Đi tìm nơi thờ tướng quân Phạm Cuống ở Thái Nguyên

Thứ ba - 06/02/2024 14:45   Đã xem: 171   Phản hồi: 0

Những cuốn sách lịch sử của tỉnh Thái Nguyên chỉ viết kỹ về tướng quân Lưu Nhân Chú. Đền thờ Lưu Nhân Chú thuộc Khu di tích Núi Văn - Núi Võ (xã Văn Yên, huyện Đại Từ) đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Nhưng còn công thần khai quốc nhà Lê sơ Phạm Cuống, người cùng với bố vợ là Lưu Trung và anh vợ là Lưu Nhân Chú vào Lam Sơn tụ nghĩa ngay từ ngày đầu, được Lê Lợi phong chức “Đồng Tổng quản Quy Hóa trấn tri quân dân sự” năm 1426 thì hầu như không được nhắc tới...

Tướng quân Phạm Cuống

Trong cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên tập 1 (xuất bản năm 2003), trang 28 - 29 ghi: “Ngọn cờ Lam Sơn thu hút nhiều hào kiệt quy tụ, trong đó có Lưu Nhân Chú (con trai Lưu Trung - một gia đình nhiều đời làm quan nhỏ ở vùng An Thuật - hạt Đại Từ - Thái Nguyên), ông cùng với cha và em rể - Phạm Cuống là những người có mặt rất sớm trong cuộc khởi nghĩa”.
Cuốn Địa chí Thái Nguyên (xuất bản năm 2009), trang 167 – 168 ghi: Sau khi tham gia Hội thề Lũng Nhai, Lưu Nhân Chú được Lê Lợi cử trở về quê hương Thuận Thượng (nay thuộc xã Vân Yên) cùng cha là Lưu Trung và em rể (có tài liệu nói là anh rể) là Phạm Cuống chiêu tập trai tráng trong vùng, xây dựng căn cứ, chuẩn bị lương thực và tích cực tập luyện võ nghệ chờ thời cơ nổi dậy hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Hiện nay trên địa bàn các xã Vân Yên, Ký Phú còn lưu giữ rất nhiều địa danh và di tích liên quan đến hoạt động buổi đầu của 3 cha con, anh em Lưu Trung và nghĩa quân.
Trong cuốn Từ điển Thái Nguyên (xuất bản năm 2016), trang 196 – 197 cho biết kỹ hơn về Phạm Cuống: Ông sinh năm 1367, mất năm 1454, là công thần nhà Lê, một người có công lao trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Ông quê xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, là con rể Lưu Trung, em rể Lưu Nhân Chú. Là người cùng chí hướng với cha nên Phạm Cuống cũng là người có mặt ngay từ buổi đầu khi Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa, tham gia nhiều trận chiến ác liệt, không quản thân mình, được giao giữ nhiều trọng trách. Sau mấy năm khởi nghĩa, nghĩa quân bị địch vây ráp, lực lượng suy yếu, lương thực cạn dần, tình thế vô cùng nguy ngập, Phạm Cuống được Lê Lợi cử về quê bán ruộng đất, tài sản lấy tiền đem vào mua lương thực tiếp ứng cho nghĩa quân.
Những thông tin nêu trên là rất quý, bởi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn dù được sử sách ghi chép khá đầy đủ, chi tiết, nhất là cuốn “Lam Sơn thực lục” do Nguyễn Trãi (công thần khai quốc, cùng tham gia khởi nghĩa Lam Sơn) ghi lại, nhưng ghi chép về Phạm Cuống (khi đó ông đổi sang họ Lê thành Lê Cuống) thì rất ít. Trong các cuốn sử khác, như “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Đại Việt thông sử”, “Khâm Định Việt sử thông giám cương mục”,… cũng chủ yếu nhắc đến tên của Lưu Nhân Chú.
Vào tháng 5 năm 2001, đoàn công tác của Viện Sử học Việt Nam kết hợp với Sở Văn hóa Thông tin Thái Nguyên tiến hành khảo sát sưu tầm tư liệu tại huyện Đại Từ đã sưu tầm được cuốn Gia phả dòng họ Lưu Nhân Chú ở xã Vân Yên (huyện Đại Từ) và tiến hành dịch cuốn Gia phả này. Nhờ các nội dung ghi trong Gia phả, chúng ta biết được nhiều hơn về thân thế, sự nghiệp của 3 vị công thần khai quốc nhà Lê sơ người Đại Từ là Lưu Trung, Lưu Nhân Chú và Phạm Cuống.
Đặc biệt, tháng 9/2001, UBND tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học về Danh nhân lịch sử Lưu Nhân Chú với sự tham gia của các nhà khoa học hàng đầu Việt Nam thuộc Viện Sử học, Viện Lịch sử Quân sự, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á,… Tham luận của Hội thảo được tập hợp lại trong cuốn kỷ yếu “Danh nhân lịch sử Lưu Nhân Chú”. Trong cuốn sách này, các nhà nghiên cứu đã phân tích để chúng ta thấy rõ hơn về Phạm Cuống.
Theo Gia phả dòng họ Lưu Nhân Chú, năm 1429, vua Lê Thái Tổ ban biểu công thần cho 93 người, Phạm Cuống được ban tước Quan phục hầu, tên ông xếp thứ nhất. Lưu Trung được ban 100 mẫu lộc điền, còn Lưu Nhân Chú và Phạm Cuống mỗi người được ban 500 mẫu. Đây là bổng lộc rất lớn so với mức ban thưởng lúc bấy giờ mà không phải bất cứ bậc công thần nào cũng được hưởng. Năm 1452, Phạm Cuống được vua Lê Nhân Tông ban sắc “phong chức Suy Trung tán trị hiệp mưu công thần, Kim tử Quang lộc đại phu, Đa ngư Hải Môn trấn, Phụng tuyên sứ hành quân Tổng quản, Thái Nguyên trấn vệ hạ bạn, kim ngư đại, ngân phù, bậc Khanh hầu, ban Quốc tính”.
Cuốn Từ điển Thái Nguyên còn cho biết: “Ngày nay, đền thờ Phạm Cuống có khá nhiều ở Thanh Hoá - quê hương của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn”. Thế nhưng, trong sách này lại không ghi nhận bất cứ đền hay miếu thờ nào thờ Phạm Cuống ở Thái Nguyên.
Tại sao ngay trên quê hương ông lại không có nơi nào thờ cúng? Phải chăng khi về Lam Sơn tụ nghĩa, rồi hiển vinh, ông ở lại Thanh Hoá mà không còn mối liên hệ nào với quê hương Thái Nguyên? hay do dòng họ Phạm ở vùng Văn Lãng Đại Từ xưa, nay không còn ai là hậu duệ?... Sự thật không phải là như vậy.

Hành trình tìm hậu duệ của Phạm Cuống

Câu hỏi trên chính là nỗi niềm trăn trở của ông Nguyễn Văn Vượng, một giáo viên dạy Vật lý đã về hưu và là người đam mê nghiên cứu lịch sử ở huyện Đại Từ.
Hồi đầu tháng 10/2022, ông Vượng có đăng trên mạng Facebook cần tìm thông tin về cụ Phạm Cuống ở Đại Từ. Sau đó, ông đã nhận được nhiều tin nhắn phản hồi, trong đó đặc biệt có ý kiến của ông Hoàng Bính, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Yên Lãng huyện Đại Từ với nội dung “Chú lên xóm Đồng Dùm, xã Yên Lãng tìm hiểu. Họ Phạm ở đây họ có Am thờ Phạm Cuống từ lâu đời rồi nhé!”.
Câu chuyện về việc đi tìm hậu duệ tướng quân Phạm Cuống được mở ra từ đây, và liên tục gặt hái những thành quả ngoài mong đợi!
Ông Vượng kể lại: Khi đến xóm Đồng Dùm hỏi thăm về hậu duệ Phạm Cuống ở đây, tôi được ông Phạm Ngọc Đường (sinh năm 1949) tiếp đón rất nhiệt tình. Ông Đường cho biết họ Phạm trong xóm Đồng Dùm hiện nay có 42 hộ, với 155 nhân khẩu và thờ cụ Tổ là Phạm Cuống. Hiện dòng họ vẫn có am thờ Cụ, đặt ngay cạnh một gốc cây đa cổ thụ ở trong xóm. Ông Đường cho biết: Chi tộc Phạm Cuống ở Đồng Dùm là cành trên của 2 Chi họ Ma tại xóm Bòng, xã Tân Trào và thôn Yên Thượng, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang. Hai chi này có nguồn gốc họ Phạm, song trải qua thời loạn lạc từ xa xưa, để tránh sự truy sát nên đã phải đổi thành họ Ma.
Ông Vượng kể tiếp: Tôi xuống xã Văn Yên (Đại Từ) nơi có hậu duệ của tướng quân Lưu Nhân Chú để hỏi về dòng họ Lưu và mối quan hệ với ông Phạm Cuống. Ông Lưu Sỹ Quang (sinh 1939) trưởng họ Lưu ở đây cho biết: Hiện nay dòng họ Lưu ở xã Văn Yên có đền thờ nằm trong quần thể khu Di tích lịch sử Quốc gia Núi Văn - Núi Võ. Trong chính điện có 3 ban thờ cao bằng nhau không ghi tên. 3 ban thờ thứ tự từ trái sang phải là thờ Lưu Trung, Lưu Nhân Chú, Phạm Cuống. Đây là do dòng họ Lưu tự bố trí ban thờ cho 3 bậc anh tài của dòng họ. Bên trong lại có một ban thờ riêng ông Lưu Nhân Chú, có bức tượng đồng do dòng họ Lưu quyên góp đúc năm 2015. Theo ông Quang, từ đời các cụ xa xưa đã có chi họ Phạm của Yên Lãng cùng với họ Ma bên Sơn Dương (Tuyên Quang) vẫn đi lại với họ Lưu Văn Yên trong các dịp lễ hội và ngày giỗ Đức cao tổ Lưu Nhân Chú vào 15 tháng 2 hàng năm.
“Tôi tiếp tục tìm hiểu trên mạng internet thì thấy có 2 xã của tỉnh Thanh Hóa có đền thờ tướng quân Phạm Cuống. Sau đó, tôi kết nối được với lãnh đạo của 2 xã, nhờ qua họ để liên lạc được với Ban đại diện của 2 chi họ Phạm ở đây. Đó là Chi họ Phạm tại làng Đắm Vân Giang(*), xã Vân Am, huyện Ngọc Lặc và Chi họ Phạm tại thôn 4, làng Ngọc Lĩnh xã Hoằng Trường huyện Hoằng Hóa. Tôi đã liên hệ trao đổi, tìm hiểu, đồng thời giới thiệu cho đại diện các chi ở Thanh Hóa và Thái Nguyên liên hệ với nhau qua điện thoại” - ông Vượng cho biết thêm.
Ngày 3/2/2023, ông Vượng cùng 7 người đại diện cho các chi họ Phạm của xóm Đồng Dùm, xã Yên Lãng (Đại Từ, Thái Nguyên); họ Ma xóm Bòng, xã Tân Trào và thôn Yên Thượng, xã Trung Yên (Sơn Dương, Tuyên Quang) đi Thanh Hoá 3 ngày để gặp mặt Chi họ Phạm tại thôn 4, làng Ngọc Lĩnh xã Hoằng Trường huyện Hoằng Hóa và tham quan Di tích đền thờ Phạm Cuống tại đó.

Những điều trăn trở

Đầu tháng 2/2023, ông Vượng tiếp tục đăng Facebook để tìm thêm thông tin về Phạm Cuống. Do có mối quan hệ từ trước, nên ông đã liên hệ với tôi (tác giả bài viết) để nhờ tìm lại Gia phả của dòng họ Phạm Cuống ở Đồng Dùm trong các Bảo tàng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Theo ông Phạm Ngọc Đường (người cao tuổi họ Phạm xóm Đồng Dùm) cho biết: khoảng năm 1980, ông Triệu Khánh Trung làm cán bộ Văn hóa huyện mượn bộ Gia phả họ Phạm do bố của ông Đường là cụ Phạm Văn Hợi lưu giữ để mang về huyện, nói là nộp về bảo tàng ở trên tỉnh. Đây là tài liệu quý, có thể nói là vật chứng duy nhất để chứng minh dòng họ Phạm ở đây là hậu duệ của tướng quân Phạm Cuống, và nó liên quan đến miếu thờ Phạm Cuống ở xóm Đồng Dùm. Tuy nhiên cho đến nay, khi cả bên mượn và người cho mượn đều đã mất, nhưng gia phả thì vẫn chưa rõ đang ở đâu?.
Tôi nhận lời ông Vượng, nhờ cán bộ của Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam tra tìm giúp vì khi đó trên địa bàn tỉnh chỉ duy nhất có Bảo tàng Việt Bắc (từ tháng 4/1990 đổi thành Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam). Nhưng sau mấy ngày tra tìm, họ trả lời là không thấy danh mục của tài liệu này, và nghi ngờ có thể đã chuyển tài liệu đó cho Bảo tàng tỉnh (thành lập cuối năm 1991).
Thật may mắn, sau khi nhờ tra tìm tại Bảo tàng tỉnh, tôi đã tận tay cầm được bản gốc của Gia phả để xem xét, chụp hình. Có thể nói cuốn gia phả đã mục nát gần hết, chỉ còn trang cuối ghi nội dung bản lược dịch là nguyên vẹn. Nhưng dù sao, đây cũng là tin rất vui cho dòng họ Phạm Cuống ở Thái Nguyên.
Nội dung trang cuối có viết “Là một quyển thánh phả, tức là sự tích của cụ Phạm Cuống là công thần đời Lê, khi chết được sắc phong làm Thành hoàng. Vì sách rách quá không biết được rõ ràng, nhưng xem những chỗ còn chữ đại khái: Cụ Phạm Cuống có công khai quốc. Nhà Lê cho cụ lấy tên họ nhà vua và được trọng đãi. Ruộng được cấp 500 mẫu, sử dụng Kim mao phù việt khi vào chầu. Phu nhân thì được vời vào triều đình tặng phong Công chúa….”.
Tôi cung cấp video, ảnh chụp cuốn gia phả cho ông Vượng và đến xóm Đồng Dùm gặp gỡ Ban đại diện dòng họ Phạm Cuống ở Yên Lãng để nghe các cụ cao tuổi trong họ kể về việc thờ cúng Cụ Tổ và duy trì dòng họ ở đây.
Sau khi được tin cụ Phạm Cuống chết, ông Phạm Đình Đăng là chắt nội của cụ Phạm Cuống cùng dân làng lập miếu thờ Đức Thành hoàng Phạm Cuống theo sắc phong vua ban tại khu vực gốc đa thuộc xóm Đồng Dùm ngày nay. Dòng họ Phạm từ đó thờ cúng tại miếu và tổ chức lễ Tổ vào ngày 11 tháng 9 hằng năm. Khi ấy, có tấm bia đá viết “Miếu thờ thành hoàng Phạm Cuống – Lê Cuống”. Đến năm 1968, xã đội cho phá bỏ miếu và xây dựng trên nền miếu ngôi nhà năm gian làm Nhà Truyền thống của xã. Đến năm 1985, nhà nước xây dựng đường sắt Núi Hồng đi ngang gần đó, nên khu vực này bị san gạt một phần đất, đồng thời bị nhà dân xây dựng, khai phá lấn vào nền miếu cũ, lúc đó dòng họ không có nơi thờ cúng. Đến năm 2001, dòng họ Phạm lại lập miếu ra bên cạnh nền miếu cũ và duy trì thờ cúng đến ngày nay. Tuy nhiên, miếu rất sơ sài, xây gạch đỏ tường 10 không trát, lợp Fibro xi măng, rộng chừng 10m2, có bệ thờ bằng xi măng đã nứt nẻ.
 Cũng từ băn khoăn của ông Vượng và dòng họ về mối quan hệ giữa hậu duệ Phạm Cuống ở xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) với hậu duệ Phạm Cuống ở xã Yên Lãng, huyện Đại Từ (Thái Nguyên), tôi đã nhờ Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thanh Hoá cung cấp thêm một số tài liệu liên quan; đặc biệt là bản sao Hồ sơ Di tích Đền thờ Phạm Cuống - Phạm Vấn (Di tích lịch sử cấp tỉnh) ở làng Ngọc Lĩnh, xã Hoằng Trường (Phạm Vấn cũng là một tướng quân nổi danh trong Khởi nghĩa Lam Sơn).
Điều ngạc nhiên là theo Gia phả (được dịch và lưu trong hồ sơ Di tích cũng như được ghi trong cây phả hệ của dòng họ), thì Phạm Vấn và Phạm Cuống là 2 anh em ruột! Bố của hai ông tên là Trung Chính, ban đầu đẩt tổ tiên ở khu động Mậu Lộc, sau đó rời về sách Vân Am huyện Lương Giang đổi tên họ thành Phạm Ngữ. Ông lấy bà vợ cả là Lê Ngọc Trí, người Cao Trĩ (Ngọc Lặc) và “sinh được 2 người con trai, trai cả là Phạm Vấn, trai thứ là Phạm Cuống”. Do có nhiều công lao nên Phạm Cuống được vua ban “3 vạn quan tiền, ban mộ điền 3 sào ruộng quan cho con cháu trồng trọt thờ tự cúng tế”.
Còn theo Gia phả dòng họ Lưu Nhân Chú ở xã Vân Yên huyện Đại Từ cho biết: Phạm Cuống quê ở xã Văn Lãng, huyện Văn Lãng (nay thuộc xã Yên Lãng), Cao tổ là Hồ triều bá Phạm Long, đời đời làm quan phiên trấn Thái Nguyên thời Trần. Bà Lưu Thị Ngọc Ngoan vợ ông là con gái Lưu Trung và là em gái Lưu Nhân Chú, ngựời xã Thuận Thượng (nay thuộc xã Vân Yên). Do mối quan hệ thông gia này mà "hai nhà [Lưu - Phạm] đi lại thân thiết, cha con, anh em đều hiếu thuận hòa mục". Cũng theo Gia phả này, sau khởi nghĩa thắng lợi, Lưu Nhân Chú và Phạm Cuống mỗi người được ban 500 mẫu lộc điền.
Cuốn Danh nhân Thanh Hoá (Ban nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hoá xuất bản năm 2005), trang 244 ghi: “Quê hương Lê Vấn (tức Phạm Vấn – tác giả chú thích) ở thôn Nguyễn Xá, huyện Lương Giang (nay thuộc huyện Thọ Xuân) nằm kề bên tả ngạn sông Chu cách vùng đất tụ nghĩa Lam Sơn khoảng trên 10km”.
Trên bảng trích tóm tắt công trạng của Phạm Vấn, treo tại từ đường họ Phạm ở làng Ngọc Lĩnh, xã Hoằng Trường có ghi: Phạm Vấn (? - 1435). Công thần khai quốc nhà Lê sơ, Đại Từ Thái Nguyên vào Nguyễn Xá - Lương Giang (nay là huyện Thiệu Hoá, Thanh Hoá). Đồng thời, theo tư liệu của dòng họ Phạm ở đây thì Phạm Vấn vô tự (không có con trai). Bởi vậy, hậu duệ thờ cúng các ông ở Thanh Hoá đều là con cháu của Phạm Cuống.
Như vậy các tài liệu lịch sử đã có sự khác nhau rất xa về mối quan hệ họ hàng, về quê hương bản quán của hai vị tướng. Khởi nghĩa Lam Sơn nổ ra từ năm 1418 nghĩa là đã cách đây hơn 600 năm, các tài liệu chính sử đều không ghi rõ về quê quán của Phạm Vấn – Phạm Cuống trong khi các cuốn gia phả (chủ yếu do người trong dòng họ chép lại) thì lại vênh nhau. Do vậy, chúng ta phải chấp nhận ở mỗi vùng sẽ có nhận thức khác nhau về những nhân vật này.
Điều đáng quý ở đây là, hậu duệ Phạm Cuống ở cả Thanh Hoá và Thái Nguyên đều luôn nhớ về ông, một trong những vị công thần khai quốc nhà Lê sơ, có nhiều đóng góp trong Khởi nghĩa Lam Sơn. Và nữa, khi được kết nối với nhau, thì cả dòng họ Phạm Cuống ở Thanh Hoá, Thái Nguyên và Tuyên Quang đều lập tức gắn bó với nhau như trong một nhà.
Điều băn khoăn lớn nhất hiện nay của hậu duệ Phạm Cuống ở Thái Nguyên, đó là ngay tại quê nhà của ông, nơi thờ tự ông chưa được tương xứng với những công lao to lớn của một vị tướng công thần khai quốc. Mong ước của dòng họ cũng như của chúng tôi, là ngành Văn hoá sớm nghiên cứu, xem xét đưa Miếu thờ Phạm Cuống ở xóm Đồng Dùm, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ vào danh mục điểm di tích cần được bảo vệ; xa hơn là đầu tư để tôn tạo và công nhận miếu thờ này là Di tích lịch sử của tỉnh./.

Nguồn tin: Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên:

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập82
  • Hôm nay9,101
  • Tháng hiện tại522,045
  • Tổng lượt truy cập27,381,669

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:184 | lượt tải:59

Mau ĐXKNHV - HNB

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:407 | lượt tải:141

Mau ĐNCTHV

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:415 | lượt tải:150

144/QĐ-HNB

QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên

Lượt xem:47 | lượt tải:14

136/QĐ-HNB

công khai dự toán ngân sách 2024

Lượt xem:46 | lượt tải:16

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây