Chính sách thúc đẩy để Thái Nguyên phát triển bền vững - Bài 2: Địa phương và doanh nghiệp cùng đích đến

Thứ tư - 07/02/2024 14:41   Đã xem: 156   Phản hồi: 0

Sự ổn định chính trị, triển khai hiệu quả chính sách, không bị đứt đoạn bởi tư duy nhiệm kỳ là yếu tố quan trọng để DN yên tâm đầu tư và đồng hành cùng Thái Nguyên.

Doanh nghiệp khoẻ - nền kinh tế khoẻ

Người Đưa Tin (NĐT): Dự án FDI đầu tiên đặt chân vào Thái Nguyên là năm 1993, khi tỉnh còn chưa được tái lập. Và những năm qua, Thái Nguyên là cái tên luôn được nhắc đến khi nói về câu chuyện thu hút đầu tư. Vậy Thái Nguyên có nguyên tắc và bí quyết gì để thu hút đầu tư, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Bình: Đối với tỉnh Thái Nguyên, trong giai đoạn 2019-2022, mặc dù dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, song số vốn FDI thu hút vào tỉnh Thái Nguyên vẫn đạt gần 2,9 tỷ USD. Đây là một con số khá ấn tượng.
Để có được con số này, ngoài triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách của Trung ương, tỉnh Thái Nguyên đã luôn đồng hành và tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm thiểu tác động của dịch Covid-19, quan tâm chú ý tiêm vắc-xin cho chuyên gia và công nhân của các doanh nghiệp FDI, nhờ đó trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên không có dịch bùng phát nghiêm trọng.
Cùng với đó, tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu phục vụ thu hút đầu tư của tỉnh, trong đó trọng tâm là hạ tầng về giao thông, hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng xã hội quanh các khu công nghiệp.
Cụ thể, về hạ tầng giao thông, tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là các tuyến đường tạo không gian phát triển mới về công nghiệp, dịch vụ. Triển khai đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các tuyến đường giao thông quan trọng mang tính liên kết vùng như: Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc, Đường vành đai V đoạn qua khu vực tỉnh Thái Nguyên…

 
giao thong14

Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên.
 
Về hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, thực hiện thẩm định, xem xét tổ chức lựa chọn được các nhà đầu tư thực sự có năng lực, kinh nghiệm - cả năng lực tài chính và năng lực xúc tiến đầu tư để triển khai xây dựng đồng bộ hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và phát huy hiệu quả đầu tư.
Về hạ tầng xã hội khác, tập trung các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhà ở xã hội cho công nhân đã được chấp thuận đầu tư; quy hoạch để kêu gọi và lựa chọn các nhà đầu tư triển khai xây dựng nhà ở xã hội; Tập trung kêu gọi, hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án sân golf, khu du lịch nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại, các thiết chế văn hóa cho công nhân, người lao động,... tại các huyện, thành phố.
Đối với các dự án lớn đang tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh, tỉnh Thái Nguyên giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương hỗ trợ giải đáp và hướng dẫn nhà đầu tư, định kỳ báo cáo UBND tỉnh. Đồng thời, để thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh đảm bảo tiến độ, hiệu quả, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên do lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp làm tổ trưởng và thành viên là Thủ trưởng các sở, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố.
Đối với các dự án đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh, thông qua các cuộc họp trực tuyến, trực tiếp, tỉnh Thái Nguyên ghi nhận và kịp thời xử lý các đề xuất, kiến nghị của nhà đầu tư trong quá trình triển khai. Nhờ đó, có nhiều dự án FDI tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất sau một thời gian triển khai dự án trên địa bàn tỉnh như dự án Samsung Electro-Mechanics, dự án Trina Solar Wafer...
Nhờ có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, tăng cường cải cách hành chính, tạo thuận lợi trong thực hiện các thủ tục đầu tư, kinh doanh, xây dựng…, trong giai đoạn 5 năm, từ 01/01/2018 đến 10/5/2023, tỉnh Thái Nguyên thu hút được 3,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.
NĐT: Sự ổn định về chính sách, tiếp nối tích cực, không bị đứt đoạn bởi tư duy nhiệm kỳ, là một trong những yếu tố quan trọng khiến doanh nghiệp yên tâm đầu tư và tiếp tục đồng hành phát triển cùng địa phương. Ông có chia sẻ gì về nhận định này?
Ông Nguyễn Thanh Bình: Đây là nhận định đúng. Môi trường chính trị ổn định và triển khai hiệu quả các cơ chế chính sách của địa phương là điều kiện cần để doanh nghiệp, nhà đầu tư lựa chọn và thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Trong thời gian qua tỉnh Thái Nguyên không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Chỉ số Par index năm 2022 tỉnh Thái Nguyên xếp vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành phố; chỉ số PCI năm 2022 xếp thứ 25/63 tỉnh thành. Đặc biệt, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2022 đạt 86,26% xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Sự ổn định chính trị, triển khai hiệu quả các chính sách, không bị đứt đoạn bởi tư duy nhiệm kỳ tạo ra môi trường thuận lợi đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, là một trong những yếu tố quan trọng để doanh nghiệp yên tâm đầu tư và tiếp tục đồng hành phát triển cùng địa phương.

 
anh 3 samsung

Hình ảnh nhà máy Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT).
 
NĐT: Ông có thể chia sẻ thêm về công tác đối thoại - lắng nghe giữa lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp?
Ông Nguyễn Thanh Bình: Với phương châm sức khỏe của doanh nghiệp là sức khỏe của nền kinh tế, vì vậy Thái Nguyên bên cạnh việc tích cực tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, thì hoạt động đối thoại - lắng nghe giữa lãnh đạo địa phương và đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư là một việc làm thường xuyên, liên tục từ lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đến các sở, ban, ngành và lãnh đạo cấp huyện.
Ngoài hoạt động đối thoại với chủ doanh nghiệp, đại diện nhà đầu tư, Thái Nguyên cũng thường xuyên đối thoại trực tiếp với người lao động, đây là một hình thức phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Để tiếp tục tổ chức tốt hoạt động đối thoại doanh nghiệp trong trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục tăng cường công tác đối thoại với doanh nghiệp, doanh nhân, tạo mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa chính quyền với doanh nghiệp.
Đồng thời, yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, lãnh đạo địa phương thường xuyên lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp để tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đảm bảo môi trường đầu tư thông thoáng, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh một cách bình đẳng, ổn định và phát triển.

                                                                               Đón đầu những cơ hội mới trong tương lai

NĐT: Xu hướng dòng vốn dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam đang rất rõ nét và Thái Nguyên là địa phương sẽ cảm nhận rõ điều đó đầu tiên. Với tư cách là lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, theo ông, Thái Nguyên sẽ cần những quyết sách như thế nào để đón đầu những cơ hội mới trong tương lai?
Ông Nguyễn Thanh Bình: Trước hết, đối với tỉnh Thái Nguyên, phải khẳng định đầu tư nước ngoài đóng một vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tỷ trọng đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài (ĐTNN) trong GRDP của tỉnh luôn chiếm từ 30,5% đến 32,8% trong giai đoạn 2016 - 2021.
Để tận dụng các tiềm năng và lợi thế thu hút đầu tư của tỉnh Thái Nguyên như gần Thủ đô Hà Nội, gần sân bay, với hệ thống y tế, giáo dục phát triển, có hệ thống giao thông thuận lợi… và để đón đầu những cơ hội mới trong tương lai, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả các giải pháp thu hút đầu tư mà tỉnh đã triển khai trong thời gian qua.
Đồng thời, có những giải pháp linh hoạt phù hợp với tình hình mới, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp theo phương châm “vấn đề gì thuộc thẩm quyền của tỉnh thì tỉnh nhanh chóng giải quyết theo quy định của pháp luật, vấn đề gì thuộc thẩm quyền cấp trên thì tỉnh sẽ kịp thời báo cáo cấp trên xử lý”, tránh để doanh nghiệp đơn độc trong quá trình giải quyết những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

 
samsung
 
 
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên sẽ thường xuyên đối thoại trực tiếp với người lao động để cùng tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
 
NĐT: Nhìn xa hơn một nhiệm kỳ, Thái Nguyên sẽ làm gì để vươn lên thành một cực tăng trưởng kinh tế quan trọng không chỉ của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vùng Thủ đô mà còn là của cả nước, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Bình: Để Thái Nguyên vươn lên trở thành một cực tăng trưởng kinh tế quan trọng không chỉ của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vùng Thủ đô mà còn là của cả nước, trong giai đoạn tới Thái Nguyên cần tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của tỉnh gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Nghiên cứu, triển khai mô hình kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thực tiễn phát triển của tỉnh.
Chú trọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, công nghệ cao; khuyến khích hình thành những cụm ngành, cụm sản xuất có sự tương quan trong cùng lĩnh vực làm tiền đề, cơ sở kết nối chuỗi sản xuất, chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Tích cực cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước, kết hợp với huy động các nguồn lực trong xã hội, chọn lọc các dự án có vốn đầu tư nước ngoài có giá trị, hiệu quả kinh tế - xã hội cao, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, thúc đẩy đầu tư theo hình thức đối tác công tư cho các công trình trọng điểm có sức lan tỏa.
Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh như công nghiệp điện tử, cơ khí chế tạo; khôi phục và phát triển các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh. Phát triển công nghiệp hỗ trợ, hình thành cụm ngành công nghiệp trong một số ngành công nghiệp ưu tiên…
Đặc biệt, ngày 14/3/2023 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 222/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tôi tin tưởng rằng, với các nội dung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Thái Nguyên sẽ tổ chức thực hiện hiệu quả nội dung quy hoạch tỉnh và tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trong tương lai.
NĐT: Cảm ơn ông đã chia sẻ!

“Thỏi nam châm” thu hút đầu tư

Ông Lê Văn Vịnh - Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên cho biết, bức tranh toàn cảnh về giao thông Thái Nguyên đã có sự chuyển biến ngoạn mục, toàn diện, theo hướng đồng bộ, tăng tính kết nối, từng bước hiện đại.
Để có được kết quả đó, điều quan trọng nhất chính là việc xác định đúng và trúng, “đi trước một bước” về trọng trách cho hạ tầng giao thông đối với sự phát triển chung của tỉnh.
“Thực tế cho thấy chính việc khơi việc khơi thông được vấn đề hạ tầng giao thông trong thời gian qua đã mở ra những thời cơ mới cho tỉnh Thái Nguyên trong thu hút đầu tư, đặc biệt đối với các dự án FDI. Hệ thống giao thông đồng bộ, mang “tính liên kết, kết nối vùng” cao trở thành thế mạnh và điểm hấp dẫn, là “điểm đến tin cậy” đối với các nhà đầu tư”, ông Vịnh nói.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, lần thứ XX đã xác định mục tiêu xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.
Trong mục tiêu lớn đó, ông Vịnh cho biết ngành giao thông tiếp tục được xác định là khâu đột phá, là động lực quan trọng, nền tảng căn bản làm thay đổi diện mạo của tỉnh. Bên cạnh đó, giao thông tiếp tục sẽ là “thỏi nam châm” tạo sức hút đối với các nhà đầu tư, làm tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, giao thông của Thái Nguyên sẽ tiếp tục tiên phong “đi trước mở đường”. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục có những chính sách quan tâm cho đầu tư cho hạ tầng giao thông đối ngoại, mang tính chất liên kết vùng gồm: Đầu tư giai đoạn II đường Hồ Chí Minh đi Tuyên Quang; Đầu tư nâng cấp QL.1B đi Lạng Sơn, QL.37 đi Tuyên Quang đạt tiêu chuẩn đường cấp IV và cấp III đồng bằng; nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Km31 QL.3 đến Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; hệ thống đường du lịch Vùng Hồ Núi Cốc;
Quan tâm đầu tư đặc biệt tới các dự án giao thông có ý nghĩa kết nối và tạo “cú hích” phát triển ở khu vực phía Nam tỉnh như: Đầu tư hoàn thiện đường vành đai V vùng thủ đô Hà Nội kết nối Bắc Giang – Thái Nguyên – Vĩnh Phúc; tuyến đường trục dọc phía Tây tỉnh Thái Nguyên, kết nối liên vùng Bắc Giang – Thái Nguyên – Vĩnh Phúc – Tuyên Quang – Hà Nội.

 Để Phổ Yên trở thành bến đậu của “đại bàng”

Để thu hút các nhà đầu tư đến với thành phố, Phó Chủ tịch Thành phố Phổ Yên Trần Xuân Trường cho biết, là một thành phố mới, phát triển từ huyện thuần nông nhưng đến thời điểm hiện tại, công nghiệp của Phổ Yên đóng góp khoảng 92% giá trị chung của toàn tỉnh Thái Nguyên.
Theo định hướng phát triển của tỉnh Thái Nguyên, Phổ Yên được xác định là một trong những địa phương phát triển trọng điểm, trọng tâm về công nghiệp. Từ định hướng đó, Phổ Yên trong thời gian qua đã cụ thể hoá chủ trương của tỉnh vào điều kiện thực tiễn thông qua việc lãnh đạo, chỉ đạo giữa cấp ủy Đảng, Chính quyền và cán bộ Đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong quá trình phát triển.
Song song là công tác giải quyết và tháo gỡ khó khăn về mặt thủ tục hành chính, tạo hành lang chính sách thông thoáng để các doanh nghiệp chọn Phổ Yên là nơi “làm tổ".
Bên cạnh đó, Phổ Yên cũng đang tập trung tổ chức thực hiện, phối hợp với các chủ đầu tư, ban quản lý các khu công nghiệp để thực hiện nhanh về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo diện tích để tiến hành triển khai dự án.
Đặc biệt hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp theo hướng đồng bộ trong đó có lưu ý đến các vấn đề kết nối về hạ tầng giao thông, hạ tầng đường điện, đường nước để phục vụ trong quá trình sản xuất. Đây là chiến lược trọng tâm, không những của Phổ Yên mà còn là của cả tỉnh Thái Nguyên. Phát triển công nghiệp theo hướng lựa chọn công nghệ cao trong đó có những tập đoàn lớn, tạo sự lan tỏa, phát triển.
Trên cơ sở tạo sự đột phá, thời gian qua trên địa bàn thành phố Phổ Yên đã phát triển đầy đủ các khu, cụm công nghiệp trong đó các khu công nghiệp Yên Bình, Điền Thuỵ đã được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
“Khi có mặt bằng và cơ sở hạ tầng để các nhà đầu tư đến lựa chọn thì vấn đề đáng quan tâm tiếp theo là tạo môi trường đầu tư kinh doanh, thân thiện theo hướng hỗ trợ tối đa doanh nghiệp, nhà đầu tư. Chính vì vậy, chính quyền nhất là các cơ quan chuyên môn đã nỗ lực để tạo được môi trường thân thiện đối với mọi doanh nghiệp đến với địa phương”, ông Trường nhấn mạnh.

Nguồn tin: www.nguoiduatin.vn

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập205
  • Hôm nay11,510
  • Tháng hiện tại592,174
  • Tổng lượt truy cập28,241,919

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:281 | lượt tải:69

Mau ĐXKNHV - HNB

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:515 | lượt tải:159

Mau ĐNCTHV

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:468 | lượt tải:163

144/QĐ-HNB

QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên

Lượt xem:100 | lượt tải:25

136/QĐ-HNB

công khai dự toán ngân sách 2024

Lượt xem:104 | lượt tải:26

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây