Hội Nhà báo Việt Nam và các ngành chức năng của tỉnh Thái Nguyên đang gấp rút chuẩn bị tổ chức chương trình khánh thành và bàn giao Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Đây là một trong những hoạt động đầu tiên nằm trong chuỗi hoạt động hướng tới 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025) và 75 năm ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 – 21/4/2025).
Công trình thiết thực chào mừng 75 năm ngày thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, với mong muốn khai thác và phát huy hiệu quả những giá trị lịch sử to lớn của Di tích, bổ sung thêm một điểm đến ý nghĩa trên bản đồ báo chí Việt Nam đương đại, đáp ứng mong mỏi của các thế hệ người làm báo cả nước, hấp dẫn công chúng trong và ngoài nước.
Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng có hướng nhìn ra Hồ Núi Cốc, trên địa bàn xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Ngay phía bên ngoài là bức phù điêu hình ảnh 48 chân dung các thành viên Ban Giám hiệu, giảng viên và học viên của Trường. Nhà báo Trần Thị Kim Hoa - Phụ trách Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết, có nhiều nhà báo được khắc họa chân dung giống như thật, tất cả đều được làm cẩn thận, tỉ mỉ... đây được coi là một trong những điểm nhấn tại Di tích.
Bia Di tích lịch sử Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng giới thiệu về sự ra đời của Trường. Do hoàn cảnh kháng chiến, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng chỉ tổ chức được duy nhất một khóa học ngắn hạn.
Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, đặt tên và chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh tổ chức thực hiện. Ban Giám đốc Trường được chỉ định thành lập gồm 5 người, trong đó ông Đỗ Đức Dục, Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh làm Giám đốc; ông Xuân Thủy làm Phó Giám đốc...
Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng khi được khánh thành sẽ là nơi hiện hữu nhiều tư liệu, ảnh, ấn phẩm báo chí quý giá lần đầu được công bố.
Nhiều hiện vật quý hiếm mới được sưu tầm, như máy in nhãn hiệu Planten Press, sản xuất năm 1950. Đây là hiện vật quý trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Từ chiếc máy in này, nhiều ấn phẩm và các số báo đã ra đời phục vụ nhiệm vụ, yêu cầu của báo chí cách mạng tại chiến khu.
Lớp học diễn ra trong 3 tháng đã giúp các học viên lĩnh hội một chương trình đồ sộ gồm cả lý thuyết, chuyên môn và thực hành. Lớp học này luôn được sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác đã 2 lần liền gửi thư đến lớp động viên, căn dặn các học viên. Trong ảnh, danh sách các học viên, giảng viên được nêu tên chi tiết.
Đến tham quan công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng các học sinh và giáo viên đã bày tỏ sự yêu thích, say mê khám phá hệ thống tư liệu phong phú, đa dạng của Di tích, trong đó có nhiều tư liệu, hiện vật quý về báo chí cách mạng Việt Nam.
Cô Hà Thị Hương Quỳnh giáo viên tổng phụ trách đội và cô Lê Thuỳ Dung giáo viên dạy Toán của trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Thái ( Xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) cho biết, hàng năm trường vẫn luôn duy trì chương trình tham quan học tập trải nghiệm di tích lịch sử trên địa bàn, qua đó cho học sinh tìm hiểu về di tích lịch sử của địa phương, từ đó bày lòng biết ơn sâu sắc những đóng góp cống hiến của thế hệ ông cha xưa.
Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng mặc dù chưa được chính thức đi vào hoạt động, nhưng đã có nhiều cơ quan báo chí, hội viên nhà báo ở khắp nơi đăng ký về tham quan học tập và tổ chức sinh hoạt nghiệp vụ.
Nguồn tin: congluan.vn:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thông tư 12/2024/TT-BTTTT
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên
công khai dự toán ngân sách 2024