Những điểm mới trong Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam

Thứ ba - 13/06/2023 09:42
Hội Nhà báo Việt Nam vừa ban hành văn bản số 169/-HD/HNBVN về việc Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam. Theo đó, có những điều chỉnh bổ sung trong các chương, điều, khoản mà Hội Nhà báo Việt Nam, các cấp Hội, hội viên, người làm báo cần lưu ý.
Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hội Nhà báo Việt Nam bao gồm 10 Chương, 36 Điều đã được Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI thông qua tại Hà Nội ngày 30 tháng 12 năm 2021 và có hiệu lực theo Quyết định số 375/QĐ-TTg ngày 12 tháng 4 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam.
Theo đó tại các chương có những sửa đổi, bổ sung. Cụ thể là tại Chương II về chức năng và nhiệm vụ có thay đổi so với Điều lệ cũ. Cụ thể có bẩy điểm được bổ sung, tại điều 6 về nhiệm vụ của Hội Nhà báo Việt Nam là: Xây dựng tổ chức Hội trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả theo quy định của pháp luật về báo chí, Điều lệ Hội và các quy định pháp luật có liên quan. Tham gia giám sát việc tuân theo pháp luật về báo chí, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.
Đề nghị các cơ quan, tổ chức bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức Hội, hội viên; tham gia thẩm định sản phẩm báo chí và thực hiện các nhiệm vụ khác khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; khen thưởng, kỷ luật tổ chức Hội, hội viên theo quy định pháp luật…
Tại điều 7 có bốn điểm được bổ sung về quyền hạn của Hội Nhà báo Việt Nam. Trong đó đề xuất với Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành có liên quan về chủ trương chính sách và cơ chế phát triển báo chí; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hội…; tổ chức các giải báo chí để tôn vinh những tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm báo chí chất lượng cao, có hiệu quả xã hội tích cực theo quy định pháp luật. Tuyển chọn các tác phẩm báo chí xuất sắc để tham gia các cuộc thi báo chí trong nước và quốc tế.
Tại điều 8 của Chương III, điều lệ cũng có những điểm mới quy định cụ thể điều kiện và tiêu chuẩn của hội viên mà các cấp Hội cần lưu ý. Đối với các Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập báo, tạp chí hoặc Giám đốc, Phó giám đốc Đài PT-TH mới được đề bạt, bổ nhiệm hoặc từ cơ quan khác chuyển đến, chưa đủ thời gian làm báo theo quy định nhưng có nhu cầu kết nạp, thuộc trường hợp đặc biệt, các cấp Hội làm hồ sơ đề nghị Ban Thường vụ xem xét, quyết định.
Đối với những người công tác tại các đài truyền thanh, truyền hình huyện, trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao huyện: chỉ xem xét kết nạp Giám đốc, Phó Giám đốc đài; Giám đốc, Phó Giám đốc trung tâm; các phóng viên có thẻ nhà báo do đài phát thanh, truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương biệt phái xuống công tác tại đài huyện hoặc do Đài PT-TH tỉnh trực tiếp quản lý.
Tại điều 12 quy định khi hội viên chuyển công tác đồng thời chuyển sinh hoạt đến chi Hội khác phải có Giấy giới thiệu của cấp hội nơi chuyển đi có xác nhận của Hội cấp trên trực tiếp và cấp hội nơi tiếp nhận. Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, Liên Chi hội, Chi hội Nhà báo nơi chuyển đi phải gửi Công văn thông báo hội viên chuyển sinh hoạt, kèm thẻ hội viên về Ban Tổ chức Hội. Cấp hội nơi tiếp nhận phải gửi Công văn đề nghị cấp lại thẻ hội viên kèm Giấy giới thiệu về Ban Tổ chức Hội chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày hội viên đó chuyển công tác.
Tổ chức hội cơ quan chủ quản phải giới thiệu hội viên thường trú tham gia sinh hoạt với Hội Nhà báo tỉnh, thành phố. Ban Chấp hành Hội Nhà báo tỉnh, thành phố quyết định thành lập Chi hội, Liên chi hội thường trú hoặc bố trí sinh hoạt trong các Chi hội trực thuộc Hội Nhà báo tỉnh, thành phố. Trong trường hợp có từ 3 hội viên trở lên thường trú ở một địa phương thì có thể thành lập Chi hội Nhà báo thường trú, từ 70 hội viên thường trú trở lên thì thành lập Liên chi hội thường trú. Đây là nội dung mới bổ sung nhằm tạo điều kiện cho hội viên được tham gia sinh hoạt với Hội Nhà báo tỉnh, thành phố nơi hội viên đó thường trú, đồng thời tăng cường công tác quản lý hội viên thường trú tại các địa phương.
Đối với Hội viên xin ra khỏi Hội, xin thôi việc hoặc bỏ việc; không sinh hoạt chi hội, không đóng hội phí từ 06 tháng trở lên mà không có lý do chính đáng, thì các cấp Hội phải tiến hành thủ tục xóa tên trong danh sách hội viên và báo cáo Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam quyết định chuẩn y theo đúng thời gian quy định. Hồ sơ đề nghị xóa tên trong danh sách hội viên gồm: Công văn đề nghị xóa tên, Biên bản họp kèm thông báo triệu tập họp.
Đối với hội viên đã nghỉ theo chế độ bảo hiểm xã hội. Theo khoản 5, khoản 6 điều này, hội viên nghỉ theo chế độ bảo hiểm xã hội thì nghỉ sinh hoạt Hội. Trường hợp có nguyện vọng tiếp tục sinh hoạt thì tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ nhà báo cao tuổi do cấp hội trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam thành lập và được xem xét đổi thẻ hội viên khi hết hạn.
Chương IV - Về nội dung tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam, tại điều 14 Chương IV có hai điểm mới. Cụ thể tại khoản 5, quy định Đại hội được tổ chức hợp lệ khi có trên 2/3 số đại biểu được triệu tập có mặt. Các quyết định, nghị quyết Đại hội được thông qua khi có quá nửa số đại biểu có mặt tại Đại hội biểu quyết tán thành.
Đại hội biểu quyết bàng hình thức bỏ phiếu kín hoặc bằng thẻ hội viên. Việc quy định hình thức biểu quyết do Đại hội quyết định. Việc bầu Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra, lấy phiếu về ứng viên đưa vào danh sách bầu cử thì Đại hội thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Điều 15 có ba điểm mới: Khoản 1 Điều này quy định hội viên không sinh hoạt trong một tổ chức Hội không có quyền ứng cử, tham dự Đại hội; Khoản 2 Điều này quy định trường hợp cần thiết Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam chỉ định đại biểu chính thức dự Đại hội toàn quốc; số đại biểu chỉ định không quá 3% tổng số đại biểu dự Đại hội. Khoản 4 Điều này quy định không giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến Đại hội trong vòng 30 ngày làm việc tính từ ngày nhận được đơn, thư đến ngày khai mạc Đại hội.
Điều 16 có ba điểm mới: Khoản 1 Điều này quy định giữa hai kỳ họp, Ban Chấp hành có thể biểu quyết hoặc quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành thông qua việc lấy ý kiến các thành viên bằng văn bản.
Khoản 2 Điều này quy định Ban Chấp hành quyết định về cơ cấu tổ chức bộ máy của Hội, chủ trương về công tác đối nội, đối ngoại; chương trình công tác hàng năm. Ban hành quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Kiểm tra; quy định nguyên tắc, chế độ quản lý, sử dụng tài chính của Hội; quyết định mức hội phí; ban hành các quy định phù hợp với quy định của pháp luật và Điều lệ Hội.
Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam nghỉ theo chế độ bảo hiểm xã hội, có nguyện vọng, năng lực và sức khỏe, được cơ quan chủ quản chấp thuận có thể đề nghị tiếp tục công tác tại Hội đến hết nhiệm kỳ và phải được Đảng đoàn, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam đồng ý.
Điều 17 có hai điềm mới gồm: Khoản 1 Điều này quy định Ban Chấp hành bầu Ban Thường vụ. Ban Thường vụ gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Trưởng ban Kiểm tra, các ủy viên Ban Thường vụ, số lượng ủy viên Ban Thường vụ do Ban Chấp hành quy định, được bầu bằng phiếu kín. Người trúng cử phải đủ số phiếu bầu quá nửa hợp lệ trên tổng số ủy viên Ban Chấp hành tham gia bầu cử. Thường trực Ban Thường vụ gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch thay mặt Ban Thường vụ giải quyết công việc giữa hai kỳ hội nghị Ban Thường vụ theo nghị quyết, chủ trương của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ.
Khoản 2 Điều này quy định nhiệm vụ Ban Thường vụ quyết định thành lập, giải thể, đình chỉ hoạt động các ban chuyên môn, đơn vị, tổ chức có tư cách pháp nhân thuộc Hội và phê duyệt quy chế tổ chức, hoạt động của các tổ chức đó trên cơ sở chủ trương nghị quyết của Ban Chấp hành; quyết định hoặc hiệp y việc khen thưởng, kỷ luật các tổ chức của Hội và hội viên.
Điều 18 có hai điểm mới gồm: Khoản 1 Điều này quy định Ban Kiểm tra do Đại hội bầu bằng phiếu kín khi đủ số phiếu bầu quá nửa hợp lệ trên tổng số đại biểu tham gia bầu cử. Số lượng và cơ cấu Ủy viên Ban Kiểm tra do Đại hội quyết định. Ban Chấp hành bầu Trưởng ban, Phó Trưởng ban bằng hình thức bỏ phiếu kín. Trưởng ban là ủy viên Ban Thường vụ Hội và một số thành viên là ủy viên Ban Chấp hành và hội viên của Hội. Ban Kiểm tra hoạt động theo quy chế do Ban Chấp hành quy định. Khi cần thiết bầu bồ sung thay thế, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng ban, Phó Trường ban, ủy viên Ban Kiểm tra Hội do Ban Kiểm tra đề nghị. Ban Chấp hành bầu bằng phiếu kín khi đủ số phiếu bầu quá nửa hợp lệ trên tổng số ủy viên Ban Chấp hành tham gia bầu cử.
Một nội dung mới khác trong điều này là Ban Kiểm tra của Hội do Đại hội bầu bằng phiếu kín (trước đây hình thức bầu bằng phiếu kín hoặc biểu quyết giơ tay) khi đủ số phiếu bầu quá nửa hợp lệ trên tổng số đại biểu tham gia bầu cử. Số lượng và cơ cấu ủy viên Ban Kiểm tra do Đại hội quyết định. Việc bầu bổ sung thay thế, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng ban, Phó Trưởng ban, ủy viên Ban Kiểm tra Hội do Ban Chấp hành thực hiện bầu bằng phiếu kín theo đề nghị của Ban Kiểm tra.
Chương V - Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, có bảy điểm mới trong chương này:
Khoản 1, khoản 2 điều 22 quy định rõ: Hội Nhà báo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam; có tư cách pháp nhân, có con dấu và được mở tài khoản tại ngân hàng và kho bạc Nhà nước. Hội Nhà báo tỉnh, thành phố có Văn phòng và nhân sự chuyên trách Hội.
Khoản 2, Điều 23 quy định các Hội Nhà báo tỉnh, thành phố được thành lập liên chi hội/liên chi hội trực thuộc. Chức danh lãnh đạo của các chi hội, liên chi hội trực thuộc Hội Nhà báo tỉnh, thành phố là Ban Thư ký liên chi hội bao gồm: Thư ký, Phó Thư ký và ủy viên Ban Thư ký liên chi. Liên chi hội có từ 70 đến 150 hội viên, Ban Thư ký nên là 5 - 7 người; những nơi có số lượng từ 200 đến trên 300 hội viên trở lên thì Ban Thư ký 7 - 9 người. Việc công nhận các chức danh Ban Thư ký kể trên do Hội Nhà báo tỉnh, thành phố chuẩn y và gửi báo cáo về Trung ương Hội.
Khoản 4, Điều 22 quy định trước khi chính thức triệu tập Đại hội nhiệm kỳ, Đại hội bất thường, Hội Nhà báo tỉnh, thành phố phải báo cáo cấp ủy và được cấp ủy tán thành, đồng thời phải báo cáo và gửi nội dung chuẩn bị đại hội (bao gồm: dự thảo Báo cáo chính trị, dự kiến nhân sự chủ chốt, đối với Đại hội nhiệm kỳ và Đại hội bất thường) về Hội Nhà báo Việt Nam để xin ý kiến chỉ dạo, chậm nhất trước 20 ngày. Sau khi có chỉ đạo bằng văn bản của Hội Nhà báo Việt Nam, mới tiến hành Đại hội.
Ban Chấp hành Hội Nhà báo tỉnh, thành phố bầu Ban Thường vụ, bầu các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Trưởng Ban Kiểm tra trong số các ủy viên Ban Thường vụ (ở những nơi có Ban Thường vụ) hoặc phải là thành viên của Ban Chấp hành Hội bằng phiếu kín. Người trúng cử phải có số phiếu bầu quá nửa hợp lệ trên tổng số đại biểu tham gia bầu cử.
Khoản 5, khoản 6, Điều 22 quy định ủy viên Ban Kiểm tra của Hội Nhà báo tỉnh, thành phố do Đại hội bầu bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Khoản 7, Điều 22, trước khi miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc bổ sung Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ban Chấp hành; Trưởng ban, Phó Trưởng ban, ủy viên Ban Kiểm tra Hội Nhà báo tỉnh, thành phố và các chức danh chủ chốt Hội Nhà báo tỉnh phải báo cáo và phải được sự chấp thuận của cơ quan thẩm quyền của địa phương theo quy định, thực hiện thông qua bỏ phiếu kín tại hội nghị Ban Chấp hành, đồng thời báo cáo Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam trước và sau khi bầu Ủy viên Ban Chấp hành, ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Trưởng ban Kiểm tra, Phó trưởng ban Kiểm tra và ủy viên Ban Kiểm tra.
Người được miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc trúng cử khi đủ số phiếu bầu quá nửa hợp lệ trên tổng số ủy viên Ban Chấp hành tham gia bầu cử số ủy viên Ban Chấp hành được bầu bổ sung thay thế trong nhiệm kỳ không quá 20% số Ủy viên Ban Chấp hành đã được Đại hội quyết định.
Khoản 4, Điều 23 quy định đối với ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo tỉnh, thành phố nghỉ theo chế độ bảo hiểm xã hội, có nguyện vọng, năng lực và sức khỏe, được cơ quan chủ quản chấp nhận có thể đề nghị tiếp tục công tác Hội đến hết nhiệm kỳ và phải được các cấp ủy Đảng, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam đồng ý.
Khoản 1, Điều 24 quy định đối với Ban Chấp hành Hội Nhà báo tỉnh, thành phố có 09 ủy viên trở lên thì bầu Ban Thường vụ, số lượng ủy viên Ban Thường vụ do Ban Chấp hành quyết định, nhưng không quá 05 người. Ban Thường vụ gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Trưởng Ban Kiểm tra và ủy viên. Ban Thường vụ thay mặt Ban Chấp hành điều hành công việc giữa hai kỳ họp Ban Chấp hành.
Chương VI - Liên chi hội trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam. Có bốn điểm mới trong Chương này.
Khoản 1, Điều 25 quy định cơ quan báo chí Trung ương, các cơ quan báo chí thuộc ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương có 100 hội viên trở lên và có nhiều chi hội được thành lập Liên chi hội Nhà báo trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam, chịu sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam và sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, cơ quan báo chí.
Khoản 4, Điều 25 quy định việc bầu Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra, đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc, lấy phiếu về ứng viên để đưa vào danh sách bầu cử thì Đại hội thực hiện biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Khoản 3, Điều 25 quy định trước khi chính thức triệu tập Đại hội nhiệm kỳ, Đại hội bất thường, Liên chi hội Nhà báo phải báo cáo cấp ủy và được cấp ủy tán thành, đồng thời phải báo cáo và gửi nội dung chuẩn bị đại hội về Hội Nhà báo Việt Nam để xin ý kiến chỉ đạo, chậm nhất trước 20 ngày. Sau khi có chỉ đạo bằng văn bản của Hội Nhà báo Việt Nam mới tiến hành Đại hội.
Điều 26 quy định cơ quan lãnh đạo của Liên chi hội Nhà báo trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam là Ban Chấp hành Liên chi hội. Tùy theo số lượng hội viên, Ban Chấp hành Liên chi hội từ 7 đến 11 người. Ban Thường vụ Liên chi hội không quá 5 người. Ban Chấp hành Liên chi hội bầu các chức danh, gồm: ủy viên Ban Thường vụ; bầu Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Trưởng Ban Kiểm tra trong số các Ủy viên Ban Thường vụ.
Chương IX - Khen thưởng, kỷ luật, có hai điểm mới trong chương này, đó là:
Điều 33 quy định cụ thể và mở rộng khen thưởng các tập thể, cá nhân trong và ngoài tổ chức Hội có thành tích trong các hoạt động báo chí, công tác Hội được khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Công tác khen thường thực hiện theo Quy chế thi đua, khen thưởng và hướng dẫn riêng về công tác khen thưởng; Quyết định và hướng dẫn xét tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam. Ban Công tác Hội (tên gọi theo Điều lệ Hội khóa XI là Ban Tổ chức Hội) tham mưu Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam ban hành quy định chi tiết công tác thi dua, khen thưởng của Hội Nhà báo Việt Nam.
Khoản 1, Điều 34 quy định cụ thể đối với tổ chức hội, hội viên vi phạm pháp luật, Luật Báo chí, Điều lệ Hội, Quy chế về đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, Hội đồng xử lý vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam các cấp Hội trình cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật bằng các hình thức: phê bình, khiển trách, cảnh cáo, khai trừ ra khỏi Hội. Ban Kiểm tra tham mưu Ban Chấp hành Hội ban hành quy định cụ thể hình thức, thẩm quyền, quy trình xem xét, kỷ luật của Hội.

Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam, chi tiết được đính kèm tại đây.

 

Tác giả bài viết: Hồng Hải


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Cơ quan chủ quản