Giỏi “hóng hớt”, sẽ có phóng sự hay

Thứ năm - 09/03/2023 09:24   Đã xem: 411   Phản hồi: 0

Giỏi “hóng hớt”, sẽ có phóng sự hay - Một bài phóng sự hấp dẫn, cần có nhiều chi tiết đắt giá và câu chuyện li kỳ. Nhà báo giỏi “hóng hớt” chuyện đang diễn ra mọi ngõ ngách cuộc sống, rất dễ phát hiện ra đề tài và “nổ” ra phóng sự độc đáo. Bạn đọc đã thay đổi, công nghệ phát triển, kết cấu bài phóng sự cũng cần nén chặt, chứa đựng nhiều thông tin hơn

bao(4)

Tác giả bài viết đi cùng ngư dân ra biển khơi viết phóng sự_Ảnh: TGCC


Tìm kiếm đề tài “không đụng hàng” với ai

Điều quan trọng hàng đầu, mang tính xuyên suốt với nghề báo: Bạn có muốn viết phóng sự không? Mức độ “sống chết” với thể loại phóng sự của bạn như thế nào? Qua nghiên cứu, đa số người viết phóng sự giỏi, họ yêu say đắm thể loại phóng sự, có thể quên ăn quên ngủ với nhiều chi tiết và câu chuyện hay chưa thực hiện được. Năm 2005, tôi từ TP. Hồ Chí Minh ra vùng biên giới huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình công tác, qua “hóng hớt” chuyện, mấy sĩ quan đồn biên phòng Cà Xèng, kể ông Trần Trung Trực người đồng bào dân tộc Rục, bán cả con trâu lấy tiền ăn để khai hoang làm lúa nước đầu tiên ở vùng núi đá vôi Minh Hóa. Tôi thúc giục anh Diệu đồn trưởng dẫn đến gặp ông Trực, lân la cả buổi, cũng ra được nhiều câu chuyện hay, nhưng tôi phải ngậm đắng nuốt cay quay trở lại TP.Hồ Chí Minh, mà không thể viết được bài phóng sự. Vì ông Trực đã ba lần gieo lúa, trời quá rét lúa chết sạch.

Câu chuyện của ông Trực bán trâu khai hoang ruộng lúa cứ ám ảnh trong tôi, cứ 2 tháng tôi gọi điện anh Sơn Chính uỷ Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình, hỏi thăm tình hình trồng lúa của ông Trực. Một ngày, anh Sơn gọi điện thông báo, lúa ông Trực đã chín, chuẩn bị gặt. Tôi tức tốc lên đường quay trở lại Quảng Bình, thực hiện xong bài phóng sự 2.000 từ “Vua lúa nước ở biên giới Minh Hóa” đăng báo Lao Động.

Báo Lao Động trả nhuận bút cao kịch khung 1 triệu đồng cho bài phóng sự, nếu như chi phí 2 lần đến Quảng Bình thực hiện bài phóng sự, có lẽ bị “lỗ tốn” gấp 10 lần so với nhuận bút thu được. Điều tôi có được là bài phóng sự với đầy ắp hình ảnh, chi tiết, câu chuyện độc đáo. Từ bài báo tường thuật ông Trực đã làm được lúa nước dưới chân núi đá vôi, UBND tỉnh Quảng Bình quyết định đầu tư cho Bộ đội Biên phòng mấy tỷ đồng đắp đập thủy lợi, mương dẫn nước, mở rộng khai hoang trên 10 héc-ta ruộng lúa nước, làm được 2 vụ/năm cho người dân xã Thượng Hóa. 3 năm sau, tôi quay lại viết loạt bài phóng sự 4 kỳ, về Bộ đội Biên phòng giúp dân làm lúa nước.

Nhiều bạn hỏi tôi: “Ông đào đâu ra nhiều đề tài phóng sự?”. Tôi trả lời: “Đề tài nó ở quanh ta, diễn ra hàng ngày. Do bạn không chú tâm “hóng hớt” chuyện người ta nói, người ta kể”. Mỗi lần tôi đi công tác xa, không bao giờ lên mạng tìm kiếm thông tin và đề tài phóng sự trước, đến cơ sở không xin các bản báo cáo năm hoặc báo cáo thành tích chữ rất nhiều, số liệu rất đẹp “làm vốn” viết bài. Nếu tôi quá phụ thuộc vào những thứ đã có sẵn, nó sẽ “giết chết” mọi cảm xúc, mọi sự tò mò tìm kiếm chất liệu phóng sự của tôi, rất khó tìm được đề tài mới. Luôn để mình như “tờ giấy trắng”, khi đó mới tập trung cao độ đào bới, tìm kiếm đề tài “không đụng hàng” với ai.

Kỹ năng “hóng hớt” của tôi là: mắt quan sát thật kỹ tại hiện trường, miệng hỏi chuyện nhiều, tai lắng nghe cao độ. Khi thấy hình ảnh “lạ mắt” hoặc nghe được chi tiết “lạ tai”, lập tức sử dụng vũ khí của nhà báo: Vì sao? Tại sao? ở tần suất cao, để làm rõ thông tin, qua đó quyết định ngay có phát triển lên được bài phóng sự hay không? Một lần tôi đi ngang qua phía sau cảng Hòn Rớ (TP.Nha Trang) thấy mỏ neo bằng sắt rất dài. Chạy được một quãng đường, quay xe trở lại hỏi người thợ cơ khí: “Hàn cái neo to để làm gì?”. Ông thợ kể tóm tắt, mấy ông thuyền trưởng tàu lưới vây xa bờ đặt làm, dùng để thả xuống đáy biển độ sâu 4.000 – 6.000m ở giữa Biển Đông, giữ những bó lá dừa “làm nhà” cho cá. Từ những thông tin ban đầu này, tôi đã mở rộng và “chụp cắt” từng chi tiết, từng câu chuyện, viết loạt phóng sự 3 kỳ “Neo cột mốc chủ quyền ở giữa Biển Đông”.

Tường thuật trực tiếp

Có đề tài, có chi tiết, có câu chuyện ban đầu, nó cũng chỉ mang tính “thô”, đòi hỏi tác giả phải rất nỗ lực quan sát, hỏi chuyện, xâu chuỗi nhiều thông tin lại thành khổ, thành bài báo chặt chẽ, logic. Nhiều nhà báo chưa làm tốt kỹ năng khai thác thông tin, chỉ đi lòng vòng ngoài rìa câu chuyện, dừng lại viết bài phản ánh nho nhỏ. Vì thiếu “nguyên liệu” là chi tiết, câu chuyện nằm ẩn chứa bên trong, cần lôi ra đắp thành bài phóng sự.

Chất liệu phóng sự có nhiều nguồn khác nhau, tôi vẫn thích nhất tường thuật trực tiếp tại hiện trường, nghĩa là bạn viết ra những gì quan sát được, gọi là thông tin trực tiếp. Đầu tháng 5/2022, tôi đi ra biển viết bài nghề lưới đăng, bắt đầu bước lên tàu ở cầu cảng, tôi quan sát mọi thứ có trên tàu, đến cơ sở lưới đăng, tập trung quan sát “trận địa”, là hệ thống lưới dẫn dụ đàn cá vào vòng vây lưới. Đỉnh điểm nhất, khi hai chiếc tàu buông lưới kéo lưới bắt cá ở độ sâu 30m. Để có tầm quan sát kỹ, tôi trèo lên đứng ở ca bin tàu, nhìn rõ các hoạt động diễn ra ở trước mũi và phía sau lái tàu, nhìn sang tàu bên cạnh cách đó khoảng mấy chục mét. Bài phóng sự “Bẫy cá đại dương” đăng nguyên một trang trên báo Tuổi Trẻ, có hơn nửa trang báo là thông tin do tôi quan sát trực tiếp tại hiện trường vây bắt đàn cá. Phần còn lại bổ sung thêm các mẩu chuyện do ngư dân kể lại.

Những năm gần đây, một số tờ báo có số lượng phát hành lớn, bán trên sạp, đã thay đổi phong cách thể hiện phóng sự. Gần như không còn kể lể chuyện dọc đường đi gặp “ổ gà”, “ổ voi”, tả cảnh vật... ở đoạn đầu bài báo như trước đây. Thay vào đó những thông tin, chi tiết, thậm chí mẩu chuyện gay cấn nhất, hấp dẫn nhất, cốt tử nhất, được đẩy lên ngay từ đầu bài viết, rồi khéo léo “dẫn” bạn đọc vào sâu trang phóng sự bằng những tình tiết, câu chuyện được nén chặt. Đây chính là “linh hồn” của phóng sự nói riêng và báo chí nói chung, bạn đọc sẽ nhớ ngay chi tiết và câu chuyện đắt giá ở trong bài.

 

Nguồn tin: nguoilambao.vn:

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập185
  • Hôm nay3,900
  • Tháng hiện tại249,036
  • Tổng lượt truy cập25,765,859

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:47 | lượt tải:24

STT 13

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:284 | lượt tải:112

STT 13

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:288 | lượt tải:111

09/2023/NQ-HĐND

Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông

Lượt xem:749 | lượt tải:174

274/TB-VPCP

Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:772 | lượt tải:245

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây