Nhiều xã nằm trong “vùng lõm” khi xây dựng NTM
Là huyện miền núi, nằm xa trung tâm nên Định Hoá còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, trong cơ cấu kinh tế của huyện, lĩnh vực Nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo (trên địa bàn chưa có khu, cụm công nghiệp nào đi vào hoạt động). Kinh tế kém phát triển nên tiến độ triển khai cũng như kết quả xây dựng NTM của Định Hóa thuộc nhóm cuối trên địa bàn tỉnh.
Qua khảo sát tại 11 xã chưa đạt chuẩn NTM của huyện, phần lớn các địa phương đang “vướng” ở những tiêu chí có liên hệ mật thiết với phát triển kinh tế, như: Hộ nghèo, thu nhập, nhà ở dân cư...
Thực tế cho thấy, lao động nông thôn ở Định Hóa vẫn rất thiếu việc làm tạo ra thu nhập ổn định. Nguyên nhân là do các mô hình kinh tế quy mô nhỏ và thiếu bền vững, chưa thực sự hiệu quả. Đơn cử như tại xóm Khuổi Chao, xã Bảo Linh. Xóm nằm xa trung tâm xã, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, địa hình bị chia cắt bởi đồi, núi và các con suối, diện tích đất cấy lúa, trồng màu chỉ vỏn vẹn 5ha, diện tích rừng khoảng 630ha nhưng phần lớn nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Do đó, kinh tế của 80 hộ dân ở Khuổi Chao vẫn kém phát triển, thu nhập chỉ ở mức khoảng 25 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo lên đến 25%.
Ông Hoàng Ngọc Nho, Trưởng xóm Khuổi Chao, phân trần: Xóm chưa đủ các điều kiện để phát triển những mô hình kinh tế hiệu quả, vì điều kiện tự nhiên không thuận lợi và trình độ sản xuất của bà con còn thấp.
Cùng với tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất cũng là một trong những yếu tố được huyện Định Hóa xác định là khó thực hiện. Đến nay, trong số 11 địa phương chưa về đích NTM của huyện, mới chỉ có xã Bình Yên đạt tiêu chí này.
Ông Hoàng Văn Hoà, Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh, thông tin: Năm 2019, trên địa bàn xã có 1 hợp tác xã đi vào hoạt động, với 9 thành viên. Tuy vậy, ngành nghề chính của hợp tác xã này là làm chè - không phải thế mạnh của địa phương. Do vậy, rất khó để hợp tác xã có sự bứt phá, tạo ra nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương. Xã cũng đã có hướng xây dựng hợp tác xã lâm nghiệp chuyên về trồng, chế biến lâm sản nhưng do là mô hình mới, người dân chưa thấy được lợi ích thực tế nên chưa mạnh dạn tham gia liên kết.
Còn đối với mức chuẩn huyện NTM, trong số 7 tiêu chí chưa đạt, tiêu chí về kinh tế được đánh giá là khó hoàn thành nhất với Định Hóa. Cụ thể, huyện có đến 3/4 chỉ tiêu thành phần là chưa đạt, gồm: Có khu công nghiệp hoặc cụm công nghiệp được đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật hoặc cụm ngành nghề nông thôn; chợ trung tâm huyện đạt tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm; hình thành vùng nguyên liệu tập trung đối với các sản phẩm chủ lực, hoặc có mô hình liên kết theo chuỗi giá trị đảm bảo an toàn thực phẩm, kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ đối với các sản phẩm chủ lực của huyện.
Những việc “cần làm ngay”
Theo quy định của Chính phủ, để đạt huyện NTM, Định Hóa phải có 75% số xã đạt chuẩn NTM, 25% số xã còn lại phải có 14 tiêu chí đạt, 5 tiêu chí hoàn thành 70% khối công việc theo yêu cầu. Để hoàn thành các tiêu chí, điều kiện, trong năm 2022, huyện phấn đấu đưa 5 xã về đích NTM.
Theo đó, các xã được ưu tiên nguồn lực trong giai đoạn này là: Phú Tiến, Điềm Mặc, Định Biên, Tân Dương và Bình Yên. 6 xã còn lại phấn đấu đạt 14 tiêu chí trong năm 2022 để làm cơ sở về đích NTM trong năm 2023. Cùng với đó, huyện Định Hóa phấn đấu đưa 3 xã Kim Phượng, Phú Đình, Sơn Phú đạt chuẩn NTM nâng cao.
Nằm trong số những xã có kế hoạch về đích NTM trong năm 2022, nhưng đến thời điểm này, Điềm Mặc mới chỉ hoàn thành 13/19 tiêu chí. Những tiêu chí xã chưa đạt gồm: Cơ sở vật chất văn hoá, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất, môi trường và an toàn thực phẩm.
Ông Phùng Văn Đăng, Chủ tịch UBND xã Điềm Mặc, cho biết: Phần lớn các tiêu chí trên đã tiếp cận được ở mức gần đạt. Hiện, điều chúng tôi lo lắng nhất là việc nhân dân phải đối ứng số tiền lớn trong khoảng thời gian rất ngắn. Dự kiến, nhân dân địa phương sẽ phải đối ứng để xây dựng 9 nhà văn hoá xóm, với kinh phí xây dựng khoảng 400-500 triệu đồng/nhà văn hóa và gần 1,5km đường giao thông nông thôn.
Hay như Bình Thành, một trong những xã có xuất phát điểm thấp nhất huyện khi xây dựng NTM, với chỉ 10/19 tiêu chí đã đạt, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 22%, thu nhập bình quân đầu người 32 triệu đồng/người/năm. Toàn xã còn 97 nhà dột nát, 13/14 xóm chưa có nhà văn hoá đạt chuẩn…
Trong năm 2022, xã Bình Thành phấn đấu đạt ít nhất 4 tiêu chí; năm 2023 sẽ hoàn thành các tiêu chí còn lại. Do đó, nếu không triển khai sớm các công trình, dự án thì Bình Thành rất khó theo kịp tiến độ về đích trong năm 2023. Cùng với đó, xã còn phải phấn đấu hoàn thành và giữ vững các tiêu chí “mềm”, như: Quốc phòng và an ninh; văn hoá; môi trường và an toàn thực phẩm (hiện vẫn chưa đạt)…
Cũng trong giai đoạn này, Định Hóa tập trung xây dựng thị trấn Chợ Chu đạt tiêu chí đô thị văn minh và hoàn thành 7 tiêu chí huyện NTM còn lại. Với số lượng công trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn nhiều, số tiền đối ứng của nhân dân cũng rất lớn để giải quyết nhiệm vụ xoá 690 nhà dột nát; xây dựng 50km đường giao thông; xây mới và sửa chữa, nâng cấp 99 nhà văn hoá xóm…
Mặc dù là nhiệm vụ rất nặng nề, khối lượng công việc lớn đối với địa phương nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến tỉnh và cơ sở, huyện Định Hoá đang triển khai thực hiện các phần việc một cách rất tích cực. Trong đó, địa phương đã có những giải pháp cụ thể đối với từng nhiệm vụ để xây dựng Định Hoá trở thành huyện NTM vừa nhanh, vừa chắc...
Nguồn tin: Báo Thái Nguyên::
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thông tư 12/2024/TT-BTTTT
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên
công khai dự toán ngân sách 2024