- Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận xét Thái Nguyên là một trong những địa phương làm tốt nhất Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 – vì sao vậy, thưa ông?
- Tại phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên ngày 5.7.2022, các thành viên Hội đồng đều đánh giá cao Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên, cho rằng đây là bản quy hoạch có chiều sâu, phương pháp tiếp cận khoa học, hiện đại với số liệu minh chứng rõ ràng đầy đủ; các phân tích, lý giải logic, thuyết phục và xác đáng.
Có thể thấy, việc tổ chức lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được tỉnh Thái Nguyên triển khai một cách bài bản, khoa học, tuân thủ quy trình lập quy hoạch, có sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan lập quy hoạch, các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện trong tỉnh với tư vấn lập quy hoạch.
Tỉnh cũng hết sức cầu thị trong việc tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành, các tổ chức, địa phương có liên quan cũng như sự tham gia đóng góp của các chuyên gia hàng đầu trên các lĩnh vực.
Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên có những lợi thế trong quá trình lập quy hoạch, đó là Bộ Chính trị đã sớm ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10.2.2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là cơ sở để định hướng cho sự phát triển của tỉnh Thái Nguyên cũng như các tỉnh trong vùng.
Đặc biệt, Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thể hiện tâm huyết của toàn bộ hệ thống chính trị và các cấp chính quyền, nhân dân của tỉnh, là nỗ lực của các chuyên gia tư vấn với mục tiêu xây dựng bản quy hoạch không phải tốt nhất mà là hiệu quả nhất, phù hợp nhất, tương xứng nhất với tiềm năng của tỉnh.
- Theo ông, khi triển khai thực hiện Quy hoạch, tỉnh Thái Nguyên cần lưu ý điều gì?
- Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên hướng tới mục tiêu mang lại lợi ích cao nhất cho địa phương, gắn với lợi ích của vùng, của quốc gia nên cần phải có tầm chiến lược, có tư duy mới, cách làm mới.
Theo đó, UBND tỉnh cần mạnh dạn, táo bạo và đột phá hơn trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch; chỉ đạo các sở, ban, ngành khẩn trương căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện quản lý quy hoạch; tham mưu đề xuất và tổ chức triển khai các nội dung theo quy hoạch, gắn với chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; tiếp tục phát huy đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi, huy động các nguồn lực để thực hiện quy hoạch.
Cần phải khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành về xây dựng, đất đai bảo đảm phù hợp Quy hoạch tỉnh được phê duyệt, làm cơ sở đề xuất cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, tạo không gian mới, động lực mới cho sự phát triển của tỉnh.
Bên cạnh lợi thế về vị trí, về cơ sở hạ tầng, Thái Nguyên có thế mạnh về sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo; là trung tâm giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; là trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe, trung tâm du lịch, trung tâm chuyển đổi số năng động.
Thái Nguyên cũng là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế lớn trong phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh với những địa điểm quan trọng như: Hồ Núi Cốc, ATK Định Hóa, khu vực sườn Đông Tam Đảo, di tích Lý Nam Đế, di tích lịch sử Đại đội 915… Do vậy, Thái Nguyên cần phải phát huy hơn nữa trong thu hút các nguồn lực để đầu tư vào các lĩnh vực có lợi thế, có tiềm năng, nhất là đầu tư cho du lịch, các dự án du lịch, nghỉ dưỡng, sân gôn, du lịch tâm linh...
Tôi nghĩ rằng, các cấp, các ngành cần bắt tay ngay vào việc triển khai thực hiện quy hoạch một cách quyết liệt, hiệu quả. Tỉnh cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về hạ tầng (công nghiệp, điện, giao thông, thương mại, du lịch…); thực hiện hiệu quả phương án phát triển các khu, cụm công nghiệp đã được phê duyệt; chú trọng, phát huy tiềm năng lợi thế về phát triển công nghiệp, đặc biệt là tại khu vực phía Nam, cũng chính là khu vực động lực phát triển theo Quy hoạch tỉnh.
Đồng thời, khẩn trương huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông với các tuyến đường trọng điểm như tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn, đường Vành đai V; đường liên kết, kết nối tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc; các tuyến đường quốc lộ…
- Công tác quy hoạch là nhiệm vụ khó, phức tạp, có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của địa phương. Các địa phương khác có thể tham khảo được kinh nghiệm gì từ bản quy hoạch của tỉnh Thái Nguyên không, thưa ông?
- Ngay sau khi công bố Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên, Nhà máy thuộc Tập đoàn Công nghệ Guanhong (Trung Quốc) sản xuất thiết bị truyền thông đã cam kết đầu tư với tổng số vốn là 80 triệu USD. Nhiều nhà đầu tư về máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện điện tử được khánh thành tại Khu Công nghiệp Yên Bình (Phổ Yên, Thái Nguyên). Gần đây nhất, Tập đoàn Sunny Group đã thoả thuận đầu tư thêm 2,5 tỷ USD tại Khu Công nghiệp Yên Bình (Phổ Yên, Thái Nguyên)…
Tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đã có 8 dự án FDI được cấp mới, với tổng số vốn đăng ký là 98,2 triệu USD. Qua đó cho thấy, tỉnh Thái Nguyên đã tạo được “đòn bẩy”, biến Thái Nguyên thành “mảnh đất hứa” cho các nhà đầu tư.
Hiện đã có 10 Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các bản quy hoạch này cơ bản phù hợp với nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các địa phương còn lại đang trong quá trình hoàn thiện Quy hoạch. Điều các địa phương có thể rút ra đó là Quy hoạch tỉnh phê duyệt càng sớm thì sẽ sớm có động lực mới, dự án mới và nhà đầu tư mới.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn tin: daibieunhandan.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thông tư 12/2024/TT-BTTTT
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên
công khai dự toán ngân sách 2024