Những kết quả bước đầu trong thực hiện chuyển đổi số ở Thái Nguyên

Thứ ba - 04/05/2021 17:00   Đã xem: 718   Phản hồi: 0

Nghị quyết số 01/NQ-TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 01/NQ-TU) đã thể hiện quyết tâm chính trị về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Kể từ khi Nghị quyết được ban hành vào ngày 31/12/2020, các cấp, ngành của tỉnh đã tích cực vào cuộc, tập trung cao độ thực hiện mục tiêu Nghị quyết từ việc tổ chức học tập, quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cho đến việc lựa chọn, đăng ký nội dung chuyển đổi số và xây dựng kế hoạch chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị, địa phương mình...

Đến nay, sau hơn 03 tháng triển khai, việc thực hiện chuyển đổi số tại Thái Nguyên đã đạt nhiều kết quả tích cực trên cả 03 trục: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trước hết, trong xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, UBND tỉnh Thái Nguyên đã công bố danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của các cơ quan nhà nước tỉnh Thái Nguyên. Theo đó, 1.231 thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện thực hiện cung cấp và thực hiện mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Thực hiện nhiệm vụ này, Sở Thông tin và Truyền thông đã chỉnh sửa tối thiểu 80% thủ tục hành chính theo danh mục được cung cấp, thực hiện mức độ 4 đối với 985 thủ tục trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh, kết nối, đồng bộ với 100% hệ thống một cửa điện tử trên địa bàn toàn tỉnh.

Hiện có 985 thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Thái Nguyên

Hệ thống Quản lý văn bản đi đến và điều hành tỉnh được quan tâm vận hành và duy trì thường xuyên. Dự ước trong quý I, hệ thống gửi/nhận trên 38.000 văn bản (ước tính tiết kiệm được khoảng 1,5 tỷ đồng tiền gửi/nhận văn bản, tiết kiệm được khoảng 3 triệu giờ/quý). Để đảm bảo trong công tác chỉ đạo, điều hành được thuận tiện, thông suốt và không phụ thuộc vào vị trí địa lý, Sở Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với các đơn vị liên quan nâng cấp, bổ sung phiên bản di động (mobile), dự kiến phiên bản sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong quý II/2021.

Bên cạnh đó, tỉnh đang thực hiện thí điểm Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tại trụ sở UBND tỉnh. Báo cáo với lãnh đạo UBND tỉnh trong buổi làm việc mới đây, ông Vũ Hồng Quân, Giám đốc Viettel Thái Nguyên - đơn vị phối hợp triển khai thí điểm Trung tâm IOC cho biết: Đến nay, Trung tâm IOC đã hoàn thành 10/11 hạng mục gồm: Đầu tư phòng điều hành thông minh hiện đại; nền tảng tích hợp, hiển thị thông tin điều hành (IOC): Tích hợp dữ liệu lĩnh vực y tế, giáo dục, giám sát thông tin, phản ánh hiện trường, camera trên bản đồ số; hệ thống phản ánh hiện trường với ứng dụng công dân Thái Nguyên (C-ThaiNguyen); nền tảng quản lý camera tập trung; hệ thống giám sát, điều hành giao thông; lắp đặt thí điểm hệ thống camera an ninh; hệ thống giám sát thông tin môi trường mạng; hệ thống cảnh báo cháy nhanh; phòng họp không giấy tờ; hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử. Viettel Thái Nguyên cam kết sớm hoàn thiện Trung tâm điều hành thông minh và Phòng họp không giấy tờ phục vụ công tác điều hành, góp phần thực hiện thành công chủ trương chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Thái Nguyên

Việc phát triển hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số là nội dung hết sức quan trọng. Hiện nay, hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin của tỉnh đã được đầu tư hiện đại, rộng khắp, sẵn sàng đáp ứng cho công tác chuyển đổi số. Cụ thể như, tỉnh đã đầu tư hạ tầng mạng viễn thông - công nghệ thông tin hiện đại, đồng bộ với mạng cáp quang từ tỉnh đến cấp huyện và 178 xã, phường, thị trấn; mạng di động 3G, 4G sẵn sàng cho 5G; xây dựng nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu (LGSP), kết nối liên thông với nền tảng quốc gia… Tính đến ngày 31/3/2021, tỷ lệ người dân được phủ sóng 3G, 4G đạt 95%; tỷ lệ người sử dụng dịch vụ điện thoại di động có điện thoại thông minh đạt 80%; số thuê bao băng rộng di dộng/100 dân đạt 70%; tỷ lệ xã có hạ tầng mạng băng rộng cáp quang đạt 100%. Ngoài ra, 100% cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có kết nối băng rộng cố định. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc VNPT Thái Nguyên cho biết: Là đơn vị được giao nhiệm vụ đồng hành, hỗ trợ tỉnh trong thực hiện Nghị quyết về chuyển đổi số, chúng tôi luôn bám sát mục tiêu Nghị quyết để cùng với chính quyền các cấp xây dựng khung chính quyền số, các giải pháp, chương trình hành động cụ thể thực hiện chuyển đổi số. Đặc biệt, hạ tầng viễn thông là một trong những nhiệm vụ hàng đầu được VNPT Thái Nguyên tiếp tục ưu tiên đầu tư, xây dựng đồng bộ, hiện đại. Đến nay, hệ thống cáp quang băng rộng của VNPT đã được đầu tư đến các thôn, xóm, thông tin vệ tinh, di động được phủ sóng rộng khắp, đáp ứng yêu cầu của người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Về công nghệ thông tin, VNPT đã xây dựng và làm chủ nhiều nền tảng công nghệ, hệ sinh thái số cốt lõi phục vụ chuyển đổi số như: Kết nối Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (BigData), điện toán đám mây (cloud), nền tảng thanh toán điện tử, trục liên thông văn bản quốc gia, dữ liệu dân cư quốc gia, Cổng Dịch vụ công quốc gia…; hệ sinh thái phục vụ chính quyền số, hệ sinh thái các ngành: Giáo dục, Y tế, Nông nghiệp, quản lý tài nguyên, môi trường, du lịch, hệ sinh thái cho các doanh nghiệp… Cùng với đó là nhiều ứng dụng dành riêng cho người dân trên di động như app DigiLife, MyTV, VNPT pay…

Điện lực Thái Nguyên là đơn vị sớm đưa công nghệ vào quản lý, điều hành lưới điện. (Ảnh: Trung tâm điều khiển lưới điện từ xa của Điện lực Thái Nguyên)

Trong phát triển kinh tế số cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Điển hình như đã thực hiện thí điểm giải pháp quản lý cây thông minh, xây dựng hệ thống quản lý cây xanh thông minh trên bản đồ số, bao gồm các ứng dụng dành riêng cho thiết bị thông minh (App mobile), ứng dụng trên máy tính cá nhân hỗ trợ các đơn vị quản lý, chăm sóc cây cập nhật thông tin hàng ngày, kiểm tra tình trạng cây xanh bằng điện thoại di động, quản lý danh mục, phân loại cây, thông tin từng cây, từng khu vực trồng...; xây dựng đưa vào sử dụng website OCOP Thái Nguyên, phần mềm quản lý chương trình OCOP theo yêu cầu. Ngoài ra, nhiều Sàn giao dịch thương mại điện tử, Website được xây dựng và đưa vào hoạt động đã góp phần quảng bá các sản phẩm thế mạnh của địa phương và tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phát triển. Theo thống kê cho thấy, hiện có 970 doanh nghiệp tham gia Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Thái Nguyên tại địa chỉ http://thainguyentrade.gov.vn với trên 2000 sản phẩm (trong đó hơn 1000 sản phẩm được bán trực tuyến) và có hơn 4000 lượt truy cập hàng năm. Tại Website Chè tích hợp truy xuất nguồn gốc (khai trương năm 2018), có trên 50 doanh nghiệp, đơn vị tham gia với trên 1000 sản phẩm bán trực tuyến, thanh toán theo hình thức COD và hỗ trợ cấp mã QR code miễn phí cho sản phẩm của các đơn vị. Đặc biệt, Điện lực Thái Nguyên đã trở thành đơn vị đi đầu trong chuyển đổi số từ quản lý vận hành đến phát triển khách hàng với 100% số trạm biến áp 110kV được điều khiển từ xa, thay thế trên 200.000 công tơ điện tử, đạt hơn 50% tổng số công tơ trên địa bàn; thực hiện dịch vụ cấp điện mới cho khách hàng 100% qua phương thức điện tử, sử dụng chữ ký số với cả bên mua và bên bán điện...

Trên lĩnh vực giao thông vận tải, chuyển đổi số thể hiện ở việc triển khai số hóa các hệ thống quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý doanh nghiệp hoạt động vận tải, phương tiện và người điều khiển phương tiện; thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (thông qua sim di động) 350 xe khách, 165 xe buýt và trên 2000 xe taxi; triển khai dán thẻ thu phí không dừng cho phương tiện đến đăng kiểm... Trong thanh toán không dùng tiền mặt, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng Kế hoạch thực hiện thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội (bảo đảm tiêu chí trên 96% thực hiện không dùng tiền mặt).

Về lĩnh vực du lịch, đó là việc số hóa dữ liệu các khu di tích lịch sử, văn hóa, du lịch trọng điểm để quảng bá hình ảnh Thái Nguyên. Đồng chí Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Thực hiện Nghị quyết về chuyển đổi số, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã khai trương và đưa vào vận hành Cổng Thông tin du lịch thông minh tỉnh Thái Nguyên. Ngoài ra, ngành cũng triển khai số hóa dữ liệu các di tích trên địa bàn để cung cấp thông tin cho các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích cũng như vận dụng vào phát triển du lịch địa phương; số hóa dữ liệu các cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch để thuận tiện trong quản lý và kịp thời điều chỉnh, nâng cao chất lượng các cơ sở theo tiêu chuẩn của Tổng cục Du lịch.

Trạm Y tế xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ và bác sỹ của Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ đã thực hiện ca chẩn đoán và xử trí ban đầu cho bệnh nhân tăng huyết áp được kết nối giữa qua hệ thống khám, chữa bệnh từ xa.

Đối với phát triển xã hội số, ngành Giáo dục và Đào tạo tích cực triển khai đào tạo trực tuyến, xây dựng kho dữ liệu ngành tại địa chỉ http://csdlgiaoduc.thainguyen.gov.vn. Đến nay, đã triển khai phần mềm ứng dụng quản lý nhà trường tại 100% cơ sở giáo dục, từ mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên; 100% cơ sở giáo dục có đường truyền internet, hạ tầng mạng LAN, phòng máy đảm bảo tối thiểu hạ tầng CNTT; 100% các đơn vị, nhà trường thực hiện khai thác ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, dạy và học, triển khai phần mềm soạn giảng giáo án điện tử... Ngành Y tế triển khai ứng dụng phần mềm quản lý thông tin y tế đến 178 trạm y tế, số hóa các hoạt động chuyên môn trong quản lý và khai thác dữ liệu của các trạm y tế; triển khai phần mềm kết nối liên thông quản lý các cơ sở bán lẻ thuốc và kết nối dữ liệu với hệ thống “Cơ sở dữ liệu Dược quốc gia”. Hiện tại 100% nhà thuốc, 76% cơ sở quầy thuốc đã sử dụng phần mềm và kết nối với hệ thống Dược quốc gia.

Nhìn lại 03 tháng triển khai Nghị quyết số 01/NQ-TU, có thể thấy, những kết quả đạt được trong thực hiện chương trình chuyển đổi số khẳng định tỉnh Thái Nguyên đã đi đúng hướng, nhất là trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tuy mới chỉ là bước đầu song kết quả này đã cho thấy quyết tâm chính trị cao của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Việc chuyển đổi số cũng đang dần trở thành xu hướng phát triển tất yếu của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh.

Để biến mục tiêu “...phấn đấu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc, đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, tạo tiền đề đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh/thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số...” thành hiện thực, theo ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: Phải có giải pháp cụ thể, trước mắt cần tập trung vào xây dựng cơ chế, chính sách chuyển đổi số của tỉnh để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp chuyển đổi số theo hướng toàn diện, hiệu quả, phù hợp với môi trường số; thu hút đầu tư các doanh nghiệp số đầu tư vào tỉnh, nhất là đầu tư vào Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình; tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng thông tin theo nguyên tắc bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, tăng cường dùng chung hạ tầng; hoàn thiện trung tâm dữ liệu, mạng truyền số liệu chuyên dùng, hệ thống phần mềm dùng chung, dịch vụ số hóa dữ liệu,… phục vụ hoạt động các cơ quan nhà nước một cách tập trung, thông suốt; xây dựng đô thị thông minh, trước mắt quan tâm đầu tư nguồn lực cho 3 đô thị (T.P Thái Nguyên, T.P Sông Công, T.X Phổ Yên)...

Tác giả bài viết: Thanh Thủy

Nguồn tin: thainguyen.gov.vn

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập56
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm51
  • Hôm nay27,718
  • Tháng hiện tại244,128
  • Tổng lượt truy cập25,760,951

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:46 | lượt tải:24

STT 13

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:284 | lượt tải:112

STT 13

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:287 | lượt tải:111

09/2023/NQ-HĐND

Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông

Lượt xem:749 | lượt tải:174

274/TB-VPCP

Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:772 | lượt tải:245

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây