Hoàn thành sớm Quy hoạch tỉnh
Ngày 14/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cuối tháng 9 vừa qua, Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên đã xuất sắc đoạt giải Bạc - Giải thưởng quốc tế SIP Planning Awards 2023 được tổ chức tại Singapore.
Theo chuyên gia Nguyễn Đăng Toàn, Tổng Giám đốc Liên danh tư vấn GITAD (đơn vị tư vấn lập Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên): Mặc dù đây là lần đầu tiên Thái Nguyên triển khai lập quy hoạch tỉnh, nhưng quy hoạch đã tích hợp đa ngành, đa lĩnh vực và mang tính chiến lược. Nội dung quy hoạch đáp ứng được những tiêu chí về tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội (KT-XH), quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bố đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Theo đó, Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên là 352.196ha, với 9 đơn vị hành chính. Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; xây dựng Thái Nguyên thật sự bình yên, hạnh phúc, sung túc, thân thiện, trở thành một trong những tỉnh phát triển ở miền Bắc.
Đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội.
Đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe; trung tâm du lịch; trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc; xây dựng TP. Thái Nguyên trở thành một trong những cực tăng trưởng hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội...
Tầm nhìn phát triển đến năm 2050, phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng; là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước; nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng.
Là địa phương sớm được phê duyệt Quy hoạch tỉnh, Thái Nguyên đã khẩn trương triển khai các bước quản lý quy hoạch và tổ chức triển khai quy hoạch tỉnh gắn với chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH trên địa bàn. Đến nay, tỉnh đã có 3 huyện được phê duyệt quy hoạch vùng huyện; 6 huyện, thành được điều chỉnh sử dụng đất thời kỳ 2021-2030; phê duyệt phân khu các khu công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung…
Gia tăng giao thông kết nối vùng
Trong nhiệm kỳ này, Thái Nguyên xác định phát triển hạ tầng giao thông, nhất là khu vực phía Nam của tỉnh, liên kết, kết nối tiểu vùng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thu hút đầu tư.
Theo đó, việc đầu tư hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, tăng tính liên kết vùng theo các trục Bắc - Nam: Quốc lộ 3 Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn; Quốc lộ 37 Bắc Giang - Thái Nguyên - Tuyên Quang… đã được đầu tư trong giai đoạn trước. Trục ngang là đường Hồ Chí Minh đã và đang được đầu tư. Trục dọc phía Tây kết nối liên vùng Bắc Giang - Thái Nguyên - Vĩnh Phúc - Tuyên Quang - Hà Nội.
Đây là các tuyến đường huyết mạch, giúp kết nối và lan tỏa các giá trị: Công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và văn hóa Thái Nguyên đi các vùng, miền trong khu vực và cả nước.
Đơn cử như tuyến Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên hoàn thành và đi vào sử dụng từ năm 2013 đến nay, đã "dẫn lối" cho hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào tỉnh tăng mạnh, điển hình như khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD của Tập đoàn Samsung. Cùng với đó là kéo theo hàng chục nhà đầu tư phụ trợ, thời điểm cao nhất giải quyết việc làm cho khoảng 50-60 nghìn lao động.
Trong số các dự án giao thông, tuyến đường liên kết, kết nối Thái Nguyên với các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Phúc được tỉnh Thái Nguyên xác định là dự án trọng điểm, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là dự án hạ tầng quy mô lớn được triển khai theo tinh thần NQ11 của Bộ Chính trị, nhằm liên kết tiểu vùng, kết nối 3 tỉnh có công nghiệp phát triển. Tuyến đường có chiều dài gần 43km, thiết kế rộng từ 12m đến 47m, tổng mức đầu tư hơn 4.200 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024.
Một tuyến đường có tính chất liên kết quan trọng khác là đường Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội chạy qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Cụ thể, đoạn tuyến dài 9,16km trên địa bàn TP. Phổ Yên rộng 4 làn xe, vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Dự án tạo động lực thu hút đầu tư phát triển khu, cụm công nghiệp mới, trong đó có Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phú Bình rộng gần 1.000ha. Cùng tuyến đường này, đoạn tuyến dài 12,12km, đầu tư theo tiêu chuẩn cao tốc với 6 làn xe sẽ được hoàn thiện, đưa vào sử dụng trong năm 2024.
Bên cạnh các dự án trên, hiện nay, tỉnh đang phối hợp với các bộ, ngành Trung ương triển khai Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn thị trấn Chợ Chu (Thái Nguyên) - ngã ba Trung Sơn (Tuyên Quang) với quy mô đường cấp III miền núi, tổng mức đầu tư 1.665 tỷ đồng. Tuyến đường sẽ giúp kết nối, thông tuyến đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau); đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển KT-XH của 2 tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, góp phần đảm bảo an ninh - quốc phòng trên địa bàn.
Ngoài ra, Thái Nguyên cũng đang thu hút đầu tư xây dựng cảng cạn theo Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thu hút đầu tư tạo sức lan tỏa
Với hạ tầng giao thông được đầu tư, nhất là giao thông kết nối với các tỉnh, thành phố có công nghiệp, dịch vụ phát triển, đã tạo lực hút đầu tư cho Thái Nguyên. Đến nay, tỉnh đã thu hút được 204 dự án FDI (với tổng số vốn hơn 10,6 tỷ USD), tập trung vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghệ xanh, sạch, thân thiện với môi trường; sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, đất đai, lao động.
Tổng số dự án ngoài ngân sách sử dụng vốn đầu tư trong nước còn hiệu lực là 868 dự án, với số vốn đăng ký khoảng 162.710 tỷ đồng.
Việc thu hút đầu tư vào Thái Nguyên đã tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong khu vực. Tiêu biểu nhất là Dự án Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) - nhà máy sản xuất thiết bị di động lớn nhất của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) trên toàn cầu với tổng quy mô gần 7,3 tỷ USD.
Theo đánh giá của các chuyên gia, sự hiện diện của Samsung tại Thái Nguyên đã kéo theo nhiều nhà đầu tư nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo nên một dòng vốn FDI lớn chưa từng có. Riêng trong các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang có hơn 40 doanh nghiệp đã và đang là doanh nghiệp vệ tinh của Tập đoàn Samsung; hiện có khoảng 10.000 lao động của tỉnh Bắc Giang đang làm việc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên...
(Còn nữa)
Nguồn tin: baothainguyen.vn:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thông tư 12/2024/TT-BTTTT
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên
công khai dự toán ngân sách 2024