Làm chè hữu cơ xưa và nay

Thứ năm - 18/01/2024 14:35   Đã xem: 300   Phản hồi: 0

Được lựa chọn là một trong 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực để đầu tư phát triển, thời gian qua, nhiều địa phương của tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến chè. Tổng diện tích trồng chè toàn tỉnh áp dụng thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP được cấp chứng nhận đạt gần 4,4 nghìn ha, tiêu chuẩn hữu cơ đạt 127 ha, trong đó có 65 ha được cấp chứng nhận hữu cơ.

chè hữu cơ

Vườn chè hữu cơ của HTX trà an toàn Phú Đô (xóm Phú Thọ, xã Phú Đô, huyện Phú Lương)

Những mô hình sản xuất chè hữu cơ đầu tiên

Nhiều người vẫn không khỏi tiếc nuối những mô hình chè hữu cơ đầu tiên của tỉnh từ hơn hai mươi năm trước đây. Ông Nguyễn Văn Lệ, nguyên Chủ nhiệm HTX Chè hữu cơ Thiên Hoàng (xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ) bùi ngùi:
-    Năm 1998, tại xóm Na Dịa (nay là xóm Bình Minh) có một số hộ khát khao làm chè sạch, tập hợp nhau lại cùng sản xuất chè theo cách cổ điển, chỉ sử dụng các loại phân chuồng và thuốc trừ sâu tự chế chứ không dùng bất kỳ loại có thành phần hóa chất nào. Năm 2001, nhóm được tổ chức CIDSE của Thụy Điển giúp đỡ tư vấn, tài trợ kinh phí và trang bị một số máy móc, thành lập HTX với 11 hộ xã viên. Quy trình sản xuất hữu cơ được kiểm soát rất nghiêm ngặt. Thời điểm “hoàng kim” của HTX là vào năm 2004, gồm 24 hộ tham gia với diện tích 2,5 ha, sản xuất được khoảng 2 tấn chè hữu cơ và chè an toàn, được tiêu thụ ở nhiều nước châu Âu. 
Ông Lệ cho biết, khó nhất trong làm chè hữu cơ là vừa đòi hỏi rất nhiều công vừa đòi hỏi trình độ của người lao động. Ví dụ như công làm cỏ tăng gấp 3 lần, công bón phân tăng 10 lần, quá trình chăm bón, phòng trừ sâu bệnh đòi hỏi phải đúng thời điểm, đúng liều lượng thì chè mới đạt năng suất, chất lượng cao, trong khi đó đại đa số người làm chè vẫn chăm sóc chè theo thói quen và kinh nghiệm bản thân. 
Ông Lệ cười buồn: - Đáng tiếc là các vườn chè sạch của HTX lúc đó diện tích quá nhỏ so với cả vùng nguyên liệu nhưng lại có sức hút đặc biệt với sâu bọ của các vườn khác đổ về, dẫn đến tình hình sâu bệnh phát triển nhanh trầm trọng không thể phòng trừ được nên nhiều hộ xã viên đã quay trở lại với sản xuất chè truyền thống, HTX vì thế cũng dần tan rã.
Cùng thời điểm đó, tại xóm Nam Thái (xã Tân Cương, TP Thái Nguyên), Câu lạc bộ chè hữu cơ Tân Cương là đơn vị đầu tiên của cả nước được Tổ chức Hữu cơ quốc tế IFOAM và Tổ chức ICEA (Italia) cấp Giấy chứng nhận sản phẩm chè sạch theo tiêu chuẩn châu Âu. CLB có 16 hộ tham gia, diện tích chè trồng thử nghiệm gồm 1,5 ha, sản lượng bình quân hàng năm trên 5 tấn chè búp khô. Các vườn chè chỉ được dùng phân hữu cơ như phân chuồng, rơm, rạ, lá cây… khi phát hiện sâu bệnh thì dùng các loại thuốc thảo mộc hoặc dùng các loại lá đắng như lá dây mật, lá xoan, ớt ngâm và giã nhỏ hòa với nước để phun. Mặc dù sản phẩm chè đã được bán sang thị trường châu Âu song quy mô sản xuất quá nhỏ, chi phí cao nên các hộ dần nản chí và mô hình giải thể sau đó vài năm.

Mở rộng sản xuất chè hữu cơ

Hiện nay, chè hữu cơ cũng đã không còn xa lạ với các vùng chè, ở hầu hết các vùng chè đều có những mô hình sản xuất hữu cơ. Sản phẩm chè hữu cơ đều đã được đầu tư bao bì, đăng ký nhãn hiệu, mã số vùng trồng và có giá bán cao gấp nhiều lần sản phẩm đại trà, với mức giá từ 3 triệu - 5 triệu đồng/kg (đối với sản phẩm chè đinh). Người trồng chè trên địa bàn tỉnh đã có ý thức cao về sản xuất an toàn và sản xuất hữu cơ, xác định đây là hướng đi tất yếu nhằm phát triển nông nghiệp bền vững. 
HTX trà an toàn Phú Đô (xóm Phú Thọ, xã Phú Đô, huyện Phú Lương) hiện có gần 05 ha chè sản xuất hữu cơ, sản lượng 10 tấn búp khô/năm. Anh Hoàng Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX cho biết: Với 7 hộ thành viên và 23 hộ liên kết, HTX có trên 15 ha chè sản xuất theo quy trình thân thiện với môi trường, không sử dụng phân bón hóa học. HTX đã chủ động nghiên cứu sản xuất phân bón hữu cơ tại chỗ nhằm tạo viêc làm và tiết giảm chi phí bằng các phế phụ phẩm nông lâm nghiệp dùng để sản xuất than sinh học, ủ phân hữu cơ từ rác hữu cơ... 
Tiên phong trong làm chè hữu cơ từ năm 2018, riêng gia đình anh Tuấn có 0,7ha, sản lượng khoảng 7 tạ/năm, sản phẩm tiêu biểu gồm trà búp, trà nõn, trà đinh, có giá bán từ 500 nghìn đồng - 3 triệu đồng/kg. Theo anh Tuấn, làm chè hữu cơ hiện đại có điểm giống ngày xưa ở chỗ vẫn bón phân, tưới nước, thu hái thủ công, chế biến thủ công và đều không dùng hoá chất trong quá trình chăm sóc, chế biến. Tuy nhiên, sản xuất hữu cơ hiện đại có nhiều điểm khác biệt, cụ thể như ngày trước không phải phun thuốc bảo vệ thực vật, nay phải phun thuốc nguồn gốc thuốc là thảo mộc, sinh học. Về thu hoạch thì ngày nay do sản xuất nhiều loại chè và chè chất lượng cao nên thu hoạch chè non hơn, hái ngắn hơn và hái đa dạng hơn... Các khâu chế biến và bảo quản cũng đã có những bước tiến rất xa về công nghệ và kỹ thuật giúp cho chất lượng chè ngon hơn, bảo quản được trong thời gian dài. Tuy nhiên, từ lợi ích của sản xuất hữu cơ về năng suất chất lượng chè, về môi trường, đặc biệt là đối với sức khoẻ của cả người làm chè và người uống chè nên các hộ yên tâm theo phương thức này. Nnăm 2023 diện tích chè hữu cơ của HTX tăng hơn 3 lần so với năm 2022. Nhờ những tiến bộ về khoa học, công nghệ được áp dụng trong sản xuất chè, đặc biệt là hiện nay thị trường vật tư cho nông nghiệp hữu cơ rất phong phú như phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học và các chế phẩm sinh học… rất thuận lợi cho các vùng chè mở rộng nông nghiệp hữu cơ. 
Hiện, trên toàn tỉnh có sản lượng chè búp tươi an toàn được chứng nhận đạt tiêu chuẩn ước đạt gần 58.500 tấn, chiếm 22,5% tổng sản lượng. Chè an toàn đạt tiêu chuẩn chứng nhận hầu hết được các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đầu tư chế biến sâu, đa dạng về chủng loại, mẫu mã sản phẩm, cho giá trị sản xuất cao hơn so với sản xuất thông thường từ 15-25%. Sản xuất chè theo hướng hữu cơ tạo ra sản phẩm an toàn, có truy xuất nguồn gốc điện tử, nâng cao sức cạnh tranh tại thị trường trong nước và xuất khẩu. 

Tác giả bài viết: Ngọc Khuê

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập80
  • Hôm nay2,387
  • Tháng hiện tại515,331
  • Tổng lượt truy cập27,374,955

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:182 | lượt tải:59

Mau ĐXKNHV - HNB

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:406 | lượt tải:141

Mau ĐNCTHV

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:414 | lượt tải:150

144/QĐ-HNB

QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên

Lượt xem:46 | lượt tải:14

136/QĐ-HNB

công khai dự toán ngân sách 2024

Lượt xem:45 | lượt tải:16

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây