Quan tâm định hướng và chỉ đạo sâu sát
Tại buổi làm việc với tập thể lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên (tháng 1-2023), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Thái Nguyên có vị trí chiến lược rất quan trọng, là địa phương giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, tỉnh luôn đóng vai trò vừa là “phên giậu”, vừa là “hậu phương” vững chắc để quân và dân ta triển khai lực lượng chống giặc ngoại xâm.
Đồng chí ghi nhận: Trong điều kiện đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Thái Nguyên đã phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Tỉnh đã xác định 5 định hướng lớn để triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả nghị quyết đại hội đảng các cấp. Đây thực sự là những chủ trương và hướng đi rất đúng, rất trúng.
Tổng Bí thư lưu ý, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, tỉnh cần xác định rõ tiềm năng, lợi thế của địa phương để lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá. Trong quá trình lãnh đạo và triển khai các nhiêm vụ thì phải có sự phân công, phân nhiệm “rõ người, rõ việc, rõ hiệu quả”; nêu cao tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên, trách nhiệm của người đứng đầu. Đặc biệt quan tâm làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; coi trọng việc liên kết vùng để tạo động lực phát triển, xây dựng Thái Nguyên phát triển nhanh, bền vững, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Đó là những định hướng và chỉ đạo rất sát, vừa mang tính chiến lược, tổng quát, lại vừa rất cụ thể, sát với tình hình thực tiễn của địa phương. Nhìn lại những chuyến công tác, thăm và làm việc tại Thái Nguyên trên các cương vị khác nhau, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đều rất quan tâm động viên và có chỉ đạo, định hướng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh những nhiệm vụ cụ thể cho từng giai đoạn phát triển.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Phổ Yên (tháng 11-2014), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: Cơ cấu kinh tế của tỉnh, nhất là huyện Phổ Yên (nay là TP. Phổ Yên) có chuyển dịch mạnh mẽ, đúng hướng. Thái Nguyên nói chung và huyện Phổ Yên cần chú trọng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là đối với khu dân cư, các khu, cụm công nghiệp; chú ý quản lý đất đai; đào tạo nghề cho lao động; bảo đảm môi trường, nhất là môi trường văn hóa, xã hội để phát triển bền vững. Việc xây dựng nông thôn mới cần chú ý tính thiết thực, bền vững, không chạy theo phong trào.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, vấn đề quyết định là con người, trước hết là cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý,... Do vậy phải làm tốt công tác xây dựng Ðảng.
Tháng 12-2009, làm việc tại xã Hùng Sơn (nay là thị trấn Hùng Sơn), huyện Đại Từ, khi trên cương vị là Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cho rằng: Thực tế tại Hùng Sơn cho thấy, không phải là cứ đưa nhiều nhà máy, công nghiệp nặng vào là công nghiệp hóa mà phải tính đến đặc thù của địa phương. Thế mạnh của Hùng Sơn là cây chè, lúa, trồng màu, chăn nuôi, phát triển mô hình kinh tế trang trại... Vậy thì chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chế biến để làm ra sản phẩm hàng hóa là công nghiệp hóa.
Đồng chí đặt ra yêu cầu tập trung phát triển kinh tế nhưng vẫn phải giữ được môi trường, tình làng nghĩa xóm, bản sắc văn hóa của dân tộc; tránh tình trạng ham làm kinh tế mà nhạt chính trị, khô Đảng, khô đoàn thể. Tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Lòng dân yên thì mới có được cơ sở bền vững để phát triển đất nước.
Đoàn kết đưa Thái Nguyên tiến nhanh và vững chắc
Những định hướng, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong là kim chỉ nam cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Thái Nguyên xây dựng chiến lược, cụ thể bằng kế hoạch một cách khoa học, sát điều kiện thực tế để hoàn thành các nhiệm vụ. Năm 2023, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự quyết tâm, đồng lòng trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền các cấp, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và sự đoàn kết đồng lòng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục đạt những kết quả toàn diện.
Cụ thể, Thái Nguyên duy trì đà tăng trưởng kinh tế (GRDP) trên 5% trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành phố của cả nước có mức tăng trưởng thấp, thậm chí âm; giá trị xuất khẩu trên địa bàn đạt trên 27,1 tỷ USD - đứng đầu khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, nằm trong nhóm các địa phương đứng đầu cả nước. Đặc biệt, thu ngân sách đạt 20.196 tỷ đồng, là số thu cao nhất từ trước đến nay của tỉnh và lần đầu tiên đưa Thái Nguyên vào top 18 tỉnh, thành phố tự cân đối ngân sách, có một phần điều tiết về Trung ương.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế Thái Nguyên tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định, với GRDP tăng 6,03% so với cùng kỳ. Các chỉ tiêu quan trọng về giá trị sản xuất công nghiệp, thu ngân sách, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa… đều đạt tiến độ theo kế hoạch. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững.
Đáng chú ý là môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh được nâng lên. Thái Nguyên tiếp tục dành sự quan tâm đúng mức cho công tác quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông mang tính kết nối vùng một cách đồng bộ và thực hiện triệt để cải cách hành chính… theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục thu hút nhà đầu tư có tiềm lực, tạo bước phát triển đột phá trong những năm tới.
Phát biểu nhậm chức Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên mới đây, đồng chí Trịnh Việt Hùng khẳng định quyết tâm cùng tập thể Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, quyết tâm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020-2025) đề ra, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phấn đấu đưa Thái Nguyên trở thành cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Phát biểu của đồng chí tân Bí thư Tỉnh ủy cũng là quyết tâm chung của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, cùng đoàn kết để xây dựng Thủ đô gió ngàn với khát vọng, quyết tâm và khí thế mới như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trái tim của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo xuất sắc, trí tuệ, bản lĩnh, một nhân cách lớn và nghĩa tình, đã ngừng nghỉ, để lại niềm tiếc thương vô hạn. Tài năng, đức độ và những phẩm chất cao đẹp của đồng chí sẽ sống mãi trong lòng người dân Thái Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Những di sản quý báu mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại là vô giá, để mỗi người Việt Nam nguyện noi gương học tập, lao động, sáng tạo xây dựng đất nước ngày một phồn vinh.
Theo Baothainguyen.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thông tư 12/2024/TT-BTTTT
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên
công khai dự toán ngân sách 2024