Dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Nguyễn Hòa Bình, Hồ Đức Phớc; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên, tham dự có các đồng chí: Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cơn bão số 3 đã gây hậu quả nghiêm trọng, hoàn lưu bão sẽ tiếp tục gây mưa lũ, nhất là tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung đánh giá đúng tình hình, tăng cường công tác dự báo, tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin cho nhân dân; thực hiện "4 tại chỗ" trong công tác ứng phó với mưa bão; đánh giá hậu quả, phân tích, chia sẻ các bài học kinh nghiệm; triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả trong thời gian ngắn nhất có thể và các biện pháp lâu dài, chiến lược.
Sau khi nghe đại diện các bộ, ngành, địa phương báo cáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao công tác chuẩn bị ứng phó, nỗ lực khắc phục hậu quả của các bộ, ngành, địa phương trước và trong cơn bão số 3. Thủ tướng yêu cầu phải khẩn trương rà soát để kịp thời ứng cứu những người bị nạn, bố trí chỗ ăn, ở cho các gia đình bị ảnh hưởng nặng, không để người dân bị thiếu chỗ ở, thiếu ăn, thiếu mặc; khẩn trương khắc phục các sự cố về điện, nước, viễn thông; thống kê lại thiệt hại, dự báo các điểm có nguy cơ ngập lụt, sạt lở… để triển khai các biện khắc phục, phòng ngừa kịp thời.
Các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả; lực lượng chức năng tiếp tục duy trì ứng trực; đẩy mạnh công tác truyền thông, dự báo, khắc phục hậu quả sau bão; kịp thời xử lý các vấn đề liên quan đến đời sống của nhân dân, sản xuất, kinh doanh, ứng phó sạt lở, sụt lún. Thủ tướng đề nghị các nhà mạng liên kết chia sẻ kết nối mạng để bảo đảm sóng viễn thông phục vụ công tác chỉ huy, khắc phục hậu quả thiên tai…
Sau Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ, ngành sẽ đến các địa phương trực tiếp nắm tình hình, chỉ đạo triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả cơn bão.
Theo báo cáo, bão số 3 (siêu bão Yagi) và hoàn lưu bão có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp từ khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa (26 tỉnh, thành phố). Để ứng phó, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, liên tiếp ban hành 3 công điện khẩn để chỉ đạo các bộ, ban, ngành, địa phương khẩn trương, tập trung triển khai các biện pháp ứng phó. Các lực lượng, địa phương đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc các công điện và hoàn thành khối lượng công việc rất lớn trước khi bão đổ bộ, như: Kiểm đếm, hướng dẫn cho 51.319 tàu cá, 219.913 người dân về nơi tránh trú; sơ tán 52.979 người trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, trong những ngôi nhà yếu đến nơi an toàn; huy động 438.275 người, 6.642 phương tiện các loại để ứng phó với bão, phân công lực lượng ứng trực tại các vị trí xung yếu…
Về thiệt hại bước đầu (tính đến 7 giờ ngày 8-9, do trời tối, sóng to, gió lớn và mất điện, mất liên lạc nên các địa phương chưa thống kê được đầy đủ) đã có 5 người chết, 186 người bị thương; 25 tàu bị chìm; nhiều địa phương bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng; 3.279 nhà ở bị hư hỏng; 401 cột điện bị gãy đổ; 121.500ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hại..
Đến sáng 8-9, bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Tây Bắc bộ. Dự báo trong 12-24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới sẽ suy yếu thành vùng thấp và tan dần.
Tại tỉnh Thái Nguyên, tính đến 14h ngày 8-9, đã có 01 người bị nước lũ cuốn trôi, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 5,5 tỷ đồng; 35 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng; 7 điểm trường bị tốc mái; 477,5ha lúa bị đổ, ngập; 3.540 cây xanh bị gãy, đổ; 302 con gia súc, gia cầm bị chết, lũ cuốn trôi; 3 chuồng trại chăn nuôi bị tốc mái, hư hỏng… Bão lũ cũng đã làm ngập 3 cầu tràn; 150m bờ sông bị sạt lở; đổ 37 cột điện, 3 trạm biến áp bị cháy…
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo các địa phương huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm ổn định đời sống và sản xuất; tổ chức kiểm tra, rà soát, thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra để có phương án ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả. Các sở, ngành, địa phương chủ động triển khai lực lượng, phương tiện, vật tư ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, tổ chức canh gác tại các khu vực cầu tràn, đường tràn bị ngập sâu, bảo đảm an toàn về người và phương tiện tham gia giao thông, khắc phục các sự cố, thiệt hại, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân sau bão…
Nguồn tin: baothainguyen.vn:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thông tư 12/2024/TT-BTTTT
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông
Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam