Cây chè đầu tiên
Trong bài viết trước, đoàn khảo sát đã vượt núi, băng rừng tìm được cây chè cổ đầu tiên. Nghệ nhân Nguyễn Thị Hải, Chủ tịch Hội chè Đại Từ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã chè La Bằng, người đã từng tham gia một chuyến đi tìm cây chè cổ vào tháng 1-2025, chia sẻ: Trong chuyến đi đầu năm nay, chúng tôi đi lên đến đỉnh núi thì mới tìm thấy cây chè cổ, nhưng lần này trên đường đi đã phát hiện được thêm một cây chè cổ. Cây chè này là lần đầu tiên được tìm thấy. Và với vị trí cách xa so với mốc ranh giới 2 tỉnh Thái Nguyên - Tuyên Quang, đây được xác định là cây chè cổ gần với xã La Bằng nhất cho đến thời điểm hiện tại.
Sau khi phát hiện cây chè, anh Trương Thủy Luân, Phó Chủ tịch Hội chè Đại Từ, đại diện thương hiệu du lịch Thái Nguyên Adventure, sử dụng định vị GPS xác định vị trí. Anh Luân cho biết: Còn khoảng hơn trăm mét đường rừng nữa chúng ta mới đến điểm giáp ranh giữa 2 tỉnh Thái Nguyên - Tuyên Quang. Khu vực này thuộc địa phận xã La Bằng, huyện Đại Từ và là bờ Đông dãy Tam Đảo. Nghĩa là cây này thuộc địa phận tỉnh Thái Nguyên.
Sau khi khảo sát cây chè, PGS. TS Hà Duy Trường đánh giá: Chúng tôi lấy mẫu lá, mẫu cành, mẫu búp và ban đầu xác định rất giống với một dòng chè Shan. Đặc biệt, búp măng của cây chè rất giống búp măng chè Shan. Cây chè tìm thấy đầu tiên này cao 12-13m, chu vi gốc đo tại vị trí cách gốc 20cm là 88cm, ước trên 150 tuổi.
Giống chè Shan
Tiếp tục ngược lên đỉnh núi Tam Đảo, Đoàn khảo sát tìm được một quần thể cây chè cổ. PGS. TS Hà Duy Trường cho biết: Đoàn tìm thấy 18 cây với chu vi gốc khoảng từ 80 đến 150cm. Qua mẫu lá, mẫu búp chè, chúng tôi đánh giá tất cả những cây này là một dòng chè, thiên về dòng chè Shan rất quý, có thể là giống chè shan xanh hoặc shan trắng thường sinh sống trên độ cao hơn 1.200m so với mặt nước biển. Tuy nhiên, để xác định được quần thể cây chè này thuộc giống chè Shan nào thì phải giải trình tự hệ gen để đánh giá chính xác nhất.
Cũng theo PGS. TS Hà Duy Trường, về tuổi của cây, qua khảo sát đo đếm một số chỉ tiêu nhất là chu vi gốc, đối với cây có chu vi từ 100-150cm thì tuổi cây trên 200 tuổi; cây có chu vi trên 80cm tuổi cây trên 150 tuổi. Như vậy, cảm quan ban đầu thì hầu hết cây chè được phát hiện có tuổi đời trên 200 tuổi, nhưng để đánh giá chính xác tuổi cây thì phải dùng phương pháp khoa học khoan tăng trưởng để khoan đến tâm của thân cây nhằm xác định tuổi.
Tiếp tục khảo sát, đoàn nhận thấy búp chè, hay còn gọi măng chè có hình dạng đặc trưng - giống hình dạng móng của con rồng. Nghệ nhân Nguyễn Thị Hải cho biết: Chúng tôi cảm nhận đây như là chè Shan Móng Rồng rất có giá trị.
Chè cổ Núi Bóng - Tam Đảo: 2 giống khác nhau về đặc điểm hình thái
Đang thực hiện nghiên cứu cây chè cổ trên đỉnh núi Bóng, xã Minh Tiến, huyện Đại Từ, nên khi nhìn thấy cây chè cổ trên đỉnh Tam Đảo này, PGS. TS Hà Duy Trường nhận thấy 2 giống chè khác nhau về đặc điểm hình thái lá.
PGS. TS Hà Duy Trường phân tích: Chè cổ mới phát hiện trên đỉnh Tam Đảo lá có răng cưa chìm, búp chè hình măng được bọc bởi lớp vỏ cứng hay gọi là măng trà, còn chè núi Bóng có răng cưa rõ và thưa, hình thành búp chè thông thường. Lá chè ở núi Tam Đảo bản lá dày, còn chè núi Bóng thì lá mỏng dài và đầu lá nhọn. Ban đầu, tôi nhận định 2 giống khác nhau về đặc hình thái, tuy nhiên muốn xác định khác biệt chính xác nhất thì cần phải giải trình tự nguồn gen.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Hải cho biết thêm: Tôi cũng đã khảo sát ở 2 vùng chè núi Bóng và núi Tam Đảo và nhận thấy cây chè ở 2 vùng này khác nhau. Cây chè ở núi Tam Đảo có mầm, búp chè rất to, trong bọc những búp nhỏ, nhìn khác biệt so với cây chè ở núi Bóng có búp như chè thông thường. Nhìn thân cây, chúng tôi thấy bề ngoài cây chè ở núi Tam Đảo vỏ đỏ hồng, còn ở núi Bóng có màu trắng xanh.
Nhà khoa học và chuyên gia ngành chè đều nhận định quần thể cây chè cổ trên đỉnh núi Tam Đảo có sự khác biệt về hình thái lá và búp so với núi Bóng, cần sớm có nghiên cứu khoa học để xác định giống và nguồn gen của cây. Trước đây, Hội đồng khoa học tỉnh Thái Nguyên đã thông qua đề tài “Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển nguồn gen cây chè cổ thụ núi Bóng, xã Minh Tiến, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên”. Hoạt động nghiên cứu đang diễn ra nhằm xác định nguồn gen chè cổ thụ Núi Bóng.
Với việc phát hiện quần thể cây chè cổ núi Tam Đảo, để có kết luận chính xác nhất, các nhà khoa học, chuyên gia chè đề nghị tỉnh Thái Nguyên sớm có đề tài nghiên cứu khoa học về nguồn gen cây chè cổ trên đỉnh Tam Đảo thuộc địa phận tỉnh Thái Nguyên. Trên cơ sở đó sớm đưa quần thể cây trở thành cây di sản để bảo tồn, phát huy giá trị quý của cây chè.
Theo nhiều nhà khoa học, việc phát hiện quần thể cây chè cổ trên núi Tam Đảo, thuộc địa phận xã La Bằng (Đại Từ) có ý nghĩa rất lớn. Đây là tiền đề cho công tác nghiên cứu để đánh giá lịch sử xuất hiện cây chè tại Thái Nguyên.
Nguồn tin: baothainguyen.vn
Những tin cũ hơn
Kế hoạch Tổ chức Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng tỉnh Thái Nguyên lần thứ II - năm 2026
Thông tư 12/2024/TT-BTTTT
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên