉnh Thái Nguyên lần thứ II - năm 2026

Lượt xem:164 | lượt tải:36

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:500 | lượt tải:102

Mau ĐXKNHV - HNB

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:748 | lượt tải:202

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây