Thái Nguyên và sứ mệnh dẫn dắt kinh tế vùng, Bài 5: Cùng tiến chắc, vươn xa

Thứ tư - 03/01/2024 15:05   Đã xem: 280   Phản hồi: 0

Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị (viết tắt là NQ11) đã vạch ra bức tranh tổng thể với lộ trình mang tính dài hạn, nhằm phát triển toàn diện vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, các địa phương trong vùng không thể đơn độc, mà phải cùng nhau gắn kết để phát huy những lợi thế chung, tiềm năng sẵn có. Với vai trò là hạt nhân, kết nối và dẫn dắt, tỉnh Thái Nguyên đã và đang nỗ lực cùng cả vùng tiến xa, tiến chắc.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và Đoàn công tác của tỉnh Thái Nguyên làm việc với đại diện chính quyền bang Victoria, Australia (tháng 10-2-23).

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và Đoàn công tác của tỉnh Thái Nguyên làm việc với đại diện chính quyền bang Victoria, Australia (tháng 10-2023).


Đầu tàu tăng trưởng kinh tế

Trong Quy hoạch Vùng trung du và miền núi phía Bắc, tỉnh Thái Nguyên được xác định trực thuộc khu vực động lực tại “Vành đai Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ -  Hòa Bình gắn với vùng Thủ đô”; cực tăng trưởng của tiểu vùng 3 (gồm Thái Nguyên, Bắc Kạn và Cao Bằng - là nơi có trung tâm công nghiệp, giáo dục và y tế của cả vùng, vừa là nơi gìn giữ lịch sử, cội nguồn với tiềm năng phát triển du lịch về nguồn) và cả vùng trung du, miền núi Bắc Bộ; kết nối, lan tỏa động lực phát triển từ vùng động lực Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh của khu vực Bắc Bộ với vùng trung du và miền núi phía Bắc, là trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ, trung tâm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, trung tâm giáo dục - đào tạo, y tế hiện đại của tiểu vùng và cả vùng; trung tâm luyện kim, cơ khí chế tạo trình độ cao của vùng, là trung tâm điện tử, sản xuất thiết bị điện, công nghiệp công nghệ cao; phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế tham gia vào các cụm liên kết ngành của toàn vùng Bắc Bộ, các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, các trung tâm dịch vụ chất lượng cao.

Trong nội dung Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2024 vừa được HĐND tỉnh thông qua, Thái Nguyên đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng (GRDP) là 7,5%. Để tăng trưởng giai đoạn 2021-2025 đạt bình quân 8%/năm thì tăng trưởng năm 2025 phải đạt hơn 12,6%, bên cạnh việc phụ thuộc vào yếu tố khách quan là tình hình phục hồi kinh tế chung, về chủ quan thì cần có những nguồn lực đầu tư mang tính đột phá, tạo năng lực mới tăng thêm của tỉnh.

Theo đánh giá, chỉ tiêu tăng trưởng chung của tỉnh phụ thuộc chủ yếu vào ngành công nghiệp - xây dựng; dịch vụ và thuế sản phẩm. Trong đó, công nghiệp - xây dựng là động lực tăng trưởng chính, phấn đấu tăng 8,1% (đạt mức 69,6 nghìn tỷ đồng); dịch vụ và thuế sản phẩm tăng 7,5% (tương đương 27,7 nghìn tỷ đồng). 

Để đạt được những mục tiêu trên, UBND tỉnh đã đề ra 6 nhóm giải pháp chủ yếu, với các giải pháp cụ thể theo từng ngành, lĩnh vực. Đồng thời, sớm ban hành quyết định giao kế hoạch phát triển KT-XH và phân công chỉ đạo, điều hành cụ thể đến các sở, ban, ngành, địa phương; thường xuyên rà soát, đánh giá trong quá trình triển khai thực hiện để bổ sung các giải pháp phù hợp với thực tiễn phát triển của từng ngành, lĩnh vực.

Giá trị xuất khẩu của tỉnh Thái Nguyên năm 2023 ước đạt 27,1 tỷ USD, đứng thứ 1/14 tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Trong ảnh: Xuất khẩu gỗ công nghiệp tại Công ty TNHH Dongwha Việt Nam (Khu công nghiệp Sông Công II).

Giá trị xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2023 ước đạt 27,1 tỷ USD, đứng thứ 1/14 tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Trong ảnh: Xuất khẩu gỗ công nghiệp tại Công ty TNHH Dongwha Việt Nam (Khu công nghiệp Sông Công II).
 

Với những kết quả nổi bật trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chuyển đổi số mạnh mẽ trên cả 3 trụ cột (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số); sáng tạo thực hiện nhiều cơ chế, chính sách riêng có của tỉnh về hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng; hạ tầng kỹ thuật; đào tạo nguồn lao động… là nền tảng, dư địa quan trọng cho sự phát triển hiện tại và lâu dài. 

Đặc biệt, hoạt động xúc tiến đầu tư được chú trọng đổi mới, triển khai linh hoạt và đa dạng. Trong năm 2023, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có chuyến thăm, làm việc tại các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Cuba và Hoa Kỳ nhằm tìm hiểu cơ hội hợp tác, xúc tiến đầu tư trên các lĩnh vực. 

Những chuyến công tác này đã tạo dấu ấn đặc biệt, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về lĩnh vực nông nghiệp, vấn đề quy hoạch, quản lý giao thông và trật tự đô thị, nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ và đặc biệt là công nghiệp bán dẫn - một ngành được xem là cuộc cách mạng để thúc đẩy sự phát triển, nâng cao vị thế của mỗi quốc gia trên toàn cầu. 

Hạt nhân kết nối du lịch

Cùng với phát triển kinh tế, vấn đề giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc đề cập trong NQ11 được tỉnh Thái Nguyên quan tâm thực hiện. Trên địa bàn tỉnh hiện có 51 dân tộc cùng sinh sống, trong đó 8 cộng đồng có dân số lớn, tạo nên một bức tranh văn hóa đầy màu sắc và đa dạng. Tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản, qua đó góp phần lan tỏa các giá trị truyền thống của dân tộc, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.

Ngày hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Mông huyện Đồng Hỷ được tổ chức thường niên, thu hút đông đảo bà con nhân dân địa phương tham gia.

Ngày hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Mông huyện Đồng Hỷ được tổ chức thường niên, thu hút đông đảo bà con nhân dân địa phương tham gia.
 

Bản sắc văn hóa dân tộc cũng là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sức hấp dẫn, tiềm năng lớn cho du lịch Thái Nguyên. Tỉnh đã chú trọng liên kết các chương trình, hoạt động hợp tác phát triển du lịch liên vùng, điển hình như mô hình hợp tác “Qua những miền di sản Việt Bắc”. Ông Nguyễn Ngọc Tuân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đánh giá: Việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh, vùng, khu vực đã góp phần giới thiệu, quảng bá những điểm đến du lịch của tỉnh Thái Nguyên với du khách trong và ngoài nước…

Hiện nay, nhiều tour du lịch do doanh nghiệp xây dựng là kết quả của việc hợp tác liên tỉnh, liên vùng đã được Thái Nguyên thực hiện nhiều năm qua. Về tour ngắn ngày, du khách có thể tham quan Thái Nguyên kết hợp với Thiền viện Trúc Lâm - chùa Tây Thiên (Vĩnh Phúc), chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang); Khu di tích lịch sử Tân Trào, suối khoáng Mỹ Lâm (Tuyên Quang), Hạ Long (Quảng Ninh). 

Nếu tham gia các chương trình dài ngày như tour “khám phá 6 tỉnh Việt Bắc” hoặc “khám phá Đông Bắc”, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng nhiều cảnh quan tuyệt đẹp và trải nghiệm bản sắc riêng có tại vùng Việt Bắc như Công viên địa chất non nước Cao Bằng (Cao Bằng), Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), hồ Ba Bể (Bắc Kạn), núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn), hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), hồ Na Hang (Tuyên Quang)… 

Đây cũng là những vùng đất còn lưu giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số được thể hiện qua các phong tục, tập quán, nghi thức dân gian, dân ca, dân vũ cùng các lễ hội truyền thống đặc sắc như lễ hội Lồng tồng của dân tộc Tày, lễ Cấp sắc của dân tộc Dao, lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn… 

Điểm du lịch hồ Ghềnh Chè (TP. Sông Công) đã kết nối, tạo tour du lịch liên kết với các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh vùng trung du, miền núi Bắc Bộ.

Điểm du lịch hồ Ghềnh Chè (TP. Sông Công) đã kết nối, tạo tour du lịch liên kết với các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh vùng trung du, miền núi Bắc Bộ.


Đồng bộ để cùng tiến

Sau 17 năm thực hiện NQ37 và gần 2 năm thực hiện NQ11 của Bộ Chính trị, KT-XH các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc đã có bước tiến dài. Tuy vậy, thẳng thắn đánh giá thì đây vẫn là “vùng trũng” chậm phát triển. Trong nhiều cuộc hội thảo về vấn đề này, PGS.TS. Trần Đình Thiên đều nhấn mạnh quan điểm: Để phát triển kinh tế cho các tỉnh miền núi phía Bắc, thì điều tiên quyết là phải có chính sách đặc thù. 

Tại Hội nghị lần thứ 2 của Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía Bắc với chủ đề “Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đặt trọng tâm đề nghị đại diện các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, góp ý vào Quy hoạch vùng để có những cơ chế đặc thù, riêng biệt để tạo sự đột phá trong thời gian tới. 

Tại Hội nghị này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng đã đề xuất chính sách đặc thù về giao thông và hạ tầng điện. Cụ thể là bổ sung danh mục dự án ưu tiên đầu tư trong Quy hoạch vùng đối với Dự án tuyến đường kết nối, liên kết tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang (đây là dự án có tính chất kết nối vùng: Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc - Tuyên Quang - Phú Thọ, phát huy hiệu quả tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc đang được đầu tư); nâng cấp, mở rộng cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên lên 6 làn xe. 

Cầu Hòa Sơn bắc qua sông Cầu, nối tỉnh Bắc Giang với tỉnh Thái Nguyên (thuộc Dự án tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc) mới được hợp long.

Cầu Hòa Sơn bắc qua sông Cầu, nối tỉnh Bắc Giang với tỉnh Thái Nguyên, mới được hợp long.
 

Cùng với đó, các địa phương trong vùng cần tích cực phối hợp, hợp tác phát triển trên các lĩnh vực như: Giao thông, công nghiệp, thương mại, du lịch, nông nghiệp, giáo dục - đào tạo, y tế, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh, quốc phòng... để có sự kết nối hiệu quả, phát triển đồng bộ, đạt mục tiêu chung của cả vùng.

“Muốn đi xa hãy đi cùng nhau” - đó là chân lý được đúc rút từ thực tiễn. Việc Bộ Chính trị ban hành NQ11, Chính phủ có Nghị quyết số 96/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện NQ11 và Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng điều phối vùng trung du, miền núi phía Bắc cho thấy quyết tâm chính trị và hành lang về thể chế đã được khơi thông. Sự hợp tác giữa các địa phương trong các lĩnh vực sẽ giúp gia tăng hiệu quả sản xuất và mở ra nhiều cơ hội phát triển mới. 

Với sự chủ động, quyết tâm và khát vọng vươn lên mạnh mẽ, Thái Nguyên đang phát huy vai trò hạt nhân, cùng với cả vùng tiến thật xa, đóng góp quan trọng trong hành trình đi lên của đất nước.

(Hết)

Nguồn tin: baothainguyen.vn:

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập122
  • Hôm nay32,163
  • Tháng hiện tại375,493
  • Tổng lượt truy cập26,657,905

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:125 | lượt tải:52

STT 13

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:352 | lượt tải:129

STT 13

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:363 | lượt tải:139

09/2023/NQ-HĐND

Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông

Lượt xem:829 | lượt tải:190

274/TB-VPCP

Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:858 | lượt tải:261

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây