Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng tranh lưu niệm cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên
Tiếp và làm việc với Đoàn có đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định quan điểm của tỉnh trong việc luôn coi GD&ĐT là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Chương trình phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021 - 2025 đã được thông qua với tổng số kinh phí thực hiện trên 20.727 tỷ đồng chính là một trong những nguồn lực quan trọng để đầu tư cho phát triển giáo dục. Trong những năm qua, hệ thống GD&ĐT trên địa bàn luôn được quan tâm đầu tư; chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được nâng lên. Công tác phổ cập giáo dục các cấp học được duy trì. Chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn, giáo dục thường xuyên được chú trọng. Xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh; huy động được nhiều nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT; phong trào xây dựng xã hội học tập được triển khai sâu rộng. Hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và giáo dục nghề nghiệp tiếp tục có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học. Tỉnh đã quan tâm phát huy mạnh mẽ vai trò của Đại học Thái Nguyên. Đặc biệt, tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” nhằm tạo bước đột phá về chất lượng dạy và học tiếng Anh trong các cấp học. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, cùng các đồng chí thành viên Đoàn công tác của Bộ tiếp tục dành sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa về cơ chế, chính sách, nguồn lực đầu tư để hỗ trợ tỉnh Thái Nguyên thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung, lĩnh vực GD&ĐT nói riêng để ngành giáo dục của tỉnh đạt được nhiều kết quả tốt hơn nữa, xứng đáng là trung tâm GD&ĐT lớn của vùng trung du miền núi Bắc Bộ và cả nước.
Đồng chí Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên báo cáo tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên đã báo cáo nhanh với Đoàn công tác về công tác GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên. Hiện nay, đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng cao về chất lượng, đảm bảo về số lượng, 100% giáo viên và cán bộ quản lý đạt chuẩn trở lên về trình độ đào tạo. Hằng năm, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học được tăng cường; chất lượng phổ cập giáo dục tiếp tục được duy trì và nâng cao; chất lượng giáo dục học sinh đáp ứng yêu cầu đổi mới. Tỉnh đã triển khai có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số; hỗ trợ máy tính bảng và điện thoại thông minh trao tặng cho 4.771 học sinh thuộc đối tượng nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn không có thiết bị bảo đảm 100% học sinh toàn tỉnh có đủ thiết bị học tập trực tuyến, đã hoàn thành Chương trình “Sóng và Máy tính cho em” vào tháng 2/2022. Công tác nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn được tỉnh đặc biệt quan tâm. Tiếp tục củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú. Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được tỉnh quan tâm chỉ đạo, đầu tư hiệu quả. Hiện nay, toàn tỉnh có 600/686 trường học các cấp đạt trường chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 87,46%.
Tỉnh Thái Nguyên cũng đề nghị với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Đoàn công tác một số nội dung như: Bộ GD&ĐT sớm có hướng dẫn cụ thể về tổ chức, kinh phí, cơ sở pháp lý của việc tổ chức học bù kiến thức khi học sinh thay đổi môn lựa chọn hay chuyển trường; có hướng dẫn, quy định rõ căn cứ xác định giải quốc gia về thể thao; bổ sung quy định về điểm khuyến khích cộng thêm (hoặc tuyển thẳng) nhằm khuyến khích học sinh có chứng chỉ quốc tế về tiếng Anh. Bộ GD&ĐT phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan sớm ban hành các quy định, hướng dẫn đối với các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện...
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT đã trao đổi, giải đáp, đồng thời gợi mở một số hướng đi trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp THPT; công tác tuyển sinh lớp 10; hướng dẫn kiểm định chất lượng đối với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên; cơ chế ký hợp đồng lao động đối với số giáo viên còn thiếu so với định mức của Thông tư về vị trí việc làm của Bộ GD&ĐT …
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc
Thái Nguyên là một trong những địa phương có sự quan tâm bài bản, đầu tư trọng tâm, trọng điểm đến công tác giáo dục trong những năm qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định đây chính là cơ sở để tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng trên nhiều mặt. Với nhiều ý kiến cơ bản xoay quanh việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018, Bộ trưởng cho rằng trách nhiệm của các địa phương là rất quan trọng trong việc chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, sách giáo khoa. Bộ trưởng lưu ý Thái Nguyên một số nhiệm vụ cần triển khai gắn với việc đảm bảo các mục tiêu Đề án “Đảm bảo cơ sở vật chất cho các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025”. Đồng thời, đề nghị Thái Nguyên quan tâm dành nguồn quỹ đất, có cơ chế khuyến khích phát triển nhiều hơn hệ thống trường ngoài công lập để chia sẻ khó khăn với giáo dục công lập, đặc biệt ở bậc học mầm non.
Theo Thainguyen.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thông tư 12/2024/TT-BTTTT
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông
Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam